Elizabeth Holmes: từ “kỳ lân” thành “siêu lừa”

D. KIM THOA 19/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Từng là một trong những tỉ phú tự tay làm nên trẻ nhất thế giới, ngôi sao của Thung lũng Silicon một thời, nhưng giờ đây Elizabeth Holmes, nhà sáng lập Công ty Theranos, đang đối mặt với án tù 20 năm của Tòa liên bang Mỹ. Đó là một hành trình đúng kiểu “giấc mơ Mỹ biến thành ác mộng” của một thời bùng nổ công nghệ.

Việc bắt đầu phiên tòa xét xử Holmes hôm 8-9 sau nhiều tháng trì hoãn vì đại dịch và bị đơn có bầu là dấu mốc sụp đổ rõ rệt nhất của một trong những CEO đình đám một thời. 

Vụ việc của cô đã được chú ý từ những manh mối công bố sau cuộc điều tra do Văn phòng chưởng lý Mỹ khu vực Bắc California thực hiện năm 2018. 

Elizabeth Holmes chờ trước cửa tòa. Ảnh: CNBC

 

Cuộc điều tra đó được hỗ trợ một phần nhờ bài báo của Wall Street Journal đăng năm 2015, trong đó đặt ra những nghi vấn về hoạt động của Công ty Theranos cũng như tính liêm chính của nữ doanh nhân Elizabeth Holmes.

“Chiếc hộp Edison”

Năm 2003, ở tuổi 19, Holmes, giống như nhiều doanh nhân công nghệ khởi nghiệp, bỏ ngang Đại học Standford để thành lập Công ty công nghệ sinh học Theranos. 

Khi đó cô tuyên bố đã phát triển thành công công nghệ xét nghiệm máu đột phá, giúp các bệnh nhân làm được hàng chục xét nghiệm máu khác nhau chỉ với một lần chích máu ở ngón tay. 

Thiết bị xét nghiệm máu mini của Theranos hình dáng như một chiếc hộp nhỏ, từng được ca tụng lên tận mây xanh, thậm chí được gọi là “chiếc hộp Edison”, kèm theo biết bao nhiêu kỳ vọng.

Trong bài nói chuyện trên diễn đàn TED Talk 2014, nữ doanh nhân trẻ chia sẻ tầm nhìn lạc quan của cô về “công nghệ” này theo kiểu Martin Luther King Jr.: “Chúng tôi thấy một thế giới mà ở đó mọi người có thể tiếp cận thông tin sức khỏe vào thời điểm cần thiết. Một thế giới mà ở đó không ai sẽ phải nói câu “Giá như tôi biết sớm hơn”, một thế giới không ai phải nói lời từ biệt quá sớm”. 

“Đột phá” của thiết bị này là ở chỗ các xét nghiệm máu thông thường cần một lượng máu nhiều gấp hàng ngàn lần và tốn kém gấp nhiều lần cho mỗi xét nghiệm.

Với tất cả những hứa hẹn đó, Holmes thu hút được nhiều nhà đầu tư tên tuổi góp vốn, từ ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, gia đình giàu nhất nước Mỹ Walton (chủ chuỗi siêu thị Walmart’s) và cả gia đình đại gia của bộ trưởng giáo dục thời tổng thống Donald Trump, bà Betsy DeVos, chưa kể những nhân vật “thương hiệu” như Larry Ellison (người sáng lập Oracle), Henry Kissinger, tướng 4 sao và cựu bộ trưởng quốc phòng James Mattis...

Các hoạt động nghiên cứu của Holmes nhận được vô số lời khen ngợi. Cô được mời phát biểu tại các sự kiện lớn với cựu tổng thống Bill Clinton. Tổng thống Mỹ Joe Biden, vào năm 2015 còn là phó tổng thống của ông Barack Obama, cũng từng tham dự sự kiện đổi mới sáng tạo về chăm sóc sức khỏe tại Công ty Theranos.

Ở thời điểm đỉnh cao, Theranos là công ty được định giá hơn 9 tỉ USD, biến Holmes thành tỉ phú tự tay làm nên trẻ nhất lịch sử, theo tạp chí Forbes. Tới năm 2013, Theranos trở thành thương hiệu của mọi nhà về xét nghiệm máu và chẩn đoán nhanh. 

Họ bắt đầu cung cấp các bộ xét nghiệm trên toàn nước Mỹ và châu Âu thông qua chuỗi cửa hàng dược của hai công ty Walgreens và Boots.

Nhưng rồi những đợt “thủy triều” thành công mau chóng rút đi từ năm 2015. Các cuộc điều tra cho thấy công nghệ xét nghiệm máu của Theranos không được như kỳ vọng, thậm chí không chính xác. 

Holmes giải thể công ty năm 2018 sau khi một bồi thẩm đoàn buộc tội Theranos cùng hai lãnh đạo công ty là Holmes và bạn trai cô Ramesh Balwani nói dối về công nghệ xét nghiệm máu trong khi nhận hơn 700 triệu USD vốn đầu tư.

Poster phim tài liệu của HBO về Holmes và Công ty Theranos ấn hành năm 2019: Out for Blood in Silicon Valley. Ảnh: imdb.com

 

Tiền “máu”

Ở tuổi 37, Holmes đối mặt với 12 tội danh, trong đó 10 tội gian lận tài chính liên quan công nghệ và hai tội cấu kết, thông đồng để phạm các tội gian lận tài chính đó. Hình phạt tối đa cho một tội gian lận tài chính là 20 năm tù.

Holmes kiên quyết bác bỏ toàn bộ những cáo buộc. Cô tố cáo bạn trai cũ Balwani đã “kiểm soát cả về thể chất lẫn tinh thần” với cô trong hoạt động của Theranos trước đây. Song cho tới nay, Balwani và luật sư của anh “bác bỏ thẳng thừng” những cáo buộc đó.

Tại tòa, các công tố viên liên bang trình bày chứng cứ và lập luận của họ để buộc tội Holmes lừa đảo nhà đầu tư, bệnh nhân và bác sĩ với công nghệ xét nghiệm máu của họ. Nhà chức trách nói họ có nhiều chứng cứ tài liệu liên quan tới các cuộc trao đổi, liên hệ giữa Công ty Theranos và Holmes với giới đầu tư.

Một nội dung truy tố khác cáo buộc Holmes lừa đảo bệnh nhân khi có nhiều người vì tin vào kết quả xét nghiệm máu bằng công nghệ Theranos đã đi đến những quyết định sai lầm ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Tài liệu của công tố viên dẫn ra một số người bị chẩn đoán sẩy thai nhầm, có người nhận kết quả xét nghiệm sai về việc nhiễm HIV, bị chẩn đoán sai là mắc ung thư vú...

Tại phiên tòa, các công tố viên khẳng định “chiếc hộp Edison” chỉ xét nghiệm được nhiều lắm là 12 loại xét nghiệm máu khác nhau trong suốt thời gian tồn tại của nó. 

Trong khi đó theo Republic World, Công ty Theranos tuyên bố họ đã phát triển được 304 loại xét nghiệm độc quyền. Trong từng bằng chứng đưa ra, các công tố viên kiên quyết chứng minh Holmes đã cố ý lừa đảo nhiều người.

Ở phía ngược lại, các luật sư bào chữa ra sức trình bày câu chuyện với điểm nhấn chú trọng vào những năm tháng đầu tiên của Theranos cũng như nhà sáng lập. Họ kể câu chuyện về một phụ nữ trẻ tham vọng đã khao khát thay đổi thế giới như thế nào. 

Theo đó, Holmes cho rằng thay đổi thế giới là một thử thách rất khó và rủi hơn khi cô đã chọn nhầm cộng sự, bao gồm cựu giám đốc điều hành kiêm bạn trai cũ Balwani. Về cơ bản, các luật sư bào chữa thừa nhận Holmes đã mắc sai lầm, song khẳng định cô không lừa đảo hay gian lận.

Vì sao là Elizabeth Holmes?

Có một thực tế là thế giới công nghệ trước nay không thiếu những thất bại đình đám và không ít những cáo buộc ầm ĩ đã “chìm xuồng” sau một thời gian. Trên thực tế, trong hàng trăm hàng nghìn công ty công nghệ khởi nghiệp, số thực sự thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Nhưng vụ việc của Elizabeth Holmes có vẻ đã được nhìn nhận khác, gây rất nhiều cảm xúc và quan tâm cho công luận Mỹ.

Theo nhà báo Rebecca Jarvis của Đài ABC News, người chịu trách nhiệm đưa tin về phiên tòa xét xử Holmes, có lẽ một phần lý do vì Elizabeth Holmes là trường hợp khá đặc biệt. 

Cô là một trong những nữ doanh nhân hiếm hoi có thể thu hút một lượng tiền đầu tư khổng lồ như thế, gần 1 tỉ USD, từ các tổ chức đầu tư mạo hiểm cũng như quỹ gia đình.

Trong khi các công tố viên cáo buộc cô Holmes cố tình chuyển qua lừa đảo, gian lận để cứu vãn doanh nghiệp, các luật sư của cô ra sức bảo vệ cho lý lẽ cốt lõi của họ dựa trên một thứ luật bất thành văn của “giấc mơ Mỹ”: “Thất bại không phải tội lỗi”. Quyết định bây giờ nằm trong tay Tòa án liên bang Mỹ.

Vẫn sống như tỉ phú

Theo Đài CNBC, ngay cả khi đang đối mặt với 12 tội danh, nhà sáng lập Theranos vẫn đang sống rất xa hoa. Elizabeth Holmes và chồng đang sống ở một ngôi biệt thự thuộc khu bất động sản xa hoa Green Gables, Woodside, California. 

Biệt thự này trị giá khoảng 135 triệu USD và không rõ họ lấy đâu ra tiền để sống ở đó. Năm 2019 theo nguồn tin của CNBC, hai vợ chồng Holmes sống trong căn hộ hai phòng ngủ với phí thuê 5.000 USD/tháng tại San Francisco.

“Thất bại không phải tội lỗi.

Luật sư Lance Wade (thuộc Hãng luật Williams & Connolly LLP, người bào chữa cho Holmes, nói tại tòa)


“Đây là vụ án về gian lận, dối trá và lừa đảo.

Ông Robert Leach (trợ lý công tố viên) nói với bồi thẩm đoàn tại phiên tòa ngày 8-9


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận