TTCT - Dường như là nghịch lý khi nói rằng chính điểm mạnh đã cưu mang những điểm yếu trong chính bản thân nó và ngược lại... Giáo viên nước ngoài rất thán phục trước những lớp học thực hành đông học sinh như thế này, với chỉ một giáo viên hướng dẫn -Như Hùng Trong một khóa học thạc sĩ giáo dục tại Trường đại học California, với chuyên đề về ảnh hưởng của tính cộng đồng vào phương pháp giảng dạy trong lớp học, tôi đã bắt đầu bằng cách chiếu hai trích đoạn video ngắn về hai lớp học sinh trung học đang học tiếng Anh tại Việt Nam. Cả lớp học (khoảng 30 học viên) đã theo dõi hai trích đoạn ngắn này một cách rất chăm chú và thích thú. Sau khi xem xong, không đợi tôi hỏi, rất nhiều cánh tay đưa lên đặt câu hỏi: “Xin cô cho biết bí quyết vì sao mà các giáo viên ở Việt Nam lại giữ được kỷ luật lớp tốt đến như vậy?”, “Làm sao mà cả lớp đến 40-50 em mà giáo viên vẫn giảng dạy được, và các em lại học rất chăm chú, hăng hái; làm sao mà trong một tiết học dài như thế mà các em lại không ngủ gật?”, “Hãy cho biết cách làm thế nào để giữ cho học sinh khỏi chạy lung tung trong lớp và biết nghe lời giáo viên?”, “Làm thế nào để học sinh chịu lắng nghe lời thầy cô giáo?”... Những câu hỏi đó khá là bất ngờ. Tôi nói: “Các bạn có biết là chúng tôi rất muốn học hỏi các bạn phương pháp làm cho học sinh của chúng tôi năng động hơn, sôi nổi hơn trong lớp học? Trong khi đó, sao các bạn lại muốn học cách làm cho sinh viên im lặng trong lớp?”. Nhiều tiếng lao nhao trong lớp học nổi lên: “Ôi không, xin đừng... em không thể làm việc nổi, vì học sinh của em cứ như bầy quỷ sứ, loạn cả lên...”. Vậy là buổi giảng của tôi xoay quanh vấn đề cái được, cái chưa được của các nền giáo dục khác nhau, với các tôn chỉ khác nhau, với các ưu - khuyết điểm của mỗi hệ thống. Đề cao sáng tạo Một điểm lý tưởng của triết lý giáo dục phương Tây là đào tạo cho người học từ các cấp cơ sở tính sáng tạo và khả năng tư duy tưởng tượng bằng hình ảnh từ rất sớm. Chính vì thế mà khi mới bắt đầu lớp mẫu giáo, môn học chính mà các em được học và được đầu tư rất nhiều là môn vẽ. Khi tham gia một buổi phỏng vấn thi IELTS, tôi đã quan sát rất kỹ phương châm chi phối hoạt động giáo dục này. Một giám khảo (người Anh) đã đưa ra một bức tranh và yêu cầu một thí sinh miêu tả bức tranh đó, và phải lý giải là mình đã thấy được gì qua bức tranh đó. Câu hỏi tưởng chừng như dễ nhưng lại rất khó trả lời, vì cách cảm nhận và miêu tả bức tranh sẽ phản ánh được trình độ tiếng, khả năng tư duy, tính cách và tính nhạy cảm của từng cá nhân. Sau đó, câu hỏi tiếp theo là “Vì sao trẻ em lại được dạy các môn nghệ thuật, như vẽ, ca hát, ngay từ những buổi đầu tiên đến trường?”. Câu trả lời đạt yêu cầu sẽ là một đoạn lý giải về quan niệm giáo dục nhằm tạo ra và phát huy khả năng tưởng tượng và sáng tạo cho các em từ lúc bắt đầu làm quen với việc học, để các em có thể phát triển các khả năng tiềm ẩn của mình. Quá trình đào tạo này có vẻ như nghiêng về việc chơi hơn là việc học theo quan điểm của người phương Đông, nhưng chính trong quá trình học mà chơi đó đã giúp các em hình thành khả năng tưởng tượng, sáng tạo, làm việc độc lập, phá cách, không theo một khuôn mẫu rập khuôn nào cả. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em tự thực hiện cuộc hành trình khám phá thế giới xung quanh, và một yếu tố rất quan trọng nữa là tự khám phá mình, những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, thiên hướng phát triển cho tương lai. Tính độc lập, sáng tạo trong quá trình học hỏi và trưởng thành đã được tạo điều kiện phát triển từ bé đến khi các em bắt đầu đến trường. Cách học này đã khiến không ít các bậc cha mẹ phải lo lắng. Tôi đã từng nghe nhiều bậc phụ huynh có con em học cấp I và II ở New Zealand, Úc, Mỹ băn khoăn: “Không biết chúng nó học cái gì, chỉ thấy chơi, lúc nào cũng tô tô vẽ vẽ, sốt cả ruột! Ở nhà (Việt Nam) thì chúng nó đã học viết và làm các phép tính rồi!”. Đúng thế, trong khi đó, ở Việt Nam thì lại có những bậc cha mẹ xót xa: “Học gì mà học lắm thế, chả thấy chúng nó chơi gì cả, lúc nào cũng miệt mài chữ với số!”. Một lớp học tại TP Pensacola, Florida (Mỹ) -L.N.M. Khiếm khuyết Ước gì chúng ta có thể cân bằng cách học của cả hai hệ thống: đối với trẻ em phương Tây, các em vững vàng trong lập luận, độc lập trong suy nghĩ, có nhiều sáng tạo và bản lĩnh trong việc giải quyết một số vấn đề bất thường khi gặp phải. Tuy nhiên, vấn đề kỷ luật trong lớp học là một vấn đề làm nhiều giáo viên phương Tây phải lo lắng và phiền lòng. Phần lớn các lớp học không nêu rõ (bằng dặn dò hay các biểu bảng trong lớp) về nội quy hay yêu cầu về ứng xử trong lớp học mà để học sinh tự giác dựa trên các quy ước (luật bất thành văn) về đạo đức và ứng xử thích hợp, trên cơ sở tinh thần tự giác của học sinh. Tuy nhiên, không phải bất cứ học sinh nào cũng luôn luôn tự giác và chín chắn. Bên cạnh đó, do quan niệm tôn trọng tự do phát triển của từng cá nhân, xem học sinh là trung tâm của mọi hoạt động, nên các em luôn được tự do phát biểu ý kiến và được tôn trọng, được đối xử bình đẳng, vì vậy đôi lúc lớp học vượt ra khỏi tầm kiểm soát và nếu giáo viên không cương quyết thì khó mà đạt được trọng tâm của bài học. Các em tự do phát biểu ý kiến và chủ động tiến hành nhiều hoạt động lớp, tuy nhanh nhạy nhưng đôi lúc thiếu suy nghĩ chín chắn và thiếu kiên nhẫn lắng nghe người khác, kể cả ý kiến của giáo viên. Trong nhiều trường hợp, giáo viên không có tiếng nói quyết định trong lớp, tuy nhiều lúc điều đó là cần thiết. Ta có thể thấy là sáng tạo và độc lập mà thiếu kinh nghiệm và kiến thức ở các em sẽ dẫn đến sự tự tin quá mức, không biết lắng nghe ý kiến của những người đi trước. Quá tôn trọng ý kiến cá nhân thì sẽ dẫn đến tính bướng bỉnh và tự tôn quá cao. Quá trình tự khám phá bản thân mà thiếu chia sẻ và tin cậy người khác sẽ dẫn đến tự kỷ và trầm cảm, bởi vì do tuổi đời còn non trẻ, các em không thể xử lý hết các tình huống bất trắc không lường trước được. Những cú sốc lớn đôi lúc sẽ để lại cho các em những chấn động và ảnh hưởng suốt đời. Một điểm nữa trong ý tưởng giáo dục tính độc lập của trẻ em phương Tây dẫn đến sự tôn trọng quyết định của bản thân các em từ lúc còn rất nhỏ. Điều này cũng có điểm cần phải lưu tâm là đối với lứa tuổi các em, thử hỏi khi có những quyết định trọng đại thì các em có thể tự mình đưa ra quyết định đúng đắn hay không? Nhiều bậc phụ huynh phương Tây đã giao quyền quyết định hoàn toàn cho con cái họ, nhưng vẫn có nhiều trường hợp trẻ quyết định không tối ưu và không tránh khỏi sự hối tiếc về sau. Hay một khiếm khuyết khác là do tập trung nhiều vào phát triển tư duy hình tượng và sáng tạo trong những năm đầu đời, dành cho học sinh quá nhiều quyền tự quyết, nên nhiều học sinh đã phát triển lệch trong các môn học cơ sở. Các em được quyền lên lớp theo độ tuổi và tập trung vào môn mình thích, nên có rất nhiều học sinh tuy vẫn lên lớp theo từng năm, nhưng trình độ cơ bản, đặc biệt là những môn khoa học cơ bản như toán, lý, hóa..., rất hạn chế. Hài hòa như thế nào? Việc trồng người không hề đơn giản: mỗi một thay đổi cần phải có sự cân nhắc chuẩn bị dài lâu, hội đủ mọi điều kiện cần và đủ, và nhất là không hề xem nhẹ cái chúng ta đã làm được, đã được thừa nhận cho sự thành công của bao đời nay. Và một điều không kém phần quan trọng là không bị choáng ngợp bởi những hào quang từ bên ngoài, không lý tưởng hóa những thành tựu của người khác, bởi cái gì cũng có tính hai mặt của nó, như bao đời nay, người ta vẫn thường nhắc nhở: hai mặt của tấm huân chương. Chính vì thế, dường như là nghịch lý khi nói rằng chính điểm mạnh đã cưu mang những điểm yếu trong chính bản thân nó và ngược lại. Nhiều trẻ em và thanh niên Việt Nam đã bị phê bình về thái độ và phong cách thiếu tự tin, không độc lập, rập khuôn, suy nghĩ theo lối mòn, kém về kỹ năng linh động trong giải quyết vấn đề. Thế nhưng, bên cạnh đó, nhờ những phương cách giáo dục đã thành thói quen từ nhỏ, các em có tinh thần kỷ luật cao, có lưu tâm đến những hệ lụy mình có thể gây ra cho người khác, có tính kiên định, vượt khó, biết lắng nghe và biết chia sẻ. Có nhiều học sinh và sinh viên Việt Nam đã, đang và sẽ rất thành công trong công tác học tập và nghiên cứu trong và ngoài nước. Càng ngày chúng ta lại càng nghe được nhiều tấm gương sáng của nhiều người Việt xuất sắc khiến bạn bè năm châu phải ngưỡng mộ. Đặc biệt là với cấp độ phổ thông, khi so sánh với bạn cùng lứa tuổi ở các nước phương Tây thì phần lớn các em đều nổi trội và rất thành công với tư duy và tính toán trong các môn khoa học cơ bản và tự nhiên. Điều đó cũng đã làm cho các nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ đặt câu hỏi và tiến hành công trình nghiên cứu lý do vì sao sinh viên, học sinh người Việt Nam và châu Á lại đạt được thành tích lớn và đa số vượt xa các bạn đồng lứa tuổi trong lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh... Không thể phủ nhận rằng cái gì thái quá cũng dẫn đến bất cập. Tự tin thái quá sẽ dẫn đến kiêu ngạo. Quá khiêm tốn sẽ dẫn đến tự ti và thụ động. Quá nhanh nhẹn và quyết đoán sẽ dẫn đến sơ hở và thiếu chín chắn. Quá cẩn thận, cân nhắc sẽ dẫn đến chậm chạp, bỏ lỡ thời cơ. Quá hăm hở, cố gắng sẽ dẫn đến gắng sức thái quá, bức xúc và chưa bao giờ tự bằng lòng với chính mình, chuốc lấy nỗi khổ vào thân. Quá tự bằng lòng với cái mình có thì lại dẫn đến thái độ trung dung, không bao giờ cố gắng cho sự thay đổi, và trong lúc xã hội tiến bộ như vũ bão thì hiển nhiên là nếu ta không tiến thì ta sẽ bị tụt hậu. Sáng tạo cũng phải có điểm dừng và có cơ sở khoa học cho sự sáng tạo. Thành công của sự sáng tạo dựa trên nền tảng của kiến thức, có kỷ luật tri thức và có cấu trúc. Nếu biết dung hòa cái hay của cả hai hệ thống giáo dục Đông và Tây, biết suy nghĩ, hành động và ý thức được những điểm yếu tiềm tàng trong bản thân mỗi điểm mạnh, có phải ta sẽ được những phương pháp đào tạo và thái độ sống, làm việc tối ưu? Tôi nghĩ rằng nền giáo dục của ta tuy còn rất nhiều điểm cần bàn và cần giải quyết để sớm hội nhập với khu vực và thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không có những điểm đáng cho thế giới tham khảo học tập. Việc học hỏi từ các nước cũng vậy, áp dụng các phương pháp và tôn chỉ giáo dục của họ vào hoàn cảnh của ta cũng phải hết sức thận trọng. Cần tránh việc áp dụng một cách cứng nhắc, thực hiện những điều chúng ta quan sát được (như là phần nổi của tảng băng) mà chưa thấy hết được giá trị cũng như nguy cơ tiềm ẩn của cả một hệ thống chuẩn bị và hoạt động phối hợp (phần chìm của tảng băng). Việc ứng dụng những cái mới trong giáo dục cũng như việc mang những giống cây hoặc sinh vật từ những nơi xa lạ về và gieo trồng trên vườn nhà. Việc các giống cây và sinh vật này sinh sôi nảy nở và phát triển trên các mảnh đất khác không thể là tiêu chí bảo đảm cho sự thành công của việc gieo trồng và nuôi dưỡng trên mảnh đất của ta. Yếu tố quyết định cho sự phát triển thành công của một giống cây hay một loài sinh vật không hề đơn giản: giống tốt không chưa đủ, phương tiện khoa học kỹ thuật tối ưu cũng chưa đủ. Môi trường, ánh sáng, điều kiện khí hậu, khả năng thích nghi để tồn tại và phát triển là các điều kiện cơ bản quyết định sự sống còn. ■ Tags: Cải cách giáo dục
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Giá vé bay Tết cao vẫn khó mua CÔNG TRUNG 18/12/2024 Dù hơn 7 triệu ghế được cung ứng dịp Tết 2025 nhưng tình trạng giá vé cao, khan hiếm khiến nhiều người gặp khó trong việc tìm đường về quê.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.