Du xuân Mậu Tý

THUYMINH 10/02/2008 23:02 GMT+7

TTCT - Coi phim ngoại quanh năm, tết là dịp khán giả trong nước được tha hồ coi phim nội. Tết 2008, lượng phim Việt ra rạp khá phong phú, gồm: Phát tài, Nụ hôn thần chết, Thủ tướng, Duyên trần thoát tục, Em muốn làm người nổi tiếng, Saigon love story, Cú và chim se sẻ, Đám cưới Chí Phèo. Đáng chú ý có các phim:

Phim chiếu rạp

Phóng to
Phim Nụ hôn thần chết rất đáng xem với những cảnh quay dùng kỹ xảo đẹp như mơ
TTCT - Coi phim ngoại quanh năm, tết là dịp khán giả trong nước được tha hồ coi phim nội. Tết 2008, lượng phim Việt ra rạp khá phong phú, gồm: Phát tài, Nụ hôn thần chết, Thủ tướng, Duyên trần thoát tục, Em muốn làm người nổi tiếng, Saigon love story, Cú và chim se sẻ, Đám cưới Chí Phèo. Đáng chú ý có các phim:

+ Nụ hôn thần chết - kể chuyện tình yêu cổ tích giữa một thần chết nhưng trái tim lại thánh thiện như một thiên thần với nạn nhân của mình là một cô gái mồ côi xinh đẹp. Phim vừa cảm động vừa vui nhộn, lãng mạn với những cảnh quay đẹp như mơ.

Phóng to
Cú và chim se sẻ - bộ phim đoạt chín giải thưởng quốc tế
+ Duyên trần thoát tục là bộ phim có phong vị lạ với hình thức cổ trang, mang tinh thần nhân quả của đạo Phật. Chuyện phim nhẹ nhàng, có nhiều cảnh quay tại Ấn Độ.

+ Cú và chim se sẻ lại khẳng định mình với chín giải thưởng quốc tế. Phim do đạo diễn người Mỹ mang nửa dòng máu Việt Stephane Gauger quay tại Sài Gòn với ba nhân vật chính là một cô bé bán hoa dạo, một nhân viên trông coi sở thú, một nữ tiếp viên hàng không nên mang đến không khí bình dị, nét hồn hậu của đời sống thị dân Sài Gòn hôm nay.

Kịch nói

Phóng to
Nghệ sĩ Thành Lộc diễn như một “phù thủy” trong vở diễn đặc sắc Hợp đồng mãnh thú
Điểm nổi bật của kịch tết ở các sân khấu TP.HCM năm nay là tiếng cười vẫn đầy ắp nhưng không còn ở vị trí chủ đạo như nhiều năm trước. Những màu sắc khác như châm biếm cái xấu, sự suy đồi trong xã hội trong nhiều vở diễn tết đang nổi trội lên. Dòng kịch mang màu sắc tình cảm, tâm lý xã hội cũng đang khá được ưu tiên. Những vở nên xem trong tết 2008 có:

+ Hợp đồng mãnh thú (kịch IDECAF). Vở diễn toàn nam diễn viên, với “cây đinh” Thành Lộc, tác giả đình đám Lê Hoàng và cách thể hiện cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Trong vở, Thành Lộc vào vai một gã trai giả gái điếm hạng sang với những chiêu nhảy múa kích động, những ngón võ độc đáo trị các con mồi để không lộ tẩy, và những phút diễn như phù thủy khiến khán giả ngẩn ngơ. Xoay quanh cô điếm “giả”, sự suy đồi, tha hóa của xã hội dần bị lột mặt với cảnh những hợp đồng quan trọng ảnh hưởng đến nhiều người được ký nhờ tấm thân của một con điếm.

Phóng to
Hồn Trương Ba da hàng thịt, vở diễn có đẳng cấp, đậm chất dân gian thâm thúy
+ Hồn Trương Ba da hàng thịt (kịch Trần Cao Vân). Dưới ngòi bút tài hoa của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và tài năng đạo diễn bậc thầy của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, những năm 1990 Hồn Trương Ba da hàng thịt được xếp vào hàng nghệ thuật đỉnh cao của sân khấu VN. Vở kịch danh giá này vừa được đạo diễn Ái Như dựng mới lại để diễn trong dịp tết 2008. Cảnh trí, trang phục trong vở được chăm chút, đầu tư đích đáng cho ra một vẻ đẹp sang trọng của một vở diễn có tầm. Những miếng dựng sắc như dao của Ái Như, qua tài diễn xuất của các nghệ sĩ gạo cội Thành Lộc, Kim Xuân, Thành Hội, Bạch Long... mang lại cho Hồn Trương Ba da hàng thịt mới đúng chất dân gian dung dị, cười sảng khoái mà thâm thúy về triết lý sống làm người.

+ 270 gram (kịch Sân khấu nhỏ 5B). Tên vở là số cân nặng của quả tim một con người, thế nên nội dung và không khí kịch thấm đẫm sự lãng mạn nao lòng. Một chàng trai vì cứu bạn mà bị liệt đôi chân. Vì đền ơn, người bạn nhường hạnh phúc với người con gái mình yêu cho kẻ mang thương tật. Vì tình thương, cô gái đau đớn chia tay tình yêu để săn sóc người bạn tật nguyền bất hạnh. Song do trái tim của cả ba đều tràn ngập sự yêu thương cao thượng nên họ đã chọn chia tay nhau để bắt đầu lại từ đầu. Tất cả câu chuyện diễn ra tại sân ga của thành phố Đà Lạt đẹp như thơ. Vẻ đẹp này được đạo diễn Lý Khắc Linh tái hiện bằng những thước phim quay sẵn dùng làm nền, làm cảnh trí cho sân khấu một cách sống động đến không ngờ. Ngoài cảm xúc, 270 gram chứa trong mình một sức sáng tạo mới mẻ.

Du lịch

Phóng to
Súng thần công của Vũng Tàu sẽ lại bắn trong chương trình “Khai hội văn hóa - du lịch xuân Mậu Tý 2008” tại tỉnh này từ mồng 1 đến mồng 10 tết
Vũng Tàu “Khai hội văn hóa - du lịch xuân Mậu Tý 2008” bằng súng thần công. Chương trình “khai hội” này do UBND tỉnh tổ chức, kéo dài từ mồng 1 đến mồng 10 tết với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, ẩm thực... rải khắp tỉnh từ Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ... và cả Côn Đảo. Những điểm nhấn của hội gồm:

+ “Lễ hội bắn súng thần công Minh Đạm” lúc 18g mồng 5 tết tại chân núi Minh Đạm. Cùng với nhiều nghi thức lễ dâng hương, rước đuốc..., 15 phát đạn thật đã được nghiên cứu để khi nổ trên không xòe cháy như pháo hoa sẽ được bắn tại đây.

+ “Liên hoan thế giới cát” từ mồng 5 đến mồng 10 với sự tham gia thi điêu khắc cát của nhiều họa sĩ, sinh viên mỹ thuật. Tại đây cũng có triển lãm tranh cát của nghệ nhân Ý Lan.

+ Mồng 8 tết, đêm khai mạc chính thức của chương trình khai hội diễn ra tại công viên Mũi Nghinh Phong với lễ hội “Biển gọi”, qui tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng. Tại đây ban tổ chức sẽ công bố “các địa chỉ du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu tin cậy”. Đêm lễ được HTV và Đài truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu truyền hình trực tiếp.

Cải lương

Phóng to
Tết này diễn viên trẻ ăn khách Vũ Luân khai trương sân khấu cải lương tuồng cổ mới toanh ở quận 11, TP.HCM
Tết năm nay, khán giả TP.HCM có khá nhiều chương trình cải lương để lựa chọn.

+ Vở cải lương Chiếc áo thiên nga diễn ở sân vận động Quân khu 7 từ mồng 8 đến mồng 10 tết có ưu điểm là đầu tư cảnh trí hoành tráng, sân khấu qui mô, có nhiều ca sĩ và vài trăm diễn viên quần chúng tham gia. (xem bài trang 32)

+ Chương trình “Hội ngộ xuân” ở rạp Hưng Đạo trong các đêm mồng 4, 5, 6, qui tụ đông đảo nghệ sĩ thế hệ vàng như Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Diệp Lang, Thanh Tòng, Thanh Tú, Thanh Tuấn, Tuấn Thanh, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Thanh Thanh Hoa, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, Hùng Minh, Diệu Hiền, Hoài Thanh, Giang Châu, Ngọc Đáng, Thanh Phú... Những trích đoạn cải lương vang danh như Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, Đời cô Lựu, Kim Vân Kiều, Phụng Nghi Đình, Sơn nữ Phà Ca, Ngao Sò Ốc Hến, Lan và Điệp, Tấm lòng của biển... sẽ được các nghệ sĩ trên tái diễn.

+ Sân khấu cải lương 179 Bình Thới, Q.11, mới khai trương của nghệ sĩ trẻ ăn khách Vũ Luân khai thác thế mạnh diễn cải lương tuồng cổ với y trang rực rỡ, vũ đạo đẹp mắt, tuồng tích có những màn vui tươi như Hoa Mộc Lan, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Dương gia tướng.

+ Những diễn viên trẻ nhóm Thắp Sáng Niềm Tin không đụng hàng với chương trình nào bằng những kịch bản mới toanh, mang màu sắc tết như Phước Lộc Thọ, Đám cưới đầu xuân.

Các khu vui chơi

+ Suối Tiên nổi bật với các công trình mới như “Vòm trời linh thiêng” là cung đường dài 500m trang trí rực rỡ, chương trình diễu hành “Ngọc ngà châu báu thần tiên hội” với những hoạt cảnh sân khấu hóa “gia đình nhà chuột”. Nơi đây cũng đầu tư cinema 4D ứng dụng công nghệ hình ảnh không gian bốn chiều.

+ Hội hoa xuân Tao Đàn khai mạc vào 25 tết: triển lãm và tổ chức thi hoa lan, mai, kiểng cổ, bonsai, non bộ, tiểu cảnh, cá cảnh, đá cảnh, cây khô mỹ thuật, xương rồng và chim, cá kiểng. Nơi đây có các hoạt động thư pháp, trà đạo, biểu diễn đờn ca tài tử, ca nhạc hài kịch. Đêm 30 tết có hoạt động “Nghệ sĩ thi gói bánh chưng” và biểu diễn lân sư rồng.

Lễ hội đường phố

Phóng to
“Phố ông đồ” tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đã vào lễ hội đường phố tết 2008 từ rất sớm
+ Lễ hội “Tết Việt Mậu Tý”, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM từ 20 tháng chạp đến mồng 5 tết. Tại đây có “Phố ông đồ” - nơi viết và bày bán thư pháp, câu đối tết. “Phố lưu niệm” bán tranh ảnh về tết. Triển lãm ảnh “Việt Nam rạng rỡ những mùa xuân”, Triển lãm ảnh kỷ niệm 40 năm Tết Mậu Thân. Ngoài ra còn có các hoạt động như thi đấu cờ người, phòng đọc báo xuân, “Đêm hội cười”, “Lễ hội bánh chưng bánh giầy”...

+ “Lễ hội bánh tét” từ 19g30 đến 21g đêm mồng 4 tết tại trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ. Khi hai đòn bánh tét ông và bánh tét bà được rước về sân khấu chính trước Nhà hát TP.HCM, sẽ có những hình thức diễu hành kết hợp với biểu diễn nghệ thuật dân gian hai bên trục đường. Bánh tét khổng lồ sẽ được cắt chia cho mọi người hưởng lộc sau lễ hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận