TTCT - Những cuộc quy cố hương lúc này, với nhiều cảnh đời chỉ khiến xót xa đầy trăn trở. Bức tranh Về quê của họa sĩ Thành Chương.Bạn nói chắc dạo này tuổi già đã cập bến mình rồi, nên đọc gì, nhìn thấy gì hơi mủi lòng là mắt rưng rưng ứa lệ. Có cái gì đó cắt ngang qua tim bạn, làm nó đau từng cơn. Đau như lúc đọc những thông tin trong hội giúp nhau, ai đó vẫn kêu cứu giữa đêm khuya, ai đó đã mất liên lạc và không còn cơ hội gặp lại người thân yêu của mình đâu nữa. Những cuộc rời nhà một mình, chống chọi một mình và ra đi một mình, đã khiến những mất còn trở thành mong manh hơn bao giờ hết. Đau như lúc bạn nghĩ, rằng trong nhiều cuộc chia ly, có ai đó đã kịp chào nhau trước đó, và bao nhiêu người đã kịp siết một vòng tay ôm lấy người thân.Bạn ướt nước mắt, là hình ảnh người từng đoàn lũ lượt về quê, mà báo vẫn đưa tin từ mấy hôm nay. Những em bé cùng ba với mẹ ngồi kẹt cứng giữa những bao bịch hành lý và đồ đạc. Cả gia đình gồng gánh chở nhau trên chiếc xe máy hay bất cứ phương tiện nào, vạn dặm tìm đường về nhà. Ở đó còn có những cuộc đi bộ, đi miết thì cũng tới nhà thôi. Ở đó, có em bé mới 9 ngày tuổi đỏ hồng như một cái kẹo, mắt vẫn ngủ trong giấc của trẻ sơ sinh, còn chưa mở ra để “thương nhìn cuộc đời”. Em nằm im ru trong chiếc áo khoác ba gói mình vào, để cùng trở về. Dù nhà, với em lúc này, sẽ là bất cứ nơi nào mà ở đó, em được ở với ba với mẹ. Rồi bạn nhớ, ở phòng trọ nào đó, đứa cháu họ nhắn tin, rằng hôm nay con về quê nghen dì, dì ở lại mạnh giỏi. Hỏi sao về lúc này, đứa cháu nói ở trên này thì còn khổ hơn, về quê con có gì ăn nấy.Những cuộc quy cố hương lúc này, với nhiều cảnh đời chỉ khiến xót xa đầy trăn trở. Bạn nhớ hồi đầu mùa dịch, người anh ở quê gọi điện, dặn đi dặn lại nếu trên ấy nghỉ làm thì về quê, đừng sợ chi hết, về có gì ăn nấy. Bạn không biết anh nói sợ là sợ gì, chắc là sợ ở quê thì đói. Nhưng bạn biết rõ, anh đã chuẩn bị đổ đầy hũ gạo của nhà mình, thấp thỏm vào ra chờ đợi như bà mẹ già chờ mấy đứa con xa xôi. Thẻo đất ông bà để lại, có ngôi nhà xưa với bao “chiến tích” và đầy kỷ niệm tuổi nhỏ của mấy anh em, chỉ còn có anh trụ lại. Đất nơi ấy bạc màu, anh làm gì cũng thất bát, cuộc sống nhiều phần khó khăn và vất vả. Nhưng, như người mới sinh ra đời đã phải gánh một trách nhiệm, anh vẫn ở đó để canh một mảnh tâm hồn cho những đứa em. Anh biết chúng dù luôn khao khát khám phá, nhưng cũng chọn đây là bến cuối để trở về. Quê nhà là nơi cuộc đất quen mang vong linh người thân đã khuất và cái tình của người còn ở lại. Rời cuộc bon chen, nhiều khi chỉ để rớt nước mắt khi nghe mùi cỏ non mọc mới bên vườn.Bạn nhớ, như nhớ sau nhiều lần về quê, vẫn được nghe câu: có cực khổ thì về nhà nghen. Về nhà là về quê, về với má, với bến nước cũ, với căn nhà qua bao nhiêu đời. Trên chuyến đời mưu sinh, nhiều cuộc ra đi và nhiều lần quay lại, bội bạc vẫn diễn ra thường xuyên trên những mảnh đất nghèo. Vậy mà, quê nhà, như bà mẹ già, vẫn từ tốn và bao dung, ôm hết thảy những đứa con vào lòng, mặc kệ chúng xông xênh hay là xác xơ tơi tả. Dù chúng chỉ nghĩ đến việc trở về, khi phần đời đã nhiều phen mất mát và khổ hạnh.Bạn nhớ, bạn đã chú ý những gương mặt khắc khổ, những bàn chân như cái cây bị héo rũ, trong đôi dép nhiều ngày bụi đường. Bạn thầm mong ước và nguyện cầu, sau từng ấy những gian nan, ai cũng sẽ được đặt chân bước vào cổng nhà mình. Phía sau cái cổng nhà đó, là nơi cất giấu những bùa thiêng, họ sẽ lấy lại năng lượng của mình, chữa trị cho cuộc “khánh kiệt đời trong cuộc bể dâu”.Về, dù chắc gì đã bình yên, nhưng hễ còn sống, là còn tiếp tục thắp lên những cuộc hy vọng nhỏ nhoi và cảm nhận sâu xa hơn về lòng trắc ẩn. Bởi trên đường về quê xứ, đã có ai đó mình chưa hề quen biết, đưa một chai nước uống, một chiếc áo mưa, một hộp cơm đỡ đói. Rằng, còn có bao người nghĩa hiệp muốn giúp nhau nhiều hơn thế nữa.Và, bạn ướt nước mắt, khi nghe đứa bạn nói rằng, điều đầu tiên sẽ làm khi hết dịch là về ôm mẹ. Đứa bạn làm bạn giật mình, quay sang hỏi má mình: má có nhớ nhà không? Lỡ chuyến về quê từ hồi đầu mùa dịch, người má già ít khi giãi bày những mong muốn hay tâm sự của mình với con cái, đã lặng lẽ gật đầu. Gắng gượng cười và quay đi, má giấu đôi mắt buồn hiu, nhưng bạn biết, lát nữa thôi, đôi mắt đó sẽ rớm lệ. Tags: Dịch bệnhTạp bútĐô thịDi cưVề quê
Hà Nội trong nhạc điện tử: Từ quan họ trên nền Drum'n'Bass đến 'electronic' XUÂN TÙNG 02/02/2023 1835 từ
50 năm Hiệp định Hòa bình Paris: Ký ức lịch sử của một người phiên dịch ĐINH THÚY NGA 27/01/2023 3890 từ
Lần đầu tiên chọn giám đốc bệnh viện qua thi tuyển: Để nghĩ xa hơn một vùng an toàn HOÀNG LỘC - K.YÊN 23/01/2023 1609 từ
Dịch vụ y tế theo yêu cầu: "Khám giáo sư" và chuyện viện phí đúng, đủ L.ANH - X. MAI - D.LIỄU 23/01/2023 1751 từ
Sử gia Pierre Brocheux: Thực dân hóa là vấn đề các sử gia phải giải quyết NGUYỄN QUANG DIỆU 23/01/2023 3018 từ
Tử vong vì nuốt phải tăm, thói quen ngậm tăm đâm thủng ruột rất nguy hiểm TUỔI TRẺ ONLINE 02/02/2023 Chiếc tăm nhọn nằm trong ổ bụng gần 1 tuần đã xuyên sâu vào niêm mạc ruột, gây viêm và sắp lọt vào ổ bụng. Thói quen ngậm tăm và nuốt phải dị vật tăm nhọn sẽ nguy hiểm hơn cả hóc xương.
Tin tức sáng 2-2: Nguồn cung căn hộ năm 2023 giảm; Giá thực phẩm hạ nhiệt TUỔI TRẺ ONLINE 02/02/2023 Tin tức đáng chú ý: Giá nhiều mặt hàng thực phẩm ở TP.HCM hạ nhiệt; Nguồn cung căn hộ năm 2023 dự kiến giảm mạnh; Xuất khẩu thủy sản tháng 1 chỉ được 600 triệu USD; Số mắc COVID-19 còn 11 ca...
Luật sư tư vấn mọi vấn đề pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao TUYẾT MAI GHI 02/02/2023 Mời bạn đọc gửi câu hỏi, vướng mắc pháp lý về chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao để được các chuyên gia nhiềukinh nghiệm giải đáp tường tận.
Ukraine triệt phá đường dây mại dâm của quan chức Cục Di trú NGUYÊN HẠNH 02/02/2023 Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) thông báo đã triệt phá một đường dây mại dâm do các quan chức Cục Di trú điều hành, nỗ lực tiêu diệt các hành vi tham nhũng.
Ông Putin tuyên bố 'bị lừa hoài' nên mới đánh Ukraine NHẬT ĐĂNG 18/01/2023 Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine được phát động nhằm chấm dứt cuộc chiến tại miền đông Ukraine, sau thời gian dài Matxcơva bị lừa liên tục, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin.