​Đường đi của Vinh Quang

TẤN PHÚC - LÊ TẤN 01/04/2015 00:03 GMT+7

Sau một năm đến Mỹ học quần vợt tại Club Med Academies ở Miami (Florida), Nguyễn Mậu Vinh Quang đã bước đầu hình thành hướng đi cho sự nghiệp phía trước, trong đó tính đến cả khả năng vào đại học và vẫn tiếp tục chơi quần vợt.

Nguyễn Mậu Vinh Quang - Ảnh: T.P.

Chúng tôi gặp lại Vinh Quang tại nhà riêng sau khi em vừa từ Malaysia trở về (*). Câu chuyện bắt đầu từ Giải Indian Wells đang diễn ra tại Mỹ và được trực tiếp trên SCTV, trong đó có sự tham dự của các tay vợt trẻ gây chú ý như Borna Coric, Nick Kyrgios, Thanasi Kokkinakis. “Em ít xem cả trận đấu vì thấy diễn tiến hơi chậm. Em chỉ xem tóm lược các pha đánh hay để học hỏi được nhiều hơn trong thi đấu” - Vinh Quang giải thích.

So với lần gặp cách đây một năm, Vinh Quang đã chững chạc đến mức khó tin ở tuổi 16 của mình khi nói về quần vợt tại một môi trường giúp em có thêm động lực theo đuổi đam mê bằng sự tự tin về những tiến bộ thời gian qua.

120 USD CHO MỘT GIỜ TẬP THÊM

Xuất thân là VĐV năng khiếu bơi lội, Vinh Quang sớm bộc lộ khả năng chơi quần vợt, một phần cũng nhờ người cha là một tay vợt phong trào đam mê. Em từng đoạt HCB Giải vô địch U-14 châu Á - nhóm II năm 2013. Đầu năm 2014, Vinh Quang đã đến Club Med Academies của HLV trưởng Gabe Jaramillo, người từng có thời gian làm việc tại Học viện IMG, tức Nick Bollettieri Academy trước đây.

“Năm ngoái em có gặp ông Bollettieri tại Giải Miami, lúc ông ấy đến giới thiệu sách và ký tặng. Theo em biết thì ông Bollettieri không còn huấn luyện nữa do đã lớn tuổi, trong khi tại Club Med thầy Jaramillo không bao giờ ngồi im một chỗ. Mỗi khi phát hiện học viên thực hiện chưa đúng động tác là thầy vào sân chỉ dẫn hoặc truyền đạt cho HLV khác tập lại” - Vinh Quang kể.

Trên sân, Vinh Quang học quần vợt với bốn HLV theo giáo án của HLV trưởng Jaramillo. “Mỗi HLV có cách diễn đạt riêng khi truyền đạt kỹ năng, nhưng cơ bản kỹ thuật là giống nhau. Hiệu quả có thể khác nhau tùy vào việc học viên có nghe hiểu tốt và nỗ lực hay không mà thôi” - Vinh Quang nói.

Nhờ số học viên theo học đông (60-70 em) nên việc cùng tập rất hào hứng, tính cạnh tranh giữa các tay vợt trẻ trong cùng nhóm tuổi rất cao vì học viện thường xuyên tổ chức các giải đấu nội bộ, gần như mỗi 2-3 tuần, và có xếp hạng để đánh giá sự tiến bộ.

Trước khi đến Club Med, Vinh Quang tập quần vợt với cựu vô địch quốc gia Đỗ Minh Quân. Nay em vẫn thích tập luyện với Quân trong những giờ rảnh vì Quân cũng đến làm việc tại học viện này.

Để được HLV chỉ dẫn tập từng động tác nhằm hoàn chỉnh hoặc cải thiện cú đánh sau những giờ tập luyện cơ bản, học viên phải trả thêm 120 USD/giờ. Trong các cơ sở đào tạo quần vợt tại Mỹ, Club Med chỉ thuộc hàng trung bình nhưng lại có ưu thế mà nhiều phụ huynh, đặc biệt từ châu Á, lựa chọn: phải học văn hóa nhiều hơn.

“Nếu được tranh giải nhiều, em nghĩ mình có thể vào tốp 300-400 của ITF. Trước khi về Việt Nam, em có thi đấu với một tay vợt người Nhật nằm ở tốp 200 ITF và đã thắng 6-1, 6-4. Hè năm ngoái, em thắng được một anh hạng 400 ITF. Em nghĩ mình đang tiến bộ nhiều”
 

Theo thời khóa biểu, 7g30 sáng Vinh Quang phải lên xe đến học lớp 9 tại Trường trung học Morning Side. Buổi chiều từ 13g30 em mới ra sân quần vợt. Thời gian tập thể lực và chuyên môn kéo dài năm giờ, đôi lúc sáu giờ nếu tập thêm. Sau khi ăn chiều, từ 19g tất cả học viên đều vào phòng học lớn để tự học đến 21g.

Đây chính là điều ông Nguyễn Mậu Vinh hài lòng khi cho con theo học tại Mỹ: “Mỗi năm kinh phí cho Vinh Quang khoảng 1 tỉ đồng, số tiền không lớn trong đầu tư cho VĐV quần vợt, nhưng vừa được học quần vợt lại đảm bảo văn hóa, điều đó làm tôi yên tâm”.

Nhờ trước đây học ở một trường quốc tế tại TP.HCM nên Vinh Quang không gặp khó khăn trong chuyện học văn hóa tại Mỹ, thậm chí em thấy chương trình còn “nhẹ hơn” so với ở quê nhà, đặc biệt là các môn toán, lý, hóa. Ngoài ra, Vinh Quang còn được học tâm lý mỗi thứ ba hằng tuần, từ chuyện tập thở đến việc đặt ra những mục tiêu.

Em giải thích: “Cách thở tưởng chừng đơn giản nhưng khi áp dụng một cách khoa học sẽ giúp lâu mệt hơn bình thường. Khi đặt ra mục tiêu, đó không phải mục tiêu quá xa vời mà là những cái đích thật gần để mình cảm tưởng có thể với tới được bằng một bước nhảy thật nỗ lực. Rồi cách áp đặt tính kỷ luật cho tâm lý thi đấu để vượt qua áp lực. Người chiến thắng luôn là người biết cách thắng ở những điểm quan trọng có nhiều áp lực. Em nhận thấy đó cũng chính là điểm yếu của nhiều tay vợt Việt Nam”.

Tự đánh giá những mặt tiến bộ của mình sau một năm học, Vinh Quang kể ra cú giao bóng, đánh thuận tay và trái tay: “Lực giao bóng của em mạnh nhất có thể đạt 117 m/h (tức trên 188 km/giờ), nhưng để đạt độ chính xác hơn thì chỉ vào khoảng 106 m/h (170 km/giờ). Về di chuyển, do tập trung vào các cú đánh nhiều quá nên em nghĩ cần phải tập thêm kỹ năng này”.

NGHĨ ĐẾN HƯỚNG ĐI AN TOÀN

Vinh Quang cùng êkip huấn luyện tại CLB Phú Thọ chuẩn bị cho vòng loại Davis Cup Junior (Úc) - Ảnh: T.P.

Tại Mỹ, Vinh Quang có cơ hội đi nhiều và quan sát nhiều, chẳng hạn: “Ở trình độ đỉnh cao, tay vợt nào cũng di chuyển nhanh. Nhưng em thấy Dimitrov và Nishikori có bước chân lẹ nhất. Isner và Anderson thì cao kều nhưng chỉ cần vài sải chân là họ đã chạm vợt vào bóng. Về cú giao bóng, em thích Sam Groth của Úc khi xem anh ấy đánh với Lu của Đài Loan tại Giải Delray Beach vừa rồi”.

Với chiều cao 1,85m và nặng 77kg, Vinh Quang đang phát triển thể hình tốt ở độ tuổi của mình (trước khi đến Mỹ vào đầu năm 2014, em cao 1,8m). Tuy nhiên, chặng đường tiếp theo còn dài để khẳng định liệu Vinh Quang có thể tiến bước trên con đường chuyên nghiệp hay không.

Hiện nay, sự tiến bộ của Lý Hoàng Nam đang tạo động lực rất lớn cho các tay vợt trẻ. Nhưng Hoàng Nam được Tập đoàn Becamex tài trợ dài hạn, trong khi Vinh Quang và các tay vợt khác là sản phẩm đầu tư của gia đình với nhiều cân nhắc nếu lỡ như con đường sự nghiệp thi đấu dang dở.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Vinh Quang rất ý thức về điều này, từ những chuyện nhỏ như hết sức tránh những vận động chơi đùa có thể gây ra chấn thương, kiểm soát chế độ ăn uống và kịp thời phản ảnh với HLV nếu có vấn đề về dinh dưỡng, cho đến chuyện quan trọng là chọn nghề nghiệp tương lai.

Em nói: “Sau khi hoàn tất chương trình trung học trong ba năm nữa, em đã hướng đến hai con đường. Nếu như có thứ hạng cao và cảm thấy có thể tiếp tục chơi thật hay, em sẽ chọn quần vợt chuyên nghiệp, chỉ tập luyện và thi đấu thôi. Hướng còn lại mà em nhắm tới là cố gắng vào đại học thuộc nhóm 1 và tiếp tục thi đấu các giải quần vợt đại học. Em nghĩ đây là hướng đi an toàn”.

Hướng đi an toàn của Vinh Quang sẽ là học chuyên ngành phần mềm với mơ ước trở thành kỹ sư tin học. Trước mắt, em tập trung thi đấu nhiều giải ITF (Liên đoàn Quần vợt quốc tế), rồi sau đó là các giải quốc gia trong dịp nghỉ hè. Sau vòng loại Davis Cup Junior tại Úc, Vinh Quang sẽ kết hợp tìm cơ hội tham dự các giải ITF tại đây. Thành tích cao nhất của em là vào vòng 16 một giải ITF tổ chức tại Việt Nam.  

(*): Đội tuyển Davis Cup Junior Việt Nam 2015 do HLV Trần Quốc Phong dẫn dắt gồm ba tay vợt trẻ đang tập huấn ở nước ngoài là Từ Minh Trí, Nguyễn Đắc Tiến và Nguyễn Mậu Vinh Quang. Tại vòng sơ loại ở Malaysia, đội đã dẫn đầu và sẽ đi Úc dự vòng loại khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ ngày 8 đến 14-4.

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận