Du lịch hè: Sắp khởi hành thì lại gặp họa Delta

TỊNH ANH 10/09/2021 21:05 GMT+7

TTCT - Trong khi phần đông thế giới vẫn còn vật lộn với COVID-19, người dân tại Mỹ và Trung Quốc đã sớm lên kế hoạch đi nghỉ mát trong mùa hè 2021, trước những dự báo lạc quan về tình hình tiêm chủng ở nước mình. Tất cả diễn ra như dự tính cho đến khi “trật đường ray” vì biến thể Delta.

Ảnh: NBC News

 

Vé đã mua, phòng đã đặt. Cứ tưởng chờ đến ngày là xách vali lên và đi, đâu ngờ giờ lại phải phân vân tính chuyện chọn an toàn hay cứ liều một phen, bởi nếu hoãn nữa thì còn phải chờ đến bao giờ?

Hoãn hoài, hoãn mãi

Theo tạp chí The Atlantic, nhiều người Mỹ đã chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè khi dịch COVID-19 có dấu hiệu được kiểm soát và nhiều người được tiêm chủng hơn. Có điều, họ đã hăm hở đặt vé máy bay và phòng khách sạn mà không hề biết rằng rồi đây biến thể Delta sẽ xuất hiện, kéo theo một đợt bùng phát mới.

Mặc dù 73% người trưởng thành ở Mỹ đã chích ít nhất 1 liều vắc xin ngừa COVID-19, và các loại vắc xin hiện vẫn có tác dụng bảo vệ trước biến thể mới, gáo nước lạnh giội vào mặt những vị khách háo hức chờ chuyến du lịch mùa hè khi ngày khởi hành đến gần là thực tế đáng buồn: 150.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, các phòng cấp cứu quá tải với bệnh nhân chưa được tiêm chủng. Người ta đặc biệt lo ngại với các ca nhiễm ghi nhận ở người đã chích ngừa và trẻ em, đối tượng chưa đến lượt được tiêm chủng.

“Giờ thì người Mỹ với kế hoạch nghỉ mát bỗng dưng mắc kẹt trong giai đoạn thanh trừng mới của đại dịch” - The Atlantic viết. Nói mắc kẹt là bởi họ loay hoay không biết phải làm gì cho phải. Thay vì tính xem mình sẽ làm gì ở điểm đến, giờ đây người ta phải ngồi lại giải bài toán rủi ro và an toàn.

Một số người không hủy ngay kế hoạch du lịch hè, tỉ lệ hủy đặt chỗ trên AirBnB chỉ ở khoảng 25%, trong khi các sân bay vẫn đông đúc; tính đến hết tháng 8, lượng hành khách qua lại các sân bay mỗi ngày nhiều gấp 3 lần trong đợt bùng phát dịch vào tháng 1. Washington Post dẫn dữ liệu từ Công ty quản lý du lịch TripActions cho thấy số đặt chỗ trong mùa hè vẫn ổn định, trong tuần cuối tháng 7 còn tăng 6% so với tuần trước đó.

Những người quyết tâm đi nghỉ cho biết sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa. KC Skinner và mẹ mỗi năm đều đến Florida nghỉ hè, nhưng năm ngoái đã hủy truyền thống vì virus corona. Năm nay thì khác. Bất chấp Delta, Skinner và mẹ đã đến Florida vào ngày 1-8, và dành trọn tháng “cách ly” trong một căn hộ nhìn ra biển. “Chúng tôi sẽ tránh các nhà hàng và đám đông. Tầm nhìn ra biển cũng đủ rồi” - cô nói với Washington Post.

Nhưng tất nhiên, cũng có người nghĩ lại về chuyện tiếp tục đi chơi. Hãng hàng không Southwest cho biết lượng hủy vé vào giờ chót đã “ăn” vào lợi nhuận, còn Hãng Frontier cũng đổ lỗi cho biến thể mới khi lượng đặt vé giảm mạnh. Nhiều người do dự vì không dám liều với biến thể mới, nhất là khi họ có con nhỏ, chưa được tiêm chủng. Và với số ca nhiễm mới cao như thế, chắc chắn sẽ có người phải hủy việc nghỉ mát vì chính họ đã dương tính với virus corona.

Thật ra những điều này không mới. Người ta đã phải loay hoay với việc đưa ra các quyết định tương tự trong suốt cả đại dịch. Điểm khác biệt là việc hủy vé máy bay hay đặt phòng khách sạn lúc này sẽ rất khác so với việc cả thế giới cùng bất ngờ, bị động với đại dịch như trước kia, bởi các doanh nghiệp sẽ không còn chính sách linh động, chia sẻ với khách hàng nữa. “Vào lúc này, nếu hủy đặt chỗ, bạn sẽ chịu mọi phí tổn. Nhiều khả năng khách sẽ không được hoàn tiền, kể cả dưới dạng điểm tích lũy cho chuyến sau” - Bob Mann, một chuyên gia phân tích ngành du lịch, giải thích.

Nên vì an toàn mà ở nhà hay vì số tiền đã chi mà cứ tiếp tục lịch trình đã định? Vấn đề ngày càng phức tạp và không dễ đưa ra lựa chọn, nhất là khi Delta không phải là “đối thủ” duy nhất trong cuộc rượt đuổi giữa tiêm chủng và các biến thể của virus SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vẫn khuyến cáo người dân hoãn du lịch cho đến khi chích ngừa đầy đủ. Nhưng nhiều người đã quyết định họ sẽ không đợi thêm nữa.

Theo The Atlantic, người Mỹ đã quá mệt khi đường trở lại cuộc sống bình thường liên tục gặp những thay đổi xoành xoạch. Mới hôm nào còn nghe nói vắc xin là cánh cổng đưa ta trở về ngày xưa và người đã chích ngừa có thể vứt bỏ khẩu trang, thì lại có quy định phải đeo khẩu trang, rồi thì biến thể mới. Căng thẳng lặp đi lặp lại dễ làm người ta phát điên. “Khi phải đương đầu với dòng chảy thông tin này và khi bối rối, người ta sẽ làm điều tốt nhất cho họ và gia đình [bằng cách] quyết định rằng họ không thể để cuộc sống ngưng mãi được” - Kasisomayajula Viswanath, giáo sư y tế và truyền thông tại Đại học Harvard, nói.

Helane Becker, chuyên gia phân tích ngành hàng không tại Ngân hàng đầu tư Cowen, là một trong những người đã chọn cách “không thể ngưng mãi” đó. Becker chia sẻ với tác giả bài viết trên The Atlantic rằng mình đã đi nghỉ hè ở Ecuador cùng gia đình. “Chúng tôi đã hủy và hoãn kỳ nghỉ này 2 lần vì COVID rồi, và tôi quyết không làm thế lần nữa. Chúng tôi đã đi nghỉ và tôi không hề hối tiếc” - Becker nói.

 
 Minh hoạ: Cynthia Greer / The Philadenphia Inquirer

Sợ tình hình tệ hơn

Những gì diễn ra ở Trung Quốc cũng không khác mấy. Các giới hạn đi lại ban đầu được thắt chặt, rồi nới lỏng, và phải thắt chặt lần nữa khi số ca nhiễm tăng vì biến thể Delta, thứ đã “làm tan nát hy vọng hồi phục của ngành du lịch, rút ngắn kỳ nghỉ hè ở Trung Quốc”, như tít một bài viết trên báo South China Morning Post (SCMP).

Theo đó, với việc biến thể mới cực kỳ dễ lây nhiễm đã xuất hiện ở hơn một nửa số tỉnh thành trên cả nước, Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi kiểm soát được đợt bùng phát đầu tiên vào mùa xuân, và người ta bắt đầu ngại di chuyển trở lại, ngay cả với các chuyến đi gần.

“Chúng tôi không sợ các đợt bùng dịch, chúng tôi chỉ sợ đại dịch sẽ kéo dài quá lâu và các biện pháp giới hạn sẽ trở lại” - Yu Hui, quản lý nhà nghỉ ở thị trấn du lịch Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây, nói với SCMP.

Đại dịch cũng đã có tác động dai dẳng lên hành vi người tiêu dùng, theo Wang Dan, trưởng kinh tế gia của Ngân hàng Trung Quốc Hang Seng. “Ngay cả khi không có hạn chế về việc đi lại liên tỉnh, nhiều người vẫn sẽ cố gắng tránh di chuyển đường dài và ăn ngoài” - Wang nhận định sau khi biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện trong số các nhân viên ở sân bay Nam Kinh hôm 20-7.

Theo SCMP, toàn bộ 31 đơn vị cấp tỉnh tại Trung Quốc đại lục đã phát thông báo, khuyến cáo người dân không du lịch nội địa, ít nhất là đến các vùng nguy cơ cao. Kết quả là mùa du lịch hè, vốn là cao điểm trong năm, đã bị rút ngắn.

Quy định cách ly bắt buộc trong nhiều tuần nếu có tiếp xúc với “F0” của Trung Quốc cũng khiến người dân e dè, không thể thoải mái đi nghỉ mát, theo Page-Jarrett, chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU). “Các lệnh giới hạn và việc đánh thẳng vào tâm lý người tiêu dùng sẽ ngăn nhiều người đi du lịch trong quý 3, từ đó khiến ngành du lịch nội địa tiếp tục phát triển dưới mức tiền đại dịch” - Page-Jarrett cho biết. Chuyên gia này nói thêm rằng tình hình có thể khả quan hơn trong “tuần lễ vàng” mừng Quốc khánh Trung Quốc vào tháng 10 tới, nếu đợt bùng phát mới khi đó đã được kiểm soát.

EIU dự đoán tình hình sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 9, song “vẫn có nguy cơ cao rằng đợt bùng phát này sẽ kéo dài sang tận quý 4”. Những người trong ngành như Yu và các hãng lữ hành không mấy lạc quan về tương lai. Họ cho rằng nhu cầu du lịch trong tuần lễ vàng sẽ thấp hơn thời tiền COVID. “Sẽ có giai đoạn bước đệm giữa thời điểm dịch bệnh được kiểm soát và người ta bắt đầu đi du lịch” - Yu giải thích.

Ngành du lịch chiếm 11% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2019. Dù tổng thể nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi vào tháng 5 năm ngoái, ngành du lịch vẫn còn chật vật tìm cách quay lại như trước đây.

Mặc dù du lịch trong nước đã có tín hiệu phục hồi trong các kỳ nghỉ lễ lớn gần đây, nhờ người dân “chi tiêu trả thù” sau thời gian dài chịu phong tỏa và du lịch nước ngoài bị hạn chế, mức chi dành cho du lịch vẫn ở dưới mức trước đại dịch. SCMP dẫn số liệu từ Bộ Văn hóa và du lịch Trung Quốc cho biết trong nửa đầu năm 2021, tổng số chuyến du lịch nội địa giảm 40% xuống 1,871 tỉ, trong khi tổng chi tiêu cho du lịch trong nước cũng giảm khoảng 40% xuống 1,63 nghìn tỉ nhân dân tệ (252 tỉ USD), so với cùng kỳ năm 2019.

Page-Jarrett dự đoán rằng triển vọng ảm đạm hiện tại cho ngành du lịch nội địa Trung Quốc sẽ tiếp tục ít nhất cho đến nửa cuối năm 2022.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận