​Gậy khua, chuông kêu

TRẦN ANH (HÀ NỘI) 01/12/2014 23:12 GMT+7

TTCT - Một ông lão mù, đeo kính đen, vai mang gánh chổi, từ tốn bước đi trên những con phố quanh hồ Trúc Bạch (Hà Nội). Ông di chuyển trong tiếng chuông kêu leng keng.

Ông già mù Văn Tiến Thịnh đi bán chổi ở khu vực hồ Trúc Bạch (Hà Nội)

Cứ 9g sáng, chiếc gậy tre có gắn cái chuông nhỏ dẫn đường cho một ông già vai mang hơn hai chục cái chổi lanh canh đi ra từ ngõ nhỏ. Gậy khua, chuông kêu. Một vòng chổi dạo của ông từ chợ Châu Long, ngõ ngách khu Trúc Bạch. Khách mua chổi là chị bán phở, bà bán cam, cô lao công nhà trẻ hay bác bảo vệ của một cơ quan có khuôn viên rộng...

Chổi của ông riết dây chắc, bền và đẹp. Gặp người mua chổi vui tính, ông cao hứng chơi cả... thơ: “Chổi này ai thấy cũng mê/ Đã sạch lại tốt chẳng chê điểm nào/ Tiền thì phải giá chẳng cao/ Mấy chục một cái xin mời vào mua”. Lạc quan đi bán chổi dạo, mỗi ngày ông kiếm được tầm 100.000 đồng tiền lãi lời.

Nhiều người dân sống gần nhà ông kể ông mồ côi mẹ từ nhỏ, cha chìm đắm vào hạnh phúc với người khác. Từng là một người mù bơ vơ, rồi khi cưới một cô gái cùng cảnh, đời ông đổi khác. Khác như lời ông thú nhận là: có được hạnh phúc của một gia đình, thấy cuộc sống sang trang, lao động chăm chỉ để nuôi hai con gái lớn khôn.

Thỉnh thoảng, người ta bắt gặp ông ngồi uống bia hơi vỉa hè, hóm hỉnh nói về tình yêu và các thi sĩ nổi danh của phong trào Thơ Mới. Ông thích đọc thơ Tản Đà, và ông cũng luôn khéo khoe: “Nhà tôi ở phố Nguyễn Khắc Hiếu”.

Một người mù mưu sinh bằng việc bán chổi dạo, liệu có bao giờ bị người ta “đưa nhầm” tiền không? Người mù không phân biệt được các mệnh giá nhưng phân biệt được tiền thật và tiền giả. 

Rồi ông nói: “Tiền của người mù đi bán buôn không đến từ manh tâm của người mắt sáng”.

Một sinh viên đang ngồi uống cà phê ven hồ Trúc Bạch vừa nhìn thấy ông chầm chậm dò từng bước đi, vội rút điện thoại ra ghi lại từng khoảnh khắc chuyển động. Hình như với cậu ấy, đây là một hình ảnh quen thuộc và trắc ẩn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận