Giá nhà tăng cao: Coi chừng thuốc độc trong chung tổ yến

HỒ QUỐC TUẤN 23/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Giá nhà tăng khắp nơi trên thế giới, quy mô giao dịch cũng ở mức cao nhất trong nhiều năm, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng.

Một buổi sáng cuối tháng 5-2021, vợ chồng tôi thấy có một căn nhà thích hợp để đầu tư với giá 500.000 bảng Anh ở khu trung tâm thành phố Bristol và vừa được đăng quảng cáo vào chiều hôm trước trên ứng dụng bất động sản Rightmove. 

Thế nhưng khi gọi điện thoại cho công ty môi giới thì căn nhà đã có người mua rồi, với giá được tiết lộ là cao hơn giá mà người bán niêm yết.

Ảnh: Western Investor

 

Tăng cả về giá và lượng giao dịch

Những cú “chốt deal trong 24 giờ” thần tốc này đang trở thành hiện tượng bình thường ở Anh trong năm nay, theo một người môi giới nhà đất quen thân của chúng tôi. Có những căn chưa kịp đăng Rightmove, chỉ mới gửi email cho khách hàng quen thuộc trước là đã bị mua mất rồi, không kịp đăng quảng cáo luôn!

Đó không chỉ là chuyện của nơi chúng tôi ở mà là trên toàn nước Anh. Theo số liệu thống kê của tổ chức tín dụng Nationwide Building Society, giá nhà ở Anh tháng 5-2021 đã tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong 7 năm qua. 

So với mức tăng giá nhà bình quân dưới 1% của năm 2019 hay chỉ khoảng 2% của giai đoạn 2017 - 2018, đây là một mức tăng với tốc độ gấp 5 - 10 lần.

Không chỉ giá nhà tăng, khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh. Theo cơ quan thuế của Anh, có tổng cộng hơn 180.000 giao dịch nhà đất được hoàn thành nộp thuế trong tháng 3-2021, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020 và là mức cao nhất trong 16 năm trở lại đây. 

Điều này phản ánh giá nhà tăng không phải sốt ảo, mà lượng giao dịch là có thật, mà còn đặc biệt cao.

Các công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến nhà cửa như Rightmove, hoặc công ty phát triển bất động sản như Persimmon, Taylor Wimpey đều công bố doanh thu và lợi nhuận khả quan. 

Công ty Persimmon cho biết doanh thu tháng 4-2021 chẳng những vượt qua mức 2020 (bị ảnh hưởng của dịch bệnh), mà còn cao hơn cả doanh thu 2019 đến 300 triệu bảng Anh, lần đầu vượt qua mốc 3 tỉ bảng Anh sau nhiều năm.

Đây không phải chỉ là tình trạng ở Anh. Bạn bè của tôi tại Mỹ, Canada và Úc cũng kể những câu chuyện tăng giá nhà với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Chẳng hạn, chỉ số giá nhà Case-Shiller ở Mỹ tăng ở mức nhanh nhất từ năm 2005.

Một trong những nguyên nhân khiến giá nhà tăng mạnh là nhu cầu tăng cao do chi phí vay mua nhà rẻ đi đáng kể do mặt bằng lãi suất thấp. 

Ngân hàng Trung ương Anh cho biết vào tháng 4-2021 lãi suất cho vay mua nhà bình quân ở Anh là 2,07%, chưa bằng một nửa mức lãi suất cho vay mua nhà bình quân giai đoạn 2008 (5,82%). 

Đây là mức lãi suất cho vay mua nhà thấp kỷ lục. Một số ngân hàng và công ty mua nhà đã đưa sản phẩm cho vay 95% giá trị nhà với kỳ hạn 35 năm ra lại thị trường. Như vậy nghĩa là nhiều người mua chỉ cần bỏ 5% vốn vào là có thể vay mua nhà với lãi suất vay thấp nhất một thập niên.

Nhu cầu mua nhà còn được thúc đẩy bởi nhiều người chuyển nhà sang một căn lớn hơn do xu thế làm việc tại nhà gia tăng, khiến nhiều người cần thiết kế một “văn phòng tại gia” cho cả hai vợ chồng và để có chỗ riêng tư không bị làm phiền bởi con nhỏ. 

Xu thế làm việc tại nhà được dự đoán là sẽ tiếp tục trong vài năm nữa ở một số công ty. Một số công ty công nghệ như Salesforce, Facebook đã công bố trong tuần đầu tháng 6 các chương trình cho phép nhân viên làm việc tại nhà ngay cả sau khi các văn phòng công ty mở cửa lại bình thường.

Nhu cầu tăng nhanh chỉ là một nguyên nhân đẩy giá nhà cao. Nguồn cung hạn chế không tăng kịp nhu cầu là một nguyên nhân khác. Theo thống kê của Hiệp hội Môi giới nhà đất Mỹ (NAR), số căn nhà sẵn sàng để bán trên thị trường Mỹ là khoảng 1,07 triệu căn vào cuối tháng 3, giảm 28,2% so với năm ngoái.

Theo nhiều nhà phân tích, mất cân bằng cung cầu tại những nước như Anh và Mỹ sẽ kéo dài nhiều tháng nữa và sẽ tiếp tục đẩy giá nhà lên cao. Giá vật liệu xây dựng tăng cao trên phạm vi toàn cầu cũng khiến cho các công ty khó mà đẩy nhanh tăng nguồn cung được.

Ở Việt Nam, theo Savills, số lượng căn hộ dưới 2 tỉ đồng chỉ chiếm khoảng 10% nguồn cung, với phần lớn có diện tích chỉ từ 50 - 60m2. 

Giá căn hộ đang có chiều hướng leo thang khiến nguồn cung căn hộ có “giá mềm” càng trở nên khan hiếm. Theo dự báo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thì giá căn hộ chung cư có thể tăng 10 - 15% trong thời gian tới.

Coi chừng “Thuốc độc trong chung tổ yến”

Mỗi khi có một cái gì tăng nóng sốt, tự nhiên sẽ có những cạm bẫy xuất hiện.

Ở thị trường bất động sản Việt Nam, nó là tình trạng mua nhà đất “mù”. 

Với tình trạng thiếu rõ ràng về pháp lý, quy hoạch, thông tin về giá cả, giao dịch có thật diễn ra hay không, nhiều người có thể rơi vào những chiếc bẫy tinh vi được giăng sẵn bởi những dự án được triển khai bởi những chủ đầu tư bất động sản thiếu năng lực tài chính. 

Ngoài ra, khi người dân càng sợ lỡ con sóng tăng giá nhà đất lần này (mà dân trong nghề đầu tư gọi là hội chứng FOMO - “fear of missing out”, nghĩa là “nỗi sợ bị bỏ ngoài cuộc”), họ càng dễ bị lừa mua những miếng đất nền hay căn hộ trong những dự án rủi ro cao mà người mua trước đó muốn “thoát hàng”.

Thực tế đã chứng minh mỗi lần có cái gì thành nóng, thành sốt thì sẽ có rủi ro bẫy lừa đảo, đầu tư rủi ro cao nhưng lại được gắn mác chắc chắn thắng. Đó là từ những chiếc bẫy sàn tiền ảo, đầu tư FX. 

Ở phía bất động sản là những dự án condotel lừa đảo, đất nền dự án kiểu Alibaba - một mảnh đất có đến... 150 người đồng sở hữu sổ đỏ (mà bạn tôi đùa là một Alibaba thời hiện đại còn nguy hiểm hơn thời 40 tên cướp nhiều).

Một lần ngồi với một đàn anh làm phó tổng một ngân hàng cổ phần lớn ở Việt Nam, trước đó là trưởng phòng tín dụng có kinh nghiệm 20 năm trong nghề, tôi nghe được nhiều câu chuyện cả ngân hàng cũng có thể “dính bẫy” cấp tín dụng cho những dự án bất động sản mờ ám.

Sự mù mờ của pháp lý, quy hoạch, thậm chí là do sự cấu kết của một số nhân viên công quyền với nhân viên ngân hàng, có thể đẩy rất nhiều người vào cái bẫy thuốc độc trong chung tổ yến. 

Cái triển vọng lời nhiều lần nhờ đầu tư bất động sản làm mờ đi lý trí của một số người. Đi kèm với đó là sự tù mù của pháp lý nhà đất ở nhiều địa phương, tạo thành cặp đôi hoàn hảo cho việc lập bẫy lừa nhà đầu tư đang nóng lòng làm giàu và sợ trễ chuyến tàu sốt bất động sản mới.

Có thể nói, trên phạm vi toàn cầu, việc thanh khoản dồi dào và thiếu hụt cơ hội làm ăn do dịch bệnh tạo ra một xu thế đẩy tiền đầu tư vào các tài sản như cổ phiếu, nhà đất, tiền số... để sinh lợi. 

Đây là trào lưu bình thường. Nhưng khi làn sóng này qua đi, kinh tế quay lại bình thường, thủy triều rút đi sẽ để lại bao nhiêu nạn nhân của những người vội vã leo lên các con tàu làm giàu nhanh chóng này? 

Những ai sẽ xui xẻo lên nhầm một con tàu Titanic - mà ở thời điểm khởi hành là một trong những niềm mơ ước của rất nhiều người?

Tổ yến rất bổ dưỡng và hấp dẫn, nhưng nhìn bề ngoài thì không ai biết được chung nào có độc.■

Vào đầu tháng 5, một hãng môi giới bất động sản ở một khu đông đúc tại Thâm Quyến (Trung Quốc) đưa ra mức niêm yết giá lạ lùng: từ 10 triệu tệ (khoảng 1,56 triệu đôla) một trái sầu riêng cho tới 1 triệu tệ một trái chuối. 

Tuy nhiên, với những “dân trong nghề”, nó đóng vai trò mật mã cho những căn nhà đang được rao bán ở thị trường bất động sản chợ đen của thành phố với giá nhà tăng trưởng vào loại nóng nhất Trung Quốc này.

Bản giá mã hóa này là để đáp lại những nỗ lực của chính quyền nhằm áp một mức trần với giá nhà trong thành phố, trong bối cảnh sốt nhà đất diễn ra cực nóng. 

Nhà chức trách Thâm Quyến đưa ra mức giá tham chiếu trên mỗi mét vuông cho khoảng 3.600 khu nhà ở khắp thành phố vào tháng 2 vừa rồi và cấm các hãng môi giới không được niêm yết giá nhà trên các mức tham chiếu đó.

Ngân hàng cũng được khuyến khích sử dụng giá tham chiếu để định giá các khoản cho vay nhằm đảm bảo “minh bạch hơn” và “giao dịch hợp lý”. 

Chính quyền lo ngại những khoản vay quy mô lớn trên cơ sở định giá quá cao sẽ càng khiến thị trường bất động sản nóng hơn. 

Nhưng giá tham chiếu của chính quyền nhanh chóng bị giá thị trường qua mặt, và các hãng bất động sản đã nghĩ ra kiểu niêm yết lạ lùng nói trên.

Thâm Quyến không phải thành phố duy nhất của Trung Quốc tìm cách siết lại thị trường bất động sản. 

Hồi tháng 1, Thượng Hải công bố một quy định cấm các cặp vợ chồng ly dị giả để mua nhiều bất động sản hơn với giá rẻ hơn - bởi thành phố này đánh thuế mạnh tay với các bất động sản thứ hai của một hộ gia đình.

Giá nhà bình quân ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong một thập niên qua, theo Nikkei Asian Review.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận