TTCT - Chỉ trong tháng 3-2024, đã có đến 10 giải chạy, từ chạy trên đường bằng cho đến chạy địa hình. Còn tính cả năm 2024, nếu tính thật chi li, có gần 50 giải. Một đoạn khá nguy hiểm ở cự ly 25km giải Đà Lạt Ultra Trail 2024, nhưng tuyệt nhiên không bóng dáng người của BTC. Ảnh: Huy ThọNhớ lại ngày xưa với mỗi giải việt dã báo Tiền Phong, rồi nhìn lại bây giờ mới thấy mừng về sự phát triển của phong trào chạy bộ. Nhiều giải là tốt. Nhưng nhiều giải mà không kiểm soát, để các giải đi theo chiều hướng thương mại thì cũng lo bạo phát bạo tàn.Đà Lạt Ultra Trail - một lần thôi nhé!Chạy bộ là môn thể thao tôi kiên trì theo đuổi 5 năm nay nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe của mình. Nó vô cùng hiệu quả, khi giúp tôi giảm được 15kg, biến các bảng kết quả khám sức khỏe định kỳ từ chỗ đầy rẫy các dấu sao cảnh báo những chỉ số xấu vượt ngưỡng trở nên sạch tưng. Tuy nhiên, tôi lại ít tham gia các giải chạy, đơn giản vì không thích sự náo nhiệt.Nhưng rồi, nghe bạn bè rủ rê, bảo rằng chạy trail đi, hấp dẫn lắm. Thế là thử một lần cho biết ở giải chạy nổi tiếng: Đà Lạt Ultra Trail 2024 với tên gọi mỹ miều: Bản giao hưởng cao nguyên. Giải này năm nay thu hút hơn 6.000 người tham gia, với các cự ly 112km, 75km, 55km, 25km, 15km và 5km. Tròm trèm 60 tuổi rồi, nên tôi chỉ đăng ký cự ly 25km ở ngày thứ nhất 16-3 (tham gia cự ly này có khoảng 2.000 người, chia làm 2 ngày).Phải thừa nhận các nhà tổ chức Đà Lạt Ultra Trail vô cùng sáng tạo trong sáng tác kỷ niệm chương. Với chủ đề Bản giao hưởng cao nguyên, họ thiết kế kỷ niệm chương như một chiếc máy hát đĩa than thời xưa. Có phát tiếng nhạc du dương chìm trong miếng gỗ. Loa là một chiếc hoa ly cách điệu bằng kim loại rất đẹp.Nó hấp dẫn đến độ, nhiều bạn không hoàn thành cự ly (dân chạy gọi là DNF - did not finish) ở các nội dung khốc liệt, đã chạy đôn chạy đáo mua đăng ký số báo danh (bib) các cự ly ngắn hơn để săn bằng được cái kỷ niệm chương thú vị này.Nhưng ngoài sức hút từ kỷ niệm chương thì giải này còn nhiều điều đáng bàn. C.H., một KOL khá nổi tiếng trong giới công nghệ, tham gia cự ly 25km ngày đầu và tuyên bố bỏ giữa chừng vì đường chạy bụi quá trời, đồng thời các điểm tiếp nước, check point quá nhếch nhác.Riêng mình, tôi thấy chuyện bụi thì nan giải vì mùa nắng nóng này, với cả ngàn con người chạy trên đường mòn, băng qua các khu rừng thì không biết làm sao mà khỏi bụi?! Cái nhếch nhác ở các điểm tiếp nước cũng là điểm trừ, nhưng với tôi nó không quan trọng bằng sự cẩu thả của nhà tổ chức về mặt an toàn. Cụ thể ở km thứ 11, địa hình đường chạy phải xuống một khe dốc khá đứng, rồi leo lên. Ở đoạn leo lên, ban tổ chức có giăng dây cho vận động viên bám vào. Nhưng một con đường mòn bé xíu mà cả mấy trăm người bò xuống rồi lên khiến nó ùn tắc kéo dài. Tôn trọng quy định, tôi kiên nhẫn xếp hàng đi đường "chính ngạch" và mất đến 45 phút mới vượt qua được đoạn này. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ không chờ nổi đã tự mở đường "tiểu ngạch" để vượt qua, khiến nhiều đá rơi xuống, làm đoàn người nhốn nháo la oai oái. Trong sự hỗn độn ấy, tuyệt không thấy một bóng dáng người của BTC để điều phối, giữ trật tự. Nói rủi, đá mà rơi mà trúng ai thì…Tóm lại, vui thì cũng có vui, mà vui nhất là giải này cũng như các giải khác, luôn có gắn với một chút từ thiện. Cụ thể, dự giải cũng góp phần giúp cho vài chục em bé được phẫu thuật điều trị khuyết tật hàm mặt thông qua Tổ chức Operation Smile. Nhưng niềm vui ấy chắc khó mà kéo được nhiều người đến với giải này lần thứ hai. Trên đường, không ít người cũng tuyên bố dự lần này rồi thôi.Đà Lạt Ultra Trail lần đầu vào năm 2018 thu hút 2.300 người tham gia, rồi năm sau tăng hơn năm trước, để 2023 đạt con số 7.000 người, nhưng đến 2024 thì giảm gần cả ngàn. Phải chăng người ta cũng bắt đầu ngán?Cần nơi cầm trịchVũ Thu Hương, thành viên nhóm "Ngũ Long công chúa" khá nổi tiếng trong giới chạy phong trào, thừa nhận: Trước đây tụi này rất siêng đi dự các giải chạy, nhưng bây giờ thì dự có chọn lọc. Thứ nhất là bây giờ quá nhiều giải, không đủ thời gian và tiền bạc để tham gia. Nhưng quan trọng hơn là nhiều giải ban đầu khá ổn, nhưng dần dà thể hiện chuyện kinh doanh nhiều quá, xem nhẹ người chạy.Runner Nguyễn Tiểu Phương, người Việt đầu tiên hoàn thành 6 giải marathon lớn của thế giới (WMM, bao gồm Tokyo, London, Berlin, Boston, Chicago, và New York), nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: "Sự thật là cộng đồng chạy bộ ở Việt Nam ngày càng thương mại hóa. Việc tổ chức các giải chạy, các hội nhóm chạy bộ bây giờ mang tính PR, thương mại khá nhiều. Vì vậy một số runner kỳ cựu trong cộng đồng hiện đang đứng ra vận động các hội nhóm chạy bộ nói không với PR, quảng cáo".Sự xuất hiện ngày càng nhiều các giải chạy là điều đáng mừng với sức khỏe người Việt, vốn xưa nay luôn bị đánh giá không tích cực. Nếu ngày xưa, người ta hay nói rằng sáng sớm ra công viên chỉ thấy người già tập thể thao thì nay ở các giải chạy, toàn người trẻ. Việc nhiều giải chạy ra đời cũng tốt, vì nó đem lại bộ mặt sinh động khỏe khoắn cho xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ đắm đuối tổ chức giải vì kiếm tiền thì không khéo bộ mặt ấy có ngày sẽ bị méo mó, lụi tàn.Tôi hỏi một số người quen tổ chức các giải chạy, rằng thủ tục, phép tắc xin tổ chức như thế nào? Có những quy định nào để đảm bảo những điều kiện cơ bản, như vấn đề y tế, vệ sinh, an toàn…? Câu trả lời rất chung là: Giấy phép thì chỉ cần địa phương nơi diễn ra giải chạy đồng ý là xong, mà cụ thể cấp phép là sở VH-TT&DL. Chuyện an toàn đường chạy còn khá dễ dãi, nên từng có VĐV tử vong vì tai nạn. Công thức chung của việc tổ chức giải chạy là: nghĩ ra một cái tên cho hay ho, cộng thêm việc các địa phương bây giờ cũng thích quảng bá thương hiệu bằng sự kiện chạy bộ, và chấp nhận bỏ ra vài tỉ là bình thường, truyền thông thật tốt để thu hút người dự, càng nhiều thì thu được tiền phí dự giải càng lớn. Tiếp tới, tìm tài trợ là các nhãn hàng kinh doanh sản phẩm phục vụ hoặc liên quan đến chạy bộ, hiện là thị trường không nhỏ với vô vàn sản phẩm, từ giày vớ, áo quần, đồng hồ, nón, cho tới nước uống, các loại gel năng lượng, thuốc bổ trợ… Và nữa, nên cố gắng tìm một chuyện liên quan đến từ thiện để dễ đi vào trái tim mọi người.Có lẽ, đã đến lúc cần một hiệp hội chạy bộ đường dài ra đời để cầm trịch cuộc chơi này. Từ hiệp hội, sẽ có các quy định chi tiết về điều kiện phải đảm bảo ở các giải chạy, rồi đăng ký phân bổ lịch cho hợp lý… Tốt hơn cả, hiệp hội nên là một cuộc vận động, bầu bán từ những người có uy tín trong cộng đồng, chứ không nên giao phó cho Cục TDTT. Tại sao ư? Chỉ cần nhìn vào hiện tại là thấy: Trong bối cảnh phong trào chạy bộ đi lên rực rỡ khắp cả nước thì hình ảnh của Liên đoàn Điền kinh VN chỉ là một bóng mờ. Thế giới cũng lạm phát giải marathon"Tổ chức marathon - cách làm kinh tế hiệu quả" là tít một bài báo năm 2022 trên trang Investopedia. Thật sự, kể từ khi tổ chức World Marathon Majors (WMM) ra đời năm 2006, việc đăng cai các giải chạy đường trường đã trở thành xu thế toàn cầu.Theo thống kê của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF), chỉ tính trong năm 2024, có đến gần 3.000 giải marathon được đăng ký và cấp giấy chứng nhận bởi IAAF khắp toàn cầu, kèm theo hàng chục ngàn đường đua cự ly khác nhau. Riêng ở Việt Nam, số lượng giải marathon được IAAF xác nhận trong năm 2024 là 18. (Tính cả các giải không thuộc khuôn khổ IAAF thì phải là gấp ba).Vì sao lại có nhiều giải marathon đến vậy? Tất nhiên một phần bởi phong trào chạy bộ quả thật đã phát triển thần tốc trong khoảng 10 năm trở lại đây. Khi Boston Marathon trở thành giải quốc tế năm 1972, số lượng người đăng ký khi đó chỉ vào hơn 1.000. Sau 50 năm, con số này đã vượt qua mốc 30.000. Càng nhiều giải đấu, nhìn chung càng là tín hiệu tốt với cộng đồng chạy bộ. Các runner có thêm lựa chọn, đồng thời được kích thích để tìm kiếm thử thách mới sau khi đã trải nghiệm ở nhiều giải truyền thống. Nhưng mặt khác, nhiều giải đấu cũng bị phàn nàn về công tác tổ chức, và đã bắt đầu xuất hiện câu hỏi liệu có tình trạng lạm phát các giải marathon hay không?Số lượng các giải marathon tăng mạnh không chỉ vì phong trào chạy bộ phát triển, mà còn bởi việc tổ chức giải marathon ngày nay trở thành hoạt động thương mại hiệu quả. Theo Investopedia, ngày càng có nhiều giải marathon ra đời thuần túy vì mục đích thương mại. Khoản phí đăng ký giúp đảm bảo giải đấu sẽ không bị lỗ, thêm vào đó các nhà tài trợ, hoạt động thương mại, và chuỗi kinh doanh xung quanh, mỗi giải marathon là lời hứa hẹn về một khoản lời đáng kể.Thương mại hóa là yếu tố then chốt giúp thể thao trở nên chuyên nghiệp và rộng mở hơn. Nhưng lạm phát tính thương mại, rồi giảm chất lượng các giải đấu cũng là một vấn đề làm đau đầu giới chạy bộ.H.Đ. Tags: Thể thao Chạy bộChạy bộMarathonGiải chạy
Tranh cãi 'lối đi ưu tiên' sẽ thu 100.000 đồng/khách tại sân bay Đà Nẵng CÔNG TRUNG 01/12/2024 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành sân bay đầu tiên trong 22 sân bay tại Việt Nam thí điểm thu phí dịch vụ "lối đi ưu tiên" tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu 100.000 đồng/khách.
Rần rần trend 'đám giỗ bên cồn' của Lê Tuấn Khang: Rồi bên cồn có đám cưới không? THƯỢNG KHẢI 01/12/2024 'Đám giỗ bên cồn' - một câu 'thương hiệu' của TikToker Lê Tuấn Khang xuyên suốt các video do anh đăng tải trên TikTok, Youtube đang là từ khóa gây sốt trên mạng xã hội.
Ông Zelensky: Ukraine cần lá chắn NATO để sống sót TRẦN PHƯƠNG 01/12/2024 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói nước này cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga.
Ông Đồng Văn Thanh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang LÊ DÂN 01/12/2024 Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được bầu làm bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.