Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển G7 đã diễn ra trong hai ngày 7 và 8-6 với sự vắng mặt đáng kể nhất của nước Nga. Tổng thống Barack Obama trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel bên lề hội nghị G7 tổ chức tại vùng núi bang Bavaria (Đức). Ảnh: Reuters Sau hơn hai thập kỷ chuyển từ G7 sang G8 (với sự kết nạp Nga sau khi Liên Xô sụp đổ), G8 một lần nữa chuyển lại thành G7 như cơ cấu ban đầu. Trong một thời gian dài, biến chuyển này có ý nghĩa biểu tượng rất lớn, đánh dấu thời kỳ mới sau Chiến tranh lạnh: chào mừng Nga vào cộng đồng lớn hơn. Những năm đầu, G7+1 luôn được coi như là “màn diễn của Bill và Boris” với hai tổng thống Bill Clinton (Mỹ) và Boris Yeltsin (Nga) luôn là tâm điểm. Khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3-2014, hành động mà Mỹ và phương Tây cho là “vi phạm luật quốc tế và xâm phạm biên giới một nước có chủ quyền”, Brussels và Washington D.C nhất loạt thay đổi thái độ. Cuộc họp G8 dự kiến tại khu nghỉ mát Sochi của Nga năm ngoái bị hủy bỏ và chuyển sang Brussels của Bỉ, nơi ông Vladimir Putin không được mời tham dự. Đến năm nay, cuộc họp G8 chính thức được đổi tên lại là G7: lần thứ hai trong vòng hai thập kỷ qua, cuộc gặp của lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển hàng đầu không có Nga. Và khi cuộc họp ở Bavaria (Đức) đang diễn ra, ở miền đông Ukraine các cuộc đụng độ quân sự giữa dân quân đông Ukraine với quân đội Kiev vẫn tiếp tục tiếp diễn - trừng phạt Nga hay đối thoại với Matxcơva là câu hỏi khó lúc này. Thế khó của Washington Dù bàn thảo đủ vấn đề từ biến đổi khí hậu, lực lượng Hồi giáo IS, nợ của Hi Lạp, hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương..., chủ đề chi phối nhất của G7 lần này chính là đối xử sao với nước Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gặp rất nhiều chỉ trích ở trong nước khi không mời ông V. Putin tới dự. Lý lẽ của những người chỉ trích rất đơn giản: làm sao có thể giải quyết các vấn đề quốc tế mà Nga đóng vai chủ chốt lại không có tiếng nói? Đáp lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói G7 không chỉ là một tổ chức kinh tế hay tổ chức chính trị mà là “nhóm các nền dân chủ với cùng các giá trị chung”. Kết thúc hội nghị, G7 hôm 8-6 ra thông báo chung nói cấm vận sẽ tiếp tục đến khi nào Nga “thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk và tôn trọng chủ quyền Ukraine”. Trong một cuộc họp báo, ông Obama cho biết G7 cũng đã thảo luận về những bước cấm vận bổ sung “nếu nước Nga tăng tấn công vào Ukraine” dù các bước bổ sung này “ở cấp độ kỹ thuật chứ không phải chính trị”. Như vậy, mục tiêu lớn nhất của ông Obama khi bay vượt Đại Tây Dương lần này là vận động châu Âu tiếp tục duy trì lệnh cấm vận này đã đạt được. Tuy nhiên, ông Obama đã không thỏa mãn những kêu gọi tăng cường cấm vận Nga trong cuộc họp lần này. Khi có mặt tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 9-2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nêu “ba đe dọa mới” đối với thế giới: nhà nước Hồi giáo IS, dịch Ebola và “các động thái gây hấn của Nga ở Ukraine”. Lý lẽ của ông khi đó: “Chúng tôi tin rằng lẽ phải tạo ra sức mạnh, các nước lớn không nên đe dọa nước nhỏ và mọi người nên được quyền lựa chọn tương lai riêng của mình”. Tám tháng sau, Ngoại trưởng John Kerry lên đường tới Sochi để có cuộc gặp riêng hiếm hoi với Tổng thống Nga Vladimir Putin bàn về chương trình hạt nhân Iran và cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo IS. Với thế giới bên ngoài, chuyến đi này là thắng lợi của ông V. Putin: Mỹ vẫn cần tiếng nói của Nga trong rất nhiều vấn đề quan trọng. Ngay trong khủng hoảng này, Nga vẫn đang giúp việc lên danh sách và phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria và đóng vai trò không thể thiếu trong các xử lý cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Trong nội bộ Washington, cuộc tranh luận đã diễn ra suốt nhiều tháng liệu có nên tiến hành chuyến đi hay không. Cả Tổng thống Obama và Phó tổng thống J. Biden đều e ngại chuyến đi sẽ bị hiểu nhầm là Mỹ không còn quyết liệt trong vấn đề Ukraine nữa. Tuyên bố cứng rắn ở Liên Hiệp Quốc và chuyến đi của ông Kerry là những chỉ dấu về chính sách của ông Obama với Nga luôn bị giằng xé: lúc thì hợp tác, lúc thì đối đầu và khi thì cô lập. Sự thay đổi cũng cho thấy sự căng thẳng thường xuyên - giữa nguyên tắc và sự thực dụng, giữa cô lập và đối thoại - khiến chính quyền Obama rất khó ứng xử với Matxcơva. Đối phó với Nga cũng là chuyện đau đầu trong liên minh Mỹ - châu Âu khi các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, có mối liên hệ kinh tế chặt chẽ với Nga. “Chúng ta không hẳn là đã trở lại với Chiến tranh lạnh, nhưng chúng ta cũng không còn quan hệ đối tác chiến lược mà chúng ta từng xây dựng” - Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, tuyên bố. Ông Stoltenberg nói châu Âu, vốn từ lâu dựa vào bảo đảm an ninh từ Mỹ, giờ cần phải tăng cường chi tiêu quân sự. NATO đã tăng cường hoạt động quân sự ở các nước Đông Âu có biên giới sát với Nga. Cuối tuần trước, khối này đã bắt đầu cuộc tập trận 10 ngày ở khu vực phía bắc biển Baltic để thử nghiệm lực lượng phản ứng nhanh của khối. Quân đội Mỹ hiện cũng đã tiến hành luân phiên thêm quân ở khu vực các nước Baltic và Ba Lan. “Tái khởi động” và nửa đóng băng Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng buộc chính quyền Obama phải xem lại chiến lược với Nga của mình - từng bắt đầu cách đây sáu năm trước với hi vọng “tái khởi động” quan hệ (từ thời ngoại trưởng Hillary Clinton), còn giờ thì trong tình trạng nửa đóng băng khi lãnh đạo hai bên hầu như không nói chuyện, thậm chí là tránh nhau tại các hội nghị thượng đỉnh hai bên cùng có mặt. Theo các quan chức Nhà Trắng, hiện Tổng thống Obama theo dõi rất kỹ tình hình quan hệ Mỹ - Nga. Ông tham gia đàm phán chi tiết một số chương trong hiệp định cắt giảm vũ khí chiến lược START khi Thủ tướng Dmitry Medvedev còn làm tổng thống. Năm ngoái, ông tranh cãi rất gắt với một số chuyên gia về Nga của Đảng Dân chủ - trong đó có cả cựu phó ngoại trưởng Strobe Talbott, Phó tổng thống Biden, nguyên cố vấn an ninh Zbigniew Brzezinski - những người kêu gọi ông viện trợ vũ khí sát thương tới Ukraine để hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine. Một cựu quan chức chính quyền nói ông Obama đã đặt câu hỏi: Việc đó sẽ chẳng hiệu quả gì thì tại sao phải làm vậy? Lập luận đó, cùng với thỏa thuận mà ông có với bà Merkel, đã khiến ông quyết định không chuyển vũ khí tới Ukraine. Theo quan điểm của ông Obama thì động thái đó không giúp đánh lại lực lượng quân ly khai ở Ukraine mà chỉ có nguy cơ leo thang xung đột. Với giới quan sát, ông V. Putin là yếu tố mới trong chính sách của Mỹ với Nga. Khi ông Medvedev còn là tổng thống, hai nước nhanh chóng đồng ý về hiệp định START, các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Iran, về CHDCND Triều Tiên, về việc Nga gia nhập WTO, về các tuyến hậu cần mới cho quân Mỹ ở Afghanistan... “Chúng ta làm được những việc lớn” - cựu đại sứ McFaul nói. Nhưng khi ông V. Putin tuyên bố ra tranh cử tổng thống, chính sách của Nga với Mỹ đã cứng rắn hơn. Nga chỉ trích việc Mỹ và NATO tấn công vào Libya, ông Putin kịch liệt chỉ trích chủ nghĩa can thiệp của Mỹ. Hai năm trước, khi ông Kerry tới Matxcơva, Tổng thống V. Putin nói với ông Kerry rằng Mỹ đang ngây thơ nghĩ rằng họ có thể nuôi dưỡng lực lượng chống đối ở Nga. “Ông ta rất thẳng khi nói vụ đó. Ông nhìn thẳng vào tôi - McFaul nhớ lại - Chúng tôi biết sứ quán các vị đang làm gì ở đây để hỗ trợ lực lượng đối lập và chúng tôi không hoan nghênh điều đó”. Washington cũng bị chỉ trích từ các chuyên gia Nga, những người nói rằng Washington đã đánh giá sai về tác động của cấm vận kinh tế khi cho rằng biện pháp này có thể sớm làm Kremlin khuất phục. “Tôi nói với một người quen ở Nga và người này nói nếu chúng ta trở lại với cùng tồn tại hòa bình thì đó đã là tiến bộ rồi” - Angela Stent, giáo sư của ĐH Georgetown và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao và Hội đồng tình báo quốc gia, nói. “Cùng tồn tại hòa bình” là cụm từ mà cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đưa ra hồi năm 1953 nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai khối trong Chiến tranh lạnh. Nhưng những ai từng nhớ thì sau “cùng tồn tại hòa bình”, Chiến tranh lạnh bắt đầu tăng tốc và đi vào đỉnh điểm với những khủng hoảng tên lửa Cuba, chạy đua với nỗi sợ đôi bên cùng hủy diệt của những năm 1960-1970. G1+6? Không có mặt ở G7 lần này, nhưng ông Putin cũng chuyển đi được những quan điểm của mình bằng trả lời phỏng vấn tờ báo Ý Il Corriere della Sera trước thềm chuyến thăm Milan. Ray Mc Govern - cựu phân tích gia CIA, cố vấn chính sách Xô viết của chính quyền Mỹ thập niên 1960 - đã dẫn lời ông Putin từ cuộc phỏng vấn này giải thích vì sao bùng nổ cuộc khủng hoảng Ukraine (*): “...Ngày 21-2-2014, cựu tổng thống V. Yanukovich đã ký với phe đối lập Ukraine thỏa thuận bầu cử sớm và tổ chức lại đời sống chính trị đất nước... với sự chứng kiến của ba ngoại trưởng EU. Thế nhưng, chỉ một ngày sau đó, đảo chính đã nổ ra. Và EU, dưới sức ép của Nuland (trợ lý ngoại trưởng Mỹ, nổi tiếng với câu nói bị nghe lén “Yats is the guy” - cho thấy thủ tướng Yatseniuk là gương mặt được Washington chọn lựa ngay từ trước cuộc đảo chính tháng 2-2014 - TTCT) cùng chính quyền Obama đã vội vã công nhận “tính hợp pháp” của chế độ đảo chính Kiev. Thỏa thuận 21-2 nhanh chóng bị lãng quên”. Ray McGovern vì thế đã gọi G7 trong cuộc họp Bavaria là “G1+6 của Obama”, với hàm ý Mỹ là nước duy nhất quan trọng trong khi sáu quốc gia còn lại chỉ là “đối tác đàn em”. Trước đó, Ray McGovern nhắc Đức và Pháp đã từng hành xử độc lập khi tham gia thương lượng thỏa thuận hòa bình Minsk II tại Belarus (không có Mỹ tham gia) nhằm đề ra cơ chế giải quyết cuộc đối đầu giữa Kiev và dân quân miền đông Ukraine. Nhưng sau đó, thủ tướng Yatseniuk thân Mỹ ký văn kiện không thực hiện khía cạnh chính trị của thỏa thuận Minsk II, dẫn tới cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận Minsk II từ hai phía. McGovern cho rằng đã đến lúc bà Merkel và Tổng thống Pháp Hollande cần nhớ lại ba ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier (Đức), Laurent Fabius (Pháp) và Radoslaw Sikorski (Ba Lan) đã làm trung gian cho thỏa thuận ký với cựu tổng thống Yanukovich 21-2-2014 và ký tên như những nhân chứng chính thức. Liệu Đức và Pháp “có đủ can đảm để hành xử như người lớn”, chống lại áp lực của Mỹ đòi tiếp tục cấm vận kinh tế Nga kể cả khi cuộc cấm vận này gây thiệt hại cho EU, hay đó lại là một thí dụ đáng xấu hổ nữa của một nền ngoại giao thất bại? - phân tích gia McGovern hỏi. (*): http://www.informationclearinghouse.info/article 42070.htm Tags: G7
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Paris, bắt đầu chuyến thăm Pháp DUY LINH 04/10/2024 Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đã đến Pháp, bắt đầu các hoạt động từ ngày 4-10 với nhiều nội dung quan trọng.
Tin tức thế giới 4-10: Tổng thư ký LHQ được ủng hộ; Triều Tiên tuyên bố dùng vũ khí hạt nhân khi cần BÌNH AN 04/10/2024 Hội đồng Bảo an LHQ ra tuyên bố ủng hộ ông Guterres do Israel cấm nhập cảnh; Bà Melania Trump ủng hộ quyền phá thai, trái ngược với chồng.
Tin tức sáng 4-10: Giá USD ngân hàng bất ngờ bật tăng; 'Ém' loạt giao dịch, một công ty bị phạt nặng TUỔI TRẺ ONLINE 04/10/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm ở nhiều kỳ hạn; Xu hướng doanh nghiệp dùng AI tìm nhân sự, sàng lọc hồ sơ xin việc; Chủ tịch một doanh nghiệp nhà nước xin nghỉ sau chưa đầy nửa năm...
Rapper Negav và nhóm chat 3.000 thành viên: Khi nhóm kín không còn kín Đ.Dung 04/10/2024 Vì những phát ngôn tục tĩu, phản cảm, miệt thị, xúc phạm người khác trong nhóm kín, có không ít người phải 'ăn' trái đắng.