TTCT - Trong khi việc giảm thuế phí đánh vào xăng dầu nhằm kéo giảm giá bán nói chung được dân chúng ủng hộ, nhiều kinh tế gia lại cho rằng đó là việc không nên… Giá xăng tăng cao, nhiều nước cắt giảm thuế xăng dầu để hỗ trợ người dân. Việt Nam đã quyết định giảm một nửa thuế môi trường đánh lên xăng, tính ra mỗi lít từ ngày 1-4 sẽ được giảm 2.000 đồng tiền thuế cho đến hết năm nay. Nước Anh thì giảm 5 xu thuế xăng trên mỗi lít, tức giảm chừng 9% trong vòng 1 năm. Pháp hoàn 15 xu thuế xăng trên mỗi lít trong vòng 4 tháng. Ảnh: Sky NewsKhông bên nào chịu bên nàoNhiều nước châu Âu khác như Ý hay Thụy Điển đều công bố những mức giảm thuế tương tự. Nhật công bố mức trợ giá xăng, ban đầu là 5 yen sau nâng lên 25 yen mỗi lít. Ở Mỹ có ít nhất 2 tiểu bang đã tạm ngưng thu thuế xăng, còn ở cấp liên bang thì Quốc hội nước này đang bàn thảo một biện pháp chung như thế cho cả nước.Chuyện giảm thuế xăng đã dẫn tới nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia kinh tế. Bên phản đối cho rằng giảm thuế kiểu đó chỉ tổ tốn tiền ngân sách, làm dân chúng tiêu thụ xăng nhiều hơn, cản trở các nỗ lực chuyển sang những nguồn năng lượng khác như dùng xe chạy pin.Họ lập luận thuế xăng ảnh hưởng lên cả người mua lẫn người bán. Khi thuế giảm, giá xăng giảm theo, người tiêu dùng sẽ mua xăng nhiều hơn và người bán, do nhu cầu tăng, sẽ tăng giá bán lên cho bằng giá cũ. Một nghiên cứu ở Illinois và Indiana (Mỹ) vào năm 2000 cho thấy trong việc giảm thuế xăng, người tiêu dùng chỉ hưởng được chừng 70% lợi ích từ chính sách, còn 30% chảy vào túi người bán xăng.Ở hướng ngược lại, nhiều người cãi làm gì có chuyện cứ để giá xăng tăng giúp mọi người chuyển đổi sang các dạng năng lượng khác, giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Bởi chạy xe điện là giới nhà giàu, tiền bạc rủng rỉnh hơn. Người bình thường làm sao có chọn lựa nào khác. Cũng có người lập luận giảm thuế xăng thì người nào có điều kiện càng được hưởng lợi, kiểu như người nghèo chỉ chạy xe máy, dân nhà giàu chạy xe hơi, càng giàu càng chạy xe ăn xăng nhiều hơn. Lập luận này đặc biệt thuyết phục ở các nước nghèo như Việt Nam.Không chỉ chuyện xăng, mỗi khi bàn đến chuyện cắt giảm thuế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, người ta chia phe và tranh cãi mãi không dứt. Chẳng hạn ở Mỹ, phe bảo thủ chủ trương cắt giảm thuế cho người giàu để tạo hiệu ứng lan tỏa xuống toàn xã hội theo dạng “nước lên thì thuyền cũng lên”. Phe cấp tiến chủ trương phát tiền trực tiếp cho dân hay rót tiền vào các công trình cơ sở hạ tầng để tạo công ăn việc làm, kích thích kinh tế.Trọng cung hay trọng cầu?Trong hoạch định chính sách kinh tế, người ta thường chia ra làm hai loại chính sách: trọng cung và trọng cầu. Chính sách kinh tế trọng cung (supply side) được gọi như thế là bởi những người chủ trương cho rằng cần làm mọi cách để sản xuất hàng hóa và dịch vụ (phía cung) được nâng lên, từ đó mới tạo đà cho phát triển kinh tế. Họ làm điều này bằng ba con đường: giảm thuế cho người giàu để giới này có thêm động lực đầu tư tài sản vào sản xuất, kinh doanh; cắt giảm rào cản pháp lý, bớt can thiệp vào thị trường để nó tự vận hành; và thông qua chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, tăng cung tiền…Ngược lại là những người theo lý thuyết của kinh tế gia John Maynard Keynes, vốn luôn cho rằng kinh tế đình đốn là do cầu đình đốn; để phát triển kinh tế, cần kích cầu bằng các biện pháp tài khóa và tiền tệ như phát tiền cho dân. Phe trọng cầu chủ trương nhà nước phải đi đầu trong chi tiêu, dùng tiền ngân sách rót vào các công trình hạ tầng, từ đó mới tạo ra công ăn việc làm. Ngược với phe trọng cung muốn giảm quy mô chính phủ, phe trọng cầu muốn tăng vai trò của chính phủ, can thiệp nhiều hơn vào thị trường và tăng thuế, in thêm tiền để chi tiêu.Sự tranh cãi đúng sai giữa hai phe trọng cung hay trọng cầu thường xuyên nổ ra. Một bên nói lợi ích của việc giảm thuế cho giới chủ sẽ dẫn tới gia tăng đầu tư sản xuất. Lợi ích từ đó mới lan xuống công nhân và người tiêu dùng nhờ có thêm công ăn việc làm và giá hàng hóa giảm. Bên kia cãi lại, nói giảm thuế sẽ làm tăng dư nợ, dẫn tới các dự án đầu tư lãng phí, tốt hơn là nên nhắm hỗ trợ cho hộ gia đình chứ không phải cho doanh nghiệp. Bên nào lập luận nghe cũng có lý, chi bằng kết hợp cả hai như ở Việt Nam, từng có cả kích cầu đầu tư lẫn kích cầu tiêu dùng là toàn vẹn đôi đường!Khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, ông thẳng tay cắt giảm đến 1.500 tỉ đôla tiền thuế cho doanh nghiệp và dân Mỹ; thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ 35% xuống còn 21%, thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 3 bậc. Ngược lại khi Joe Biden lên làm tổng thống, ông tung ra gói 1.900 tỉ đôla hỗ trợ trực tiếp người dân để vượt qua đại dịch COVID-19 rồi bổ sung thêm gói 2.250 tỉ đôla khởi động các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Nay chính quyền Biden còn tính chuyện đánh thuế các tỉ phú, thu thuế 20% trên mức tăng giá cổ phiếu với những người có tài sản trên 100 triệu đôla ngay cả khi họ chưa bán ra số cổ phiếu đó! Tags: Quy luật cung cầuGiá xăngCung cầuTrọng cung
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Đến lượt Temu, Taobao đổ bộ thị trường Việt Nam CÔNG TRUNG 15/10/2024 Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú nhận huân chương Cành cọ hàn lâm của Pháp NGUYÊN BẢO 15/10/2024 GS.TS Nguyễn Hữu Tú, hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, vừa được Chính phủ Pháp trao tặng huân chương Cành cọ hàn lâm vì những đóng góp trong sự phát triển hợp tác y khoa giữa hai nước.
Ông Kim Jong Un triệu tập họp an ninh quốc gia, chỉ đạo 'hành động quân sự ngay lập tức' THANH BÌNH 15/10/2024 Cuộc họp có sự tham dự của các quan chức an ninh cấp cao Triều Tiên, trong đó ông Kim Jong Un chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành trong hoạt động răn đe chiến tranh.
Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi vinh danh người thợ trẻ KIM ANH 15/10/2024 Ngày 15-10, tròn 60 năm ngày liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, Thành Đoàn TP.HCM vinh danh 45 thanh niên công nhân tiêu biểu với giải thưởng mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Trỗi.