TTCT - Cứ gần đến Noel, miền Nam lại xuất hiện nhiều chợ bán áo quần giày dép ở các vỉa hè gần các khu công nghiệp. Đây là dịp mà công nhân đi mua sắm, và cũng là dịp để họ thỏa nhu cầu được thể hiện mình ở đám đông. Khu trọ công nhân tại quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: Ngọc PhượngCuối năm cũng là thời điểm các đám cưới diễn ra với mật độ dày đặc. Những hồ hởi mừng vui, những áo váy rực rỡ được dịp khoe ra để rất nhiều người tìm được những khoảnh khắc họ được là mình trong mơ ước. Dẫu đằng sau đấy là nỗi lo khi mà đồng nghiệp ở trong công ty thì đông, xã giao ở đâu thì không biết, gặp mặt ở xưởng hằng ngày, nhận được thiệp mời thì người Việt không mấy ai có thói quen từ chối đi dự cưới.Công nhân tự xoay xở là chínhNhững tháng cuối năm, ít thì bốn, nhiều thì tám cái thiệp. Tiền mừng sẽ mất từ 2-5/10 thu nhập, đấy là khi công ty còn đủ việc để tăng ca, thưởng Tết còn đoán được để có tiền mà bù vào cho dịp về quê ăn Tết. Đám cưới công nhân dù tổ chức ở nhà hàng kiểu công nhân, nhưng không khí bao giờ cũng vui vẻ hết mình gấp mấy ở nhà hàng tiệc cưới 5 sao trên Sài Gòn.Bởi đấy là dịp anh em chiến hữu cùng xưởng được uống bia tẹt ga với nhau, được làm ca sĩ có dàn nhạc sống, chị em cùng tổ được se sua diện đồ up Facebook, cho bõ những ngày chỉ độc mỗi bộ đồng phục đơn điệu, thẳng đơ. Đám cưới đồng nghiệp công ty, chính xác là sự kiện văn hóa đáng mong chờ nhất của người công nhân, nếu không nói, với một số người, dường như là duy nhất.Đời sống tinh thần của người công nhân trong các khu công nghiệp luôn là câu hỏi giống lời tự vấn hơn là để phát sinh nhu cầu trả lời. Thời khởi thủy, các nhà máy FDI thường có một không gian dự trữ cho nhu cầu phát triển tương lai - đa số sân bóng đá của các công ty có được đều nhờ quỹ đất này. Phong trào bóng đá do đó có cơ may phát triển.Nhưng sau đó vài năm, khi công ty cần đất để mở thêm xưởng, sân bóng mất đi, đội bóng công ty vì vậy cũng teo tóp dần. Những hoạt động văn hóa thể thao trong nhà máy chủ yếu do các cá nhân tự phát hô hào và cũng chỉ có thể tồn tại khi nhiệt huyết còn. Vai trò của các hội đoàn tập thể và đại diện là công đoàn khó mà nói có tác dụng đáng kể khi những gì tổ chức này làm được, chủ yếu vẫn chỉ là… hình thức.Tổ chức công đoàn cơ sở mỗi năm sẽ có mấy dịp tặng quà Tết, Trung thu, 8-3, 20-10 và giỏi lắm là một chuyến đi chơi gần gần cho cả công ty vào giữa năm. Mà những việc đấy, không có công đoàn thì phòng nhân sự hành chính vẫn đảm nhiệm, nên nói công nhân tìm thấy ở công đoàn một chỗ dựa và sự giúp đỡ đáng tin cậy, e là quá lời.Một dẫn chứng là trong hàng trăm cuộc đình công, lãn công tự phát diễn ra mấy chục năm qua, vai trò hòa giải hay thậm chí là tổ chức đình công cho đúng luật - rất hiếm khi công đoàn làm được. Có một thực tế là trong doanh nghiệp FDI, những nhân sự có vấn đề nhưng chưa đến mức phải cho nghỉ việc, sẽ được điều chuyển phụ trách các lĩnh vực như môi trường, an toàn và… công đoàn.Khi công nhân nhận được thông báo nghỉ việc vì lý do thiếu đơn hàng, sự thực là nhiều công đoàn cơ sở hầu như không được biết trước và cũng không có vai trò tham vấn nào trước khi giới chủ ra quyết định. Cấp có quyền đưa ra những quyết định thương lượng với giới chủ - theo quy định của tổ chức công đoàn - là cấp trên của công đoàn cơ sở, những công chức ăn lương của tổ chức công đoàn, mà họ thì ở… xa lắm.Vật chất khó khăn, tinh thần thiếu thốnCũng từ lâu lắm rồi, không có show ca nhạc nào của các ca sĩ hạng A về khu công nghiệp biểu diễn, các tác phẩm văn học tiếng tăm đề cập đến hình ảnh người công nhân lại càng hiếm hoi, điều có phần lạ lùng khi đất nước ngày nay đang công nghiệp hóa mạnh mẽ, so với thời 40-50 năm trước chẳng hạn.Sự quan tâm chung của xã hội, và Nhà nước, với đời sống tinh thần người công nhân thiếu và chỉ mang tính hình thức. Nhưng bản thân người công nhân trong bối cảnh hiện tại cũng chưa tự thân xây dựng cho mình một đời sống tinh thần lành mạnh. Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động: "Hơn 60% công nhân ở các khu công nghiệp không xem tivi, nghe đài, 85% không đọc sách báo, 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên, 65% không tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng".Thu nhập không đủ để chi cho các nhu cầu tinh thần, thể trạng mệt mỏi do cường độ công việc chân tay ở nhà máy cao là nguyên nhân chủ yếu khiến người lao động không có thời gian, tâm trí và ngân sách dành cho nhu cầu đáng lẽ phải được coi là quan trọng nhất cho việc phục hồi năng lượng cơ thể.Hết giờ làm, lành mạnh nhất là về nhà trọ cơm nước, nghỉ ngơi. Thanh niên trẻ, cuối tuần, niềm vui ngoài đi dự đám cưới, là tụ tập ăn uống rượu bia rồi hát hò tăng hai tăng ba… Đó không phải là hiện tượng mà là phổ biến. Đời sống tinh thần nghèo nàn dẫn đến nhiều hệ lụy và tệ nạn xã hội, mà những nữ công nhân là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất, thậm chí là không ít bi kịch.Chúng ta buộc phải thừa nhận một lý do, môi trường công việc của người công nhân đã hạn chế luôn cách suy nghĩ và tầm nhìn của họ. Lấy câu chuyện của thế hệ người viết, sau 7-10 năm làm việc trong một nhà máy FDI ở Đồng Nai, được gọi là chuẩn mực về quản trị và chế độ chính sách, khi có cơ hội làm việc ở môi trường kinh doanh ở Sài Gòn, các kỹ sư, cử nhân từng có vị trí trong nhà máy, tất cả đều ngơ ngác, không biết gì và phải học hỏi lại từ đầu. Mà đó là kỹ sư, cử nhân rồi đấy.Chúng ta cũng phải chấp nhận luôn một điều là giới chủ, dù dưới bất cứ hình thức truyền thông khôn khéo nào, đều muốn nhân viên, người làm công của mình giới hạn tầm nhìn để tiếp tục cống hiến cho công ty, chứ không khơi gợi cho họ một chân trời mới.Khi các công nhân may hùn tiền lại mua nước ngọt, thức ăn và bia bày ra trên bãi cỏ làm một buổi tiệc chia tay sau khi nhận tin bị chấm dứt hợp đồng do công ty hết việc, chúng ta thấy ở đó một tinh thần cộng đồng của người công nhân, nhưng còn cả một bi kịch từng diễn ra rất lâu, từ mấy chục năm về trước, ở đâu đó trên thế giới. Người công nhân không sản nghiệp, chưa có được một đệm đỡ khả dĩ đến từ một khoản bồi thường nghỉ việc hợp lý từ giới chủ, một ngân sách từ khoản bảo hiểm thất nghiệp mà họ đã nộp mỗi tháng, và sự hỗ trợ từ các hội đoàn truyền thống. Rốt cuộc, họ không luôn cả chỗ bấu víu về mặt tinh thần khi mất việc làm, dù luôn được coi là động lực để quốc gia phát triển.■ Tags: Đời sống công nhânKhu công nghiệpĐời sống tinh thầnTổ chức công đoànNữ công nhânNgười làm côngMất việc làmĐám cưới công nhânCông đoàn cơ sởNhà trọ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".