Giáng sinh và chủ nghĩa vật chất

LOAN PHƯƠNG 23/12/2017 17:12 GMT+7

TTCT - Thứ bảy tuần trước, 16-12, Giáo hoàng Francis đã nói Giáng sinh giờ đang trở thành “con tin” của chủ nghĩa vật chất trong khi bỏ qua những ý nghĩa đức tin và tình thương, cũng như khiến nhiều người “ngoảnh mặt làm ngơ” trước nhu cầu của những người nghèo đói và đang thống khổ.

Giáo hoàng Francis và các tín đồ trong lễ Giáng sinh 2016 ở nhà thờ St. Peter’s ở Vatican.-Ảnh: Reuters
Giáo hoàng Francis và các tín đồ trong lễ Giáng sinh 2016 ở nhà thờ St. Peter’s ở Vatican.-Ảnh: Reuters

Nếu muốn ăn mừng Giáng sinh một cách chân thực, chúng ta cần ngẫm nghĩ dấu hiệu này: sự giản đơn mong manh của một em bé mới ra đời, sự đơn sơ của nơi mà em bé đó nằm, tình yêu dịu dàng của những quần áo tầm thường. Chúa ở đấy thôi” - giáo hoàng nói ở nhà thờ St. Peter’s.

Ông khẳng định nhiều người sống ở các nước giàu phải được nhắc nhở rằng thông điệp về Giáng sinh là sự khiêm nhường, giản dị và phép mầu.

Jesus ra đời bị một số kẻ chối từ và nhiều người khác hoàn toàn hờ hững - ngài nói - Ngày nay, sự hờ hững như thế có thể tồn tại khi Giáng sinh trở thành một buổi tiệc mà những nhân vật chính là chúng ta... khi ánh sáng của tiêu dùng đẩy lùi ánh sáng của Chúa, khi chúng ta chỉ nghĩ tới những món quà mà tẻ nhạt với những người đang sống trong khốn khó”.

Nhưng có lẽ bất chấp lời kêu gọi đó, Giáng sinh - và thật ra là gần như mọi dịp lễ truyền thống khác của nhiều tôn giáo, dân tộc khác nhau trên thế giới - đang hội tụ ở một điểm: trước hết là dịp để tiêu dùng, mua sắm và dịp hốt bạc của những đại gia bán lẻ trước khi là bất kỳ ý nghĩa xa xưa, cổ truyền và nhân văn nào.

Để hiểu được tại sao chúng ta ở trong tình trạng này, bao giờ cũng cần biết điều gì xảy ra trong quá khứ. Judith Flanders, sử gia viết nhiều sách ăn khách theo danh sách của New York Times, cố gắng tìm hiểu điều đó trong cuốn sách mới nhất của bà Christmas: A Biography (tạm dịch: Giáng sinh: một tiểu sử). 

Theo đó, ý nghĩa tôn giáo của ngày lễ này chỉ được nhấn mạnh vào sau này. Những lễ lớn vào giữa mùa đông đã được tổ chức từ trước khi Thiên Chúa giáo ra đời tại các vùng đất Hi Lạp, La Mã, Anh và Đức.

Ông già Noel tặng quà cho tre 3em ở Bờ Biển Ngà ngày 21-12-2017 - Ảnh: Reuters

 

Nhận thức hiện đại về Giáng sinh - gắn với gia đình, mua sắm, quê nhà và tôn giáo - chỉ định hình từ cuối thế kỷ 18. Lấy ví dụ, việc có một cây thông trong nhà vào dịp này chỉ trở nên phổ biến vào cuối những năm 1700 và đầu 1800.

Còn tục lệ tặng quà bắt đầu bằng việc những người giàu có, chủ lao động và giới quý tộc bố thí cho những kẻ nghèo khổ, người làm công, người hầu... mỗi dịp lễ. Phải tới đầu thế kỷ 19, phong tục tặng quà mới dần mất đi tính chất đẳng cấp để nhấn mạnh vào gia đình: cha mẹ tặng cho con cái sách vở, đồ ăn, đồ chơi...

Tuy nhiên, theo Flanders, điều trớ trêu là tầm quan trọng về văn hóa của Giáng sinh tăng lên gấp bội vào thế kỷ 20, chủ yếu vì sự lớn mạnh của chủ nghĩa tiêu dùng.

Lấy ví dụ, năm 1939, cửa hàng bán lẻ Montgomery Ward đã in 2,5 triệu bản một bài thơ của Robert L. May để phát không cho trẻ em nhằm phục vụ việc quảng cáo.

Nhưng có lẽ chưa bao giờ chủ nghĩa tiêu dùng lại áp đảo những giá trị văn hóa như hiện giờ. Xung quanh lễ Giáng sinh ở thời hiện đại là ngày Thứ sáu đen, rồi Thứ hai đồ điện tử, Thứ bảy doanh nghiệp vừa và nhỏ, tất cả chỉ với mục đích kích thích mọi người mua sắm. Dịp lễ quan trọng nhất trong năm của nhiều nước đã trở thành chủ yếu là một dịp làm ăn lớn.

Theo Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ, tổng doanh số bán lẻ trong các tháng 11 và 12-2016 riêng chi cho quà tặng là gần 680 tỉ USD. Công ty nghiên cứu thị trường Deloitte cho biết thêm nếu tính các khoản chi cho tiệc tất niên văn phòng thì con số lên tới hơn 1.000 tỉ USD.

Huffington Post bình luận về những con số đó: “Nó cho thấy cảm nhận của chúng ta rằng sự giàu có vật chất là bắt buộc. Những thứ chúng ta chỉ muốn lại trở thành những thứ chúng ta cần. Nhu cầu chi tiêu và mua sắm đó, nhất là vào dịp lễ, gây ra nhiều cảnh tượng xấu xí ở các cửa hàng Walmart và không khỏi khiến chúng ta phải tự đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao ăn mừng một dịp lễ truyền thống lại phải tốn kém như thế? Tại sao ta phải cần đủ thứ thì mới hạnh phúc?”.

Trung bình một người Mỹ chi khoảng 700 USD cho quà tặng vào dịp lễ này, theo ABC News, đó là một con số đáng buồn ngay cả với mức sống ở Mỹ.

Chủ nghĩa tiêu dùng và tiêu thụ trong Giáng sinh sẽ không biến mất. Với công nghệ hiện đại, các công ty sẽ tìm ra rất nhiều cách thức mới, thông minh và hấp dẫn để quảng cáo, lôi cuốn mọi người mua thêm nữa, nhưng rốt cuộc chỉ gia đình, bè bạn và sự quan tâm mới là những điều thực sự mang lại hạnh phúc cho các dịp này, như lời Giáo hoàng đã nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận