Đồng sàng dị mộng

NGUYỄN NGỌC HÙNG 11/09/2014 13:09 GMT+7

TTCT - Với Iran, nước cộng hòa Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng cũng là mối đe dọa trực tiếp cả về hệ tín ngưỡng tôn giáo lẫn trên bình diện địa - chính trị.

Người Shiite Iraq vui mừng sau khi quân đội Iraq được không quân Mỹ yểm trợ hỏa lực đã giải vây hoàn toàn thị trấn Amerli ngày 1-9 để cứu 16.000 người Shiite bị IS vây hãm từ hai tháng trước - Ảnh: Reuters
Người Shiite Iraq vui mừng sau khi quân đội Iraq được không quân Mỹ yểm trợ hỏa lực đã giải vây hoàn toàn thị trấn Amerli ngày 1-9 để cứu 16.000 người Shiite bị IS vây hãm từ hai tháng trước - Ảnh: Reuters

IS theo triết lý Hồi giáo nguyên gốc dòng Sunni, coi tất cả những ai không theo họ đều là “ngoại đạo” hoặc “tà đạo”. Đối với IS, dòng Hồi giáo Shiite mà Iran được coi là đại diện cũng thuộc diện “tà đạo” không thể đội trời chung. 

Tham vọng của Iran bị đe dọa

Chỉ trong thời gian ngắn từ đầu tháng 6-2014 đến nay, tại các khu vực IS chiếm được ở Iraq, tổ chức này đã công khai thực hiện một chiến dịch triệt hạ hết các cơ sở thờ tự của những tôn giáo bị chúng coi là “ngoại đạo” và “tà đạo”, trong đó có hàng chục giáo đường, lăng tẩm của dòng Shiite.

IS công khai tuyên bố mục tiêu tiến chiếm những thánh địa linh thiêng nhất của dòng Shiite tại hai thành phố Karbela và Najaf. Không dễ gì IS có thể thực hiện được tham vọng ngông cuồng này. Nhưng nếu chúng quyết làm như vậy thì không biết điều gì sẽ xảy ra với các thánh địa thiêng liêng của dòng Shiite.

Về mặt địa - chính trị, việc IS kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở đôi bên biên giới Iraq - Syria khiến con đường chiến lược từ Iran sang Syria bị đe dọa nghiêm trọng.

Từ giữa tháng 6-2014, khi IS hoạt động mạnh tại nhiều khu vực mà xa lộ nối liền Iraq - Syria chạy qua, sức chiến đấu của quân chính phủ Syria giảm sút đáng kể bởi hàng viện trợ từ Iran cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad không thể vận chuyển trên tuyến đường này như trước đó.

Hiện nay, địa giới phía đông của IS chỉ còn cách biên giới phía tây bắc Iran chưa đầy 100km. Truyền thông Iran hồi đầu tháng 8 đã đưa tin về một số hoạt động công khai tuyên truyền của IS ngay tại khu vực người Kurd và người Sunni trên lãnh thổ tây bắc và đông nam Iran.

Sự bành trướng của IS tại Iraq còn cổ vũ các nhóm vũ trang bất hợp pháp người Sunni ở Baluchistan thuộc đông nam Iran.

Vai trò của Iran tại khu vực Đông Ả Rập bỗng nhiên bị đe dọa, không phải từ phía Mỹ hay Israel, mà từ nhóm đồng đạo IS!

Mỹ bị động và lúng túng

Sau vụ video clip cảnh nhà báo Mỹ James Foley bị IS cắt cổ tại Syria được tung lên Internet ngày 20-8, Mỹ và phương Tây đánh giá IS là hiểm họa trực tiếp với chính họ, thậm chí nguy hiểm hơn cả al-Qaeda.

Mỹ và phương Tây đang ráo riết triển khai hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống lại IS ở cả Iraq và Syria, ngăn chặn các nguồn tài trợ và cung cấp nhân lực cho IS, đồng thời vận động hình thành một liên minh khu vực gồm cả Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại tổ chức khủng bố này.

Nhưng cho đến cuối tháng 8, Tổng thống Barack Obama vẫn chưa đưa ra được một đường lối chiến lược rõ ràng để chống IS tại Syria. Dự kiến vào cuối tháng 9 này, nhân dịp khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Mỹ sẽ bảo trợ một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về chống IS.

Ở Iraq, Mỹ và một số đồng minh Tây Âu (Anh, Pháp, Đức...) đã thật sự cung cấp quân cụ cho người Kurd, đồng thời Mỹ liên tiếp hỗ trợ hỏa lực không quân để người Kurd chiến đấu giành lại một số khu vực vốn đã rơi vào tay IS, quan trọng nhất là đập nước Mosul.

Ngày 30-8, lần đầu tiên không quân Mỹ yểm trợ hỏa lực giúp quân đội Iraq trong chiến dịch giải vây cho thị trấn Amerli cách Baghdad 160km về phía bắc, để cứu 16.000 người Shiite bị IS vây hãm từ hai tháng trước.

Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định không đưa binh sĩ Mỹ trở lại Iraq, trừ vài trăm “cố vấn” đã đến Iraq từ tháng 6 nhưng không tham chiến. Điều này phù hợp với đường lối chiến lược của ông Obama không để nước Mỹ dính líu đến một cuộc chiến nào nữa tại Trung Đông.

Nhưng không loại trừ những phi vụ biệt kích chớp nhoáng như chính Mỹ đã công bố việc giải cứu (bất thành) nhà báo Foley “hồi mùa hè vừa qua”.

Để đối phó với IS ở Iraq, ông Obama buộc phải lặp lại kinh nghiệm của cựu tổng thống George W. Bush là dùng chính người Iraq theo dòng Sunni. Đại sứ quán Mỹ ở Iraq đã thảo luận với các thủ lĩnh Sunni để thành lập các đơn vị dân binh của dòng Hồi giáo này tại các địa phương mà IS đang làm chủ hoặc hoạt động mạnh.

Lực lượng dân binh này do Mỹ huấn luyện và trang bị, được tổ chức tương tự đạo quân chính quy Peshmerga của người Kurd và không phụ thuộc vào quân đội Iraq.

Quyết định này của Mỹ thật ra là buộc phải chấp nhận một liều thuốc đắng: lực lượng dân binh Sunni cũng như các tổ chức vũ trang khác tồn tại ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Iraq rồi sẽ dẫn đến hiểm họa tương tự tình trạng hỗn mang đang diễn ra tại Libya.

Với Syria, mãi đến ngày 26-8 Tổng thống Obama mới cho phép tiến hành các hoạt động bay do thám nhằm tính toán các bước đi tiếp theo chống IS. Nhà Trắng chưa quyết định không kích chống IS tại Syria, bởi Mỹ chưa thể hợp tác với bên nào ở Syria như tại Iraq.

Phe đối lập Syria không chính quy và không đáng tin cậy như người Kurd Iraq để Mỹ có thể coi là “đối tác”. Còn chính quyền al-Assad thì Mỹ vẫn coi là cần phải bị loại bỏ.

Giới phân tích cho rằng hoạt động quân sự của Mỹ tại Syria có thể sẽ tương tự việc Mỹ đã hành xử ở Pakistan: đơn phương tiến hành oanh kích bằng máy bay không người lái vào các mục tiêu được chấm định trước, đồng thời sử dụng biệt kích trong trường hợp cần thiết như vụ tiêu diệt Bin Laden hồi tháng 5-2011. Nhưng ai mà biết được nếu Mỹ bí mật hành động chớp nhoáng? 

Theo truyền thông Ả Rập, máy bay Mỹ đã thực hiện một vụ không kích ngày 23-8, đánh vào các toán quân IS đang bao vây căn cứ không quân của Syria ở phía nam thành phố Reqqa. Nhân chứng tại chỗ nói các “máy bay lạ” oanh tạc mục tiêu với độ chính xác mà máy bay của quân đội Syria không thể làm được như vậy (?).

Iran vừa đối phó trước mắt, vừa tính toán lâu dài

Truyền thông Ả Rập đưa nhiều tin về những động thái lặng lẽ của Iran nhảy vào Iraq chống IS. Có tin nói tướng Qasem Suleimani, tư lệnh lực lượng Falaq al-Quds của Vệ binh cách mạng, đã có mặt tại Kurdistan Iraq từ ngày 8-8 cùng với “300 tay súng thiện chiến”.

Đảng Dân chủ Kurdistan của Iran cũng nói đã gửi 150 chiến binh sang cùng người Kurd Iraq chống IS. Kênh alarabiya.net ngày 31-8 dẫn “một nguồn tin người Kurd” nói Vệ binh cách mạng đã gửi “hàng ngàn binh sĩ thuộc sư đoàn số 81” đến miền bắc Iraq. 

Trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Iran ngày 26-8 tại Arbeel, người đứng đầu khu tự trị Kurdistan Iraq - ông Masoud Barazani - nói Iran đã cung cấp vũ khí cho người Kurd và là một trong những quốc gia đầu tiên đáp ứng nhu cầu của người Kurd Iraq về vũ khí, đạn dược để chiến đấu chống IS. 

Ngay từ tháng 6, khi IS tuyên bố thành lập, Iran đã hợp tác với phe Shiite Iraq để chiêu mộ các đơn vị “tình nguyện chống khủng bố”. Người Ả Rập cho rằng Iran viện cớ “chống IS” để hình thành một lực lượng vũ trang riêng của dòng Shiite, không phụ thuộc vào quân đội của Chính phủ Iraq.

Về lâu dài, lực lượng “tình nguyện” này sẽ được giáo quyền Shiite Iraq sử dụng tương tự Vệ binh cách mạng ở Iran, chuẩn bị cho khả năng quân đội Iraq không còn do dòng Shiite điều hành.

Mục tiêu đối nghịch nhau

Sự can dự của Mỹ và Iran vào Iraq tuy cùng chung mục đích trước mắt là chống IS, nhưng mỗi bên lại có mục tiêu lâu dài khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Mỹ muốn giúp dòng Sunni giành lại vai trò cân bằng trong chính quyền Iraq, nhằm kéo Iraq ra khỏi tình trạng bị Iran chi phối như hiện nay. Điều này đồng nghĩa với mục tiêu khôi phục ảnh hưởng của Mỹ tại Iraq.

Trong khi đó, Iran muốn giúp phe Shiite giữ được vai trò chi phối trong chính quyền Iraq để phục vụ các toan tính của Iran tại khu vực Đông Ả Rập, trước mắt là giữ Iraq như một địa bàn trung chuyển để Iran tiếp tục trợ giúp cho chính quyền Syria và Hezbollah Lebanon. Điều này đồng nghĩa với mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ quay lại Iraq như trước năm 2011.

Nhưng Mỹ vẫn chưa hợp tác thật sự với chính quyền Iraq trong cuộc chiến chống IS, bởi chính quyền này vẫn do phe Shiite thân Iran kiểm soát. Ngược lại, Iran ráo riết hoạt động nhằm duy trì thế thượng phong của dòng Shiite trong chính quyền Iraq mới, nhất là giữ ghế bộ trưởng quốc phòng.

Iran tuyên bố đã có ba cuộc thương thuyết với Mỹ về hợp tác chống IS tại Iraq, nhưng phía Mỹ luôn khẳng định không bàn với Iran về hợp tác chống IS. 

Với những mục tiêu chiến lược đối nghịch nhau như vậy, Mỹ và Iran khó có thể hợp tác thật sự để chống IS tại Iraq, dù IS là mối đe dọa của cả đôi bên.

Theo alhayat.com ngày 1-9, IS đã tuyên bố thành lập “bang al-Forat” bao gồm hai thị trấn liền kề nhau ở hai bên biên giới là al-Bukman (Syria) và al-Qaim (Iraq).

Với việc thành lập “bang” này, IS đã xóa đường biên giới được hình thành từ năm 1916 theo một hiệp định ký giữa Anh và Pháp để chia khu vực Trung Đông thành các quốc gia như hiện nay.

Trước đó, IS đã thành lập hai “bang” khác nhưng đều thuộc Syria: al-Khair (tỉnh Deir ez-Zor) và al-Baraka (tỉnh Raqqa).

Nguồn tham khảo: www.alarabiya.net, alhayat.com, aawsat.com.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận