Được, mất môi trường trong toàn cầu hóa

DANH ĐỨC 28/09/2016 01:09 GMT+7

TTCT - Giờ đây, nhìn lại một cách chân thật quá trình tham gia toàn cầu hóa là yêu cầu sống còn của mỗi nước.

Minh họa
Minh họa


Cuối năm 2014, khi Đảng UKIP chủ trương Vương quốc Anh ra khỏi EU đang lên như diều gặp gió, tờ The Times trong xã luận mang tựa đề “Cuộc nổi loạn của dân chúng” giải thích: “Sự bật lên trong hậu thuẫn cho Đảng UKIP không chỉ đơn giản là một lá phiếu phản kháng.

Đảng này có nền tảng trong số những ai bị gạt ra khỏi quá trình toàn cầu hóa... Toàn cầu hóa kinh tế đã tạo ra cả những người thắng cuộc lẫn thua cuộc. Như một quy luật chung, những người thắng cuộc nằm trong số những người giàu có nhất, còn những người thua cuộc là trong số những người nghèo khó nhất”.

Kẻ được, người thua

Trong thực tế, không phải đến ngày nay, sau vụ Brexit, loài người mới nói đến những tác động bất lợi của toàn cầu hóa. Tờ The Guardian của đất nước đã từng tự hào rằng quốc kỳ được kéo mỗi ngày trên toàn thể quả cầu này, đã cảnh báo ngay từ đầu thế kỷ này (tháng 11-2001) bằng một bài xã luận mang tựa đề “Toàn cầu hóa và sự lan truyền của nghèo khó”.

Theo tờ báo này: “Hai lý do dẫn đến thu hút các công ty đa quốc gia nơi các nền kinh tế đang phát triển nhất là nhân công rẻ cùng luật lệ bảo vệ môi trường yếu ớt...

Những nước nào muốn cải thiện chuẩn sống của dân chúng qua đồng lương cao hơn, gia tăng trách nhiệm xã hội của chính phủ bằng cách tăng thuế, hay tăng cường chuẩn mực môi trường, đều bị “trừng phạt”. Các công ty đa quốc gia thôi thúc tăng lao động và ô nhiễm có xu hướng di tản đến các nước nào khác vẫn còn đảm bảo giá nhân công rẻ và kiểm soát môi trường lỏng lẻo”.

Bài báo dẫn chứng chuỗi di tản - trừng phạt đó: “Việc gia tăng chi phí nhân công cùng sự cảnh giác môi trường ở Hàn Quốc và Thái Lan vốn là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á, cùng với việc Trung Quốc hạ tỉ giá đồng NDT vào năm 1994, đã kích hoạt việc các doanh nghiệp đa quốc gia rời bỏ các nơi này, tụ tập đến những nước cạnh tranh hơn do có thu nhập thấp hơn đồng thời ít nghiêm nhặt hơn về môi trường...

Chính vì thế mà Malaysia đã mất các “thiên đường phần cứng máy tính” vào tay láng giềng Indonesia. Đến lượt Indonesia mất vào tay Philippines, nơi mà đồng lương và kiểm soát ô nhiễm thì thấp hơn nhiều. Và cuộc đua tiếp tục, ngay cả Philippines cũng đang bị thay thế bởi Campuchia và Việt Nam”.

Theo The Guardian, ở Mỹ Latin cũng thế, và tới đây là châu Phi, và thua cuộc chính là những nước tự “xả cảng” tiếp nhận các nhà đầu tư “dễ dãi” đó. Bên cạnh đó, còn có những kẻ thua cuộc khác vốn chính là những nước công nghiệp cao ở Bắc Mỹ và châu Âu nay mất công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống do làn sóng xuất khẩu công nghiệp này.

Từ đó, nổi lên làn sóng chống toàn cầu hóa khắp phương Tây, từ Seattle đến Washington D.C... The Guardian chưa phải là tiếng nói đầu tiên vạch ra mặt trái đó.

Lãng quên môi trường

Cách đây 10 năm, trong một giáo trình của Ngân hàng Thế giới được soạn thảo phục vụ khóa huấn luyện tại Hà Nội từ ngày 8 đến 16-5-2006 nhân dịp Việt Nam sắp sửa gia nhập WTO, mang tựa đề “Toàn cầu hóa cùng tác động của nó: Đông Á và Việt Nam”, tác giả Yan Wang đã nêu ra rất nhiều mối thuận lợi và tác động, song lại quên tác động môi trường.

Trang “Kết luận” của bài giảng này là: “Toàn cầu hóa, muốn hay không, là không tránh khỏi. Hội nhập thương mại, dịch chuyển quốc tế hàng hóa, dịch vụ cùng các yếu tố có lợi cho sự tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo - [Đặc biệt là xem xét các mô hình mới của “phá hủy sáng tạo"].

Trong thực tế, đã không đạt được hết tiềm năng của thương mại và toàn cầu hóa vì nhiều biến dạng của chủ nghĩa bảo hộ, vì những hạn chế của yếu tố dịch chuyển, cùng những hạn chế từ phía cung trong nước...

Do đó, cần có các chính sách bổ sung để hỗ trợ người nghèo và người dễ bị tổn thương ở nông thôn. Việt Nam có tiềm năng rất lớn để cạnh tranh trong thị trường quốc tế nhờ lợi thế so sánh của mình, cam kết hội nhập, chiến lược cải cách, tạo điều kiện cho vừa học vừa làm”.

Bài giảng về toàn cầu hóa của WB không có một chữ cảnh báo nào về những bất trắc môi trường có thể có. Sáu tháng sau, Việt Nam chính thức gia nhập WTO và bước vào toàn cầu hóa, “vừa học, vừa làm” đúng theo giảng huấn của WB.

Các báo cáo phát triển chỉ gồm các chỉ tiêu tăng trưởng GDP, nguồn vốn FDI và ODA, tỉ lệ giảm nghèo..., đúng bài bản của WB, mà không nêu rõ cái giá môi trường. Lỗi tại “ông thầy” WB là đương nhiên, mà lỗi cũng là của “học viên” cả tin, không chịu “tự học”.

Nếu chịu “tự học”, đã nghe được vô số tiếng chuông tố cáo tác hại môi trường của toàn cầu hóa ngay từ trước khi Việt Nam gia nhập WTO.

Như nghiên cứu “Toàn cầu hóa cùng các ngành công nghiệp bẩn: các thiên đường ô nhiễm đáng ngại không?” của Jean-Marie Grether và Jaime de Melo, từ tháng 6-2003. Theo hai tác giả này, năm ngành công nghiệp bẩn nhất theo chuẩn năm 1987 của Hoa Kỳ là: sắt thép; á kim, hóa chất; sản phẩm khoáng phi kim loại; bột giấy và giấy.

Cũng theo hai tác giả này, năm ngành công nghiệp “bẩn” nhất nay lại có những đặc tính sau so với các công nghiệp “sạch”: sử dụng ít lao động hơn 40%; tỉ lệ vốn - sản lượng cao gấp đôi; và tỉ lệ sử dụng năng lượng gấp ba.

Các tác giả đã nghiên cứu tình hình sản xuất công nghiệp tại 52 nước trong giai đoạn 1981-1998 và đi đến kết luận rằng: “Lợi thế so sánh biểu hiện theo nguồn gốc địa lý cho thấy một sự phân tán sản xuất về phía Nam của tất cả các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng, trừ kim loại màu...”.

Biên khảo của hai tác giả nêu trên chỉ là một trong vô vàn thí dụ về những nghiên cứu nêu bật đường di tản của các công nghiệp ô nhiễm trong lớp vỏ toàn cầu hóa vào đầu thế kỷ 21.

Cái giá của "vừa học vừa làm"

Những kết luận về tác hại môi trường cũng vào năm 2006 như của Toru Iwami, Đại học Tokyo, “Toàn cầu hóa cùng các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ở Đông Á” quá rõ ràng để có thể ngó lơ.

Song, các dự án hàng tỉ USD luôn đầy cám dỗ, nhất là sau khi tản quyền việc tiếp nhận đầu tư đến cấp tỉnh. Các bảng xếp hạng “cạnh tranh” giữa các tỉnh, thành càng đốc thúc cuộc chạy đua tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tản quyền rộng rãi và hối hả đến nỗi ngay cả Bộ KH-CN cũng “đứng ngoài” mà vụ Formosa chỉ là một thí dụ (vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và giám định công nghệ của bộ cho biết: “Chúng tôi không tham gia vào trực tiếp thẩm định công nghệ của Formosa”).

Bài học “vừa làm, vừa học” là: nếu ý kiến của Bộ KH-CN có “trọng lượng” hơn, thì đó cũng không phải là “kỳ đà cản mũi” mà sẽ là lá chắn hữu hiệu để ngăn chặn làn sóng rước về hết các nhà máy ximăng lò cao “cổ lỗ sĩ” đến các nhà máy thép hay nhà máy giấy mà ngay ở bên kia biên giới, Trung Quốc không còn cho phép.

Nhân chuyện nhà máy giấy của Tập đoàn Lee & Man có thể đe dọa châu thổ sông Mekong, trích đoạn từ báo cáo thường niên 2015 của tập đoàn này, công bố hôm 1-3 năm nay, cho thấy: “Nhằm giải quyết các vấn đề thặng dư năng suất và môi trường của công nghiệp giấy, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong những năm qua đã mạnh mẽ đóng cửa các cơ sở sản xuất cổ lỗ.

Các chính quyền địa phương sẽ ấn định những sách lược giám sát môi trường nghiêm ngặt hơn”.

Tam Tran - một giáo sư gốc Việt, có 35 năm kinh nghiệm trong khâu thu hồi kim loại từ khoáng sản, chất thải và xử lý chất thải, giảng dạy từ Úc đến Hàn Quốc, trong nghiên cứu về “Quan hệ giữa xử lý chất thải với cá chết ở miền Trung Việt Nam” - đã chỉ ra rằng bộ quy chuẩn hiện hành Việt Nam về việc xử lý chất thải từ các nhà máy giấy (QCVN 522-2013/BTNMT) ban hành ngày 25-10-2013, dường như là căn cứ theo hướng dẫn quy chuẩn của WB/IFC năm 1998 mà đến 30-4-2007 đã được WB/IFC đình chỉ và thay thế bởi bộ quy chuẩn mới từ ngày hôm đó.

Minh họa
Minh họa

 

Thế giới xoay trên trục luật pháp

Môi trường, trong ý nghĩa của lợi ích toàn cục, của toàn dân và xa hơn nữa là của toàn cầu, luôn đòi hỏi dấn bước đi trước, tham gia quá trình bàn thảo đề cương, dự thảo các luật môi trường mới, các hiệp định mới, đàm phán sao cho cái lợi của ta vẫn còn đó, thậm chí được nhiều hơn, trong cái lợi chung.

Lấy thí dụ việc Mỹ và Trung Quốc cùng đợi đến G20 Hàng Châu để loan báo thông qua Thỏa thuận Paris về cắt giảm khí thải, để hình dung cụ thể quy mô của thỏa thuận này đối với thế giới, từng nước. Việt Nam cũng có tham gia đàm phán, kết quả như thế nào?

Việt Nam sẽ thực thi như thế nào? Những gì thuộc về tương lai thì chưa rõ, chưa phổ biến, song những gì thuộc về quá khứ thì lại quá rõ, rõ mồn một những bất ổn, như qua thảm họa môi trường vừa qua, và rằng vẫn chưa thấy rõ những kinh nghiệm từ quá khứ ấy đã có giúp gì cho tương lai hay không.

Trong khi chờ đợi, hãy luôn tâm niệm rằng (1) thế giới vẫn đang xoay trên một cái trục, của luật pháp; (2) có những nước đi trước và hiển nhiên họ được lợi vì nắm đàng chuôi; (3) những nước chọn khuất mặt, lội nước sau, luôn lỗ, như một cách nói của người Pháp.

Tổng thống Pháp, trong “Tuần lễ các đại sứ”, đã nói với các đại sứ nước này như sau: “Mục tiêu của chúng ta là xác định các luật chơi trên trường thế giới: các quy luật về tính công khai, về sự hợp tác, về phát triển và tăng trưởng.

Mục tiêu còn là xét lại một số cách hành xử, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế khóa và xã hội, vốn tác động đến các điều kiện của thương trường. Tôi muốn nói rõ: nước Pháp khước từ một sự toàn cầu hóa không quy củ, luật lệ mà trong đó các mô hình xã hội được đem ra tỉ thí trong một cuộc đua chạy đến đáy của sự tồi tàn và trong đó bất công cứ tăng.

Tôi cũng muốn nói cho rõ rằng nước Pháp ủng hộ một thương trường mở, trên cơ sở có qua có lại, công khai minh bạch và tôn trọng của công, môi trường cùng văn hóa”.

Câu chuyện trên cho thấy trong lĩnh vực môi trường, “lội nước” lại là “ăn cỗ”. Chẳng phải vì muốn “lấy le”, tuần này Pháp quyết định chấm dứt sử dụng các vật dụng bằng nhựa ở nước này. Sá gì một ngành công nghiệp đồ nhựa “lặt vặt” đối vối một nền kinh tế đứng thứ tư, thứ năm thế giới.

Họ đang “ăn cỗ” đấy. Những ai còn quan niệm “lội nước đi sau”, đang chính là đi “đổ vỏ” cho thiên hạ, chịu trận “một cuộc chạy đua đến đáy của sự tồi tàn”, chẳng có chút quy củ, công khai, minh bạch gì, dưới lớp vỏ của những biện minh “đúng quy trình”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận