Giải pháp chống sân golf trá hình: Truy thu thuế

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 28/06/2009 00:06 GMT+7

TTCT - 166 sân golf với trên 52.000ha đất đang được dành cho khoảng 5.000 người chơi golf tại VN. Như vậy mỗi người chơi golf được hơn 10ha để vui chơi, trong khi bình quân mỗi người ở đồng bằng Bắc bộ chỉ được phân hơn 1 sào (360m2) để trồng lúa.

Trao đổi với TTCT sau kỳ họp Quốc hội về giải pháp nào để dẹp sân golf trá hình, ông Nguyễn Đăng Vang - Phó Chủ nhiệm Uy ban Khoa học Công nghệ Môi trường quốc hội - đề xuất nhiều giải pháp, trong đó chú trọng truy thu thuế.

-Theo quy luật thị trường, cung cầu một mặt hàng hay một loại dịch vụ phải cân bằng, nếu không thị trường đó sẽ rối loạn. Sân golf ở ta đang trong tình trạng ngược đời. Chỉ có khoảng 5.000 người chơi mà có tới 166 sân. Trong khi đó tính trung bình 192 nước và vùng lãnh thổ, kể cả các nước phát triển có số người giàu nhiều hơn VN, mỗi nước cũng chỉ có 14 sân golf. Đó là lý do tại sao ta cấp phép 166 sân golf nhưng thực chất mới có mấy chục sân đi vào hoạt động. Là vì có cung nhưng chưa có cầu.

Tiêu chí mới của sân golf

Sân golf từ trước đến nay không hề có quy hoạch, cũng không phân bộ nào quản cả. Do đây là loại hình kinh doanh mới nên chỉ xử lý theo từng dự án cụ thể. Sau khi việc cấp phép sân golf được phân cấp cho các địa phương, đã có tình trạng lợi dụng giá đất để làm nhà trong sân golf, đối tượng lợi dụng chủ yếu là nhà đầu tư trong nước và địa phương điển hình với nhiều sân golf ở Long An.

Chính phủ giao Bộ KH-ĐT rà soát, làm quy hoạch sân golf từ tháng 8-2008. 166 sân golf đã được các tỉnh duyệt giờ xử lý rất phức tạp vì 145 dự án đã được cấp đất, nhưng chúng ta sẽ cố gắng để cứu được đất trồng lúa. Một sân golf theo tiêu chí mới không được chiếm quá 10ha đất lúa một vụ. Một sân golf chuẩn cũng chỉ được cấp tối đa 110ha.

Trước mắt Bộ KH-ĐT đã có kế hoạch “cắt” 50 sân golf, sẽ trình Thủ tướng quyết. Việc cấp phép sân golf sau này sẽ phải làm chặt chẽ hơn, đảm bảo đúng các tiêu chí theo quy định.

* Điều thường được né tránh là các dự án sân golf thực chất chỉ là dự án bất động sản. Chúng ta đã quá sơ hở để nhiều doanh nghiệp lợi dụng biến đất của bà con thành biệt thự?

- Đa số sân golf đang lỗ. Ngay cả sân golf Đà Lạt có đã lâu, nằm ở khu vực rất đẹp, có nhiều khách du lịch nhưng theo số liệu năm trước vẫn chưa có lãi. Nhưng người ta vẫn đổ xô làm sân golf. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói đó là trá hình. Cứ nhìn vào diện tích sử dụng cũng có thể thấy điều đó. Một sân golf theo tính toán chỉ dùng khoảng 100ha là đủ, nhưng trung bình các sân golf tại VN có diện tích hơn 300ha.

Như vậy, họ dùng 2/3 số đất sân golf để kinh doanh bất động sản. Theo tôi, phải nhìn nó là một dự án bất động sản mới đúng. Có sân golf định lấy tới 300ha toàn đất đồng bằng trồng lúa của bà con mà vẫn được cấp phép, đúng là tiếc thật.

Đồng bằng thuận lợi cho giao thông, nông nghiệp, phải là nơi dành cho các ngành sản xuất đem lại giá trị gia tăng cao hay tạo việc làm cho một lực lượng lao động lớn. Sân golf chỉ tạo được lượng việc làm vô cùng nhỏ trên 1ha. Vì vậy, một số sân golf ở đồng bằng sông Hồng theo tôi là không nên cấp phép.

* Như vậy, theo ông, nên thu hồi những dự án sân golf ở vùng đồng bằng?

- Có thu hồi hay không còn phụ thuộc địa phương. Doanh nghiệp đã được cấp phép rồi, đã triển khai, bỏ tiền đầu tư vào đó rồi, giờ anh đòi lại thì phải đền bù cho người ta. Tuy nhiên, theo tôi, cũng nên cân nhắc, nếu có dự án khác tạo hiệu quả kinh tế và việc làm cao hơn, giá trị đó đủ đền bù cho dự án sân golf thì cũng nên đền bù để giải phóng sân golf. Đây là bài toán cần đặt ra vì đó không chỉ là thiệt hại của doanh nghiệp mà còn là thiệt hại của Nhà nước.

* Để giải quyết tình trạng “lạm phát” sân golf, theo ông phải làm gì? Có lẽ chỉ cần cấm làm biệt thự, bất động sản trong sân golf để đem bán tự khắc nhiều sân golf sẽ biến mất?

- Đúng vậy. Theo tôi, Bộ KH-ĐT đã tính đến yếu tố này. Khi quy định một sân golf có diện tích không quá 110ha thì với diện tích đó người ta sẽ khó làm nhà, biệt thự để đem bán. Tất nhiên để tránh tình trạng lách luật trắng trợn, ta cũng có thể quy định những dự án bất động sản trên đó không được bán lại mà chỉ để phục vụ sân golf.

Theo tôi, nên cân nhắc lại các biện pháp thuế. Đất cấp cho sân golf chỉ khoảng 90.000đ/m2 vì đó là đất nông nghiệp. Khi anh xây nhà đem đất bán thì đất đó không còn là 90.000đ/m2 được. Ở những vùng tái định cư xa cũng đã 2 triệu đồng/m2. Với những sân golf đã xây nhà đem bán thì phải truy thu tiền đất, thuế theo diện tích kinh doanh bất động sản. Tôi đề nghị phải truy thu vì bây giờ làm gì còn giá đất nào làm nhà 90.000đ/m2, miền núi cũng không có. Để như cũ là không công bằng cho người dân bị thu hồi đất.

* Bộ KH-ĐT dự định “trảm” 50 sân golf. Theo ông, số đó có còn ít?

- Thật ra là ít. Nhưng đây là bước đầu thể hiện sự kiên quyết trong vấn đề cấp phép sân golf để các nhà đầu tư cân nhắc. Tuy nhiên, với các dự án đã làm đầy đủ thủ tục thì vấn đề “trảm” sẽ không đơn giản. Nhưng tôi nhấn mạnh là còn giải pháp thuế. Sân golf dành cho người giàu, chiếm nhiều diện tích, gây ô nhiễm lớn, ảnh hưởng an ninh lương thực... thì mức thuế phải rất cao.

Như Nhà nước không cấm ôtô nhưng ai mua một ôtô phải đóng thuế cao để Nhà nước lấy tiền làm đường, lo cho người nghèo. Nếu thuế phù hợp thực tế thì những dự án sân golf trá hình sẽ tự nhiên biến mất. Theo tôi, nếu chúng ta làm thật thì có thể không chỉ 50 dự án sân golf sẽ không tiếp tục triển khai mà có khi cả trăm dự án sẽ dừng. Người ta nhắm đến bất động sản mới làm sân golf nhiều thế, nếu như không còn mục đích này thì VN chỉ còn lại 20-50 sân là nhiều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận