Giải pháp chính là hành động

HƯƠNG GIANG 11/12/2012 00:12 GMT+7

TTCT - Đại diện cho cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, những tổ chức như Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham)... cho rằng giải pháp để cải thiện tình hình là Chính phủ cần hành động nhất quán và cải thiện thủ tục hành chính theo chuẩn mực quốc tế.

LTS: Trong hai số báo trước, TTCT đã đăng tải kết quả khảo sát cùng những nhận định, phân tích của một số tổ chức quốc tế và trong nước về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài sụt giảm, sản xuất thiếu sức sống của doanh nghiệp nhỏ và vừa. TTCT xin giới thiệu những phản hồi một số ý kiến của “người trong cuộc” nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này.

Phóng to
Để tăng sức mua, nhiều doanh nghiệp chủ động đem sản phẩm đến vùng nông thôn và ngoại thành giới thiệu cho người tiêu dùng - Ảnh: Dũng Tuấn

Cần chính sách nhất quán

Trong báo cáo mới nhất của EuroCham tại VN về môi trường kinh doanh 2012 và được nhấn mạnh ở Diễn đàn doanh nghiệp VN hôm 3-12 tại Hà Nội, EuroCham nhận định nguyên nhân suy giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cơ bản là các rào cản về chính sách và kinh tế. EuroCham không quên “nhắc khéo” Chính phủ VN về sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực và nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của VN.

“Chúng tôi có cảm giác rằng các cơ quan phụ trách đầu tư và thương mại ở cấp địa phương thường miễn cưỡng khi cấp giấy chứng nhận đầu tư nếu không có hướng dẫn cụ thể từ các bộ. Quy trình thu thập ý kiến từ các bộ và cơ quan liên quan thường tốn thời gian và không chắc chắn. Các chính sách ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư thường không rõ ràng và không áp dụng nhất quán. Ngoài ra theo chúng tôi, quan trọng nhất là phải tập huấn cán bộ ban ngành trong việc áp dụng nhất quán luật pháp theo các cam kết gia nhập WTO” - đại diện EuroCham nhận xét.

EuroCham đồng thời đề nghị áp dụng nhất quán chính sách ưu đãi thuế, thúc đẩy mô hình “một cửa”...

Trong khi đó, ông Christopher Twomey - chủ tịch AmCham tại VN - cho biết trong một cuộc khảo sát gần đây của các thành viên AmCham, hơn 80% số người được hỏi đã liệt kê tham nhũng là một trong hai mối quan tâm hàng đầu của họ tại VN.

Hệ thống kiểm soát hiện tại không đủ ngăn chặn các quan chức tham nhũng từ các quỹ dành cho những dự án công cộng, đặc biệt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Do đó, AmCham đề nghị Chính phủ thực hiện các bước bổ sung hướng đến những thông lệ quốc tế tốt nhất về chuẩn mực kế toán và thu thuế. Hỗ trợ hoạt động và sự ủng hộ của Chính phủ đối với các biện pháp chống tham nhũng ở mọi cấp, xã hội và kinh doanh là cần thiết.

“Chúng tôi mong chờ hành động cụ thể để giúp giải quyết tham nhũng ngày càng tăng và vẫn đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với tiến bộ tại VN”- ông Twomey nói.

Bỏ độc quyền doanh nghiệp nhà nước

“Cái bóng của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện vẫn còn quá lớn, không chỉ tạo sức ép với các DN nhỏ mà đôi khi làm thị trường méo mó” là ý kiến của đa số DN, vì thế cần tái cấu trúc triệt để khối DN này.

Ông Kim Jung In - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc - cho rằng: “Một vấn đề nghiêm trọng là sự gia tăng nợ quá hạn của các DNNN. Số lượng DNNN của VN hiện đang giảm nhưng quy mô lại tăng. Lý do là vì vốn và nguồn lực đang tập trung vào các DN này cho dù Chính phủ luôn khuyến khích cổ phần hóa. Chính phủ VN phải xóa bỏ vị thế độc quyền của DNNN, nâng cao năng lực cạnh tranh cho những DN này để làm đầu tàu cho nền kinh tế VN trong những năm tới”.

Để giải quyết các khó khăn của DN, chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội Trần Anh Vương đề xuất Chính phủ tập trung vào giải quyết vấn đề “tồn kho nợ xấu” và “tồn kho công nợ”. Số nợ xấu mà DN đang nợ ngân hàng thì còn thống kê được nhưng số nợ xấu mà DN nợ DN, các công trình nhà nước còn nợ DN thì rất khó thống kê. “Vướng mắc về pháp lý và thủ tục khiến các khoản nợ này ngày một phình to và không có cách giải quyết dứt điểm, DN làm ăn chân chính rơi vào tình trạng hụt hơi mà không được bảo vệ một cách thực thụ vì khó có thể đòi được nợ thông qua việc kiện ra tòa án” - ông Vương phân tích.

Một vấn đề mà các DN vừa và nhỏ gặp phải là khó khăn trong đầu tư máy móc, công nghệ mới vì thiếu vốn. Nếu không đầu tư máy móc công nghệ mới, quy trình sản xuất mới thì hầu hết không thể sản xuất được các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, vì thế không có chỗ đứng trên thị trường nên đương nhiên sẽ phá sản. Từ thực tế này, giải pháp do Hội DN trẻ Hà Nội đưa ra là giảm lãi suất cho vay, nhất là khi tốc độ tăng lạm phát đang chậm dần.

Đây cũng là ý kiến được đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Sanjay Kalra đưa ra hồi cuối tháng 11: Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm trần lãi suất cho vay nhưng vốn vẫn không đến được các DN cần, tức là quá trình này bị tắc nghẽn ở các ngân hàng thương mại. Do đó, các ngân hàng thương mại cần nâng cao năng lực thẩm định và tái cơ cấu các khoản vay.

Nhưng lo nhất, theo ý kiến của cả chuyên gia và DN, chính là tình trạng các DN co lại, không dám tiếp tục đầu tư bởi vì họ bi quan về tương lai. “Giải pháp không đề xuất gì nhiều ngoài những điều Chính phủ đã đề ra. Tôi chỉ đề xuất thêm là cần đặt ưu tiên giải quyết nợ xấu của khu vực DN nhỏ và vừa. Thường các DNNN và bất động sản có tiếng nói và vị thế vận động để thu hút sự tập trung của Chính phủ. Nhưng chính khu vực DN nhỏ và vừa mới cần chú ý vì họ là lực lượng chính tạo ra tăng trưởng và việc làm” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

____________

Edmund Malesky - cố vấn cho Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), người có 15 năm nghiên cứu về VN - nói rằng niềm tin của doanh nghiệp chưa bao giờ sụt giảm như vậy và giải pháp là hãy làm đúng như Chính phủ nói. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần bên lề Diễn đàn doanh nghiệp VN ngày 3-12 tại Hà Nội, ông Malesky giải thích:

Phóng to
Những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu mới có tăng trưởng tốt hơn những doanh nghiệp ở lĩnh vực khác - Ảnh: Lê Toàn

“Thông thường trong các khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, mức độ lòng tin của doanh nghiệp (DN) thường đạt khoảng 75%. Tức là có khoảng 75% DN được hỏi nói họ sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, sản xuất. Nhưng năm nay tỉ lệ đó chỉ là 33%. Lý do gây ra sự suy giảm lòng tin mạnh mẽ đó: thứ nhất là giới kinh doanh lo ngại về tăng trưởng kinh tế vĩ mô và khi nhìn vào các rủi ro kinh tế vĩ mô thì có vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng, vấn đề DN nhà nước.

Thứ hai là thiếu sự minh bạch. DN mất rất nhiều thời gian tìm hiểu các quy định sẽ được ban hành thế nào, thực hiện ra sao, và vì vậy họ cũng mất thời gian tính toán xem sẽ đầu tư thế nào. Các cơ quan chính quyền của VN đã nhận ra các rủi ro kinh tế vĩ mô ở đâu, nhưng điều họ cần chú ý là sự minh bạch trong quá trình xử lý những rủi ro đó và tính toán khi nào thì ban hành chính sách, quy định. Việc xoay chuyển chính sách quá nhanh khiến cộng đồng DN rất lo lắng”.

Phóng to
Ông Edmund Malesky - Ảnh: Việt Dũng
* Những yếu tố ông đề cập không phải là vấn đề của riêng năm 2012, cũng không phải đến nay mới có, tại sao chúng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của DN?

- Đầu mùa hè năm nay, lòng tin vẫn ở mức như trước đó của năm 2011 là 47%. Mức này giảm rất mạnh so với các năm trước đó, tức là có sự suy giảm qua nhiều năm và điều đó do nhiều vấn đề gây ra như rủi ro kinh tế vĩ mô, khủng hoảng cho vay dưới ngưỡng ảnh hưởng tới VN, và có nhiều bất ổn trong khu vực ngân hàng. Từ giữa mùa hè đã xảy ra một loạt sự kiện khiến người ta nghĩ rằng hẳn khu vực ngân hàng phải gặp rắc rối to lắm.

Những sự kiện đó dẫn đến một số hiệu ứng sau: thứ nhất là cộng đồng DN nghĩ rằng khối ngân hàng đang có khoản nợ khổng lồ. Vì nếu không như vậy tại sao Chính phủ lại kiên quyết xử lý khu vực ngân hàng như thế. Thứ hai, cộng đồng có cảm giác Chính phủ rất kiên quyết nhưng lại không có một chính sách dài hạn để giải quyết các vấn đề về cơ cấu. Thứ ba, thực tế là chỉ trong khoảng thời gian ngắn đã có những cú sốc như vậy, cộng với chính sách thay đổi liên tục, DN sẽ rất khó tính toán được trước các kế hoạch đầu tư.

Thứ tư, họ băn khoăn không hiểu tương lai sẽ thế nào vì dường như Chính phủ không có sự đồng nhất trong khi xử lý các vấn đề lớn. Và các nhà đầu tư tự rút ra kết luận của riêng họ về tương lai của VN.

* Đã nhiều năm nghiên cứu về VN, có bao giờ ông hình dung kinh tế VN sẽ ở trong tình hình như ngày nay?

- Không. Điều tôi nghĩ là VN sẽ học được các bài học của những nước láng giềng và có thể đối mặt với các rắc rối. Tôi không hình dung VN sẽ có kiểu nợ xấu, sở hữu chéo... như đã diễn ra ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia trước thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 xảy ra. Tôi nghĩ VN khởi động cải cách muộn hơn thì sẽ áp dụng những quy định nghiêm khắc hơn để tránh điều đó. Tôi nghĩ VN sẽ theo đuổi tăng trưởng được quản lý chặt chẽ hơn và họ sẽ nhận ra tác động của một số dạng đầu tư gây ra cho môi trường, lao động... và có quy định giải quyết điều đó.

Tôi đã hi vọng VN sử dụng được các nguồn lực tích lũy từ giai đoạn tăng trưởng ban đầu để đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng và nguồn vốn con người để phục vụ tăng trưởng trong tương lai. Vì thế ở khía cạnh nào đó, tôi thấy khá nản. Nhưng có một lĩnh vực mà chúng ta đều biết từ 15 năm trước có vấn đề nghiêm trọng với khu vực DN nhà nước: tính thiếu hiệu quả, lượng vốn đầu tư bất cân bằng, được tiếp cận ưu đãi hơn hẳn về đất đai và vốn nhà nước...

Mỗi lần đến kỳ diễn đàn DN Việt Nam, Chính phủ lại hứa sẽ cải cách khu vực DN nhà nước, sẽ để họ cạnh tranh bình đẳng, sẽ tiến hành cổ phần hóa... Nhưng rất tiếc là vấn đề này đến nay vẫn chưa được xử lý xong.

* Giải pháp để phục hồi lòng tin là gì?

- Các nhà đầu tư nghe rất nhiều từ Chính phủ nhưng không thấy hiệu quả thực tế là mấy. Nhưng giải pháp ở đây rất dễ. Chính phủ chỉ cần thực hiện những hành động mà lâu nay đã nói đến. Tôi đã tham dự nhiều diễn đàn, ít nhất lần này tôi nghe thấy phản hồi của Chính phủ ở mức khá chi tiết mà tôi chưa từng nghe thấy trước đây. Tôi rất ấn tượng khi nghe các trả lời từ Chính phủ VN, vì họ nắm rõ vấn đề như cộng đồng DN trong nước và nước ngoài. Chính xác là từ lúc bắt đầu vào họp đến khi kết thúc, bản thân tôi cũng cảm thấy tin tưởng và lạc quan hơn vì sự phản hồi nghiêm túc, chi tiết của đại diện Chính phủ VN.

Ông NGUYỄN THÀNH NHÂN (phó tổng giám đốc Saigon Co.op):

Không làm gì, tình hình càng tệ hơn

Sức mua từ đầu năm đến nay quả thật kém, tôi nghĩ điều này không ai dám nói khác! Lượng khách đến hệ thống siêu thị không giảm nhưng giá trị trên mỗi đơn hàng phần lớn giảm nhiều. Người tiêu dùng đến siêu thị vẫn để mua sắm hàng thiết yếu chứ không còn mua sắm hàng tiêu dùng, hàng cao cấp như trước đây. Ngay trong mùa mua sắm cuối năm và cao điểm là dịp tết sắp tới, hệ thống siêu thị cũng tính toán sức mua chỉ có thể tăng 20-25%, trong khi mọi năm sức mua dự kiến bao giờ cũng tăng 40-50%!

Sức mua đã thấp, nhưng nếu không làm gì thì sẽ còn thấp hơn! Trước những khó khăn, các doanh nghiệp cần sự kết nối hơn ai hết để tiêu thụ được hàng hóa. Sắp tới, với tư cách nhà bán lẻ, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đưa những mặt hàng của doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản phẩm của các làng nghề truyền thống, đặc sản vào trong những giỏ quà tết để kinh doanh tại siêu thị.

Ông PHẠM NGỌC CHÂU (phó tổng giám đốc Công ty Hancofood):

Giá cả rẻ hơn mới kích được sức mua

Cái khó của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ VN là giá thành sản phẩm hiện nay không thể giảm được do lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Vốn vay hiện nay đã giảm nhưng vẫn còn cao khiến doanh nghiệp nhóm hàng tiêu dùng nhanh gần như mất hẳn sức cạnh tranh trước các sản phẩm của công ty đa quốc gia. Doanh nghiệp chỉ có thể vay vốn ngắn hạn với lãi suất cao, tiền bán hàng chưa kịp thu về đã lo đi gom đến đáo hạn.

Chật vật bán hàng, giữ thị trường, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đủ mệt chứ đừng nói đến việc đầu tư ra sản phẩm mới hay cải tiến sản phẩm. Chúng tôi đang có một dự án phát triển sản phẩm mới nhưng đến nay việc gõ cửa tìm nguồn vốn để nhập máy móc, thiết bị sản xuất đã thất bại. Vì những chỗ muốn cho vay thì thủ tục rườm rà, dường như rất ít ngân hàng chấp nhận những khoản vay dành cho dự án sản xuất! Hỗ trợ về vốn rất quan trọng, quyết định rất nhiều đến sự sống còn của doanh nghiệp không chỉ là câu chuyện tín dụng đơn thuần, mà quan trọng hơn là việc sản xuất và giới thiệu hàng hóa cho người tiêu dùng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận