TTCT - Quê quán là một ý niệm riêng tư hay xứng đáng là một đầu mục định danh công dân? Việc cố định danh khái niệm này bằng văn bản tạo ra phiền phức cho chính nhà quản lý. Những thảo luận quanh định nghĩa "Quê quán" trên căn cước công dân và chứng minh nhân dân đã lên một tầm mới. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Trần Hoàng Ngân đã đặt ra vấn đề ghi cả quê cha và quê mẹ lên căn cước công dân. Bởi "Tại sao mục quê quán lại ghi quê cha mà không phải quê mẹ?" (đại biểu Nghĩa) và "Với mỗi người, quê mẹ mang rất nhiều ý nghĩa" (đại biểu Ngân).Ảnh do AI vẽ dựa trên thông tin gợi ý từ TTCT.Những thảo luận do ông Nghĩa và ông Ngân khởi xướng, sau khi được đưa lên các diễn đàn mạng, dẫn tới câu hỏi cốt tử: Tại sao mục "Quê quán" lại ở đó, trên căn cước công dân, từ đầu?"Nên bỏ luôn mục quê quán… Quê quán có ý nghĩa về mặt xã hội hơn là quản lý", độc giả Tín bình luận trên Tuổi Trẻ Online. Mục bình luận của các báo điện tử tràn ngập các ý kiến tương tự.Một di sản tinh thầnViệc ghi "Nguyên quán" trên giấy tờ tùy thân rất hiếm gặp trên thế giới. Gần như toàn bộ các quốc gia trên thế giới đều chỉ ghi "Nơi sinh" của công dân trên giấy tờ.Đôi lúc, nguyên quán là chỉ dấu định danh quan trọng hơn bất kỳ loại giấy tờ nào. Khi những thanh niên đầu tiên của Thanh niên cách mệnh đồng chí hội bước ra trước tòa án của chính quyền thực dân cách đây gần một thế kỷ, tư cách của họ không đi kèm những thứ giấy tờ mà chính phủ thuộc địa ban phát. Họ được định danh cùng quê quán của mình."Ông Phan Trọng Bình, quê ở phủ Đức Thọ (Hà Tĩnh) khổ-sai chung thân" - Hà Thành Ngọ báo viết về một phiên tòa tháng 1-1930. Bất kỳ một người yêu lịch sử nào cũng có thể nhìn thấy những hàm ý quan trọng trong quê của ông Bình và mối liên hệ với cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh cuối năm đó. Hoặc ông nội tôi, Đinh Văn Hàm, thường xuất hiện trong các tài liệu lịch sử với lời giới thiệu "quê Vân Hội". Điều đó rất có ý nghĩa, vì địa danh đó là nơi ông và các đồng chí đã cùng xây dựng chiến khu Vần, Yên Bái.Nhưng câu hỏi còn lại, là ý nghĩa của nó trong việc định danh cá nhân và quản lý nhà nước là gì?Một mối ngờ hành chínhLịch sử của đầu mục "quê quán" hay "nguyên quán" trên các giấy tờ định danh của Việt Nam bắt đầu ngay từ khi nhà nước dân chủ cộng hòa ra đời. Sắc lệnh về làm thẻ công dân của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành năm 1946 đã yêu cầu mục này: "Thẻ công dân sẽ ghi tên, họ, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, tên bố mẹ, nguyên quán, trú quán, chức nghiệp theo mẫu đính theo sắc lệnh này". (Ký văn bản là Huỳnh Thúc Kháng). Mặc dù không giải thích chi tiết, nhưng với cách liệt kê nói trên, có thể hiểu nguyên quán mang nghĩa quê cha đất tổ, và không phải là "nơi sinh" hay "trú quán".Nhưng khác với ngày nay, đến tận thập niên 1970, khái niệm "nguyên quán" vẫn có ý nghĩa thực tế trong quản lý nhân khẩu, nếu nhìn vào các văn bản pháp luật. Người có tội bị quản thúc ở nguyên quán (sắc lệnh số 11 năm 1949). Giấy khen của quân nhân được chuyển về nguyên quán (sắc lệnh số 84B năm 1946). Tài sản của cán bộ hy sinh không có thân nhân được bàn giao cho chính quyền nguyên quán (thông tư 07-NV-1964). Trong Cải cách ruộng đất, có đối tượng được chia đất "ở nơi họ sinh sống hoặc quê quán họ" (Luật Cải cách ruộng đất 1953).Có thể hiểu "nguyên quán" trong một giai đoạn lịch sử vẫn có giá trị thực tế khi con người thực sự gắn bó với vùng đất ghi trên giấy tờ. Họ thực sự thuộc về cộng đồng đó, nơi dòng họ, cha mẹ và (rất thường xuyên) cả bản thân cũng vẫn sống tại đó. Các thiết chế dòng họ vẫn tồn tại bền vững trong một không gian địa lý cụ thể hàng trăm năm. Đó là một thời đại mà "quê quán" thường xuyên trùng với "nơi sinh" hoặc ít nhất là nơi gia đình còn đang sinh sống.Nhưng từ cuối thập niên 1990, Việt Nam chứng kiến cuộc dịch chuyển dân cư chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Sau Đổi mới, cùng tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế, từ cuối thập niên 1980, lượng người di cư giữa các tỉnh vượt mốc 1 triệu người, và liên tục tăng - đến năm 2009 đã đạt gần 3,4 triệu người.Cuộc đại di cư thay đổi kết cấu xã hội và rất nhiều gia đình hoàn toàn không còn kết nối, hoặc kết nối rất mờ nhạt với "nguyên quán". Việc khai quê quán hay nguyên quán chỉ còn là một nghĩa vụ hình thức.Trong phần quê quán của người viết ghi "Thành phố Yên Bái, Yên Bái". Đó là một lời khai hình thức. Nó chắc chắn không trùng với phần khai nguyên quán của bố tôi và ông nội tôi. Đơn giản là thậm chí trước năm 2002, địa danh "thành phố Yên Bái" còn chẳng tồn tại. Tôi tự đi làm chứng minh nhân dân hồi năm lớp 10, và viết vội vào tờ khai ở sân ủy ban phường cái địa danh đầu tiên nhảy ra khỏi đầu. Đó là nơi tôi vẫn về thăm bà nội hằng năm.Cán bộ phường so với sổ hộ khẩu, trong hộ khẩu ghi "Yên Bái", cũng không thắc mắc gì. Tôi vẫn nhớ chị thốt lên: "Yên Bái đã lên thành phố rồi cơ à", rồi tôi có một tấm chứng minh. Đến giờ tôi cũng không biết rằng đó là lỗi của tôi hay của chị công an năm đó. Thậm chí tôi không biết rằng đó có thực sự là một sai sót hay không.Tôi cứ dùng tấm giấy chứng minh đó, và sau này là căn cước, suốt 20 năm. Khi tôi có con trai, giấy khai sinh của cháu tiếp tục được ghi theo chứng minh nhân dân của bố trong dòng "quê quán", là "thành phố Yên Bái".Sự liên thông giữa các địa phương - cơ quan trong quản lý nhân khẩu - vốn là chuyện còn xa vời. Cho đến thập niên này, một người Việt Nam vẫn thường xuyên phải xuất hiện trước mỗi cơ quan công quyền để xác minh thân phận. Việc có thêm một đầu mục mà họ không có mối gắn kết hữu hình nào trên thực tế và gần như không thể xác minh, khiến uy tín của chính mảnh căn cước giảm đi.Thêm quê mẹ làm gì?Chỉ hơn 10 năm nữa, khi con trai tôi lấy vợ và sinh con, chúng tôi sẽ có ba thế hệ mang một tấm giấy căn cước với phần quê quán do tôi sáng tác. Nếu cơ quan nào đó, vì lý do nào đó, yêu cầu sự "chính xác" như giấy khai sinh của tôi, cả gia đình tôi sẽ phải thay đổi hàng chục giấy tờ.Đó là khi một vấn đề khác phát sinh: ngay cả chính quyền, hay địa danh của "quê quán" có thể cũng không còn tồn tại sau rất nhiều lần thay đổi địa giới và tên gọi. Căn cứ xác minh có thể phải trông chờ nơi giấy tờ của bố hoặc ông nội tôi, vốn đã có tuổi đời từ vài chục đến cả trăm năm! Đầu mục này mơ hồ về ý nghĩa, nhưng lại rất cồng kềnh về quản lý.Các thông điệp thảo luận tại Quốc hội đang hướng tới "ý nghĩa tinh thần" của tấm căn cước. Ở khía cạnh đó, quê mẹ cũng quan trọng như quê cha. Nhưng ở khía cạnh quản lý hành chính, thêm vào căn cước công dân một đầu mục nữa, khó xác định chính xác cả hình thức lẫn nội hàm, khó thể là lựa chọn được cộng đồng ủng hộ.■ Nếu có một quốc gia xem trọng "nguyên quán" trong quản lý hành chính hơn cả Việt Nam, đó là Thụy Sĩ. Nếu Việt Nam chỉ thể hiện mục "Quê quán" trên căn cước công dân, không có trên hộ chiếu, thì Chính phủ Thụy Sĩ ghi "Nguyên quán" lên cả hộ chiếu, và độc đáo hơn, họ cũng không ghi nơi sinh trên bất kỳ giấy tờ công dân chính thức nào. "Nơi sinh là ngẫu nhiên, nó có thể là ở bất kỳ đâu, trong khi dòng máu chảy trong người bạn luôn là của gia đình", nghị sĩ Walter Glur của nước này khẳng định. Đó là năm 2001, lần đầu tiên Quốc hội Thụy Sĩ đặt lên bàn vấn đề thay thế mục "Nguyên quán" thành "Nơi sinh" để định danh công dân. Cuộc thảo luận kết thúc bằng quyết định: nguyên quán vẫn quan trọng hơn. "Đó chẳng qua là nơi mẹ tôi có mặt vào ngày tôi ra đời - Một công dân Thụy Sĩ còn đi xa hơn - Nguyên quán rất đáng kể vì nó gìn giữ lịch sử của cả gia đình tôi". Giống với luật Việt Nam, quê quán người Thụy Sĩ là tên vùng đất mà họ thừa hưởng từ người mình mang họ (cha hoặc mẹ). Họ không cần có mối gắn bó cụ thể nào với vùng đất đó. Trước kia, chính quyền nguyên quán là nơi chịu trách nhiệm về phúc lợi của một công dân Thụy Sĩ, nhưng chính phủ nay đã bỏ điều đó, và chuyển trách nhiệm sang chính quyền nơi cư trú. Như vậy, nguyên quán với người Thụy Sĩ - cũng khá giống với nước ta - chỉ còn hai ý nghĩa: ý nghĩa văn hóa với chính họ và ý nghĩa định danh với chính phủ. Thụy Sĩ - một trong những quốc gia giàu nhất hành tinh - khăng khăng giữ chặt di sản nguyên quán trong quản lý công dân. Vậy điều này khiến cho cái đầu mục đó trở nên hợp lý? Hay ngược lại, vì tấm hộ chiếu Thụy Sĩ quá quyền lực, còn hệ thống hành chính Thụy Sĩ quá nhiều tiền để giữ di sản không giống ai này? Nguyên quán là di sản quan trọng về mặt văn hóa. Nó đã là một phần quan trọng của nền văn minh con người từ khi giấy căn cước còn chưa ra đời. Chữ "Da Vinci" trong tên của họa sĩ huyền thoại nghĩa là đến từ làng Vinci, vùng Tuscani. Tập tục ghi danh một người cùng nguyên quán của họ - thứ được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ - xuất hiện ở nhiều nền văn hóa. Nó hàm chứa những thông tin về cộng đồng, nền văn hóa đặc thù mà họ mang, và cả niềm tự hào chung. Trong nhiều trường hợp, người ta mang theo một địa danh nơi tổ tiên họ đã rời đi cả nghìn năm. Jonathan de Guzman là tuyển thủ bóng đá người Hà Lan. Anh sinh ở Canada. Bố anh là người Philippines, mẹ người Jamaica. Còn "de Guzman" là dòng họ xuất phát từ làng Guzman ở phía bắc Tây Ban Nha từ thế kỷ 12. Căn cước được định nghĩa trong Luật Căn cước là "thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân". Nó không có chức năng chứa đựng ý nghĩa tinh thần. Hoặc ít nhất là chưa, cho đến khi chi tiêu ngân sách công của Việt Nam dư dả như Thụy Sĩ. Quyền được lãng mạn không dành cho tất cả. Tags: Căn cước công dânChứng minh nhân dânNhà quản lýGiấy tờ tùy thânMối liên hệTài liệu lịch sửQuản lý Nhà nướcThẻ công dânChính phủ Việt NamQuê cha đất tổTrương Trọng NghĩaTrần Hoàng Ngân
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.