Em về quê không?

NGUYỄN BAY 04/01/2014 06:01 GMT+7

TTCT - Cuối năm trời hanh hao, nắng riu riu, trong cái tất bật, hối hả của đời sống đô thị ở TP.HCM, không khí nơi các xóm trọ chộn rộn hơn. Người xa quê từng ngày thấp thỏm, chắt chiu cho chuyến trở về.

Tại các khu công nghiệp, công nhân cũng tính toán quà tết cho gia đình từ những món tiền thưởng khiêm tốn.

Chị Nguyễn Thị Hiền và chồng đang xoay xở để tết này về quê - Ảnh: Trường NiKon

Trong các xóm lao động nhập cư, câu hỏi đầu tiên chúng tôi được nghe là “em về quê không?”. Thời gian được đếm ngược như vừa đi vừa chạy, lo toan của người lao động cũng trĩu nặng.

“Xóm không ngủ”

Đó là biệt danh của hẻm 214 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Tại “khu vé số” ngay giữa trung tâm TP.HCM này, đêm qua rất nhanh và ngày ngắn hơn bởi người đi buôn bán gần như 24/24 giờ. Trong ba tổ dân phố (86-87-88) tập trung khoảng 400 người, chủ yếu người già, người khuyết tật đến từ Nam Định, Phú Yên, Quảng Ngãi buôn bán quanh 7-8 đại lý vé số

Nhìn hàng hóa mua về các phòng trọ là biết kết quả mưu sinh một năm của mỗi người, từ cái bình thủy, nồi cơm điện đến chiếc tivi, có người chỉ chuẩn bị vài bộ quần áo sạch và một lốc lịch đại lý tặng.

Căn nhà cuối hẻm 214/C42 là nơi sinh hoạt của 25-30 người (dao động tùy tháng), cả chủ nhà và khách trọ đều tự hào “nhà trọ có tới sáu sinh viên là con em người bán vé số”. Đa số họ thuộc lao động chính, trụ cột gia đình nên tiền nhiều hay ít cũng về quê ăn tết, chỉ vài người ở lại vì trong năm đau bệnh hay gặp chuyện rủi bị giựt tiền, bị tráo đổi vé số, ở lại bán bù vào số tiền bị mất.

Vừa đi bán về, bác Bảy Tổ (quê Phú Yên) vuốt từng tờ tiền lẻ vào ngăn túi, tay còn nắm xôi đậu cho bữa ăn chiều lúc 22g, vừa nói: “Tôi có sáu đứa con, ở nhà làm ruộng chỉ đủ ăn nên vào đây ba năm nay nuôi đứa út 17 tuổi đang học nghề kế toán”.

Ước mơ cho con cái có chữ, thoát nghèo với người bán vé số đã là điều khó. Ngày nào họ cũng được nghe người này người kia trúng số, đôi khi thấy người ta đổi vé số trúng ngay tại đại lý, nhưng một tờ vé số dư họ cũng lật đật trả lại, không dám “ôm”. 10.000 đồng đã là một khoản đầu tư cho tương lai của con em, nhưng tết đến ai nấy đều nôn nao gom góp tiền cho đủ phí tàu xe về quê.

Tùy tuyến đường, giá xe từ 1-1,5 triệu đồng/người, nếu mua cận ngày vé có thể tăng gấp rưỡi nhưng mọi người đều ngóng trông ngày về “sum họp gia đình, thắp nhang bàn thờ ông bà, vui vẻ tinh thần mới đi làm tiếp được” - bác Bảy tâm sự.

Trên đoạn đường Hùng Vương, góc Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự thuộc phường 9, quận 5, khoảng 100m có đến 15-20 xe ép nhựa dẻo, sửa chữa mũ bảo hiểm của những cặp vợ chồng hoặc thanh niên trẻ. Họ cùng quê Hưng Yên, Phú Thọ. Cặp vợ chồng Nguyễn Thị Hiền - Đặng Đình Chờ (thôn Tân Châu, xã Kiến Châu, Khoái Châu, Hưng Yên) đã sáu năm đi làm xa nhà, có năm ăn tết ở nhà trọ, đi làm đến tận chiều 30, mồng 4 đã đẩy xe ra đường.

Hiền bảo: “Ở nhà trọ buồn lắm, hai vợ chồng nhìn nhau chỉ muốn khóc vì nhớ con. Về quê ăn rau cũng vui nên em cũng cố vay mượn về tết nhanh gọn rồi lại đi kiếm tiền”.

Với người buôn thúng bán bưng, hằng ngày nơm nớp cảnh xe cộ trên đường nên năm nào làm có tiền mua được vé tàu là sung sướng lắm, an tâm ngủ yên, không sợ bị bỏ giữa đường, không phải đi xe từng chặng mà thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Quà tết của họ chỉ là ít kẹo dừa, cà phê và ít dưa cải khô tự làm mang về “làm dâu hiền - rể thảo” cho hai bên bố mẹ đỡ tủi thân vì quanh năm con vắng nhà.

Công nhân chọn mua quần áo tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM chiều 21-12 - Ảnh: Quang Định

Chợ Hạnh Thông Tây (đường Quang Trung, Gò Vấp) hoạt động đến 24g đêm, những người nhập cư tranh thủ mua sắm chờ ngày về quê ăn tết - Ảnh: Nguyễn Bay

Đêm tàn, chợ muộn

Trong các nhà trọ quanh khu công nghiệp, khu chế xuất, không khí tết bình lặng hơn nhưng cũng hồi hộp hơn. 21g30 chúng tôi đến Khu chế xuất Tân Thuận, dòng người vẫn nườm nượp đổ về các xưởng, từng nhóm thợ vừa ăn vội ổ bánh mì, củ khoai hay trái bắp, vừa tranh thủ dạo quanh chợ đêm trên đường Huỳnh Tấn Phát. Những mặt hàng thu hút công nhân là giày dép và quần áo nên dịch vụ cắt lai quần, dán, may đế giày cũng nhộn nhịp.

Lúc đêm tàn chợ muộn, từng nhóm thợ còn đeo bảng tên công ty đi “dò giá”, ướm thử áo quần. Bất chợt, chúng tôi thấy có lỗi khi hỏi một nhóm thợ: “Thế các em có mua gì cho mình không?”. Mọi người nhìn nhau chùng xuống.

Trịnh Văn Lợi, công nhân nhựa Sơn Việt, bảo: “Cuối năm trông thưởng, trông lương, nhiều khi tính rôm rả vậy nhưng ngày cuối tiền ít phải gói ghém cho vừa sức mình. Thường từ đầu năm mỗi người đã để dành, lưu trữ đồ gia dụng khuyến mãi, bánh kẹo được tặng, giảm bớt chi tiêu nên mua vội, sắm càn chợ ngày tết là vậy”.

Chia sẻ với khó khăn của công nhân, ông Ngô Đức Hòa - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Thắng Lợi - cho biết: “Sáu năm nay, công ty đều tổ chức xe đưa công nhân về quê, mọi người không phải lo lắng “xe dù” giá vé đắt đỏ nên an tâm làm việc. Năm nay sẽ có tám chiếc xe và khoảng 300 công nhân được đưa về quê từ Đồng Nai đến các tỉnh phía Bắc, đăng ký theo nhu cầu và miễn phí.

Công đoàn chia sẻ

Đối với công nhân thường gởi tiền lo cho gia đình, con cái đi học ở quê nên tết đến, gom đủ phí tàu xe là mừng. Những công ty có xe đưa đón thợ về các miền quê hay tổ chức mua vé tàu tập thể thì người lao động đã thấy có nửa cái tết trong tay, chỉ lo sắm sửa, xuống ca cuối cùng của năm.

Cực nhất là công nhân mới, chưa đủ năm làm việc, lương bình quân 3 triệu đồng/tháng chỉ đủ tiền ăn, tiền trọ, không có lương tháng 13 phải “co kéo” mới có tiền về quê. Quà tết với họ chỉ là chai dầu ăn hay bánh trái của các tổ công đoàn và ít tiền mượn tạm bạn bè dằn túi. Có người xin khất nợ chủ nhà tiền trọ một tháng, qua năm trả gộp.

Làm gần 10 năm ở Công ty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu) chuyên làm hàng cá xuất khẩu, chị Phạm Thị Trinh băn khoăn: “Thu nhập công nhân dựa vào việc nhiều, tăng ca nhiều, nhưng năm nay thợ chỉ đủ giờ làm hành chính, 26 công/tháng/người đạt khoảng 4 triệu đồng/người. Lương, thưởng nếu đạt bằng năm ngoái chỉ đủ chi phí tàu xe về quê vì giá cả tăng. Việc mua sắm năm nay chỉ qua quýt gọi là tết”.

Tuy gọi là “sắm qua quýt” nhưng ai cũng muốn gói ghém mang một cái tết thành phố về quê, như tâm sự của ông Trần Minh Chất thuộc phòng kỹ thuật sản xuất đế, khu K6/lầu 1 Công ty Pouyen, Bình Chánh: “Việc mua sắm vì thế không phải do se sua, chỉ là sau một năm xa nhà phải tươi mới (áo mới, giày mới) để người nhà không thấy đau lòng buồn tủi nên mọi thứ rất cập rập lúc đêm tàn chợ muộn”.

Bà Nguyễn Thị Liên, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú, chia sẻ: “Ngành dệt may chịu khó khăn chung của nền kinh tế, thêm khủng hoảng về nhân sự, tài chính. Với công ty đa số là nữ, trên 6.500 người, không có điều kiện tổ chức xe cho người ở tỉnh xa nên chúng tôi đặc biệt chăm lo những phần quà tết thiết thực nhất và tiền thưởng sẽ trao sớm để công nhân chủ động về quê

Dù khó khăn mấy cũng phải đảm bảo chỉ số thưởng bằng năm ngoái (tương đương hai tháng lương/người, thu nhập bình quân của người lao động 4,5-5 triệu đồng/người/tháng). Ngoài ra, thay vì tổ chức tiệc cuối năm, hai năm nay công nhân nhận phiếu thăm dò để lựa chọn các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết: từ dầu ăn, bột ngọt, bột nêm đến bánh quy, đồ gia dụng.

Chúng tôi hiểu khó khăn của công nhân trong điều kiện eo hẹp về mọi mặt bởi công đoàn đi mua sắm còn đong đếm, trả giá từng đồng để mong gói quà tết nặng tay hơn. Sự quan tâm ở đây vì thế không chỉ là tiền mà chúng tôi cùng gồng gánh, chia sẻ để mỗi người, mỗi nhà có một cái tết ấm áp”.

Ông Trần Công Khanh, chủ tịch công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM, cho biết: “TP.HCM có 290.000 lao động trong 15 KCX-KCN. Hoạt động của khối công đoàn các cấp là chương trình hỗ trợ 6.000 vé xe cho công nhân về tết, trong đó 30% chi phí của công đoàn KCX-KCN và 70% vận động từ doanh nghiệp cùng 2.500 phần quà tết cho các trường hợp khó khăn. Tùy địa bàn cụm, tại các KCX-KCN sẽ có 23 chương trình đón xuân và phục vụ văn nghệ cho công nhân dịp tết”.

Riêng KCN Lê Minh Xuân - Tân Tạo (thuộc địa bàn Bình Tân - Bình Chánh), trong số 215 doanh nghiệp được khảo sát thì có 51 đơn vị thông báo thưởng tết bằng một tháng lương và 200 vé xe miễn phí về các tỉnh đã đăng ký trong tổng số 20.000 lao động thuộc hai KCN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận