TTCT - “Tiền đã tồn tại từ rất lâu trước khi người ta phát minh ra đồng tiền đúc và các nền văn hóa đã phát triển phồn thịnh bằng việc sử dụng những đơn vị tiền khác như vỏ sò, gia súc, da động vật, muối, ngũ cốc, các loại hạt cườm, vải vóc và giấy ghi nợ” (Lược sử loài người, Yuval Noah Harari). Tiền giấy - dạng thức hữu hình gần nhất và có thể là cuối cùng trong chuỗi tiến hóa của tiền - có thể cũng sớm thành dĩ vãng. Sự tiến hóa của tiền và thanh toán. Ảnh: IMFLược sử tiền tệ đi từ thời vỏ sò được sử dụng làm tiền trong khoảng 4.000 năm trên khắp châu Phi, Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương đến thời tiền kim loại và tiền giấy. Tuy nhiên, trong quyển sách trên, sử gia Harari chỉ ra rằng những đồng tiền kim loại và giấy bạc đương đại cũng là một dạng hiếm của tiền, do lẽ chỉ 10% tổng lượng tiền toàn thế giới là tiền mặt, còn lại là dữ liệu trên các máy chủ máy vi tính (số liệu năm 2006).“Chừng nào mà con người sẵn lòng trao đổi giao dịch hàng hóa và dịch vụ bằng dữ liệu điện tử, chừng đó hình thức này sẽ tốt hơn rất nhiều so với những đồng tiền kim loại bóng loáng và những tờ giấy bạc mới cứng - nhẹ hơn, bớt cồng kềnh hơn và dễ theo dõi hơn” - Harari.Những nhận định trên được đưa ra cách đây gần 10 năm (sách xuất bản lần đầu năm 2011). Nếu phải cập nhật cho lần tái bản, Harari không cần phải thay đổi gì phần này, có chăng là thêm nhiều số liệu mới, củng cố mạnh mẽ lập luận của mình.Chi phí ngầm của tiền mặtTrong một bài viết trên tạp chí Harvard Business Review năm 2014, Bhaskar Chakravorti, trưởng khoa kinh doanh toàn cầu Trường luật và ngoại giao Fletcher (Đại học Tufts), chỉ ra việc dùng tiền mặt gây ra các chi phí xã hội cho cả người dân - đặc biệt là người nghèo, doanh nghiệp và chính phủ.Với mỗi cá nhân, chi phí nằm ở chỗ những người không có thẻ ngân hàng phải trả phí cao hơn để có tiền mặt so với mức phí mà người có tài khoản ngân hàng phải nộp để sử dụng các dịch vụ tài chính chính quy.Theo nghiên cứu của Chakravorti và đồng nghiệp Benjamin Mazzotta, người Mỹ ở thời điểm 2014 dành trung bình 28 phút/tháng để đến được nơi rút tiền mặt. Người nghèo thường mất nhiều hơn con số trung bình này 5 phút mới có thể tiếp cận nguồn tiền, còn người thất nghiệp phải đi lâu hơn đến gần 9 phút.Chi phí của việc dùng tiền mặt của doanh nghiệp có vẻ dễ thấy hơn: việc lưu trữ, kiểm đếm, vận chuyển và giữ tiền rõ ràng là không phải miễn phí. Các nhà bán lẻ ở Mỹ thiệt hại hàng chục tỉ USD mỗi năm vì tiền mặt bị trộm hoặc cướp.Ở đây cũng có sự bất bình đẳng: công ty, cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng quê có nguy cơ trộm cướp cao vì an ninh địa phương bất ổn, trong khi lại không có tiền đầu tư cho bảo vệ, hệ thống an ninh, vận chuyển an toàn…Với chính phủ, việc lưu thông tiền mặt dẫn đến thất thoát trong thu thuế vì kê khai gian, điều sẽ không xảy ra với các giao dịch điện tử được lưu trữ lịch sử rõ ràng. Điều này cũng lại gián tiếp ảnh hưởng đến người nghèo, do lẽ số tiền thu thuế liên quan đến ngân sách cho các chương trình an sinh, phúc lợi xã hội.Tháng 8-2018, Hãng tư vấn McKinsey cũng chỉ ra tiền mặt là gánh nặng cho các nhà băng, chiếm 5-10% tổng chi phí vận hành của ngân hàng. Ngay cả khi việc dùng tiền mặt giảm, chi phí tiền mặt đang ngày càng tăng về giá trị tuyệt đối bởi ngân hàng phải tốn nhân công cho việc phân phối, bảo quản, kiểm đếm và xử lý tiền mặt. Hệ thống ATM cũng là chỗ ngốn tiền của các nhà băng, phải tốn tiền bảo trì, mở rộng mạng lưới, vận chuyển tiền đến nạp cho các điểm rút tiền.“Ngoài chi phí in tiền giấy hay đúc tiền xu, số tiền bỏ ra để xử lý, phân phối, nạp vào ATM và chuyển đến các chi nhánh ngân hàng vào khoảng 5-10 tỉ bảng/năm” - tờ The Times (Anh) ngày 28-12-2019 viết. Theo bài viết, số tiền này đủ để mua cho mỗi người trên 16 tuổi ở Anh một iPhone loại rẻ để họ chuyển sang không dùng tiền mặt.Tương lai không chạmTiền mặt ngày càng đắt đỏ, mất an ninh và cả… mất vệ sinh, trong khi các hình thức thanh toán không tiền mặt, thậm chí không tiếp xúc như dùng ví điện tử và tiền di động (mobile money) ngày càng phát triển. Nhiều nước đang trên đường tiến tới xã hội không tiền mặt, lộ trình mà họ đã đặt ra từ trước khi đại dịch, khiến người ta phải e dè việc chạm tiền hay cầm thẻ, bấm mã PIN trên máy POS.Nếu mobile money có thể giải quyết được bài toán không ai bị bỏ lại phía sau mà công nghệ ví điện tử đòi hỏi phải có tài khoản ngân hàng, thẻ thanh toán không làm được, thì một trong những rào cản còn lại là tâm lý của người dùng có sẵn sàng từ bỏ tiền mặt hay không.Những nỗi lo có thể rất thực tế như băn khoăn của những người bán hàng ở chợ hàng rong nổi tiếng của Singapore: thanh toán không chạm bằng quét mã QR thì hay đấy, nhưng lỡ có sự cố thì tiền có chui vào tài khoản không? Báo The Straits Times hôm 5-6 chia sẻ kinh nghiệm của Goy Thuan Heng, người bán hàng “đi trước thời đại” khi từ cách đây 5 năm đã chấp nhận thanh toán không tiền mặt tại quầy sữa đậu nành của mình.Theo Goy, khi nghi ngờ có sự cố, giải pháp đơn giản chỉ là hỏi khách hàng giao dịch này hoàn tất chưa trước khi tiến hành các bước tiếp theo. “Nếu dùng đủ lâu ta sẽ quen thôi, giống như lúc làm quen Internet và điện thoại thông minh ấy mà” - ông chủ 57 tuổi nói.Trong 1-2 năm đầu, chẳng có mấy khách thanh toán phi tiền mặt tại quầy của Goy. “Có rất ít tùy chọn thanh toán và tôi vẫn phải trả phí dùng thiết bị thanh toán 28 đôla mỗi tháng” - ông kể. Giờ thì mỗi ngày có khoảng 10 giao dịch không tiền mặt, còn cuối tuần thì trên 20 lượt “quét mã” thông qua hệ thống thanh toán điện tử SGQR của Chính phủ Singapore.SGQR cho phép chủ hàng nhận thanh toán từ 19 nhà cung cấp khác nhau, gồm PayLah, Dash và GrabPay và không còn thu phí hằng tháng như thời kỳ đầu. Goy cho rằng thanh toán không tiền mặt giúp tiết kiệm thời gian đếm tiền thừa trả cho khách.Người đàn ông với 24 năm bán tại chợ hàng rong nhận định rất “chuyên nghiệp”: “Với tôi, chuyển sang không tiền mặt có thể lỗ ban đầu, nhưng tôi luôn nhìn vào bức tranh lớn: các nước như Trung Quốc đang tăng tốc về thanh toán không tiền mặt và Singapore phải nhanh chóng bắt kịp. Nếu không thích ứng bây giờ thì sẽ rắc rối về sau”.■Từ chối dùng tiền mặt vì sợ lây nhiễm virus là câu chuyện của đại dịch COVID-19. Nhưng trước đó, chuyện tiền mặt bẩn theo nghĩa đen đã nhiều lần được cảnh báo. Theo The Washington Post, nhiều nghiên cứu chỉ ra trên 90% tiền giấy ở Mỹ bị nhiễm khuẩn, chủ yếu là Staph aureus, Salmonella và E. coli.Lần lại lịch sử, vào thế kỷ 19, khi các bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân lây các bệnh truyền nhiễm, tiền bẩn đã bị xem là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Năm 1844, một nhân viên ngân hàng ở Ohio và một nhân viên nhà đấu giá ở Boston - cả hai đều thường xuyên tiếp xúc với tiền mặt số lượng lớn - chết vì đậu mùa, mà nguyên nhân được cho là nhiễm từ tiền giấy.Trong dịch tả năm 1849, bác sĩ Thomas Buckler của trại tế bần Baltimore từng cho rằng nguyên nhân gây bệnh là “việc lưu thông tiền giấy có mệnh giá nhỏ”, cho rằng nông dân và người nghèo đã vô tình làm dịch bệnh lây lan vì dùng tiền giấy được sản xuất rẻ tiền thay vì tiền kim loại. Năm 1859, ở Mỹ từng có cảnh báo người dân không nên liếm ngón tay khi đếm tiền, vì nếu số giấy bạc đó từng qua tay một người bị thủy đậu sẽ gây ra lây nhiễm.The Times cũng kể một loạt vụ cướp đình đám trong lịch sử để chỉ ra một bất tiện khác của tiền mặt: miếng mồi ngon của tội phạm. Ngày 22-2-2006, một toán cướp mang mặt nạ và súng xông vào kho tiền ở thị trấn Tonbridge (Anh) và chất đầy 53 triệu bảng Anh tiền mặt lên xe tải. 13 năm sau, chính quyền mới thu hồi được 21 triệu bảng, tức chưa đầy 50%, số tiền bị mất trong vụ cướp nhà băng lớn nhất lịch sử nước Anh.Vụ Tonbridge không khác gì với những vụ đình đám khác trong lịch sử, khi tội phạm nhắm vào các mắt xích hữu hình của lưu thông tiền mặt: kho chứa, xe tải/xe lửa chở tiền, các hầm chứa trong nhà băng.Một phi vụ cướp ngân hàng chấn động có thể là nguyên nhân khiến Thụy Điển “quyết tâm” phi tiền mặt hóa mạnh mẽ. Đó là tháng 9-2009, khi bọn cướp dùng một chiếc trực thăng ăn cắp hạ cánh lên tầng thượng của kho tiền ở Västberga, phía nam thủ đô Stockholm, sau đó đột nhập và trốn thoát an toàn với chiến lợi phẩm khoảng 5 triệu USD. Thụy Điển giờ đây là “quốc gia không tiền mặt nhiều nhất châu Âu”, khi tờ giấy bạc gần như bị loại bỏ để ngăn nhũng nhiễu ở chợ đen và thế giới ngầm. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thanh toán không tiền mặt: kỳ vọng mobile money Tags: Tiền mặtChi phí ngầmThanh toán điện tửGánh nặng tiền giấy
Bão Milton đổ bộ bang Florida, sức gió lên đến 193km/h NGỌC ĐỨC 10/10/2024 Khoảng 7h30 (giờ Việt Nam), Bão Milton đổ bộ gần thành phố Siesta Key, bang Florida với sức gió duy trì lên đến 193km/h.
Bố không thừa nhận, mẹ thì đi lấy chồng, Cháng Thị Hương quyết 'thoát lời nguyền' VŨ TUẤN 10/10/2024 Cháng Thị Hương là ứng viên học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Cô đã đi làm thuê từ hè năm cô học lớp 8.
Cuộc tìm kiếm cảm động những bức ảnh quý ngày tiếp quản thủ đô THIÊN ĐIỂU 10/10/2024 Kết quả cuộc tìm kiếm những bức ảnh quý về ngày tiếp quản thủ đô trong các gia đình người Hà Nội 20 năm trước đã hé lộ nhiều câu chuyện cảm động về người trong ảnh lẫn người chụp ảnh.
Bộ Công Thương: EVN lỗ gần 22.000 tỉ đồng trong năm 2023 NGỌC AN 10/10/2024 Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với khoản lỗ lên tới gần 22.000 tỉ đồng.