Giải cho được bài toán giá

ĐẶNG HÀ (NHÀ ĐẦU TƯ) 24/03/2014 20:03 GMT+7

TTCT - Một trong những khó khăn đối với sự phát triển của năng lượng điện sinh khối tại Việt Nam chính là giá mua điện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) dành cho các nguồn năng lượng điện sinh khối.

Điện bã mía chờ cơ chế
Chúng ta đang lãng phí

Giá thấp, công nghệ sẽ thấp

Chính sách mua điện giá thấp trong nhiều năm qua để lại hệ quả là hầu hết nhà máy đường đều sử dụng công nghệ sản xuất điện lạc hậu, giá rẻ để giảm bớt chi phí đầu tư.

Điều này đang gây ra những khó khăn, cụ thể là hiệu quả sản xuất thấp so với khu vực và thế giới, chi phí bảo dưỡng thay thế phát sinh trong quá trình vận hành khá lớn, bên cạnh đó là vấn đề về ô nhiễm môi trường ở một số nhà máy gây nên những phản ứng không thiện cảm của người dân sống xung quanh các nhà máy điện sinh khối, gây ảnh hưởng đến chính sách phát triển năng lượng sinh khối.

Hiện nay, việc hoàn thiện theo cơ chế phát triển sạch (CDM) và bán chứng chỉ giảm khí thải (CERs) các doanh nghiệp gần như phải tự tìm hiểu, tự thực hiện thông qua các công ty môi giới tư nhân với mức phí cao, chiếm 25-40% doanh thu có thể đạt được. Điều này dẫn đến tình trạng rất ít doanh nghiệp điện bã mía đạt được các lợi ích kinh tế từ CDM và CERs.

Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy định chính sách ưu đãi đối với các đơn vị sản xuất điện sinh khối, nhưng thực tế khó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Chẳng hạn, quy định ưu đãi về thuế phí tại nghị định 24/2007/NĐ chỉ áp dụng cho dự án mới, trong khi dự án nâng cấp mở rộng rất cần tiếp cận nguồn vốn ưu đãi giá rẻ.

Thủ tục và quy trình xin phép đấu nối từ các nhà máy điện sinh khối vào hệ thống điện quốc gia cũng là vấn đề cần quan tâm đối với các nhà đầu tư muốn tham gia thị trường sản xuất và phát điện sinh khối lên lưới quốc gia tại Việt Nam.

Giá nào là hợp lý?

Một trong những đặc điểm chung dễ nhận thấy ở các nước có chính sách phát triển điện sinh khối là xây dựng biểu giá cố định FIT để làm cơ sở tham khảo, tính toán giá mua điện từ năng lượng sinh khối đối với từng loại nguyên liệu sinh khối khác nhau. Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí quan trọng nhất dễ dàng nhận thấy trong các gói chính sách khuyến khích phát triển năng lượng điện sinh khối của các quốc gia chính là quy định giá mua điện ở mức để các doanh nghiệp phát triển.

Theo dự thảo công văn 460 của Bộ Công thương dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt quy định về giá mua điện sinh khối, mức giá đề xuất 5,6 cent/kWh còn rất khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực.

Mức giá này hiện thấp hơn so với giá thành sản xuất thực tế đầy đủ tại các đơn vị đồng phát nhiệt điện năm 2013, bình quân khoảng 1.350 đồng/kWh điện (khoảng 6,25 cent/kWh). Mức giá đề xuất 5,6 cent/kWh của Viện Nghiên cứu năng lượng chưa phản ánh đầy đủ kỳ vọng thực tế của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, chi phí các nguyên vật liệu đầu vào cho quá trình sản xuất điện từ bã mía không phản ánh kịp tốc độ trượt giá đang diễn ra rất nhanh tại Việt Nam. Do đó, theo tính toán và khảo sát thực tế của tác giả, nhằm đạt mục tiêu khuyến khích các nhà máy đường phát triển hệ thống đang phát nhiệt điện từ bã mía, giá mua điện đề xuất cần đạt tối thiểu 7 cent/kWh.

Mức giá này có ảnh hưởng đến giá thành đầu vào của EVN không? Câu trả lời là trong trường hợp mua điện sinh khối, đây là dạng “điện cuối nguồn” nên EVN bớt được khoảng 10% chi phí truyền tải. Đồng thời, giá điện nhập khẩu hiện nay vào khoảng 7 cent/kWh.

Bên cạnh đó, xác định rõ phát triển năng lượng điện sinh khối tại Việt Nam là hướng phát triển chiến lược theo xu hướng của thế giới, cần đưa ra mức giá điện phù hợp thu hút các nhà đầu tư phát triển năng lượng điện sinh khối, để họ dần khắc phục các khuyết điểm hiện hữu về suất tiêu hao, công nghệ, môi trường là vấn đề cần được quan tâm.

Để phát triển nguồn năng lượng điện sinh khối, biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp là đơn giản hóa thủ tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, ví dụ từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hay các quy định đấu nối mua điện của EVN. Bộ Tài nguyên - môi trường cần tham gia trực tiếp và tích cực đẩy nhanh quá trình thực hiện phê duyệt cũng như nâng cao khả năng đạt được cơ chế phát triển sạch (CDM) cho các dự án, hoàn tất thủ tục bán chứng chỉ giảm phát thải (CERs) để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận