Đường đi của con trùn đất

DẠ NGÂN 23/04/2009 16:04 GMT+7

TTCT - Có hai cái chuyện mà thằng Thúng thấy ghét hoài trong bụng, đó là con Thúy và heo nọc. Hai chuyện tưởng không ăn nhập gì nhau, nhưng ăn nhập trong tâm can thằng Thúng.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Nó giận con Thúy không chỉ vì con nhỏ này bỏ nó đi lấy cái gã cà thọt người Đài Loan, mà bữa cuối cùng gặp nhau ngoài liếp chuối, con nhỏ còn vẩu môi nói: “Ông không đi, tui đi! Đất nhà ông nhiều quá hén, ông ở nhà mà ăn đi, rồi suốt đời chui dưới đất như con trùn!”.

Từ bữa đó, con vật mềm nhũn chuyên chui rúc trong đất ám ảnh nó ghê gớm. Câu chuyện bên liếp chuối cứ lởn vởn, lởn vởn. Con Thúy bàn với nó chuyện đi Sài Gòn lập nghiệp. Rằng tụi nó lớn rồi ở nhà ăn không ngồi rồi hoài coi sao đặng, suốt đời ngẩng mặt nhìn ai. Thằng Thúng nói lập nghiệp thì nghe cũng hay nhưng đi ngoài đó làm cái công việc gì? Không biết, cứ đi, khắc biết làm gì. Vậy sao được, con Thúy học mới lớp tám, thằng Thúng giỏi hơn cũng chưa tốt nghiệp nổi mười hai, lên thành phố để móc bọc à? Thôi, ở nhà mơi mốt tui cưới Thúy! Tui hổng thích giống má ông, suốt đời nuôi heo nái! Hổng thích thì thôi, tui xin ông già ra riêng, chia cho mấy công đất, cũng sống được như ai!

Vậy rồi con Thúy chửi cái câu con trùn nặng trịch đó.

Con nhỏ nói cho dữ, đi lập nghiệp, cuối cùng chỉ thấy bà Sáu Oanh má nó hí hửng khoe với lối xóm rằng nó sắp lấy chồng nước ngoài.

Rồi nó lấy chồng nước ngoài thiệt, cái gã Đài Loan cà thọt. Đi biệt tích. Thằng Thúng ra liếp chuối ngồi bần thần. Đến một bữa, nó đang bó gối nghĩ mông lung, chợt nghe cái gì nhột nhột dưới gót, dòm xuống, bắt gặp một con trùn đất mềm nhũn, ngọ nguậy cái đầu tìm đường thoát khỏi gót giò bự chảng của nó. Con trùn! Con trùn! Thằng Thúng đứng bật dậy, co giò đạp một phát. Con trùn! Con trùn! Nó đạp thêm phát nữa. Con vật bé nhỏ đứt làm đôi. Chị gà mái tục tục kéo bầy con tròn như ống chỉ nhào tới chia mồi.

Để nói cái chuyện thứ hai mà thằng Thúng ghét là chuyện đi dắt nọc. Hồi đó, ông Năm ba nó nói với bầy con sáu đứa: “Tao ráng làm lụng cho tụi bây ăn học đàng hoàng, đứa nào không ráng học, dốt thì đi dắt nọc cho nhà bà Tư!”. Con heo nọc nhìn gớm lắm. Lông lá dựng đứng, cặp dái bự tổ chảng căng phồng, mồm mép sùi bọt, lúc nào cũng hộc hộc, hộc hộc...

Bà Tư coi ốm yếu mà lớn giọng, một tay nắm cái xích dài loảng xoảng, tay kia cầm chiếc roi tre, quất bên này, vọt bên kia, con nọc thẳng đường mà tiến. Gặp nó, con nít đứa nào đứa nấy sợ xanh mặt. Bầy con ông Năm lớn lên, lấy chồng hết, coi như thoát, còn mỗi thằng Thúng ở nhà với ông bà. Không đợi nó học thành tài, mới bể giọng là ông Năm giao nhiệm vụ đi dắt nọc! Cãi sao được, mấy thím nái nhà nó đang mùa động đực mà. Bà Tư chủ của con nọc ngày một già, mắc thêm chứng đau khớp, nhằm khi trở trời, cái giò đi không nổi, nhà ai cần nọc, cứ tới mà dắt.

Trong “Cuộc thi truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long 2008”, Đường đi của con trùn đất được các thành viên ban chung khảo đồng thuận đánh giá cao. Giải nhì đã thuộc về tác giả mới toanh này.

Nông thôn luôn khiến người cầm bút dễ thấy bức xúc, lay động, nhưng viết cho hay về nó không dễ. Nhất là đối với các tác giả chưa chuyên. Tự ti quá dễ lặp lại người khác, phát hiện mới khó vô cùng, còn làng nhàng thì không hiệu quả. Nguyễn Thị Kim Tuyến cho chúng ta thấy một bản lĩnh. Góc độ, giọng văn, kết cấu và những chi tiết. Đã có thể hi vọng chưa, cái tâm và cái tài của một cán bộ Đoàn lần đầu mạnh dạn với văn chương bằng một truyện ngắn gan ruột?

Xin mời độc giả và đồng nghiệp thưởng thức giải nhì của một cuộc thi tầm khu vực. Nói một cách hóm hỉnh theo giọng điệu của tác giả, đây dù không chân dài, không lý tưởng về các số đo nhưng bảo đảm “ăn người” ở nước da nâu nâu giòn giòn đấy.

Con Thúy không biệt tích. Nó về, đem xấp tiền cho má nó xây nhà. Bà Sáu Oanh đi khoe khắp xóm xem chừng hãnh diện lắm. Con Thúy cũng đỏng đảnh ra mặt, nó bận áo dây, quần soọc, ngồi ỡm ờ bên quán hột vịt lộn trước cửa nhà.

Trời xui đất khiến thế nào thằng Thúng dắt heo nọc xồng xộc chạy qua. Lỡ đụng mặt, không lẽ không dòm. Nhỏ kia câng câng cái mặt: “Ủa, anh Thúng! Chừng nào mới thôi bụm dái heo đây cha?”. Tụi con gái ngồi ăn nghe vậy cười rúc rích. Ông nội ơi, hai cái thứ mà thằng Thúng ghét, con nọc và con Thúy, đều đang ở trước mặt. Thằng Thúng bậm môi, vung roi quất một cái thẳng tay, con nọc chồm lên hộc hộc, hộc hộc...

Thằng Thúng từ trên nóc chuồng heo phóng xuống sàn, xán lại chỗ bà Năm đang chúc từng muỗng bột lên mấy cái vú lòng thòng cho lũ heo con háu sữa. Nó co giò đá cái phóc. Con nái đang nằm lim dim, phì phò, giật mình chồm lên hằn học dữ tợn. Lũ heo con buông vú dạt vô một góc.

Bà Năm la: “Thằng ôn binh đại càng! Nái hung nó cắn chết bây giờ!”. Thằng Thúng một tay chống nạnh, mặt mày hậm hực: “Tui nói với má, má nghỉ nuôi heo nái đi! Từ rày tui không đi dắt nọc nữa. Làm vầy hoài, nhục lắm!”. “Trời đất thánh thần ơi, mầy không biết mầy lớn tồng ngồng như vầy là nhờ vú heo nái hả con? Mầy tưởng má mầy sung sướng lắm hả con? Trời ơi, con ơi là con..!”.

Nói gì thì nói, thằng Thúng vẫn phải đi trả nọc. Nhà bà Tư, nếu đi thẳng chỉ qua đoạn đường đất, khỏi cây cầu ván, thấy cái bảng đề “Heo nọc giống tốt”, theo mũi tên chỉ vô trăm mét nữa là tới, dễ ợt. Nhưng đi cái đường dễ ợt đó phải qua nhà con Thúy, biết vậy, thằng Thúng quyết định đi đường vòng. Hơi xa cũng chẳng sao, khổ nhất là con nọc không quen đường cứ chạy xồng xộc, bổ ngang bổ ngửa, bổ luôn xuống cái đầm cạnh bờ tre. Thằng Thúng kéo không lại, buộc phải nhảy theo.

Con nọc lội nhanh đáo để, một chốc đã tới bờ, nhào lên chạy tiếp. Thằng Thúng đang hì hục rượt theo, bỗng “á” lên một tiếng. Đạp trúng cái gì như mảnh vỏ ốc, máu từ ngón chân cái tứa ra, nó ngồi bệt xuống bùn nhăn nhó. Cũng hên, cái xích trong chân con nọc vướng phải gốc tre già. Mặc con nọc, thằng Thúng dạo dạo cái giò xuống vũng nước cho đỡ bùn, xé toạc một miếng vạt áo, băng chỗ đứt lại. Nó lết lên gò tre, ngã ngửa, thở hì hì. Vết đứt đau xiết tới xương, nó nhắm rịt mắt, rồi lại mở ra. Vòm tre xanh rì, mát rượi.

Gió lao xao, lao xao, lát ngưng lát thổi. Mùi nắng, mùi cỏ, mùi bùn, cả mùi phân trâu hăng ngái theo từng lượt gió hắt lên. Thằng Thúng nhận ra lâu lắm nó không ngồi trên gò tre này, từ lúc ông Tám Củ lùa trâu vô tuốt cánh đồng bên kia kênh thủy lợi khi thằng Sét con ông, bạn thả diều bắt dế chí cốt của nó, đi xuất khẩu lao động. Nó lim dim nghĩ mùa nước tới không có thằng Sét rủ rê, chắc chẳng đứa nào siêng ra đồng gí chuột vô bờ tre này nữa. Với lũ trai choai này, chuyện đi lùa trâu, đào cua, gí chuột là vui nhứt đời. Nhớ những bữa trưa, gò tre thơm nức mùi cua, mùi chuột nướng. Mùi thơm cứ luẩn quẩn dưới vòm tre.

Giọng cười của thằng Sét cũng giòn giã dưới vòm tre. Tự dưng thấy nhớ thằng Sét quá. Thằng Thúng ngóc đầu dậy, nhìn về phía xóm mình, nhà thằng Sét đâu không thấy, chỉ thấy nhà con Thúy. Nhà con Thúy đang đổ móng, người ta đốn hết vạt cây sau hè, nhìn vô thấy rõ bóng người tới lui.

Thằng Thúng lập tức ngó chỗ khác, giở cái giò đau lên dòm, không phải coi máu còn chảy mà coi có đạp trúng con trùn đất nào không mà tự dưng nghe nhột nhột... Buông giò, nó lại ngước lên vòm tre. Sao ánh mắt nó không thoát khỏi cái vòm tre này? Lần đầu tiên nó bận tâm phía bên kia vòm tre xem bầu trời xanh đến mức nào. Bầu trời này dường như chỉ còn là của nó. Thằng Sét, con Thúy, mỗi đứa đều đã đi tìm bầu trời cho riêng mình...

Tiếng hộc hộc của con nọc kéo nó xổm dậy. Thôi, trời cao lắm, nhà bà Tư heo nọc thì chút nữa là tới rồi.

Chuyện đời không sao mà lường hết được.

Bầu trời của con Thúy xanh được có mấy bữa thì mây kéo vần vũ. Mẹ con nó ôm nhau khóc hu hu khi biết chuyện nhà chồng bắt nó phải làm vợ luôn cả thằng em chồng bệnh hoạn. Làm gì đối xử với người ta như con thú vậy. May mà con Thúy trốn về được. Bà Sáu Oanh thôi đi lao rao khắp xóm giềng như hồi trước, suốt ngày ôm con sợ nó xấu hổ mà làm chuyện dại dột.

Bầu trời của thằng Sét không biết có xanh được ngày nào chưa mà cũng u ám nữa rồi. Nó quen kiểu đi lùa trâu, giờ nào trâu ăn thì lên bờ tre mà ngủ, sáng sáng trước khi ra đồng còn dấm dẳng ở quán cà phê cóc. Quen nết lề phề, thằng Sét và mấy đứa nữa ở cái xóm này bị cắt hợp đồng đuổi về nước do không tuân thủ kỷ luật gì đó. Tội cho ông Tám Củ, lấy tiền đâu cho thằng Sét trả nợ ngân hàng! Thằng Sét phải đi xịt thuốc sâu, vác lúa, kéo đất đắp bờ cho người ta. Nợ ngân hàng chưa trả hết, vậy mà đùng một cái nó cưới vợ. Nhà ông Tám Củ thuộc diện hộ nghèo có sổ không nuôi nổi nàng dâu. Ông đâm thêm cái chái cho vợ chồng thằng Sét ở riêng. Thành ra xóm này đẻ thêm một cái hộ nghèo nhỏ xíu nữa. Thằng Sét vẫn cứ vui vẻ đi xịt sâu, vác lúa, đắp bờ...

Bầu trời của thằng Thúng thì cứ yên lành đến mức ngao ngán. Ngao ngán cái cảnh đi dắt nọc, gằm đầu mà bước, chẳng muốn nhìn ai. Ngao ngán cái cảnh nằm dưới vòm tre, nhìn cuộc đời không qua khỏi ngọn lá. Ngán cái đời thằng Sét, ngán luôn đời con Thúy nữa...

Một bữa, nắng chang chang. Thằng Thúng chập chập hai tay hai chân một lát đã tót lên tới ngọn dừa. Nhìn ra ngoài kia thấy trời mênh mông, đồng mênh mông, nhưng sao thứ gì cũng nhờn nhợt, chán ngắt. Nó vói tay xoay xoay trái dừa, bứt ra khỏi cuống. Thay vì liệng xuống gốc, thằng Thúng lại vung tay thảy qua phía chuồng heo. Trái dừa rớt đùng trên mái lá, lầm sầm lăn xuống đất. Đám heo của bà Năm hốt hoảng kêu eng éc.

Ông Năm hết hồn trong nhà chạy ra. “Cái gì nữa vậy hả thằng trời đánh?”. Vẫn ngồi trên ngọn dừa, nó nói vọng xuống: “Tui nói với ba rồi, tui hổng có cưới vợ! Tui hổng muốn giống người ta, cưới vợ rồi đi làm mướn. Tui cũng hổng muốn vợ tui giống má, nuôi heo nái suốt đời!”. “Cái thằng... Hổng chịu cưới vợ rồi leo lên đó mần chi, tính phá nhà phá cửa hả?”. Thằng Thúng muốn nhảy xuống nóc nhà để lăn tròn như trái dừa coi ra làm sao, nhưng rốt cuộc nó không dám.

Bị ông Năm chửi hết buổi tối, nó bỏ ăn nằm trùm mền mấy bữa. Bà Năm bưng tô cháo hột gà vô ngồi bên cạnh con, vừa thổi phù phù vừa thẽ thọt: “Tao với ổng còn có mình mầy, không lo cho mầy còn lo cho ai hả con? Ba mầy ổng cũng nôn dâu nôn cháu, thấy con Biền xóm trên cũng nết na ưng bụng. Mà con không chịu thì thôi. Không thích nuôi heo cũng thôi, má cực cả đời rồi. Mầy cũng còn nhỏ nhen gì nữa, muốn làm gì đó làm!”.

Dự định hồi nào không biết, ngay bữa sau, thằng Thúng bật dậy thưa với ông Năm đi Sài Gòn với mấy thằng nữa, mong có đồng ra đồng vô đỡ cho má nó. Nói là đi liền. Trong bụng cũng có chút lo lắng nhưng thằng Thúng dứt khoát không ngoái đầu nhìn lại, nó sợ cảm giác ngao ngán.

Thằng Thúng đi làm công nhân cho một công ty chế biến nước ngoài. Đâu được hai tháng thì nó cảm thấy cái chân bắt đầu run mỗi khi đứng ca quá giờ, mấy đầu ngón tay luôn trắng bệch nhăn nhúm, hai con mắt cứ leo nheo mỗi tối đi làm về. Rồi công ty chỗ nó nổ ra đình công. Trong khi thằng Thúng chưa kịp nghĩ gì hết thì ông Năm đã lặn lội từ quê ra nói bà Năm đau, kêu nó phải về.

Nhưng bà Năm đâu có đau ốm gì. Chỉ con nái đau, bỏ bầy con bú bột cả tháng trời. Bà Năm rầu thúi ruột, tối nào cũng xách đèn đi ra đi vô. Thằng Thúng thất vọng lại nằm trùm mền, bịt kín hai lỗ tai, trốn tiếng kêu eng éc của lũ heo con thiếu sữa.

Con trùn đất lại kiên quyết rời khỏi đất. Lần này ông Năm có cản cũng không được. Thằng Thúng đi bộ đội mà. Ở trại tòng quân, nó phấn khởi ra mặt: “Ba má ở nhà ráng giữ gìn sức khỏe! Tui đi chuyến này hơi lâu à”. Ông bà Năm đâu biết ý đồ thằng Thúng. Nó tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự định đăng ký phục vụ lâu dài luôn. Dự định này đã thôi thúc nó, làm nó thấy sung sướng dữ lắm.

Nhưng, ông trời một lần nữa lại phụ lòng thằng Thúng. Chừng hai năm, nó vác balô về. Đơn vị lựa tới lựa lui, rốt cuộc do trình độ nó không bằng người ta, đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ thành sĩ quan chuyên nghiệp. Xã tổ chức lễ đón quân nhân xuất ngũ xôm tụ lắm, nhưng thằng Thúng không dự. Nó đi thẳng về nhà, quăng balô cái phạch, leo lên bộ ván ngựa trùm mền. Cái nết thằng này đánh chết không đổi. Ông bà Năm thương con, nghĩ chắc trong quân đội cực khổ lắm, bảo nhau để yên cho thằng nhỏ ngủ cho đã. Thằng Thúng đâu có ngủ, nó bịt lỗ tai trốn tiếng heo kêu eng éc.

Nhưng còn con heo nào nữa đâu mà kêu. Sau mấy bận dịch lở mồm long móng, cái xóm nhỏ này lao đao thêm. Bà Năm rửa chuồng, treo đèn, ngồi thở vắn. Ông Năm nằm toòng teng trên võng, húng hắng thuốc rê từ sáng đến xế chiều. Thằng Thúng bỏ hẳn cái nết trùm mền, vì không còn tiếng heo kêu, cũng vì nó nghe xót trong bụng, thấy thương ông bà Năm dữ lắm. Bây giờ đâu có ai nhắc nó chuyện cưới vợ nuôi heo nữa, tự dưng nó cắn rứt, giận mình.

Con trùn đất lại chuẩn bị cho một cuộc ra đi. Chuyến đi này phải mất nhiều thời gian, công sức lắm. Nhưng nó không sợ.

Giờ thì ai cũng biết xóm nhà ông bà Năm có tay cán bộ chăn nuôi mới. Dĩ nhiên, ông bà Năm mừng hơn hết thảy. Ông cắt cổ con gà mái vàng đương đẻ trứng bày mâm cúng tổ tiên. Thằng Thúng lội ra liếp chuối lặt mấy ngọn rau răm về trộn gỏi. Đứng trên liếp nhìn ra xa, nó mơ màng đến một ngày biến mảnh đất cằn cỗi của ông Năm thành trại heo nổi tiếng.

Chợt nhìn xuống, cái gì nhồn nhột dưới chân. Con trùn! Con vật nhỏ bé bị thằng người vô tình đạp đứt đôi từ khi nào. Thằng Thúng ngồi bệt xuống, chống cằm ngó con trùn lâu lâu. Con vật nhỏ không chết. Hai khúc đứt đôi bỗng biến thành hai con, ngo ngoe bò về đất. Miếng đất này tơi xốp, rau mọc xanh rờn không phải nhờ có trùn đất hay sao. Thằng Thúng chợt nhoẻn cười. Con trùn sống nhờ đất, đi khỏi đất mà làm gì, kệ, ai ví nó là gì cũng được nhưng không có đất thì con người bấu víu vào đâu?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận