Ghibli và phép thử hoạt hình 3D

HIẾU THẢO 01/04/2021 02:05 GMT+7

TTCT - Những người yêu thích lối vẽ tay trứ danh, chủ yếu dùng màu nước của hãng hoạt hình Nhật Bản Studio Ghibli đã phải chờ đến 7 năm mới có phim mới để xem, để rồi chưng hửng nhận ra đó là một tác phẩm hoàn toàn tạo tác bằng máy tính. Họ lo rằng bộ phim sẽ hủy hoại nghiêm trọng chất riêng của hãng.

 
 Cảnh cắt trong phim Earwig and the Witch. Ai mà nghĩ đây là phim hoạt hình Ghibli?

Earwig and the Witch đánh dấu lần đầu tiên Ghibli sử dụng hoàn toàn công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI). Ra mắt khán giả Mỹ bằng một số suất chiếu giới hạn tại rạp vào ngày 3-2 và vài ngày sau thì xuất hiện trên HBO Max, bộ phim dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Anh Diana Wynne Jones - tác giả của một phim Ghibli khác cũng khá nổi tiếng trình làng năm 2004 là Howl's Moving Castle.

Earwig là một bé gái sống trong trại trẻ mồ côi ở vùng thôn quê nước Anh được một cặp đôi kỳ lạ nhận nuôi. Chuyển về “tổ ấm” mới toàn những căn phòng thoắt ẩn thoắt hiện cùng nhiều tình huống ma thuật kỳ quái, chuyến phiêu lưu của cô bé Earwig trong căn nhà phù thủy chắc chắn là một cốt truyện đầy lôi cuốn và hấp dẫn đủ để dựng thành phim hoạt hình cho trẻ em, nhất là với phong cách quen thuộc của Ghibli.

Nhưng tại sao Hãng Ghibli lại mạo hiểm với danh tiếng của mình khi ứng dụng 100% công nghệ hoạt hình 3D vào sản phẩm lần này?

 Đôi khi tôi ước mình không bước vào cùng ngành nghề với cha mình. Lần đầu tiên tôi nhận ra việc là con trai của Miyazaki Hayao thật sự làm khó bản thân mình đến thế nào. Nếu tôi không tham gia vào việc làm phim hoạt hình, tôi sẽ chỉ có một cuộc sống bình thường, bình lặng và đơn giản.

Miyazaki Goro nói với The New York Times khi ra mắt phim do mình đạo diễn đầu tay Tales From Earthsea với khán giả Nhật năm 2006.

Hậu duệ và lối đi riêng

Ghibli (thành lập năm 1985) đã trung thành với việc dùng hình ảnh vẽ tay và màu nước của 2 nhà sáng lập Miyazaki Hayao và Takahata Isao trong hơn 35 năm. Takahata Isao đã mất năm 2018, còn Miyazaki Hayao tuyên bố giải nghệ từ 2013 và hiện sáng tác cầm chừng với tốc độ sáng tạo chỉ 1 phút phim mỗi tháng. Con trai Hayao, Miyazaki Goro, hiện cũng là đạo diễn cho Ghibli và chịu trách nhiệm chính cho phim Earwig.

Một hậu duệ có nhất thiết phải nối dài di sản của cha ông? Đây là câu trả lời của Goro: “Chỉ tiếp tục di sản của những người đi trước để lại thôi thì chưa đủ vì mọi thứ cũng sẽ chỉ là một bản sao, một phiên bản kém cỏi”.

Đạo diễn 54 tuổi liệt kê một số lý do để giải thích cho nước cờ mạo hiểm của mình: ông muốn khẳng định sự độc lập trong nghệ thuật và bảo đảm cho tương lai của studio thông qua việc chuyển hướng này. Miyazaki Goro tin rằng cần phải thử những điều mới “cho dù chẳng thể nói trước được kết quả sẽ như thế nào”.

Ông chia sẻ với trang IndieWire: “Đối với tôi, đổi mới là thử sức sản xuất một bộ phim hoạt hình vẽ hoàn toàn bằng máy tính. Tôi biết rất nhiều họa sĩ vẽ hoạt hình bằng tay, những người có tài năng xuất chúng làm bên ngoài Studio Ghibli, phải vật lộn vì áp lực. Vì vậy, vẽ máy là một bước tiến đúng cho tất cả và chúng tôi thực hiện nó với rất ít đắn đo”.

 
 Đạo diễn Miyazaki Goro và đứa con tinh thần bằng công nghệ CGI. Ảnh: CBR

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành khoa học lâm nghiệp ở Trường nông nghiệp của Đại học Shinshu, Goro đã tham gia lĩnh vực tư vấn xây dựng, cảnh quan và thiết kế các dự án lâm nghiệp đô thị. Bước ngoặt bắt đầu từ sự thúc giục của Suzuki Toshio - một trong những người đồng sáng lập Ghibli, Goro bắt tay vào làm phim hoạt hình. Suzuki Toshio cũng chính là người đã ươm mầm ý tưởng dùng công nghệ CGI vào quy trình sản xuất phim cho Goro khi chỉ ra đây là một xu hướng chung mà gần như ai ai cũng đang làm.

Thực ra trong vài bộ phim trước đây như Spirited AwayPrincess Mononoke, Ghibli đã sử dụng công nghệ CGI trong một số phân cảnh, còn lại đều được vẽ tay chỉn chu theo đúng phong cách truyền thống của hãng. Còn trong Earwig and the Witch, Goro giữ lại các yếu tố nền được vẽ tay như một dấu ấn phong cách cho thương hiệu Studio Ghibli, nhưng bộ phim vẫn là “hoàn toàn bằng công nghệ mô phỏng hình ảnh 3D bằng máy tính”.

“Tôi là người duy nhất ở Ghibli biết cách làm nó, vì vậy tôi có thể tiến hành mà không cần hỏi ý kiến bất kỳ ai. Chính Miyazaki Hayao đã khuyến khích tôi thực hiện dự án này và chính nhà sản xuất Suzuki Toshio đã gợi ý mọi thứ sẽ ổn. Vì vậy, tôi đã thực hiện với đội ngũ nhân viên trẻ và đã không tham khảo thêm gì ý kiến của các bậc tiền bối khác trong công ty” - Goro cho biết trong một cuộc họp báo.

Rõ ràng việc đưa Earwig and the Witch trở thành một dự án hoàn toàn dựa vào CGI không được sự đồng thuận của tất cả mọi nhân viên, Miyazaki Goro vẫn kiên trì với một nhóm nhỏ các nhà làm phim hoạt hình với mục tiêu tạo ra một bộ phim chân thực, giàu cảm xúc.

Theo một cách nào đó, quyết định táo bạo và quyết đoán này của Miyazaki Goro lại có nhiều sự tương đồng với tính cách của nhân vật Earwig - người đã vùng lên chống lại phù thủy Bella Yaga và khéo léo điều khiển tình huống để có lợi cho cô bé. Có lẽ đây cũng là một lý do khiến Goro cảm thấy bị lôi cuốn vào câu chuyện này.

Điều gì đã mất?

Việc là con trai của một nhà làm phim huyền thoại khiến cho con đường khẳng định chất riêng của mình trong cùng lĩnh vực trở nên khó khăn thử thách bội phần với Miyazaki Goro. Nhưng với nước đi táo bạo từ bỏ chuyện vẽ tay, Goro lại nhận được sự ủng hộ từ cha. Dù trước đó từng cật lực phủ nhận công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính do trí thông minh nhân tạo điều khiển, Hayao nói với Goro rằng bộ phim hoàn toàn có thể sánh với những tác phẩm của Pixar.

 
 Những nhân vật kinh điển của hoạt hình Ghibli. Ảnh: Polygon

Nhưng giới phê bình không nghĩ thế. Bất chấp việc Ghibli cố gắng đưa một số nét tính cách điển hình trong xây dựng nhân vật của mình vào Earwig and the Witch, nhiều nhà bình luận cho rằng Goro Miyazaki đã không tạo được thành công như mong đợi.

Cây bút Maya Phillips của báo New York Times phê bình rằng CGI của Earwig and the Witch thiếu sức hút và đồ họa hoạt ảnh chính là điều đáng tiếc nhất của bộ phim. Trang Engadget gọi dự án này là “một bộ phim xấu, nửa vời với những nhân vật khó ưa nổi”.

Một website chuyên review khác là Pajiba thì cho rằng bộ phim mới ra mắt có vẻ như là một tác phẩm “đạo nhái rẻ tiền của Studio Ghibli, ngay cả khi nó là hàng thật”. Trang tin chuyên thảo luận về truyện tranh CBR chỉ trích tác phẩm thiếu tính biểu cảm trong hoạt hình do vẽ bằng máy tính, một vấn đề mà Studio Ghibli chưa từng mắc phải trong các dự án vẽ tay của mình.

Trên Rotten Tomatoes, phim có điểm Tomatometer chỉ 33 (trên 60 mới gọi là hay), với ý kiến thống nhất của giới phê bình rằng: “Với một câu chuyện lẫn hoạt ảnh không hấp dẫn, Earwig and the Witch là một sự thất bại đáng ngạc nhiên và gần như hoàn toàn trật lối đối với Studio Ghibli”.

 
 Ảnh cắt từ phim

Earwig and the Witch có thể xem là một sự thử nghiệm của Ghibli với CGI, và ắt hẳn cá nhân đạo diễn Goro Miyazaki - người gọi bộ phim là bàn đạp để tiến vào tương lai mới - đã có đủ phản hồi để quyết định sắp tới sẽ cần thay đổi thế nào. Đó hẳn là bài toán khó, bởi phải làm thế nào để vừa thỏa lòng khán giả vừa đảm bảo bắt kịp với xu hướng ứng dụng công nghệ trong hoạt hình.

Trước mắt, khi được trang tin văn hóa Broadsheet (Úc) hỏi liệu tất cả các bộ phim của Studio Ghibli trong tương lai đều sẽ sử dụng công nghệ 3D không, Goro đáp: “Tôi tin rằng hoạt hình vẽ tay sẽ là phong cách chính của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng dần dấn thân sâu hơn vào CGI. Nói cách khác, tôi không nghĩ chúng tôi sẽ chỉ chọn giữa cái này hay cái kia”.■

“Tôi nghĩ rằng ngay cả khi Ghibli tiếp tục làm hoạt hình vẽ tay thì việc có thể sản xuất hoạt hình 3D bằng máy tính cùng lúc cũng sẽ rộng đường cho tương lai của studio” - Goro nói với Broadsheet. Theo Goro, không xét chuyện vẽ tay hay vẽ máy, Earwig and the Witch vẫn là một bộ phim đúng tinh thần Ghibli, bởi lẽ “quá trình viết kịch bản, vẽ bảng phân cảnh, thiết lập bối cảnh và làm việc tỉ mỉ từng chút một không có gì khác biệt”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận