G7: Canh cánh mối lo năng lượng

DANH ĐỨC 27/05/2023 10:45 GMT+7

TTCT - G7 nghe có vẻ như xa xôi, chót vót "trên nóc" thế giới. Nhưng những năm gần đây, G7 đã mở rộng hơn, mỗi lần hội họp đều có chào đón thêm các khách mời là các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam

Những hợp tác đó đã là chính sách xuyên suốt của G7 gần nửa thế kỷ qua, dù hình thức có khác nhau.

Trong các quốc gia khách mời của thượng đỉnh G7 Elmau (Đức) mở rộng tháng 6-2022 và G7 Hiroshima mở rộng năm nay, có 5 nước thuộc chương trình Đối tác mới Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP): Nam Phi, Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam. 

Quan hệ giữa G7 với các nước này như thế nào, dựa trên cơ sở gì để giờ đây G7 lại chia sẻ tài nguyên vật lực cho 5 quốc gia này?

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Ra đời sau một cuộc khủng hoảng năng lượng

Cuộc khủng hoảng năng lượng từ năm ngoái, mà nay đã dịu bớt, là tái hiện cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 1973 khiến thế giới lúc đó chới với vì giá dầu tăng. 

Các thành viên Ả Rập của OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ) quyết định tăng gấp bốn lần giá dầu và cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu, lúc bấy giờ đang tiêu thụ hơn một nửa năng lượng của thế giới. 

OPEC quyết định như vậy là để trả đũa phương Tây ủng hộ Israel chống Ai Cập và Syria trong cuộc chiến tranh Yom Kippur (1973) và để đối phó với sự sụt giảm liên tục về giá trị của đồng đô la Mỹ, khiến thu nhập từ xuất khẩu dầu hỏa của các nước OPEC bị "xói mòn" đáng kể.

1973 cũng là năm mà các tiền tệ châu Âu "rúng động" dây chuyền. Tháng 1-1973, đồng lira Ý bắt đầu được thả nổi, rồi tới lượt franc Thụy Sĩ, sau đó là mark Đức. Đúng lúc đó, Hoa Kỳ loan báo năm 1972, cán cân thương mại của họ thâm hụt 6,4 tỉ USD. 

"Quả bom" này khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi tờ bạc xanh. Ngày 12-2-1973, Tổng thống Nixon quyết định phá giá đồng đô la với tỉ lệ 11%.

Thế giới gánh cùng lúc hai cái ách: giá dầu tăng như "tên lửa" và lạm phát "phi mã". Qua năm sau 1974, dù lệnh cấm vận dầu mỏ đã được dỡ bỏ, song giá dầu vẫn ở mức cao và nền kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ. 

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing, vừa đắc cử vào tháng 5 và nguyên là bộ trưởng kinh tế tài chánh, đã rủ 5 lãnh đạo quốc gia tai to mặt lớn lúc đó là Đức, Anh, Mỹ, Ý và Nhật Bản gặp nhau tại lâu đài Rambouillet vào tháng 11-1975. Nhóm G6 này lúc đó chiếm đến 70% GDP toàn cầu. (Năm 1976, Canada tham gia, G6 trở thành G7).

Tuyên bố Rambouillet ngày 17-11-1975 đánh dấu những dàn xếp quy mô lớn đầu tiên giữa các cường quốc kinh tế để đảm bảo một thế giới ổn định hơn, trước hết là cho chính họ. 

Cuộc xung đột với OPEC năm 1973 khiến các nước công nghiệp hàng đầu cấm vận dầu hỏa ý thức ra rằng giữa họ và thế giới còn lại có một sự tương thuộc, và nay không còn là lúc nói chuyện "ai đã phát triển, công nghiệp hóa, ai đang phát triển" hoặc ai "dẫn dắt" ai. 

"Trong một thế giới được ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, chúng tôi quyết tâm... tăng cường hợp tác quốc tế và đối thoại xây dựng giữa tất cả các quốc gia, vượt qua chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, bất bình đẳng về nguồn lực và khác biệt về hệ thống chính trị và xã hội", tuyên bố Rambouillet viết.

50 năm sau

Ưu tư lớn nhất của G6 Rambouillet là vấn đề năng lượng: "Tiếp tục hợp tác để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu thông qua bảo vệ và phát triển các nguồn thay thế". Có thấy ngay từ Rambouillet, từ ngữ "năng lượng thay thế" đã được nêu ra. 

Đường hướng đó tiếp tục, với những bối cảnh mới, qua tuyên bố chung của G7 Elmau ngày 28-6-2022: "Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác trên toàn cầu, hướng tới chương trình JETP với Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam, dựa trên nền tảng đối tác hiện có của chúng tôi với Nam Phi".

Với những nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố "công bằng" có lẽ là cần nhấn mạnh nhất trong JETP. Nazalea Kusuma, biên tập viên phụ trách châu Á của mạng tin năng lượng Green Network, giải thích: "Biến đổi khí hậu là vấn đề của mọi người. Tuy nhiên, chúng ta không cảm thấy tác động của nó như nhau. Điều ngược lại cũng đúng - một số quốc gia phải chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu nhiều hơn những quốc gia khác".

Có thể "diễn nôm" giải thích trên bằng thí dụ cơn nóng nung người mấy tuần qua ở Việt Nam: 

(1) Không phải tất cả 100 triệu dân đều đã cảm nhận cái nóng bức đó như nhau. 

(2) Cũng thế, không phải mọi người đều cùng gây ra tác động làm tăng sức nóng đó như nhau. Cụ thể là không có mấy người ngày ngày mặc áo vest để giờ được khuyên đừng mặc nữa cho khỏi thấy máy lạnh không mát; không phải ai, nhà nào cũng có máy lạnh để bật, thậm chí bật 24/24, nhiều gia đình có được cái quạt máy đã là hạnh phúc rồi. 

Các quốc gia cũng thế. Không phải nước nào cũng sản xuất hay tiêu thụ năng lượng như nhau.

Thành ra, nếu tất cả các nước đều cùng chuyển đổi năng lượng nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C, thì mức độ sẵn sàng tham gia sẽ phải khác nhau do khả năng các nước khác nhau. 

G7 chủ trương bù đắp sao cho sự chuyển đổi này trở nên công bằng hơn, thu hẹp khoảng cách, để nước nghèo không nghèo thêm vì phải chi cho chuyển đổi. (Tỉ như Việt Nam, nơi nguồn sản xuất điện bằng than đá vẫn đang chiếm đến 49,3% sản lượng điện toàn quốc, theo EVN).

Nazalea Kusuma của Green Network giải thích thêm: "JETP là một cơ chế tài chính. Trong quan hệ đối tác này, các quốc gia giàu có tài trợ cho một quốc gia đang phát triển vốn đang phụ thuộc vào than đá để hỗ trợ... chuyển đổi dần sang năng lượng sạch, đồng thời giải quyết các hậu quả xã hội". 

Câu chuyện chuyển đổi từ điện than sang nguồn khác không đơn giản là đóng cửa nhà máy điện than, mà còn cả những phức tạp của khía cạnh xã hội, vốn quan trọng không kém, do lẽ một phần đáng kể dân số sẽ bị ảnh hưởng. 

Đào tạo lại, nâng cao kỹ năng và tạo việc làm mới là một cách để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng cho người lao động và cộng đồng. ■

Tháng 12-2022, các lãnh đạo G7 gặp nhau qua mạng còn nhắc chuyện JETP và nói rõ rằng "chúng tôi mong sớm kết thúc đàm phán JETP với Việt Nam, cũng như tiến xa hơn với Ấn Độ và Senegal", sau khi đã "hoan nghênh tiến bộ trong JETP với Nam Phi và Indonesia".

Trên thực tế, 7 nước G7 thuộc Nhóm Đối tác quốc tế (IPG) lớn hơn đã ký kết thỏa thuận JETP với Việt Nam ngày 14-12-2022. Theo đó, IPG sẽ huy động 15,5 tỉ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3-5 năm tới hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh, nhằm giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050.

Cụ thể, JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu:

(1) Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030;

(2) Giảm 30% phát thải hằng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn;

(3) Giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30,2GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37GW;

(4) Đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại.

Khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm vào năm 2035 nếu các mục tiêu được hoàn thành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận