Bàn về cuốn địa chí hàng đầu của miền Nam Việt Nam cùng những vấn đề xoay quanh nó thì vẫn còn rất nhiều điều bỏ ngỏ, cần bỏ công nghiên cứu sâu hơn nữa. Dịch thuật, hiệu chỉnh và chú giải các bộ sách Hán Nôm sang tiếng Việt, giúp người đọc hiện nay tiếp cận và thấu hiểu nguồn cội là một công việc đầy khó khăn và thử thách không phải ai cũng dám dấn thân. Gần đây, người đọc được tiếp cận thêm một bản dịch tiếng Việt mới về bộ địa chí đầu tiên viết về miền Nam Việt Nam là Gia Định thành thông chí (*) do Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng (xem thêm Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 6-2019), ngoài những bản dịch tiếng Việt trước đây của Tu Trai Nguyễn Tạo năm 1972, của Viện Sử học năm 1999 và của Lý Việt Dũng năm 2006 đã xuất bản. Có thể nói bản dịch mới lần này của Phạm Hoàng Quân là một bản dịch công phu và cẩn trọng, với hàng ngàn chú thích, cùng sách dẫn đầy đủ đi kèm và chất lượng in ấn đã làm tăng giá trị tham khảo và sưu tầm của cuốn sách. Tuy nhiên để bàn về cuốn địa chí hàng đầu của miền Nam Việt Nam cùng những vấn đề xoay quanh nó thì vẫn còn rất nhiều điều bỏ ngỏ, cần bỏ công nghiên cứu sâu hơn nữa mà chúng tôi cho rằng bản dịch mới chỉ xử lý được một phần nào đó. Về vấn đề văn bản học Văn bản học là một thao tác bắt buộc trong nghiên cứu, dịch thuật thư tịch Hán Nôm. Nói là bắt buộc là bởi kho tàng thư tịch Hán Nôm Việt Nam tam sao thất bản rất nhiều, sách chủ yếu là chép tay, mỗi tựa sách lại có nhiều phiên bản được lưu ở nhiều thư viện khác nhau... do vậy cần phải tập hợp các văn bản, đối chiếu so sánh, phác họa quá trình truyền bản, từ đó xác định bản khả tín để tiến hành nghiên cứu dịch thuật. Nếu không như vậy, kết quả nghiên cứu, phiên dịch sẽ không thực sự được thuyết phục nếu chẳng may dựa vào một bản nào đó chưa phải là bản khả tín? Gia Định thông chí vốn được Trịnh Hoài Đức viết bằng Hán văn có kèm cả chữ Nôm (?) được dâng lên vua Minh Mạng năm 1820, sách chép lịch sử địa lý vùng Gia Định thời Nguyễn. Tính đến thời điểm hiện tại, dựa vào nguồn thông tin Phạm Hoàng Quân cho biết trong bản dịch mới đây cùng sự thống kê của chúng tôi thì có trên mười bản viết tay của Gia Định thông chí hiện tồn: Theo Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu, có sáu bản chép tay khác nhau về cuốn Gia Định thông chí hiện được lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và tại Pháp (tham khảo thêm bài viết của Trần Kinh Hòa, “Thành trì chí của Trịnh Hoài Đức. Hoa kiều và Nam Kỳ đầu thế kỷ 19”, Tạp chí Đại Học, số 5 năm 1961 (số 22), trang 62-74), bao gồm: 1. Bản VHv. 1335/1-3: 568 trang, khổ sách 26 x 15. 2. Bản A. 1561/1-2: 446 trang, khổ sách 27 x 16. 3. Bản A. 708/1-2: 438 trang, khổ sách 30 x 16 (thiếu Quyển 6). 4. Bản A. 94: 296 trang, khổ sách 12 x 23 (thiếu Quyển 4, Quyển 5, Quyển 6). 5. Bản A. 1107: 216 trang, khổ sách 32 x 22 (thiếu Quyển 1, Quyển 2, Quyển 3, Quyển 4). 6. Bản VHv. 1490: 122 trang, khổ sách 27 x 16 (thiếu Quyển 3, Quyển 4, Quyển 5, Quyển 6). 7. Bản MF.391 8. Bản Paris.EFEO.MF.II/2/230 Còn theo thống kê của Phạm Hoàng Quân trong phần đầu sơ khảo về văn bản và tình hình dịch thuật Gia Định thành thông chí thì chỉ tồn tại các bản viết tay sau: 9. Bản tiếng Hán của Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) do Nguyễn Tạo dựa vào để dịch, còn in kèm theo bản dịch năm 1972, ký hiệu Cb 143/1,2. 10. Bản HV.151 (1-6) được lưu ở thư viện Viện Sử học có in kèm bản dịch của Viện Sử học xuất bản năm 1999. 11. Bản do Lý Việt Dũng dựa vào bản Hán văn lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, theo tìm hiểu thì có ghi VHv.01606, đối chiếu với các ký hiệu trong Thư mục đề yếu thì ta thấy không trùng khớp. 12. Bản của Thư viện Quốc gia Việt Nam, ký hiệu R.258. 13. Một bản in Gia Định thành thông chí, in chung trong Lĩnh Nam chích quái đẳng sử liệu tam chủng, do Dương Bảo Quân và Đới Khả Lai hiệu điểm, chú thích, Trung Châu cổ tịch xuất bản xã, năm 1991. 14. Liệu có còn một bản khắc in như lời Đào Duy Anh nói được lưu trữ ở Thư viện Bảo Đại Huế? 15. Bản ký hiệu HM.2191 (bản của Maspéro). Ngoài ra, theo chúng tôi được biết còn một bản nữa được lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp, ký hiệu Vietnamien A 74. Trang đầu trong bản R.258 Vấn đề tên tác phẩmNhư vậy, nếu có tới 16 bản khác nhau (?) của Gia Định thông chí thì vấn đề văn bản học của tác phẩm này là cực kỳ nan giải mà các nhà nghiên cứu cần đối chiếu sự xuất nhập thay đổi, thêm bớt câu chữ, đoạn, quyển giữa các bản, từ đó xác lập quá trình truyền bản, bản nào chép từ bản nào và bản nào là sớm nhất, giá trị nhất. Đây là việc bắt buộc phải làm nếu muốn tìm đến bản lai diện mục của Gia Định thông chí. Đây là vấn đề đã được học giả Trần Kinh Hòa bàn thảo khá kỹ trong bài viết “Thành trì chí của Trịnh Hoài Đức. Hoa kiều và Nam Kỳ đầu thế kỷ 19”. Dựa theo nguồn tư liệu sử học mà học giả Trần Kinh Hòa cung cấp như Đại Nam thực lục chánh biên, Đệ nhị kỷ (quyển III) có chép, vào tháng 5-1820, vua Minh Mạng ra chiếu cầu cổ điển, “do đấy, trong ngoài các nơi đều đem dâng các sách vở đã biên chép được. Thượng thư Trịnh Hoài Đức dâng bộ Gia Định thông chí 3 quyển và Minh Bột di ngư văn thảo thư...”. Phạm Hoàng Quân có bổ sung thêm là trong bản dịch Pháp văn của cuốn sách Gia Định thông chí của G. Aubaret xuất bản tại Paris năm 1863 ghi tiêu đề là 嘉定通志 (Gia Dinh Thung Chi). Ngoài ra trong Đại Nam chính biên sơ tập (1889) quyển 11 viết: “Sách của Đức làm ra có Gia Định thông chí...”. Sau này thư mục do L. Cadière và P. Pelliot soạn trên BEFEO năm 1904 cũng viết tên sách là Gia Định thông chí. Từ đó để thấy rất nhiều nguồn sử liệu, tư liệu ghi chép đều công nhận tên sách chính xác của Gia Định thành thông chí là Gia Định thông chí, thế nhưng không biết từ bao giờ cái tên Gia Định thành thông chí lại trở nên phổ biến đến vậy? Học giả Trần Kinh Hòa cho rằng: “Đến như tên bản sách này, ngày nay có người gọi Gia Định thành thông chí, chẳng qua vì cớ vào khoảng Gia Long năm thứ 7 (1808), Gia Định trấn đổi tên là Gia Định thành mà ra. Nhưng cứ theo đoạn văn trích dẫn Thực lục đệ nhị kỷ trên đây, nguyên danh đã là “Gia Định thông chí” thì cứ thống nhất dùng tên ấy phải hơn”. Ngoài ra, trong một số bản chép tay của Gia Định thành thông chí, chúng ta còn thấy bản R. 258 lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng đặt tựa sách là Gia Định thông chí. Từ ấy liệu có thể phỏng đoán đó là một bản khá cổ hơn so với các bản mang tên Gia Định thành thông chí sau này? Mặc dù còn cần nghiên cứu sâu thêm về mặt văn bản, đối chiếu so sánh giữa các bản Hán văn để từ đó đưa ra kết luận sẽ xác đáng hơn, nhưng có nên chăng cần trả lại đúng tên cho sách này là Gia Định thông chí? Thành Gia Định, đôi điều bàn thêm Hình ảnh trong bản dịch Pháp văn Nampyoki trích trong BEFEO. Gia Định thông chí được đánh giá là nguồn tư liệu quan trọng trên nhiều phương diện để nghiên cứu về Nam Kỳ như về sản vật, phong tục, cương vực... Ngoài ra còn một vấn đề thiết yếu khác đó là thành trì chí, mô tả về thành Gia Định. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà Trần Kinh Hòa tiến hành dịch chú toàn bộ phần Thành trì chí trong bộ Gia Định thông chí sang tiếng Việt và tiếng Hán. Bởi chúng có liên quan trực tiếp đến Hoa kiều, một vấn đề mà học giả người Hoa này đã dành trọn đời để nghiên cứu. Vậy vấn đề đặt ra là trước Trịnh Hoài Đức đã có ai nghiên cứu, mô tả về thành Gia Định hay chưa? Theo chỗ chúng tôi được biết trong cuốn sách Vua Gia Long và người Pháp (Khảo sát về ảnh hưởng của người Pháp trong giai đoạn triều Nguyễn) do Thụy Khuê biên khảo, NXB Hồng Đức in năm 2017) có nhắc đến tác phẩm Nampyoki (Nam phiêu ký hay Nam biều ký) của Shihoken Seishi hoàn thành năm 1797 được Madame Gaspardone dịch sang tiếng Pháp và đăng trên BEFEO năm 1932. Đây là cuốn du ký của một nhóm thuyền viên Nhật Bản gặp bão bị trôi dạt vào vùng An Nam, sau này họ được diện kiến chúa Nguyễn, đồng thời được chúa Nguyễn cung cấp lương thực và giúp họ trở về quê hương. Trong Nampyoki, các thuyền viên đã mô tả lại thành Gia Định và được Thụy Khuê nhận định rằng nếu những mô tả này là chính xác thì rất có thể Nampyoki chính là tư liệu đầu tiên mô tả về thành Gia Định. Ngoài ra, trong bản dịch tiếng Pháp của Nampyoki cũng như trong cuốn sách của Thụy Khuê, chúng tôi đều thấy trích dẫn một hình ảnh vẽ lại thành Gia Định với lời chú thích “An Nam quốc vương thành đồ”. Tuy nhiên, trong một số văn bản Nampyoki mà chúng tôi có cơ hội tiếp cận thì không thấy hình vẽ này, trái lại hình vẽ này chúng tôi lại thấy có điểm trùng khớp với hình vẽ trong sách An Nam kỷ lược cảo của Kondo Juro, cuốn sách được hoàn thành vào khoảng năm 1796, khi Kondo đang làm một chức dịch dưới quyền quan Phụng hành Nagasaki, nội dung được hình thành trên cơ sở sưu tầm thư tịch và thăm hỏi những người phiêu dạt từ An Nam trở về. Hình ảnh trong An Nam kỷ lược cảo Vẫn còn rất nhiều vấn đề đang còn bỏ ngỏ xoay quanh tác phẩm cũng như nội dung tác phẩm này cần được nghiên cứu một cách chi tiết và sâu sắc.■Vậy thì Nampyoki hay An Nam kỷ lược cảo mới là cuốn sách đầu tiên mô tả về thành Gia Định? Và liệu có thể khẳng định đó là những nguồn tư liệu viết về thành Gia Định trước cả Gia Định thông chí hay không? (*) SaigonBooks và NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2019. Tags: Vua Minh MạngPhạm Hoàng QuânTrịnh Hoài ĐứcGia Định Thành Thông chíGia Định thông chíAn Nam kỷ lược cảoTrần Kinh Hòa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.