EU trước bầu cử nghị viện 2014: "Một lễ hội của sự sỉ nhục"?

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 25/05/2014 02:05 GMT+7

TTCT - Từ ngày 22 đến 25-5-2014, cử tri 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ đi bầu Nghị viện châu Âu lần thứ tám, bầu ra 751 nghị sĩ với nhiệm kỳ năm năm.


Chủ tịch UKIP Nigel Farage (hàng chữ trên poster: Ai thật sự lãnh đạo đất nước này? 75% luật của chúng ta được soạn từ Brussels) - Ảnh: The Guardian

Tuy mang danh nghĩa là cơ quan lập pháp cao nhất trong khối nhưng quyền hạn của Nghị viện EU khá hạn chế vì không có quyền chủ động lập pháp như quốc hội các nước thành viên, chỉ có quyền thông qua các dự luật và tu chính luật do Ủy ban châu Âu (EC - European Commission) đề xuất. 

Tuy nhiên, nghị viện vẫn có tiếng nói của mình qua các báo cáo sáng kiến, nghị quyết và do là tổ chức duy nhất trong EU được bầu trực tiếp nên được xem là diễn đàn chung của người dân trong khối. 

Sau khi đắc cử thì tùy theo đường lối của đảng mình đại diện mà nghị sĩ các nước sẽ gia nhập các đảng phái trong Nghị viện EU, như Xã hội châu Âu (PES), Nhân dân châu Âu (EPP), liên minh Tự do dân chủ (ALDE), Đảng Xanh châu Âu (EGP), Đảng Tả (EL) và Dân chủ châu Âu (EDP).

EU hay không EU?

Kỳ bầu cử này diễn ra trong bối cảnh người dân trong khối chia làm hai phe rõ rệt. Một nửa vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai của EU, nửa còn lại tỏ ra hoài nghi hoặc muốn thoát khỏi EU. Không ít người dân châu Âu cho rằng EU can thiệp quá sâu vào công việc của các nước nên tạo ra không ít khó khăn cho họ, chẳng hạn như trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Đã vậy, bộ máy hành chính cồng kềnh của EU vừa ngốn một số tiền khổng lồ hằng năm của người đóng thuế, vừa trở nên ngày càng quan liêu. Tuy nhiên từ đầu năm nay, do kinh tế trong khối nói chung đã dần hồi phục và đặc biệt là tình hình căng thẳng tại Ukraine nên số người ủng hộ một EU đoàn kết và ổn định đã tăng lên so với trước. 

Theo thăm dò dư luận mới nhất của EC thì tỉ lệ ủng hộ EU là 53%, nửa năm trước là 51%, còn năm 2012 chỉ là 49%.

Mặt khác, người ta lại ghi nhận sự trỗi dậy của các đảng khuynh hữu và cực hữu tại nhiều nước thành viên. Tuy có khác biệt về đường lối nhưng những đảng này đều thiên về chủ nghĩa dân túy và dân tộc, đề cao chủ quyền quốc gia, hoài nghi vai trò của EU và chủ trương hạn chế người nhập cư, cả từ ngoài khối EU lẫn trong khối.

Đảng Vlaams Belang (Bỉ) và Liên minh phương Bắc của Ý ủng hộ quyền tự trị của các nước thành viên, Đảng Độc lập của Anh và Đảng Finns của Phần Lan muốn ra khỏi EU. Bà Marine Le Pen, chủ tịch Mặt trận bình dân (Pháp), hô hào rút khỏi nhóm các nước sử dụng đồng euro, thiết lập lại hàng rào thương mại... Tóm lại là trở về thời thân ai nấy lo như trước kia.

Dựa theo những kết quả thăm dò đầu năm nay thì những ứng cử viên tả khuynh và hữu khuynh có thể giành 16-25% số ghế tại Nghị viện EU 2014 (tỉ lệ hiện tại là 12%), riêng những người hữu khuynh và cực hữu có thể giành được 9% số ghế (1).

Càng gần đến ngày bầu cử nghị viện, sự ủng hộ của cử tri dành cho các đảng này càng tăng. Theo kết quả thăm dò mới nhất thì Mặt trận nhân dân trở thành đảng được nhiều người Pháp ủng hộ nhất, được 23,5% cử tri ủng hộ. Đảng Độc lập (UKIP) giành được vị trí dẫn đầu tại Anh với 32%, Đảng Tự do (PVV) của nghị sĩ Hà Lan chống Hồi giáo Geert Wilder được 16,5%.

Thăm dò của Gallup Đan Mạch ngày 3-5 cho thấy Đảng Nhân dân Đan Mạch (DF) với chủ trương hạn chế gắt gao người nhập cư dẫn đầu với 28% người được hỏi ủng hộ. Đảng Dân chủ xã hội (SF) của nữ Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt chỉ đứng thứ ba với 20%.

Trong những năm gần đây, khuynh hướng bài ngoại, bài EU, chống lại chính sách tự do đi lại phát triển rất nhanh tại những nước Tây và Bắc Âu, còn lan tới một số nước Nam và Trung Âu như Ý, Hungary, Hi Lạp. Cho dù các đảng hữu khuynh, cực hữu hay cực tả chưa nắm được chính quyền, nhưng sự lớn mạnh của những đảng này đã ảnh hưởng đến cục diện chính trị châu Âu.

Thí dụ như PVV của Geert Wilder đã hỗ trợ các đảng trung hữu lập chính phủ liên minh, đổi lại Chính phủ Hà Lan sẽ siết chặt hơn những quy chế về nhập cư và tị nạn chính trị.

Thủ tướng David Cameron cũng hứa sẽ trưng cầu ý dân về vai trò thành viên EU của Anh năm 2017, nếu như Đảng Bảo thủ của ông thắng trong kỳ bầu cử 2015. Ông cũng tỏ ra cứng rắn hơn về vấn đề nhập cư từ các nước trong khối và lên án tình trạng “du khách an sinh” (chỉ những người trong khối đến Anh thụ hưởng các chế độ an sinh xã hội). Đảng Lao động Anh cũng hứa hẹn sẽ cứng rắn hơn về chuyện nhập cư.

Để chuẩn bị cho kỳ bầu cử nghị viện 2014, DF đưa ra khẩu hiệu “Mere Danmark og mindre EU” (Nhiều Đan Mạch và ít EU hơn). PVV cũng có khẩu hiệu tương tự “Less Europe, more Holland”, còn chủ tịch UKIP Nigel Farage tuyên bố “Chúng tôi muốn giành lại đất nước” với khẩu hiệu “Take back control of our country”.

Tại diễn đàn Nghị viện EU tháng 1 năm nay, ông Farage từng phát biểu kỳ bầu cử này “sẽ là một trận chiến của nền dân chủ quốc gia so với bộ máy nhà nước EU (2)”.

Các nhân viên chuẩn bị tài liệu bầu cử Nghị viện châu Âu tại Strasbourg - Ảnh: Reuters

Vì đâu nên nỗi?

Vào thập niên 1980, nhiều nước Tây Âu và Bắc Âu xem nhập cư là giải pháp cho tình trạng dân số lão hóa vì tỉ lệ sinh thấp và tình trạng thiếu lao động, nhất là những công việc nặng hay lao động chân tay, lương thấp mà nhiều người bản xứ không muốn làm. Anh, Pháp, Hà Lan mở rộng cửa đón người từ các thuộc địa cũ, Đức nhận nhiều lao động Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch thì nhận người tị nạn theo chỉ tiêu phân bổ của UNHCR.

Vấn đề là trong những người nhập cư có không ít người lười biếng, ỷ lại vào những chế độ an sinh xã hội, nhất là tại Bắc Âu, tạo thành gánh nặng cho những người đóng thuế. Khi EU mở rộng thì lại nảy sinh tình trạng người lao động từ Trung Âu và Đông Âu kéo sang Tây Âu và Bắc Âu làm chui, lao động phá giá. 

Nguy hiểm hơn, rất nhiều băng đảng tội phạm, các nhóm khủng bố cũng lợi dụng sự tự do giao thông để tràn sang. Các biện pháp trục xuất, bỏ tù (nhà tù Bắc Âu đầy đủ tiện nghi!) đều tỏ ra không hữu hiệu.

Sự phát triển quá nhanh của các cộng đồng Hồi giáo cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề, vì nhiều người trong những cộng đồng này chẳng những không tích cực hội nhập mà còn duy trì những phong tục tập quán không được luật pháp nước sở tại chấp nhận như giết người vì danh dự, hôn nhân cưỡng bách... Thế nên không ít người bản xứ có thành kiến với người nhập cư nói chung.

Do tôn giáo và sắc tộc là những vấn đề nhạy cảm nên khi vận động tranh cử thì các đảng phái có khuynh hướng bài nhập cư tập trung vào nỗi lo mất việc của nhiều người trước làn sóng lao động nhập cư ào ạt, nhất là từ Ba Lan, Bulgaria và Romania.

Chủ tịch DF Kristian Thulesen Dahl tuyên bố trên báo Berlingske là đảng này không thành lập trên một chủ thuyết cụ thể nào mà “do nhiều người Đan Mạch lập ra để bảo vệ quyền lợi của những người Đan Mạch”. 

Tại Anh thì UKIP tung ra một chiến dịch bài nhập cư lớn chưa từng có với những khẩu hiệu như “26 triệu dân châu Âu đang tìm việc làm. Họ đang tìm công việc gì?” và bích chương thể hiện người lao động Anh trở thành kẻ ăn xin do bị người nhập cư giành mất việc làm (3).

Trước tình hình này, Chủ tịch EC José Manuel Barroso nói rằng: “Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan, từ cực hữu tới cực tả” và cho rằng cuộc bầu cử sắp tới có thể trở thành “Một lễ hội của sự sỉ nhục vô căn cứ đối với châu Âu”. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier gọi những ai hoài nghi về EU là “không có đầu óc”.

Giáo sư Lars Hovbakke Soerensen của Đại học Copenhagen cho rằng sự hoài nghi EU bắt nguồn từ suy thoái kinh tế năm 2008, khi gặp khó khăn, nhiều người có khuynh hướng đổ lỗi cho khối EU và các nước bạn trong khối về những vấn đề của chính mình (4)!

Kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu 2014 có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự bền vững và phát triển của EU. EU được thành lập trên ý tưởng một châu Âu vững mạnh, thịnh vượng, phát triển, đoàn kết và hòa bình. Sự hợp nhất (cho tới thời điểm này) của 28 nước với nhiều khác biệt về kinh tế, văn hóa, chủng tộc... tất nhiên sẽ làm nảy sinh rất nhiều vấn đề.

Tuy nhiên một EU với 500 triệu người vẫn là một thế lực đối trọng của châu Âu trước Mỹ, Nga và bây giờ là Trung Quốc. Nhiều người dân châu Âu vẫn chưa quên hậu quả của hai cuộc thế chiến, thế nên một sự đồng thuận trong khối, cho dù tương đối, vẫn hết sức cần thiết. Nếu không thì EU chẳng có lý do gì để tồn tại!


(1): 
www.economist.com/news/briefing/21592666-parties-nationalist-right-are-changing-terms-european-political-debate-does

(2): www.huffingtonpost.co.uk/ 2014/01/16/ukip-nigel-farage-europe_n_4607574.html

(3): www.b.dk/livsstil/kristian-thulesen-dahl-facts-diskuterer-man-ikke-dem-slaar-man-op

(4): www.b.dk/globalt/eu-modstandere-vaekker-kritik-med-ny-kampagne

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận