Đường là “tội đồ”?

DƯỢC SĨ THÁI TRẦN 03/12/2016 02:12 GMT+7

TTCT- Trong năm vị cơ bản của nhân loại, vị ngọt của đường vẫn luôn được yêu thích nhất so với chua cay mặn đắng. Quá phổ biến từ thế kỷ 20, được dùng thường xuyên hằng ngày, trong mỗi bữa ăn..., giờ đây đường được xem như một “tội đồ” cho sức khỏe vì ngày càng bị lạm dụng.

Thật tình mà nói, món ngọt quá cám dỗ!
Thật tình mà nói, món ngọt quá cám dỗ!

 

Đường... gây bệnh

Một nghiên cứu, có thể nói là lớn nhất từ trước đến giờ trên 175 quốc gia, cho thấy nơi nào có thêm 150 calorie năng lượng đến từ đường trong chế độ dinh dưỡng sẽ làm tăng tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường type 2 lên đến 11 lần.

Kết quả này đã loại bỏ các thông số liên quan đến đái tháo đường như chỉ số cơ thể BMI, các hoạt động thể chất và được tiến hành so sánh với các chế độ dinh dưỡng cũng cung cấp cao hơn 150 calories nhưng đến từ đạm hay chất béo.

Cùng lúc, một nghiên cứu hồi cứu tại Hoa Kỳ cho thấy những người dùng nhiều hơn 25% năng lượng đến từ đường có tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn đáng kể so với những người dùng ít hơn 10% năng lượng từ đường. Thống kê cũng tại nước này cho thấy tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường type 2 đã tăng 25% từ năm 1988-2012.

Và... gây nghiện

Tác động có hại của việc lạm dụng đường đã được chứng minh, nhưng sở dĩ các nhà khoa học còn xem nó như “tội đồ”, ví von là “new tobacco” (thuốc lá mới) là vì một yếu tố đặc biệt nguy hiểm - khả năng gây nghiện!

Không nói đến việc những bậc phụ huynh rất dễ nhận thấy việc con trẻ cứ nằng nặc đòi uống nước giải khát có gas, nước tăng lực vốn nhiều đường, khoa học cũng đã chứng minh cụ thể.

Nghiên cứu của Đại học Kỹ nghệ Queensland (Úc) cho biết khi ăn, uống đường vào cơ thể, não sẽ phóng thích hoạt chất dopamine - chất dẫn truyền thần kinh gây hưng phấn, giống như tác động của cocaine hay nicotine trong thuốc lá! Không chỉ vậy, nghiên cứu còn cho biết ở những người tiêu thụ nhiều đường trong thời gian dài, hàm lượng dopamine trong cơ thể sẽ giảm.

Do vậy, cơ thể sẽ có nhu cầu được nạp thêm đường để kích thích tiết ra chất gây hưng phấn thần kinh này.

Tuy vẫn có tuyên bố ngược lại cho rằng việc gây nghiện của đường là do tác nhân tâm lý (ví dụ như sự ghiền bài bạc) chứ không phải là sự phụ thuộc về sinh lý, nghiên cứu của tiến sĩ James Di-Nicolantonio, chuyên gia tim mạch Viện Tim St. Luke, thành phố Kansas, bang Missouri, Hoa Kỳ, trên động vật cho biết: “So sánh giữa đường và cocaine, khi được cho lựa chọn những con chuột đã nghiện cocaine sẽ chuyển sang chọn đường!”.

Từ lời cảnh báo y tế đầu tiên về tác hại của thuốc lá đến ung thư phổi, mãi đến 50 năm sau những chính sách, điều luật hạn chế sử dụng thuốc lá mới được áp dụng. Các nhà khoa học cảnh báo rằng mọi việc có thể tương tự như vậy với đường.

Nhất là khi họ cũng phát hiện sự can thiệp của các nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp liên quan đến đường đã tài trợ các nghiên cứu khoa học để làm lệch đi kết quả về tác hại của lạm dụng đường. Họ cũng đã công bố trên báo chí về việc này những ngày gần đây.

Tiến sĩ James Di-Nicolantonio cho biết: “50 năm trước mọi người sẽ cười khi bạn nói với họ thuốc lá gây nghiện. Lúc đó, thuốc lá vẫn được cho là lành mạnh, được bác sĩ cho phép dùng, thậm chí cho những bệnh nhân nằm viện.

Chúng ta phải bắt đầu chấp nhận việc đường có thể gây nghiện, đặc biệt với một số đối tượng”. Để từ đó, có thể tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những khuyến nghị, định hướng y tế, dinh dưỡng phù hợp.

Ở Việt Nam, tình hình còn đáng báo động hơn khi chỉ trong 10 năm qua tỉ lệ đái tháo đường - căn bệnh được gọi là đại dịch thế kỷ và liên quan chặt chẽ đến việc lạm dụng đường, đã tăng tới 200%, từ 3% lên đến 5,4%, nằm trong những nước có tốc độ tăng vọt cao nhất thế giới.

Cả tình trạng tiền đái tháo đường cũng vậy, tăng từ 7,7% lên đến gần 14% dân số. Vẫn chưa thấy tín hiệu gì về dấu hiệu sẽ đánh thuế đường trong nước ngọt hay các biện pháp tương tự, trong khi doanh số của ngành hàng này vẫn tăng đều đặn.

Thiết nghĩ, cũng nên có những đề xuất cần thiết đến cơ quan chức năng, cũng như các hoạt động truyền thông giáo dục rộng rãi đến cộng đồng trước khi mọi việc trở nên quá muộn.■

Nhân Ngày béo phì thế giới vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức đề nghị các quốc gia trên toàn cầu áp mức thuế đến 20% trên hàm lượng đường sử dụng trong các loại nước giải khát. Trên thực tế, nhiều quốc gia Âu - Mỹ đã áp dụng chính sách này từ vài năm qua, đạt kết quả đáng khích lệ ban đầu trong việc giảm từ 10-20% lượng nước ngọt tiêu thụ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận