EURO 2020: Xu hướng chiến thuật mới

VŨ CÔNG LẬP 11/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Chúng ta đều biết Pep Guardiola, thậm chí một số trợ lý của ông cũng đã nổi tiếng. Nhưng Domenec Torrent thì có lẽ còn ít người nghe tên. Ròng rã hơn mười năm trời, ông theo Pep, từ Barcelona, qua Munich, rồi tới Manchester, lầm lũi với cái nghề gần như vô danh: “chuyên gia phân tích dữ liệu”.

Sau này trưởng thành, Torrent làm HLV rất thành công ở New York City - gần như một chi nhánh của Manchester City tại Mỹ, rồi Flamengo, CLB hàng đầu Brazil. 

Giờ thì ông đang ở châu Âu, quan sát và phân tích các trận đấu tại Euro 2020, và nhận thấy một số xu hướng rất thú vị ở giải đấu này.

Hai cầu thủ chạy cánh Gosens và Kimmich là những người chơi cao nhất của Đức khi có bóng, chứ không phải các tiền đạo. Một tình huống trong trận Đức - Bồ Đào Nha. Ảnh: Twitter

 

“Chúng tôi đã thắng như thế đấy”

Torrent xem kỹ tất cả các trận đấu tại Euro, trực tiếp hay qua băng hình. Trung bình mỗi ngày ông xem 2-3 trận bóng đá trọn vẹn. Có người bảo ông sướng quá, vì chẳng ai được xem bóng đá nhiều như ông. 

Có người bảo xem mãi thế thì chán chết, xem để làm việc thì còn gì là cảm xúc. Nhưng với Torrent, đó là công việc đầy say mê, và cũng đầy xúc động, nhất là khi được thấy những gương mặt mà mình ít nhiều gắn bó.

Euro 2020 đem lại cho Torrent nhiều niềm vui. Ông vui vì những đội chơi chủ động, sáng tạo đã giành chiến thắng, không còn phải chấp nhận thắng lợi của những đội, những lối đá “lẽ ra không nên thắng”, như ở không ít các giải khác. 

Các đội tiến xa ở giải lần này đều sẵn sàng mạo hiểm để tạo ra cơ hội. 4 đội vào bán kết Ý, Tây Ban Nha, Anh và Đan Mạch đã không chỉ thông báo “chúng tôi chiến thắng”, mà bằng lối chơi năng động, mỗi người một vẻ, họ còn tuyên bố đầy tự hào “chúng tôi đã thắng như thế đấy”.

Niềm vui chung ấy mang lại những nhận xét lạc quan về sự đổi thay xu hướng chiến thuật. Torrent nhấn mạnh chiến thuật không chỉ là đội hình, mà bao gồm cả phong cách và thái độ của cầu thủ. 

Tờ Kicker của Đức nhận xét có tới 11/16 đội vượt qua vòng bảng chơi với đội hình 3 hậu vệ. Torrent cũng kết luận tương tự: 3 hậu vệ đã trở thành một xu hướng, cùng những biến thể phong phú của nó.

Thoạt đầu, việc bố trí 3 hậu vệ là để tăng cường cho phòng ngự. HLV sẽ chọn ra 3 cầu thủ cao to, nhiều kinh nghiệm trấn giữ trước khung thành, thêm vào 2 tiền vệ đá kiểu số 6 để ngăn chặn từ xa và thu hồi bóng. Lúc đó, tự nhiên xuất hiện khả năng tổ chức chơi bóng theo chiều rộng ở hai cánh. 

Thế là xuất hiện những cầu thủ chạy cánh “lai tạo”, không chỉ là hậu vệ hay tiền vệ biên thuần túy, mà có thể tấn công lẫn phòng ngự tùy tình huống, lối chơi, và đối thủ.

Cuối cùng, còn lại 3 cầu thủ tấn công, có thể đá 3 người ngang nhau, 1 dưới 2 trên, 2 dưới 1 trên, hay thậm chí cả 3 người đều không phải tiền đạo cắm, tức sơ đồ “số 9 ảo”, khiến đối phương mất phương hướng trong kèm người. 

Tuyến phòng ngự 3 người cũng có thể dễ dàng chuyển thành 4 hay 5 người. Tóm lại, đội hình cơ bản là 3-4-3, có thể biến thành 3-4-2-1, 4-3-3, hay 4-2-3-1 rất linh động, không chỉ từng trận, mà ngay trong trận. Torrent nhấn mạnh: “Đội hình chỉ là một sơ đồ trên giấy. Nó không định nghĩa phong cách chơi”.

Vì sao Đức thua Anh?

Phong cách đấy sẽ phụ thuộc vào năng lực cầu thủ, tương ứng với nhiệm vụ được giao. Khi tấn công, hàng phòng ngự 3 người chỉ cần giữ lại 2 là đủ, người còn lại sẽ có mặt ở khoảng không gian rộng lớn thuộc 1/4 sân đối phương kể từ vạch giữa sân để tham gia từ tổ chức, quấy phá, đến trực tiếp ghi bàn. 

Phẩm chất này tất nhiên đòi hỏi một hậu vệ khác 2 người ở lại, vốn phải biết phán đoán tình huống, cảm nhận vị trí tốt, biết kèm chết đối thủ, hay thậm chí là phạm lỗi khi cần.

Tương tự, khi mất bóng trong tấn công, có HLV yêu cầu phải tạo áp lực tức thời, cướp lại bóng càng sớm càng tốt, nhưng cũng có HLV yêu cầu chạy thật nhanh về để lập lại cấu trúc tuyến phòng thủ trên sân nhà. 

Hai phong cách chơi ấy đòi hỏi những phẩm chất khác nhau nơi cầu thủ.

Trận Anh - Đức là một trong những trận được Torrent lấy làm ví dụ. 

Tại sao Anh chuyển sang đá hậu vệ 3 người? Vì trận Bồ Đào Nha đã chỉ ra, muốn thắng Đức thì phải bóp chết 2 cánh rất lợi hại của họ với 2 người hiệu quả nhất trong đội hình của HLV Joachim Loew, Robin Gosens và Joshua Kimmich, ngay từ bên sân đối phương.

Đá 3 hậu vệ, Anh có thêm cầu thủ ở 2 biên làm nhiệm vụ này. Cũng theo Torrent, Đức đá với sơ đồ 3-4-2-1 nên mới thua. Nếu là ông, Torrent sẽ bố trí đội hình 3-4-1-2, và dùng 2 tiền đạo tốc độ cao gây sức ép liên tục với hàng thủ Anh, khiến 2 trung vệ John Stones và Harry Maguire không dám dâng cao. 

Đấy chỉ là giả thiết, nhưng nó cũng cho ta một gợi ý đắt giá đáng suy nghĩ. Torrent cũng cho rằng Anh có tuyến tiền vệ rất khó đối phó, với cặp tiền vệ trung tâm Declan Rice - Kalvin Phillips như “hai quái thú tạo thành cặp số 6 không khoan nhượng và đầy uy lực”.

Đức còn thất bại, theo Torrent, vì Loew đã yêu cầu một số người giỏi nhất của ông chơi trái với sở trường của họ. 

Ví dụ của ông là trường hợp Gosens, vốn quen chơi với đội hình 3 hậu vệ, nên khi Đức chuyển từ sơ đồ 3 sang 4 hậu vệ, người rút về phía sau lẽ ra nên là Kimmich. 

Kết cục là trong khi trận Đức - Bồ Đào Nha 4-2 đã “định nghĩa” Gosens, ở trận Anh - Đức 2-0, Gosens lại kém hiệu quả. Kimmich toàn diện và đa năng hơn, nhưng anh thích nhất vẫn là ở trung tâm, nơi anh nhận được nhiều bóng và có nhiều không gian để thi thố. 

Torrent không quên nhắc tới những Leroy Sane, Serge Gnabry, hay Timo Werner, vốn đều là các tiền đạo rất tốc độ nhưng đã không thể phát huy được trong lối chơi của Loew.■

“Tại Euro lần này, các đội bóng đã thay đổi mạnh mẽ ngay cả những truyền thống rất lâu năm của họ, đến mức khó mà nhận ra họ nữa".

Domenec Torrent


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận