TTCT - Ông Lý Đại Nghĩa là chủ tịch Hiệp hội Bóng chày TP.HCM, tổng thư ký Liên đoàn Judo Đông Nam Á, phó giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao TP.HCM và admin trang Cộng đồng khoa học thể thao VN. Ông chia sẻ với TTCT về câu chuyện doping đang chấn động thể thao VN. Trung tâm doping và y học thể thao ở phố Đỗ Xuân Hợp, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội (ảnh chụp ngày 19-9). Ảnh: NAM TRẦNMấy ngày nay báo chí trong nước đưa nhiều bản tin "Thể thao Việt Nam rúng động vì doping", "Án phạt nặng chờ 6 VĐV…", "Dính doping, VĐV Việt Nam bị tước huy chương SEA Games 31"… Thật ra, mình cũng chả muốn bàn gì bởi cái sự "đương nhiên" của sự cố thể thao này, nhưng một ông anh alô bảo: "Các bạn làm khoa học thể thao mà không nói gì về chuyện này thì kỳ quá. Cần phải nói chút gì đó để xã hội hiểu đúng về doping và hiện trạng thể thao của mình chứ". Nên mình mạn phép có vài ý chia sẻ cùng cộng đồng.Ranh giới mong manhTrước tiên, nên hiểu doping là gì? Dễ hiểu nhất là dùng "cách cấm" hoặc "chất cấm" để làm tăng năng lực vận động, mà điều này tổn hại đến tinh thần thể thao chân chính và sự lành mạnh về thể chất, tâm lý, đạo đức của vận động viên. Hiện nay, người ta phân loại 3 nhóm:Doping máu: để tăng vận chuyển oxy qua hồng cầu (các môn sức bền), thường là các hormone sản xuất hồng cầu như erythropoietin.Doping cơ: giúp tăng sức mạnh cơ do sản sinh hormone androgen (các môn sức mạnh), thường là các chất steroid đồng hóa.Doping thần kinh: làm ngăn chặn điều khiển và phản hồi cơ bắp tới hệ thần kinh, kích thích sự hoạt động của cơ thể (các môn đấu đối kháng), thường là các chất kích thích thần kinh như amphetamin hay cocaine.Trong huấn luyện thể thao, để nâng cao năng lực vận động hay một tố chất thể lực nào đó cho VĐV, HLV sử dụng các phương pháp hay phương tiện huấn luyện kết hợp bổ sung dinh dưỡng và hồi phục hợp lý để giúp VĐV "thích nghi sinh lý", qua đó tăng trưởng năng lực vận động.Vậy tại sao người ta sử dụng doping? Khi người ta không đủ trình độ kiến thức, phương tiện, không đủ thời gian huấn luyện, chế độ dinh dưỡng, chế độ hồi phục… để nâng cao năng lực vận động cho VĐV, người ta sẽ có thể sử dụng doping như một con đường tắt nhằm nâng cao thành tích. Dĩ nhiên, trong thực tế cũng có nhiều trường hợp VĐV dính doping do tình cờ, vô ý, thiếu kiến thức...Thực tế tại Việt Nam, việc huấn luyện sạch và dính doping vô tình có ranh giới rất mong manh, bởi lẽ quy trình quản lý VĐV thể thao thành tích cao của chúng ta còn rất nghiệp dư. VĐV có thể dễ dàng làm bát bún chả, tô phở ven đường, hay giao lưu ly cà phê cùng bè bạn. Đau bụng, nhức đầu thì ghé hiệu thuốc là có vài liều thuốc không toa. Thực phẩm ăn uống hằng ngày của VĐV có chất tăng trọng không, có sử dụng công nghệ biến đổi gene không, hàm lượng hóa chất trong các loại nước giải khát thế nào thì… có trời mới biết!Phòng chống doping "chay"Thể thao Việt Nam đã có trung tâm doping và y học thể thao ra đời cách đây hơn chục năm, nhưng lại không có phòng thí nghiệm, chỉ có thể "lấy mẫu nước tiểu" và gửi đi nước ngoài xét nghiệm. Hằng năm, trung tâm này cũng vất vả đi nhiều tỉnh thành phổ biến kiến thức chống doping, nhưng thực tế vẫn là dạy chay, với hàng loạt danh mục chất cấm chỉ khiến người nghe thêm phần rối não.Dĩ nhiên, một VĐV hay HLV cố tình sử dụng chất cấm xứng đáng bị trừng phạt nghiêm khắc, nhưng để hạn chế doping "vô tình", các nhà quản lý còn rất nhiều việc phải "mần": đầu tiên là phải nâng cao năng lực của trung tâm doping qua đầu tư phòng xét nghiệm; đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ thể thao cho các đội thể thao; chuyên nghiệp hóa quy trình quản lý VĐV thể thao thành tích cao; cải cách toàn diện công tác dinh dưỡng thể thao…Dĩ nhiên, nói thì dễ lắm. Muốn có một trung tâm phòng chống doping ngon lành, cần rất nhiều tiền. Ví dụ hồi năm 2016, để đạt chuẩn tổ chức Olympic, Brazil phải chi đến 18 triệu USD để đầu tư một phòng xét nghiệm doping. Chính vì tốn kém như thế, nên đến nay trên thế giới chỉ có 29 phòng xét nghiệm doping được WADA (Tổ chức Phòng chống doping thế giới) công nhận đủ tiêu chuẩn. Ở khu vực Đông Nam Á, duy nhất Thái Lan có phòng xét nghiệm trong danh sách này.Thái Lan không phải là nước giàu nhất khu vực, nhưng họ có phòng xét nghiệm đạt chuẩn là có lý của nó: hiệu quả về mặt quy mô. Thể thao Thái Lan có đến cả chục ngàn VĐV thể thao đỉnh cao, nên việc đầu tư phục vụ cho đội ngũ này là cần thiết. Trong khi đó, số lượng VĐV đỉnh cao của Singapore chẳng hạn, chỉ tầm 500. Mỗi năm họ chi cho mỗi VĐV khoảng 200 USD để kiểm tra doping thì chỉ tốn 100.000 USD, quá rẻ nếu so với việc bỏ vốn đầu tư một phòng xét nghiệm đạt chuẩn.Việt Nam thì sao?Dĩ nhiên, Việt Nam cũng phải "liệu cơm gắp mắm", không thể một sớm một chiều mà có được phòng thí nghiệm đắt đỏ như vậy. Thậm chí ngay cả việc chi tiền để xét nghiệm doping định kỳ kiểu Singapore chúng ta còn chưa kham nổi. Nhưng nói vậy không phải là ngồi nhìn sự cố xảy ra. Có nhiều việc cần làm ngay, như chuyển trọng tâm từ "chống" (phát hiện - răn đe) sang "phòng", bao gồm hai việc cơ bản:Phát triển nguồn nhân lực y học thể thao chuyên trách cho các đội tuyển trọng điểm quốc gia. Đội ngũ bác sĩ thể thao này sẽ theo sát chăm sóc sức khỏe, lưu mẫu thực phẩm, kiểm soát chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống, ra toa và báo cáo "miễn trừ" khi sử dụng thuốc.Thay đổi cách giáo dục chống doping, chấm dứt những bài rao giảng định kỳ hằng năm, mà chuyển sang trực quan hình ảnh bằng các poster hướng dẫn dán ở các phòng tập chẳng hạn. Cũng cần tuyên truyền mạnh mẽ tác dụng phụ, bệnh tật hậu doping bằng những hình ảnh "gây ám ảnh" để cảnh báo VĐV.Về con người thì hiện nay nhiều trường đại học đã đào tạo cử nhân chuyên ngành y sinh học thể thao. Thực tiễn tại TP.HCM cho thấy sau 5 năm đầu tư, đào tạo, đã có được một đội ngũ y học thể thao khá tốt - hiện đã có hơn 10 người chuyên trách công tác này ở các đội tuyển thể thao TP.HCM.Đội ngũ y bác sĩ thể thao gắn bó với các đội tuyển góp phần quan trọng "xóa mù" kiến thức cho VĐV, giúp họ hiểu được ngay cả những điều đơn giản nhất, như uống các loại "thuốc bổ" không thể tùy tiện với quan niệm "không bổ ngang cũng bổ dọc" như lâu nay! Sự cẩu thả và vô chừng trong sử dụng thuốc không chỉ không lợi ích gì, mà nhiều khi còn gây tác dụng ngược trong quá trình huấn luyện. Họ cũng dần rèn được thói quen bất cứ cái gì đưa vào người đều phải hỏi ý kiến bác sĩ, nhà chuyên môn, đừng nghĩ mình cảm nhẹ rồi chạy ra hiệu thuốc tự mua một liều là dễ… xong phim. Điều này là rất phổ biến ở Việt Nam, khi thị trường thuốc men tràn lan và đầy cạm bẫy, thị trường "thực phẩm dinh dưỡng thể thao" thậm chí còn loạn hơn.Việc quản lý thị trường dược và thực phẩm chức năng tất nhiên nằm ngoài phạm vi của giới khoa học và y học thể thao, nhưng với thể thao TP.HCM, tất cả các loại thuốc và thực phẩm dinh dưỡng đều được phòng khoa học - y học kiểm tra thành phần để xác định có chất dính trong danh mục doping không, trước khi duyệt mua và cho VĐV sử dụng.■ Tags: Thể thaoTrung tâm doping và y học thể thaoDopingKiểm tra dopingTước huy chươngY học thể thao
Những hình ảnh đầu tiên từ tâm bão Cát Bà: Đổ nát, hoang tàn đến đau lòng NAM TRẦN 09/09/2024 Nhà tốc mái, cây đổ ngổn ngang, bàn ghế, tủ lạnh tứ tung trên đường… khung cảnh không khác gì một 'trận bom' vừa dội xuống thị trấn Cát Bà.
Toàn cảnh siêu bão Yagi: Càn quét, chống chọi và hoang tàn 09/09/2024 Siêu bão Yagi là cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng khi đổ bộ vào Việt Nam. Mặc dù đã có công tác chuẩn bị, ứng phó chu đáo, nhưng siêu bão này vẫn để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề.
Nước lũ kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp chính cầu Phong Châu TUẤN PHÙNG 09/09/2024 Theo Sở Giao thông vận tải Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp chính của cầu.
Hà Nội mưa trắng trời, ngập khắp nơi, cảnh báo còn mưa tiếp PHẠM TUẤN 09/09/2024 Tối 9-9, thành phố Hà Nội bị ngập tứ phía do mưa lớn, nhiều người dân ngã sõng soài khi đi qua điểm ngập, xe chết máy hàng loạt.