Du lịch thích ứng thời tiết: Một chuyện từ nhà phao Tân Hóa

HUY NGUYỄN 18/03/2023 11:07 GMT+7

TTCT - Sống thong dong trên những ngôi nhà phao ngay giữa mùa nước lũ, người dân Tân Hóa (Quảng Bình) từ lâu đã là một hình mẫu về du lịch thích ứng với thời tiết.

Vùng Tân Hóa, Quảng Bình (Ảnh: Oxalis cung cấp)

Vùng Tân Hóa, Quảng Bình (Ảnh: Oxalis cung cấp)

Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa được coi là rốn lũ của Quảng Bình, nơi nước lụt có thể dâng đến 10m trong khu dân cư. Đa số những hình ảnh nước ngập mái nhà mà chúng ta thấy trên truyền thông vào những năm có lụt được chụp ở Tân Hóa. 

Người Tân Hóa sống và canh tác nông nghiệp ở một thung lũng bao quanh bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Cảnh quan đó tuyệt đẹp nhưng lại là vùng chứa nước mỗi khi có mưa. 

Trò chuyện với tôi, những người lớn tuổi trong xã cho biết cha ông họ đã sống ở đây nhiều đời và hình thành bản làng nay có hơn 700 hộ dân.

Xã Tân Hóa - rốn lũ của Quảng Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Trung

Xã Tân Hóa - rốn lũ của Quảng Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Trung

Trước năm 2010, lụt có xảy ra ở Tân Hóa nhưng ít khi nào ngập sâu. Năm 2010, trận lụt lớn nhất xảy ra, tất cả các ngôi nhà trong vùng đều ngập lút nóc. Người dân phải sơ tán lên núi tránh lụt, tài sản mất hết. Những năm gần đây như 2019 và 2020 lụt lớn lặp lại.

Khi cố gắng đi tìm nguyên nhân của lụt, tôi nhận ra địa hình nơi đây như một lòng chảo chứa nước từ tứ phía chảy về. Trong khi đó, nước thoát khỏi Tân Hóa chỉ nhờ vào một dòng suối ngầm bắt đầu từ cửa hang Chuột, phía sau là hệ thống hang động Tú Làn trải dài theo 8 thung lũng trước khi chảy ra sông lớn phía Cao Quảng, Tuyên Hóa.

Một nguyên nhân khác, có lẽ là nguyên nhân chính, khiến lụt ở Tân Hóa những năm gần đây cao hơn ngày xưa, là mưa cực đoan. Trước năm 2010 chưa từng ghi nhận lượng mưa 300mm/ngày ở Tân Hóa nên nước thoát kịp. Những năm gần đây lượng mưa trong một ngày có thể cao hơn 300mm, thậm chí mưa lớn xảy ra trong nhiều ngày. Điển hình như trong ngày 17 và 18-10-2020, tổng lượng mưa lớn hơn 700mm nên nước không thoát kịp.

Nhưng nước nổi thì nhà nổi, người Tân Hóa không phó mặc để nước lụt cướp đi tài sản của họ. Kể từ năm 2011, những chiếc nhà phao đầu tiên được làm với mục đích lưu trữ các tài sản có giá trị. Và những năm sau đó, với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức như Oxalis, "nhà chống lũ" và các nhà hảo tâm khác, hầu như nhà nào ở Tân Hóa cũng có một cái nhà phao để ở mỗi khi có lụt. 

Du lịch thích ứng thời tiết: Một chuyện từ nhà phao Tân Hóa  - Ảnh 3.

Nhà phao trở thành cứu tinh đối với người dân Tân Hóa, và giờ có thể khẳng định người dân Tân Hóa không còn sợ lụt. Họ có thể sống trên nhà phao cả tuần nếu có mưa lớn cực đoan. Mọi hoạt động diễn ra bình thường vì nơi đây là vùng nước khá tĩnh, không có dòng chảy. Quan trọng là phải có dự báo mưa sớm để người dân sơ tán trâu bò lên núi và chuẩn bị nhu yếu phẩm đưa lên nhà phao.

Nhưng thiên nhiên không chỉ thách thức Tân Hóa với mưa lụt mà còn ban tặng cho nơi đây cảnh đẹp hùng vĩ với thảo nguyên xanh bao la, những dãy núi đá vôi với rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn, đặc biệt là hệ thống hang động Tú Làn với vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo. 

Trước đây người Tân Hóa xem tài nguyên từ thiên nhiên là gỗ, là muông thú, giờ đây tài nguyên của họ là cảnh quan thiên nhiên và một cộng đồng gắn kết.

Hang Ken nằm trong hệ thống tour Tú Làn ở Tân Hóa. Ảnh: Hoàng Trung

Hang Ken nằm trong hệ thống tour Tú Làn ở Tân Hóa. Ảnh: Hoàng Trung

Tuy nhiên, nếu để thiên nhiên ngủ quên thì người dân không được lợi gì, du khách cũng không có cơ hội trải nghiệm, tận hưởng những giá trị từ thiên nhiên. Vì vậy, cần tới một cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên mà không làm tổn hại đến thiên nhiên, đồng thời người dân cũng phải có thu nhập từ chính tài nguyên thiên nhiên nơi họ sinh sống.

Chúng ta từng biết đến những sản phẩm du lịch đặc sắc ở Quảng Bình nhưng sự tham gia của người dân vẫn đang ở mức người làm công cho các công ty du lịch. Cần một bước đột phá mạnh mẽ hơn để chính người dân là chủ nhân của các sản phẩm du lịch tại địa phương của họ. Họ có thể là người độc lập cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống theo phong cách địa phương cho du khách. 

Tất nhiên, dịch vụ này cần có sự tham gia của doanh nghiệp du lịch để sản phẩm du lịch từ cộng đồng đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng thị hiếu người dùng.

Người dân Tân Hóa sống bình tĩnh trong những căn nhà nổi giữa mùa nước lụt. (Ảnh: Oxalis cung cấp)

Người dân Tân Hóa sống bình tĩnh trong những căn nhà nổi giữa mùa nước lụt. (Ảnh: Oxalis cung cấp)

Tôi quan sát những ngôi nhà phao được làm từ những năm 2011 đến nay, nhận thấy càng ngày nhà phao càng được mở rộng diện tích, kiên cố hơn, các công năng trong căn nhà được tính toán để nhà phao không chỉ là kho chứa đồ khi có lụt mà có thể là nhà ở và là một homestay riêng tư cho du khách.

Từ tháng 5-2023, Oxalis có kế hoạch tặng bà con Tân Hóa 10 ngôi nhà phao theo tiêu chuẩn homestay và theo hình thức đồng sở hữu, đồng vận hành kinh doanh và đồng hưởng lợi. Đây là cách mà người dân có thể khai thác lợi thế từ thiên nhiên để xây dựng năng lực tài chính của chính họ và thay đổi bộ mặt một vùng quê với nhiều thách thức từ thiên nhiên.

Mỗi mùa lũ về, thay vì chỉ cứu trợ mì gói cho đồng bào, hãy đến trải nghiệm các dịch vụ độc đáo mà người dân nơi đó cung cấp cho chúng ta. Đó mới là sự đồng hành bền vững nhất!■


Mùa lũ năm 2019, trong khi tất cả bị nhấn chìm dưới nước thì nhà nổi đã giúp người dân Tân Hóa ăn yên ở yên! Ảnh: Hoàng Trung

Mùa lũ năm 2019, trong khi tất cả bị nhấn chìm dưới nước thì nhà nổi đã giúp người dân Tân Hóa ăn yên ở yên! Ảnh: Hoàng Trung

Ông Trương Sơn Bài (72 tuổi, thôn Yên Thọ 2, xã Tân Hóa) đã gắn bó cả đời với vùng đất Tân Hóa, chứng kiến không biết bao nhiêu lần nơi đây oằn mình với lũ. Đáng nhớ nhất với ông là ba cơn lũ cực lớn diễn ra trong giai đoạn 2010-2020. "Những lần ấy nước lên đến 8-9m, cả xã không còn cái nhà nào thấy được nóc. Tất cả đều chìm trong biển nước mênh mông", ông chậm rãi nhai trầu (một tục lệ vẫn còn rất phổ biến ở xã Tân Hóa), bồi hồi kể lại.

Hồi đấy cả xã chỉ có 5-7 cái đò độc mộc để đưa dân lên tập kết trên các vùng cao khi nước lụt đổ về, xe cộ được mang đi gửi ở những vùng cao khác. Những chiếc bè "nhường" cho trâu bò trú. Những ngày chạy lụt, ông Bài và gia đình, bà con chòm xóm ôm đồ đạc tài sản chạy lên những lèn đá trú ẩn, có khi phải nhịn đói 2-3 ngày để chờ cứu trợ mì gói. Nước rút, họ về lại, chứng kiến cảnh nhà cửa hoang tàn, bùn đất lầy lội. Nhưng nay thì "không sợ lụt nữa mô" - ông Bài nói chắc nịch. Năm 2015, một chương trình mang tên "Thử thách Tú Làn" (Tú Làn Adventure Race) được khởi xướng, kêu gọi chung tay xây dựng nhà nổi cho người dân vùng "rốn lũ" này.

Cùng với những ngôi nhà nổi, một sự thay đổi về sinh kế cũng tới. Những người dân nơi này sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng địa thế khu vực xã Tân Hóa chỉ trồng được những cây nông nghiệp ngắn ngày như lạc, ngô. Đấy cũng là nguyên liệu chính cho một món ăn phổ biến ở đây: "cơm pồi", với ngô hạt, nếp nương, sắn củ, thỉnh thoảng có thêm đỗ. Trai tráng Tân Hóa kéo nhau đi "tha phương cầu thực" dành dụm tích cóp gửi về nhà để lo thêm cái ăn cho gia đình. Phải đến năm 2011-2012, các loại tour khám phá hang động (mà ở đây nổi tiếng nhất là Tú Làn) mở ra thì cuộc sống của một số bà con mới trở nên khấm khá, khi các tour sử dụng chủ yếu nguồn lực địa phương. Con trai của ông Bài trở thành một porter cho Công ty Oxalis.

Nhiều người dân Tân Hóa ngày càng gắn bó nhiều hơn với các công ty để trực tiếp phục vụ du khách. Trải nghiệm hoạt động ăn tối nhà dân là một sản phẩm dịch vụ du lịch khiến rất nhiều du khách thích thú, bởi giúp họ hiểu thêm đời sống văn hóa, con người và ẩm thực nơi đây. Tôi đã vài lần tham gia trải nghiệm này ở nhà ông Bài. Mời khách ly nước chè ấm với lá chè hái từ vườn nhà, vừa kể nhiều kỷ niệm khó quên về những lần lũ lụt trong quá khứ, vừa nhai trầu, ông Bài chỉ lên cái cột điện trước sân, nói: "Hồi đấy ông đi đò trên dây điện đấy đấy, nhưng bây giờ thì hết rồi", rồi cười vang sảng khoái.

Hiện nay toàn xã Tân Hóa có khoảng 715 hộ, trong đó 460 hộ nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra lũ lụt đã có nhà nổi (khoảng 700 cái, trong đó 90 cái được xây dựng thông qua chương trình Tú Làn Adventure Race).

ANETTA

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận