TTCT - Sinh ra trong một thị trường tiêu dùng sản phẩm số năng động với phần đông khách hàng trẻ, sách điện tử (ebook) Việt Nam dường như có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển. Song, bị lạc lối trong rừng rậm của nạn chôm chỉa, thói quen dùng hàng rẻ và miễn phí, thêm sự dè dặt của các nhà xuất bản, ebook Việt Nam còn lâu mới lớn. Việc đọc sách điện tử trên iPad cho cảm giác như đang cầm cuốn sách thật - Ảnh: TidBITSKhi những chiếc máy tính bảng trở thành đại trà với đủ thương hiệu, đủ mức giá, nhu cầu ebook cũng theo đó mà tăng vọt. Cả trăm cuốn sách nay có thể xếp gọn trong một chiếc iPad nặng chưa đầy 700g, mọi công đoạn để tìm kiếm và mua một cuốn sách giờ thu gọn trong vài ba thao tác chạm vuốt đơn giản.Juniper Research thống kê doanh số ebook bán ra trên thế giới đạt 3,2 tỉ USD năm 2011 và ước đạt gần 10 tỉ USD vào năm 2016. Riêng tại thị trường Nhật Bản, theo thống kê của VTM Research, doanh số ebook thể loại truyện tranh năm 2011 lên tới 600 triệu USD.Ebook: “hoang dã” nơi diễn đànỞ Việt Nam cũng vậy, theo sát làn sóng đại chúng của smartphone, máy tính bảng, ngày càng nhiều người tìm đến với ebook bởi tính tiện lợi đặc biệt. Hầu hết diễn đàn trực tuyến đều có những góc để chia sẻ ebook dù có hay không có yếu tố thương mại. Từ truyện tranh, sách văn học, tôn giáo, triết học, dạy làm người, khoa học đến mẫu công văn, luận văn... tất cả các loại sách đều có đủ và hầu như được cung cấp miễn phí cho các thành viên. Cũng từ đó, theo nhu cầu của công dân mạng, các thư viện trực tuyến đã xuất hiện để tập trung sách điện tử về một mối cho người dùng dễ tìm, dễ tải như e-thuvien, tailieu.vn, bookbomming...Tại e-thuvien, từ tháng 4-2009, các thành viên, tùy theo sức mình, chia nhau đánh máy tạo ebook và nay vẫn đang miệt mài thực hiện dự án này.Có thể nói hầu hết đầu sách bán chạy đều có ở dạng ebook và dễ dàng tìm thấy trên mạng để tải xuống. Tuy nhiên, ít người đọc ebook làm theo cách này vì khá mất thời gian, đa số chọn cách chép đại trà hàng trăm đến hàng ngàn cuốn ở các cửa hàng bán thiết bị, hoặc tải nguyên cả thư mục từ các trang mạng. Trong số này không ít là sách “tào lao”, ở mức độ nhẹ là những sáng tác tầm phào, nhăng nhít, thậm chí còn chưa “sạch nước cản” về ngữ pháp và chính tả, chưa nói đến nội dung hay tính thẩm mỹ của tác phẩm; ở mức độ nặng hơn là sách đồi trụy, truyện ma, kinh dị...Ngoài ra, những đầu sách đã bị các cơ quan chức năng cấm xuất bản hoặc thu hồi cũng có ở dạng ebook, nhiều tác giả sau khi sách bị thu hồi đã bán qua mạng Amazon, không khó và không lâu sau đó thì bản copy cũng đầy rẫy trên mạng.Và phát triển một cách “hoang dã” như vậy nên ebook “lậu” đầy rẫy những lỗi nhận dạng font chữ xảy ra trong quá trình chuyển đổi văn bản, nhiều văn bản.Thận trọng tìm đườngTrong khi ebook không bản quyền phát triển “hoang dã” ở các diễn đàn, thì thị trường ebook có bản quyền lại phát triển khá chậm. Các nhà xuất bản nhìn ngó nhau và rụt rè thực hiện những bước thăm dò thị trường. Cách đây khoảng một năm, ebook có bản quyền xuất hiện đầu tiên trên Reader.vn với vài trăm đầu sách, tiếp đến Alezaa với chưa đầy 2.000 đầu sách và Phương Nam với khoảng 200 đầu sách.Cuối tháng 4-2012, nhà sách Phương Nam Ebook đã mở cửa tại trung tâm thương mại Vincom (quận 1, TP.HCM) trên diện tích hơn 500m2, đánh dấu sự ra đời mô hình nhà sách mới với nhiều cách thức đọc: bằng điện thoại, máy tính bảng và đọc bằng các thiết bị đọc chuyên dùng.Ngày 30-5, Công ty sách điện tử Trẻ (Ybook) thuộc Nhà xuất bản Trẻ đã nhận giấy phép hoạt động chính thức. Dự kiến trong tháng 9-2012, Ybook sẽ ra mắt 5.000 đầu sách có bản quyền của Nhà xuất bản Trẻ và khoảng mười nhà xuất bản khác.Bên cạnh đó, Ybook cũng mua bản quyền phát hành đối với sách của các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Huy Thiệp...Ông Đồng Phước Vinh, phó giám đốc Ybook, cho biết sau khi ra mắt, tốc độ bổ sung ebook của Ybook sẽ là 1.000 cuốn/tháng và giá bán linh hoạt từ 5.000-10.000 đồng/cuốn sách đã phát hành lâu và tối đa 30% giá bìa sách in với các sách mới của Nhà xuất bản Trẻ. Riêng với sách của các nhà xuất bản khác sẽ có giá theo thỏa thuận nhưng sẽ rẻ hơn sách in từ 50-80%.Một số nhà xuất bản chưa đầu tư dự án lớn như Nhà xuất bản Trẻ thì chọn con đường hợp tác với các đơn vị sản xuất ebook như Nhà xuất bản Giáo dục hợp tác với VTC số hóa một số sản phẩm, Trí Việt hợp tác với Samsung bán ebook của 50 đầu sách thuộc tủ sách Hạt giống tâm hồn. Viettel, FPT cũng tham gia thị trường ebook với việc phát hành trên điện thoại di động. Lạc Việt cũng đã số hóa khoảng 5.000 đầu sách với định dạng sách và phần mềm đọc riêng của Lạc Việt để bảo vệ bản quyền.Tại các nước, xu hướng xuất bản số rất rõ: năm 2011, tập đoàn bán lẻ sách lớn nhất thế giới Borders đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng bán lẻ để chú mục vào ebook. Cũng trong năm này, lượng ebook mà Amazon bán ra gần gấp đôi sách giấy. Hầu hết các tờ báo đều đẩy mạnh bán phiên bản đọc báo trên máy tính bảng, một số tờ ngưng phiên bản giấy để chuyển sang phiên bản số, các website đều có chức năng download để người đọc tải phiên bản số về.Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước đang đi đầu trong xu hướng số hóa sách giáo khoa. Theo lộ trình của Chính phủ Hàn Quốc, đến năm 2015 Hàn Quốc sẽ không còn sách giáo khoa giấy. Thái Lan cũng đang thực hiện bước đầu việc mua 400.000 máy tính bảng trong dự án chi 75,7 triệu USD cho 1,5 triệu máy tính bảng cho học sinh.Việc sử dụng ebook không chỉ giúp học sinh bớt chiếc cặp nặng, bảo vệ môi trường nhờ giảm thiểu việc in ấn mà ebook còn giúp học sinh tiếp thu bài giảng sinh động hơn nhờ tính tương tác với sách như âm thanh, hình ảnh động, màu sắc, thông tin mở rộng, video...__________Từ đâu mà ebook bước ra, chẳng những thay đổi thói quen và cách thức đọc sách mà còn thay đổi cả cách mua sách và tạo ra một ngành kinh doanh mới đầy tiềm năng?Thiết bị hiển thị sách điện tử Data Discman của Sony - Ảnh: mycalcdb.free.frBởi ebook có thể hiểu là nội dung một cuốn sách được hiển thị trên một thiết bị điện tử hay kỹ thuật số như máy tính cá nhân, máy đọc sách chuyên dụng, máy tính bảng hay thậm chí điện thoại di động thông minh, với nội dung có thể bao gồm cả văn bản, hình ảnh hay thậm chí gần đây là âm thanh, phim và các hình ảnh ba chiều tương tác được nên rất khó xác định chính xác nó ra đời lúc nào.Thuở bình minh mờ nhạtĐến giờ, người ta vẫn tranh cãi chuyện này. Nhưng chắn chắn là từ khi máy tính xuất hiện, ebook cũng có mặt theo. Khi có máy tính, tận dụng việc hiển thị được văn bản trên thiết bị này, người ta đã đưa nhiều loại văn bản vào bộ nhớ máy tính. Dữ liệu được chứa trong các ổ cứng, ổ mềm, đĩa quang nhỏ gọn. Nhờ đó, cả núi sách nặng nề có thể chứa gọn trong một chiếc đĩa nhỏ, nhẹ.Tiếp theo đó, sự phát triển và bùng nổ của mạng Internet đã tiếp sức cho văn bản điện tử. Nội dung các cuốn sách không nhất thiết phải lưu trên ổ đĩa nữa. Chúng có thể được đưa lên mạng Internet để mọi người có thể đọc mọi lúc, mọi nơi.Ngay cả các định dạng văn bản phổ biến cũng góp phần vào sự phát triển của ebook. Đơn cử như Microsoft Word. Với định dạng văn bản .doc, người ta có thể chuyển tải nội dung từ một cuốn sách, kèm theo hình ảnh và liên kết Internet vào nó. Tuy nhiên, tính năng có thể chỉnh sửa được nội dung văn bản của Word khiến định dạng này không phải là một chỗ trú hoàn hảo cho ebook.Hãng Adobe năm 1993 đã cho ra đời định dạng văn bản PDF. Đây là một định dạng cũng giúp hiển thị văn bản, hình ảnh, liên kết hay các nội dung cần thiết khác trên một giao diện cố định theo ý đồ của người tạo văn bản. Khác với Word, chính giao diện cố định của một văn bản PDF giúp nó hiển thị nội dung đồng nhất trên mọi môi trường máy tính, hệ điều hành hay ứng dụng đọc định dạng này, không có sự xô lệch về font chữ, cách sắp xếp bảng biểu, hình ảnh. Chính ưu điểm này khiến PDF trở nên thông dụng hơn và được sử dụng vào các mục đích như tạo catalogue, brochure điện tử và sau này là ebook.Tuy nhiên, thị trường ebook chưa thật sự bùng nổ và đơm hoa kết trái khi việc đọc ebook vẫn dừng lại trên máy tính cá nhân. Một thiết bị đọc sách chuyên biệt đã thay đổi tất cả.Thị trường ebook bùng nổNăm 1992, Sony khai phát súng đầu tiên vào thị trường thiết bị đọc ebook. Thiết bị Data Discman nhỏ gọn khi ấy có dạng gấp vỏ sò với màn hình nhỏ phía trên và bàn phím phía dưới. Thiết bị đơn giản này khi ấy được tải vào một số cuốn tiểu thuyết và các loại từ điển cho dân đi du lịch. Theo New York Times, Data Discman khi ấy có giá 550 USD và chứa được nội dung của khoảng 100.000 trang sách. Dữ liệu được đưa vào Data Discman thông qua một CD nhỏ. Đọc sách trên thiết bị nhỏ xíu này quả là... hại mắt và không tiện lợi chút nào.Nhiều thiết bị tương tự ra đời sau đó, như chiếc Sony Librie ra đời năm 2004 hay Sony Reader năm 2006 với màn hình to hơn, dùng mực điện tử. Các thư viện và gian hàng sách điện tử dần ra đời nhưng chưa thật sự tạo được một cú hích cho thị trường ebook.Theo PC Mag, năm 2007, Amazon - nhà bán lẻ trực tuyến đã từng bán sách in trên mạng - cho ra mắt thiết bị đọc sách Kindle. Theo Amazon, thiết bị đọc sách có màn hình đen trắng 6 inch này đọc dữ liệu từ bộ nhớ trong 250MB và có thể chứa 200 đầu sách không hình ảnh. Máy cũng có thẻ nhớ gắn ngoài. Các đời Kindle sau đó được nâng cấp với màn hình cảm ứng và khả năng kết nối Internet, duyệt web, kiểm tra email,... BBC cho hay đến quý 4-2010, Amazon thông báo số ebook họ bán được vượt doanh số của sách in trên cửa hàng trực tuyến này. Kindle sau đó còn có nhiều phiên bản ứng dụng mua và đọc ebook khác nhau trên các nền tảng di động, máy tính bảng và máy tính.Gần đây nhất, Kindle cho ra mắt thiết bị Kindle Fire. Lúc này Kindle không còn là một thiết bị đọc sách với màn hình đen trắng nữa mà giống một máy tính bảng hơn. Kindle Fire ra đời nhằm cạnh tranh với iPad, thiết bị làm mưa làm gió trên thị trường công nghệ từ khi nó ra đời năm 2010.iPad cũng có ứng dụng đọc sách riêng là iBook cùng cửa hàng sách trực tuyến. Việc người đọc có thể lật những trang sách ảo sống động trên iBook cùng sự phổ biến của iPad đã góp thêm sức mạnh cho ebook. Từ khi được tung ra vào tháng 4-2010 cho đến tháng 10 năm đó, Apple đã bán được 7 triệu đầu ebook.Cùng với kho hàng của Amazone và iBook, các ứng dụng đọc truyện tranh trên máy tính bảng cũng nảy nở. Số lượng truyện tranh tải về từ các ứng dụng như thế này cũng không ít. Ngoài Kindle và iPad, các thiết bị chuyên dùng cho việc đọc và tải ebook khác cũng ăn nên làm ra như Barnes & Noble, Nook.__________Với những ưu điểm đặc biệt (chi phí sản xuất rất rẻ, có thể cung cấp văn bản đa phương tiện cho người đọc, có thể tương tác trực tuyến với tác giả sách, không sử dụng giấy và mực in, không cần chi phí vận chuyển giao hàng theo cách thông thường), ebook được tin là sẽ ngày càng chiếm thị phần cao hơn trong ngành xuất bản. Thậm chí có những ý kiến cho rằng sách in sớm muộn sẽ diệt vong.Khách hàng chọn mua sách điện tử tại trung tâm thương mại Vincom, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.Khó càng thêm khóNhưng trong thâm tâm, có lẽ chưa một nhà kinh doanh sách nào thật sự mong muốn thị trường ebook phát triển nhanh chóng tại VN, vì chẳng có gì dễ sao chép hơn là một văn bản điện tử. Trong một đất nước có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm 81% như VN, với giá trị thương mại của phần mềm bị vi phạm bản quyền trong năm 2011 lên đến 395 triệu USD (1) và hầu như không có thói quen trả tiền (đúng giá trị thực) cho các sản phẩm trí tuệ, từ âm nhạc, tranh ảnh, phim, sách vở... thì chỉ có những người hết sức mơ mộng mới tin rằng có thể kinh doanh ebook thành công.Việc Phương Nam mở ra cả một cửa hàng lớn tại một trung tâm thương mại đình đám để bán ebook thật ra lại cho thấy sự thiếu lòng tin của họ vào sự thành công của mảng kinh doanh này. Vì nếu thực tâm muốn bán ebook, chẳng ai đi mở cửa hàng tại các trung tâm thương mại sang trọng với chi phí thuê mặt bằng rất cao. Mặt hàng chủ chốt mà Phương Nam kỳ vọng có lợi nhuận dường như là các thiết bị đọc và phụ kiện đi kèm.Nhưng việc công ty sách này cố gắng bán thiết bị đọc điện tử có vẻ gì đó giống như một công ty tin học hàng đầu VN đã từng cố gắng đi làm phim. Chưa kể, thương mại điện tử kém phát triển đã khiến việc bán ebook rất nửa vời: khách hàng phải đến cửa hàng của Phương Nam để chép sách và thanh toán tiền, thay vì tải xuống và trả tiền qua thẻ tín dụng như của Amazon. Cả sách của Phương Nam và Reader.vn - nơi đi tiên phong trong lĩnh vực ebook - đều chưa được mã hóa nên việc bảo vệ bản quyền chỉ bằng cách trông chờ lòng tốt của người mua, rằng họ sẽ không phát tán sách tùy tiện.Cần một chương quản lý nội dung số trong luật xuất bảnVấn đề sách điện tử và vi phạm bản quyền không chỉ là quốc nạn của mỗi quốc gia mà còn là vấn đề của quốc tế. Nó sẽ là công cụ hữu ích cho người tốt nhưng cũng sẽ phát tán văn hóa độc hại nếu nằm trong tay kẻ xấu. Đây là bài toán đau đầu cho nhà quản lý và muốn quản lý tốt thì cần sự nhất quán cả về chuyên môn của hệ thống quản lý từ trung ương đến địa phương. Điều này không đơn giản. Chúng tôi đang muốn xây dựng thêm một chương chi tiết về quản lý nội dung số trong Luật xuất bản và sau đó tùy tình hình cụ thể để có hướng dẫn xử lý cụ thể.Những dự án “hồn nhiên tùy tiện” kiểu chia nhau đánh máy một cuốn sách để tạo ebook chia sẻ miễn phí cho cộng đồng mạng trước đây đang bước sang một giai đoạn còn dễ dàng hơn với các thiết bị quét hình, phần mềm xử lý ảnh và chuyển đổi ảnh qua văn bản. Đương đầu với nó, các nhà sách cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng bước vào thị trường này để “giữ chỗ”, “gửi tên”, cố gắng sống còn chờ đến một tương lai sáng sủa hơn. Và dù có tham gia cung cấp ebook chính thức hay không, thì nhà xuất bản nào cũng đang phải chấp nhận thực tế là sách của họ, nhất là những cuốn bán chạy, sẽ nhanh chóng có phiên bản điện tử trên mạng.Nhà văn Bích Ngân, phó giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM, cho biết việc phát hành sách văn học bản in hiện nay hết sức khó khăn, nhu cầu thị trường về ebook là “có thực và không làm thì không được”. Tuy vậy, nhà xuất bản này vẫn chưa thể xúc tiến dự án bán ebook trong năm tới vì còn quá nhiều vướng mắc như đầu tư công nghệ, đội ngũ nhân sự và chờ đợi những động thái rõ ràng hơn về bảo vệ bản quyền.Theo các nhà xuất bản, sách không bản quyền tràn lan trên mạng được cho, tặng, sao chép, mua bán công khai nhưng không thấy động thái nào của cơ quan chức năng. “Ebook là sách và bản quyền ebook cũng như sách in - ông Đồng Phước Vinh, phó giám đốc YBook, khẳng định - Luật bản quyền và liên quan đều có đủ, các cơ quan chức năng ngành thông tin - truyền thông, Cục Sở hữu trí tuệ có thể xử lý và nếu xem việc bán ebook không bản quyền là bán hàng lậu thì lực lượng quản lý thị trường cũng có thể vào cuộc”. Vấn đề duy nhất còn lại là họ có làm việc đó hay không.Tại Hà Nội, NXB Kim Đồng, một trong những đơn vị có doanh số xuất bản lớn nhất, cho biết họ đang “rục rịch” cho ra đời những “gian hàng” đầu tiên bán ebook.“Mười năm trước, khi các trang báo điện tử phát triển chúng tôi đã nghĩ đến mảng sách này. Mấy năm qua đối tác cũng đề nghị rất nhiều nhưng chúng tôi chưa thể ký hợp đồng nào vì có quá nhiều khó khăn, vướng mắc đủ thứ từ bản quyền đến phát hành” - ông Bùi Tuấn Nghĩa, phó giám đốc NXB Kim Đồng, cho hay.Ông Trần Việt Anh, phó giám đốc NXB Phụ Nữ, cũng cho biết đã có rất nhiều trang mạng bán ebook đề nghị được mua một số bản sách giấy nhưng NXB này chưa ký kết hợp đồng nào. “Giá trị hợp đồng quá thấp nên nếu trả nhuận bút cho nhà văn thì cũng chẳng đáng bao nhiêu, chính các nhà văn cũng không mặn mà với những hợp đồng này”.Lối đi nào cho ebook Việt?Bởi không thể đảo ngược xu hướng phát triển ebook nên vấn đề hiện nay không phải là làm thế nào để ebook phát triển, mà là làm sao để các NXB, hơn hết là các tác giả, thu được lợi nhuận từ đấy và sống sót được trong một rừng rậm chằng chịt những tay ăn cắp bản quyền.Ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ, cho biết sẽ “chống sách lậu bằng giá cạnh tranh, sẽ bán mỗi bản ebook với giá cực rẻ, chỉ 5.000-10.000 đồng/bản, thậm chí có thể sẽ bán chỉ 1.000 đồng/bản. Với mức giá đó, sẽ chẳng có ai quan tâm đến ebook lậu nữa”.Đây quả thực là một giải pháp thú vị, mà không rõ NXB Trẻ sẽ theo đuổi nó được tới đâu, nhưng ebook “lậu” đang có một ưu thế mà các NXB không thể theo được, đó là sự tiện lợi. Để thanh toán dù chỉ 1.000 đồng cho ebook “chính thức”, độc giả cần đăng ký tài khoản, thanh toán trực tuyến... toàn những việc không mấy dễ chịu với người dùng Internet VN, nhất là trong một môi trường thương mại điện tử “dở giăng dở đèn” với quá nhiều quy định phiền nhiễu. Còn để tải ebook “lậu” về thì chỉ cần vài cú bấm chuột.Nếu các NXB không thể kiếm sống trong thị trường ebook, và phải bất lực chứng kiến các sản phẩm trí tuệ của mình được rao tặng miễn phí trên mạng, thì họ cũng không có nguồn lực cần thiết để đưa ra thị trường các sản phẩm có giá trị.Trong một môi trường mà các tác giả được trả thù lao còn xa mới xứng đáng, dịch giả cũng được trả rất thấp khiến chất lượng các bản dịch sách ngày càng có vấn đề, những mâu thuẫn ngày càng gia tăng: nhà sách muốn độc giả trả tiền xứng đáng để họ có thể đưa ra thị trường các sản phẩm tốt, độc giả than phiền vì chất lượng sách ngày càng tệ làm họ chỉ muốn đọc ebook miễn phí trước khi quyết định mua.Có lẽ sẽ cần đến một thời gian đủ dài để hai bên tìm được điểm dung hòa. Nhưng chắc chắn người đọc sẽ không quay lưng với nhà văn, với dịch giả và các NXB, nếu họ thật sự cảm thấy các tác phẩm dù ở dạng ebook hay bản in truyền thống đều có chất lượng xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.Trong thời gian “quá độ”, thị trường trông đợi một chiến lược can đảm và tích cực của các NXB, bằng việc hi sinh lợi nhuận và cung cấp các bản ebook chất lượng tốt với giá rẻ, tập dần cho khách hàng thói quen mua sách trên mạng bằng các phương tiện thanh toán trực tuyến đúng nghĩa. Về phía độc giả cũng nên có những bước đi thiện chí và văn minh trong việc chi trả đàng hoàng cho các sản phẩm trí tuệ để thị trường ebook nói riêng và thị trường sách nói chung có thể phát triển hài hòa lợi ích nhiều bên.Giữa các NXB và người đọc ebook, đương nhiên không thể là sự im lặng thoái thác trách nhiệm của các cơ quan quản lý xuất bản. Ebook đã sớm đặt ra những bài toán không dễ giải quyết, đặc biệt là sự tự tung tự tác của nhiều loại ebook có nội dung bạo lực, khiêu dâm, chống phá đất nước mà ai cũng có thể dễ dàng tải xuống. Đương đầu với thực tế không mấy dễ chịu này chắc chắn cần đến những cách tiếp cận theo kiểu khác để quản lý các ấn bản điện tử, vừa đủ cởi mở để ebook phát triển thông thoáng và có lợi vừa kiềm chế những tiêu cực mà nó gây ra, đặc biệt đối với giới trẻ.Ổ khóa chỉ phòng được người ngayHành lang pháp lý cho sách số là một bài toán rất phức tạp. Giờ đây, ý thức về bản quyền số ngày càng được nâng lên nhưng đi vào con đường pháp lý thì vẫn chưa có cơ sở. Muốn nói người đọc không nên đọc sách không bản quyền thì phải có đủ sách có bản quyền để họ lựa chọn.Tại VN, hiện tại vẫn rất khó xác định tác quyền của một cuốn sách thuộc tác giả hay thuộc NXB. Việc lưu trữ dữ liệu của các NXB không tốt nên sau một thời gian không thể tìm được văn bản xác định quyền tác giả thuộc về bên nào, do vậy khi đi mua sách, công ty sách điện tử không biết được sách của ai để mua cho chính xác. Trong khi đó, ở nước ngoài có những tổ chức (có cả tư nhân) để đăng ký quyền tác giả, qua đó có thể dễ dàng tra cứu sách của ai.Giới trẻ VN hiện đã tương đối có ý thức về vấn đề môi trường, ở cương vị người làm sách, chúng tôi cũng chỉ mong muốn mỗi cá nhân có ý thức tương tự đối với vấn đề bản quyền. Sử dụng công nghệ để bảo vệ quyền tác giả thì chỉ mang tính tương đối, nếu bán giá cao người ta chắc chắn sẽ bẻ khóa vì ổ khóa chỉ có thể phòng người ngay.Chính sách, khung pháp lý liên quan tương đối đủ, nhưng thực thi thế nào, ai thực thi mới là vấn đề lớn. Khung hình phạt đối với các vi phạm bản quyền sách cũng phải được tính lại vì phạt hành chính với mức phạt tiền vài triệu đồng thì làm sao đủ sức răn đe? Có luật nhưng không thực thi tốt, không nghiêm minh, không có tính răn đe thì sẽ vẫn có vi phạm.__________(1): Báo cáo thường niên lần thứ 9 của Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và IDC về vi phạm bản quyền phần mềm.__________* Ông đã ký hợp đồng với Alezaa về việc nhượng quyền sử dụng một số tác phẩm văn học và một số đầu sách của ông đã được bán bản điện tử, vì sao ông có quyết định ấy?- Họ chủ động tìm đến tôi, toàn trai thanh gái lịch, sau đó có mời tôi và một số tác giả ăn khách khác đến gặp mặt, giới thiệu, quảng cáo rất chuyên nghiệp và nghiêm túc, trả lời thông thoáng mọi câu hỏi nghi vấn của các tác giả nên tạo được lòng tin nhất định.Đối với các tác giả, con cái mình đứt ruột đẻ ra, vốn lười nuôi dưỡng, nay lại có người bảo trợ, phát hành đến đâu tiền vào đến đó mà lại nghe nói kha khá tiền, vậy là ok.Nhà văn Chu Lai - Ảnh: Nguyễn Đình Toán* Ông đã bán bản quyền bao nhiêu cuốn sách điện tử cho Alezaa?- Bán toàn bộ chứ không có một số hay bao nhiêu gì cả, chừng 15 cuốn cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, những cuốn luôn được bán khá chạy trong nhiều chục năm nay trên các cửa hàng sách cả nước. Nghe nói làm bản điện tử hấp dẫn, thế là có bao nhiêu gửi gắm hết.* Ông có thể tiết lộ số tiền mà Alezaa mua bản quyền toàn bộ số tác phẩm đó?- Sao không? Vì nó có đáng gì đâu mà không tiết lộ. Ban đầu nghe họ rình rang cũng khấp khởi chắc mẩm thế nào mỗi tháng chả có một vài triệu nhét túi, có khi hơn, nhưng thời gian qua đi, nhìn trong tài khoản chỉ quanh đi quẩn lại vài chục rồi vài trăm ngàn đồng.Hỏi thì Alezaa trả lời do sức mua sức đọc, hỏi nữa cũng vậy nên thôi. Đến nay, gần một năm trôi qua, 15 cuốn sách bán qua bản điện tử của tôi chắc cũng chỉ dừng ở vài trăm ngàn đồng, bằng mấy vại bia hơi. Tôi chả nghi ngờ gì về chuyện bán nhiều khai ít, nhưng có lẽ lên trang điện tử các cuốn sách văn học đều chịu chung một số phận như vậy. Giờ này nếu bạn không hỏi thì tôi cũng đã quên béng đám con cái tôi đem gả cho họ rồi, cũng chả có cảm hứng nói chuyện bản quyền gì nữa vì giá đều hết sức bèo bọt.* Trong điều khoản hợp đồng đã ký với Alezaa có cam kết: Nhuận bút nhà văn được hưởng phụ thuộc vào số lượt sách được mua trên mạng, ông có cách nào để kiểm soát lượng sách được mua này không?- Chịu, làm sao mà kiểm soát được, nếu biết kiểm soát thì chả dại gì vùi đầu vào mài bút cho cực thân. Còn tiền ư? Thôi, đừng hỏi, trả lời bẽ bàng lắm. Thật ra nó vượt ra ngoài khái niệm nhiều hay ít, bởi nó thật hài hước, mua bán gì mà tù mù thế? Tóm lại, dù sách in hay điện tử, tác giả đều bị nướng lửa trên lưng cả.* Ông có ủng hộ việc phát triển sách điện tử không?- Như lúc này là không, bởi nhiều lý do sâu xa, không chỉ là lý do còm cõi của sự bán mua, mà trong đó có cả chuyện dân mình không thích đọc văn chương trên máy, khô khan chết. Sau này nó bùng lên thì có khi phải nghĩ lại.* Xin cảm ơn ông. Tags: Thị trườngTiềm năngChuyên đềSách điện tửEbook Việt
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có thông điệp lớn, quan trọng tại Mỹ DUY LINH 19/09/2024 Chuyến công tác từ ngày 21-9 tới là hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.
Ba lô mới, vở bút mới và nụ cười của học sinh vùng lũ Trấn Yên VĨNH HÀ 19/09/2024 Những học sinh vùng lũ ở Trấn Yên (Yên Bái) đón nhận niềm vui trẻ thơ, sau nhiều ngày cùng gia đình vượt qua đợt mưa lũ lịch sử.
Xuất hiện vết nứt chạy dọc núi, Quảng Nam khẩn cấp sơ tán dân trong đêm THÁI BÁ DŨNG 19/09/2024 Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
Nga tăng gấp 10 lần sản xuất drone TRẦN PHƯƠNG 19/09/2024 Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tăng số drone sản xuất trong năm 2024 gấp 10 lần con số 140.000 để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.