Facebook Hackathon và... bún bò đêm khuya

NGUYỄN TUÂN 08/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT - Tôi hiện là sinh viên ngành khoa học máy tính ở Việt Nam. Cũng như hầu hết người trẻ đang theo đuổi ngành này, ước mơ của tôi là có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với những “ông lớn” của ngành công nghệ trên thế giới để biết vì sao họ lại trở thành một “ông lớn”, tư duy của họ khác biệt thế nào.

Các bạn trẻ hào hứng với Facebook Hackathon lần đầu tiên ở Việt Nam

Cơ hội đó vừa đến khi tôi thấy Facebook đăng tin sẽ tổ chức cuộc thi Facebook Hackathon lần đầu tiên ở Việt Nam ngày 30 và 31-7 tại TP.HCM.

Hackathon (hack + marathon) là định nghĩa về những cuộc thi lập trình trong một thời gian ngắn để tìm ra những ý tưởng, những giải pháp phần mềm mới mẻ, độc đáo, đột phá, táo bạo.

Những ý tưởng này, thông qua cuộc thi, sẽ có cơ hội được các nhà đầu tư mạo hiểm chú ý và rót tiền đầu tư khởi nghiệp. Facebook Hackathon từng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và ông chủ Mark Zuckerberg đã thu về được hàng loạt ý tưởng mới cho mạng xã hội mà hàng tỉ người đang sử dụng hiện nay.

Kết nối ý tưởng và đam mê

Bởi vậy khi biết cuộc thi này được tổ chức tại Việt Nam, “thằng hacker đờ đẫn” - (chị tôi gọi tôi vậy) - bỗng trở nên... hết đờ đẫn ngay!

Tôi và mấy đứa bạn cùng lớp háo hức rủ nhau đăng ký tham dự và thực hiện một bài kiểm tra online về khả năng lập trình trên Hacker Rank (sử dụng giải thuật kết hợp với ngôn ngữ lập trình để giải quyết bài toán).

Facebook thông báo họ nhận được hàng ngàn lượt đăng ký và sẽ chỉ chọn ra 120 người có điểm số cao nhất để vào vòng Hacking Day. Rồi ngày đó cũng tới, tôi nhận được thư báo tham dự Hacking Day... một mình, vì bạn tôi đã bị từ chối.

Vậy nên việc tiếp theo là tôi phải gấp rút tìm ngay cho mình một nhóm khác để tham gia, vì quy định của cuộc thi là 120 người sẽ tự lập thành các nhóm nhỏ gồm 3-7 thành viên, cùng làm việc với nhau để hoàn thành một ý tưởng lập trình trong vòng 24 giờ.

Tôi quyết định lên group dành riêng cho 120 hacker này để “rao bán thân”, ai dè gặp hàng loạt lời rao “bán thân” hấp dẫn khác từ những hacker ở Hà Nội, Đà Nẵng, mấy tỉnh miền Tây...

Mỗi người đều ghi rõ thế mạnh và kinh nghiệm lập trình của mình trên nhiều loại ngôn ngữ khác nhau như PHP, Python, Java, Android, Ruby-on- Rail, C++, C#...

Nhưng hầu hết đều rất khiêm tốn, không ai cố thể hiện gì ở đây cả (tôi vẫn luôn nghĩ lập trình viên là những người cực kỳ khiêm tốn), kiểu: “Trước giờ em chỉ code đồ án và viết game nên vượt qua vòng gửi xe lần này, tham gia để lấy kinh nghiệm, chia sẻ ý tưởng và học hỏi từ các bô lão cao thủ trong này, đội nào không sợ tạ thì xin hãy chứa chấp em!”.

Vào ngày Hacking Day, chúng tôi có mặt trong khuôn viên Đại học RMIT - nơi diễn ra cuộc thi. Cảm giác vừa choáng ngợp vừa dễ chịu là điều tôi nhớ khi nghĩ về chuyện này. Choáng ngợp là bởi sự kiện của họ quá chuyên nghiệp.

Ngày đầu tiên của FB Hackathon TP.HCM -Nguyễn Tuân
Ngày đầu tiên của FB Hackathon TP.HCM -Nguyễn Tuân

 Tôi bắt đầu nhận ra sự khác biệt của một ông lớn với một tư duy lớn. Suốt hai ngày diễn ra Hackathon, toàn bộ công tác tổ chức đều được thực hiện gọn gàng, các bộ phận làm việc ăn ý với nhau, sự kết nối giữa ban tổ chức với những người tham gia là vô cùng mạnh mẽ.

Chúng tôi bắt đầu lao vào code, chạy đua với thời gian, vô cùng tập trung và nghiêm túc nhưng cũng tràn đầy nhiệt huyết và đam mê, không hề có cảm giác mệt mỏi hay chán nản dù phải thức xuyên đêm làm việc.

Cùng lúc đó, những cuộc nói chuyện chuyên môn liên tục diễn ra đến tận nửa đêm, được trình bày bởi các chuyên gia hàng đầu của Facebook về những ứng dụng kỹ thuật, những bộ công cụ phần mềm chuyên sâu mà giới lập trình viên chúng tôi còn mê hơn mê... người yêu!

Chúng tôi kết nối với nhau bằng ý tưởng và đam mê, đó là thứ quan trọng nhất. Không khí này rõ ràng là điều gì đó mà chúng tôi đã trông đợi được trải nghiệm từ lâu, là điều như thế giới đang là, rồi mong sao nó sẽ là điều mà chúng ta sẽ là...

Còn cảm giác dễ chịu? Đó là một sự thân thiện, cởi mở và gần gũi bao trùm lên tất cả chúng tôi, không phân biệt người đó là chuyên gia Facebook vừa bay từ đầu não Singapore sang hay chỉ là cậu sinh viên quèn còn mang đôi dép lẹt xẹt như tôi.

Chúng tôi làm việc nhóm, thảo luận ý tưởng và cùng nhau hiện thực hóa ý tưởng đó. Các chuyên gia đi vòng quanh từng nhóm, lắng nghe những ý tưởng rồi góp ý, thảo luận, khuyến khích. Những bữa ăn thịnh soạn được chuẩn bị chu đáo và giữ đúng lời hứa: “Không phải pizza hay bánh mì đâu nhé”.

Vì mấy cuộc thi kiểu này trước đây thường chỉ cho lập trình viên ăn pizza (tôi không biết liệu giữa lập trình viên và pizza có mối liên hệ nào không), nhưng Facebook cho chúng tôi ăn cá chiên nước mắm, gỏi cuốn, bánh bột lọc, bánh ướt mắm nêm, xôi gà, bún chả giò...

Gần nửa đêm, một nồi bún bò nóng hổi được dọn ra khi lũ chúng tôi đã bắt đầu mụ mẫm vì ngồi code liên tục. Không hiểu sao tô bún bò khuya này lại chính là một trong những điều khiến tôi lờ mờ nhận ra vì sao Facebook đã trở thành một đế chế.

Sau 24 tiếng làm việc không nghỉ, các nhóm bắt đầu nộp ý tưởng và thuyết trình sản phẩm của mình. Có rất nhiều ý tưởng hay dựa trên nền tảng của Facebook Messenger, Live video và các dịch vụ marketing khác.

Chẳng hạn như ý tưởng về một bác sĩ online luôn sẵn sàng trả lời những câu hỏi về triệu chứng bệnh của bạn; ý tưởng về việc gây quỹ đám cưới; ý tưởng về Facebook cho người mù; ý tưởng về giáo viên dạy ngoại ngữ; ý tưởng về điều tra khách hàng và nghiên cứu thị trường...

Nhóm của tôi có ý tưởng về một chiếc đồng hồ báo thức kỳ dị trên điện thoại Android, nghĩa là bạn buộc phải tỉnh dậy chụp một tấm hình tươi cười tỉnh táo thì báo thức mới tắt, nếu bạn chụp hình mà ngái ngủ không cười hay chiếc đồng hồ không thích cái mặt của bạn, nó sẽ tự động viết một điều gì đó ngớ ngẩn về bạn lên Facebook của chính bạn!

Tuy nhiên vì khả năng còn hạn hẹp và chưa biết cách làm việc nhóm hiệu quả dưới áp lực cao, chúng tôi đã không thể hoàn thành sản phẩm đúng hạn. Nhưng rõ ràng là tất cả ý tưởng dù điên rồ cỡ nào cũng đều được chào đón ở đây. Họ cho phép điều đó. Nó làm chúng tôi thấy sảng khoái.

Món bún bò đêm khuya ở FB Hackathon VN -Nguyễn Tuân
Món bún bò đêm khuya ở FB Hackathon VN -Nguyễn Tuân

 Hacker: anh muốn đội mũ gì?

Chị tôi từng hỏi sau này tôi muốn làm gì? Tôi đã nghĩ về điều này rất lâu. Trở thành một lập trình viên, hẳn rồi, nhưng một lập trình viên như thế nào mới là quan trọng. Ở Việt Nam không hề thiếu lập trình viên giỏi, thậm chí là rất giỏi, nhưng lại vô cùng thiếu đất để họ dụng võ.

Rồi cũng như Ấn Độ, lập trình viên Việt Nam suốt ngày chủ yếu chỉ đi làm gia công phần mềm cho những công ty nước ngoài. Người ta nghĩ ra hết toàn bộ sản phẩm, rồi giao một khâu cho mình làm. Đôi khi mình làm nhưng không hề biết đang làm gì, cái mình làm có ý nghĩa gì trong toàn bộ sản phẩm, nó sẽ được lắp vào đâu, ứng dụng thế nào...

Đó là điều mà thế hệ của chúng tôi muốn thay đổi nếu có cơ hội. Muốn vậy giỏi lập trình chưa đủ, phải giỏi thuật toán nữa, bởi thuật toán sẽ là chìa khóa để sáng tạo, suy nghĩ logic và đưa ra giải pháp. Lập trình chỉ là kỹ năng, thuật toán mới là tư duy. Ở những cuộc thi như Facebook Hackathon này, tư duy khác biệt là điều mà họ tìm kiếm, cũng là điều mà chúng tôi muốn học hỏi.

Chị tôi cũng hỏi sau này nếu như gặp khó khăn, làm gia công lương ba cọc ba đồng liệu tôi có trở thành một hacker mũ đen để kiếm lợi nhanh không? (Chị tôi nhiều chuyện thật đấy, chắc chị ấy xem nhiều phim quá!). Có lẽ nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về giới hacker chúng tôi.

Vì không phải hack lúc nào cũng là hành động xâm nhập và phá hoại một hệ thống bảo mật nào đó. Có thể ngày xưa là vậy, nhưng giờ thì đỡ rồi. Theo cách hiểu gần đây nhất, hack còn là việc khai phá, sáng tạo, tạo nên những giá trị mới trong ngành công nghệ. Hôm mở đầu cuộc Hackathon vừa rồi, một chuyên gia Facebook nói lớn: “Tất cả những anh em ở đây đều là hacker.

Đã đến lúc hack rồi!”. Việc trở thành một hacker mũ trắng, mũ đen, mũ đỏ hay mũ xám và ranh giới giữa những cái mũ đó chưa bao giờ là một lựa chọn dễ dàng trong ngành này. Nhưng tôi nghĩ đó vẫn là điều có thể lựa chọn được - một cách đúng đắn nhất - nếu ta có đủ sự tin tưởng ở bản thân và đủ may mắn để tiếp cận một môi trường phù hợp.

Ở Facebook Hackathon có một tấm bảng lớn, người ta khuyến khích chúng tôi hãy ký tên mình ở vị trí cao nhất có thể trên tấm bảng. Tưởng rằng đó chỉ là một trò chơi vui, nhưng không, việc cố gắng để lại dấu ấn của mình ở nơi cao nhất có thể đạt tới cũng là một cách tư duy khác. Bạn phải không ngừng cố gắng vươn cao, cao, cao hơn nữa bằng tất cả nỗ lực bản thân, cùng một môi trường thích hợp và trở thành kiểu người mà bạn muốn trở thành. 

Tôi sẽ ghi nhớ trải nghiệm này trong nhiều năm sau nữa.■

Làm việc theo nhóm

Facebook Hackathon là cuộc thi Hackathon được Facebook tài trợ và tổ chức trên toàn cầu từ năm 2007 để tạo cơ hội cho các lập trình viên, các nhà phát triển ứng dụng tạo ra những sản phẩm có cơ hội đến với hơn 1,65 tỉ người dùng Facebook.

Tiêu chí chấm giải cho các sản phẩm tham dự là sản phẩm được xây dựng với kỹ thuật công nghệ cao, có khả năng phát triển mở rộng, mang tính sáng tạo độc đáo, thân thiện với người dùng.

Facebook Vietnam Hackathon 2016 có năm hạng mục giải thưởng bao gồm: Sản phẩm xuất sắc nhất (Best product overall); Sản phẩm xuất sắc nhất cho xã hội (Best product for Social good); Sản phẩm sáng tạo nhất (Best Innovative product); Sản phẩm xuất sắc nhất trên nền tảng FB marketing (Best product in FB marketing category) và Sản phẩm được yêu thích nhất (Most wanted product)

Mỗi giải thưởng đi kèm 500 USD tiền mặt và một gói hỗ trợ khởi nghiệp Fbstart trị giá 80.000 USD. Gói này cung cấp “tất cả trong một” từ công cụ kỹ thuật, mentor và các dịch vụ cộng đồng được thiết kế để giúp các lập trình viên xây dựng và phát triển những ứng dụng của mình, ví dụ Amazon Web Service, Dropbox, MailChimp, Adobe...

Các start-up trên nền tảng di động có cơ hội nhận sự tư vấn trực tiếp từ Facebook cũng như được gia nhập một cộng đồng các công ty khởi nghiệp toàn cầu từ FbStart.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận