Giáo dục thể chất ở đại học là lỗi thời?

HUY ĐĂNG 29/05/2018 02:05 GMT+7

TTCT - Giáo dục thể chất (PE - Physical education) đang dần biến mất trong hệ thống các trường ĐH của những quốc gia phát triển. Vì sao lại như vậy?

Các trường ĐH phải dạy những môn thể thao mới lạ như hockey mới thu hút được sinh viên trong giờ thể chất. Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các trường ĐH phải dạy những môn thể thao mới lạ như hockey mới thu hút được sinh viên trong giờ thể chất. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Nên tự chọn thay vì bắt buộc

Thể dục thể thao vốn luôn được xem trọng trong hệ thống giáo dục của các quốc gia phát triển. Ở Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay cả Thái Lan, số giờ dành cho môn thể chất luôn không ít hơn 5 giờ mỗi tuần. Nhưng đó là với giáo dục bậc tiểu học và trung học. Còn ở cấp ĐH, các giờ học thể chất đang dần biến mất. Tại Singapore, chương trình giáo dục thể chất được xây dựng chỉ từ trường tiểu học đến hết bậc dự bị ĐH (tương đương lớp 11-12 ở VN).

Không có sự đồng bộ như giáo dục Singapore, việc chọn các môn học ở ĐH Mỹ tùy thuộc từng trường. Nhưng xu hướng cắt giảm các học phần giáo dục thể chất cũng ngày một rõ ở hầu hết các trường ĐH Mỹ.

Trong hệ thống giáo dục cũ của Mỹ từ những năm thập niên 1920-1930, luôn tồn tại các học phần hoặc tín chỉ bắt buộc dành cho giáo dục thể chất. Sinh viên được yêu cầu cần phải hoàn tất các yêu cầu về giáo dục thể chất mới có thể tốt nghiệp. Khảo sát của Research Quarterly for Exercise and Sport vào năm 1920 cho thấy 97% số sinh viên nước Mỹ khi đó được yêu cầu phải đạt được những chứng chỉ về thể dục thể thao mới có thể tốt nghiệp.

Nhưng đến năm 2012, con số này sụt giảm chỉ còn 39%. Những thứ bị cắt bỏ là gì? Đó là hai môn thể thao cơ bản: chạy bộ và bơi lội. Năm 1977, Hãng tin AP khảo sát vẫn có đến 42% các trường ĐH, CĐ Mỹ yêu cầu sinh viên phải vượt qua bài kiểm tra bơi lội.

Chỉ 5 năm sau đó, con số này giảm còn 8% và đến ngày nay, hầu như không còn trường ĐH nào của Mỹ yêu cầu điều này nữa. ĐH Chicago, nơi đã tồn tại học phần bơi lội gần 60 năm trời là một trong những trường ĐH gần nhất đưa ra quyết định hòa nhập vào xu thế mới. Không chỉ bỏ bơi lội, ĐH Chicago còn bỏ luôn 3 tín chỉ giáo dục thể chất từ năm 2016.

Ông Jeremy Manier, người phát ngôn của ĐH Chicago, giải thích cho quyết định của nhà trường: “Nhà trường muốn để sinh viên tự lựa chọn hình thức tập thể dục. Để hỗ trợ họ, chúng tôi đã quyết định cho các sinh viên miễn phí khi tham gia các lớp học khiêu vũ thể thao, yoga, huấn luyện thể lực trong trường. Chi phí trước đây vào khoảng 4-5 USD” - Chicago Tribune dẫn lời.

Quyết định này của nhà trường nhận được sự đồng thuận rộng rãi của các sinh viên. Yusef Al-Jarani, phó chủ tịch hội sinh viên, khi đó nói: “Một số trường cho rằng đó là kỹ năng sống có giá trị, nhưng thực chất đó là khả năng bảo vệ bản thân. Sẽ thông minh hơn nếu để sinh viên tự quyết định khi nào thì họ cần học kỹ năng này”.

 

Giáo dục thể chất là dành cho tiểu học, trung học

Các quốc gia phát triển rất xem trọng giáo dục thể chất, nhưng tại sao lại chỉ tập trung vào cấp tiểu học, trung học mà xóa sổ ở ĐH? Trong chương trình giáo dục thể chất mới nhất được cập nhật bởi Bộ Giáo dục Singapore, điều này được giải thích rõ bằng một mô hình kim tự tháp ngược (xem hình).

Phần đáy, nhỏ nhất tượng trưng cho mục tiêu của giáo dục thể chất ở cấp độ tiểu học - đơn giản chỉ là sự khỏe mạnh. “Học sinh tiểu học làm quen với sự chuyển động, các bước vận động cơ bản qua 7 môn học chính bao gồm điền kinh, bơi lội, thể hình, thể dục dụng cụ, khiêu vũ, các trò chơi thể thao ngoài trời và huấn luyện ngoại khóa” - trích từ chương trình thể chất của Bộ Giáo dục Singapore.

Ở phần thân của kim tự tháp - tương ứng cấp trung học, mục tiêu của giáo dục thể chất là mang lại sự tự tin cho học sinh, giúp các em nhận ra mình có thể áp dụng các kỹ năng thể dục thể thao vào công việc thường ngày như thế nào. Phần trên cùng, rộng nhất, là giáo dục thể chất ở cấp dự bị ĐH (khi học sinh khoảng 17-18 tuổi), mục tiêu trở thành “năng lực cho thế kỷ 21”. Học sinh ở độ tuổi này chơi thể thao không chỉ cho sức khỏe và tinh thần, mà là để rèn luyện khả năng làm việc, thể lực, sức chịu đựng, độ linh hoạt, thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống.

Toàn bộ mục tiêu của giáo dục thể chất đến độ tuổi này xem như đã đầy đủ. Khi bước vào ĐH, sinh viên Singapore hiểu được rằng thể dục thể thao là thứ không thể thiếu trong cuộc sống, họ đều phải tự tìm cho mình ít nhất một môn chơi, một CLB thể thao để không bị thiệt thòi so với bạn bè.

Phạm Minh Quang - một nhân viên ngành kinh tế đang làm việc tại Singapore, cũng là người Việt đầu tiên giành được tấm vé chính thức tham dự Giải vô địch thế giới Iron 70.3 (cuộc thi 3 môn phối hợp hiện rất nổi tiếng) - cho biết: “Sinh viên ở Singapore không phải học môn thể chất ở trường nhưng chúng tôi được khuyến khích tham gia các CLB thể thao do nhà trường tổ chức. Các CLB thể thao của trường ĐH có thể tùy ý mời về những HLV chuyên nghiệp và khi HLV làm việc với sinh viên, họ còn nhận được tài trợ”.

Việc những quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore hay các nước phương Tây không áp dụng giờ thể chất cho sinh viên cũng là điều dễ hiểu, bởi các trường ĐH nơi đây đều có những hệ thống giải đấu rất quy mô.

Tiêu biểu như Giải thể thao sinh viên NCAA của Mỹ, quy tụ một loạt tên tuổi sáng giá bậc nhất làng thể thao đỉnh cao Mỹ như Katie Ledecky (ĐH Stanford, 5 HCV Olympic môn bơi lội), Lily King (ĐH Indiana, 2 HCV Olympic môn bơi lội), Madison Kocian (ĐH UCLA, HCV Olympic môn TDDC) hay tập thể đội bóng chày Trường ĐH Connecticut (góp đến 5 thành viên trong tuyển Mỹ giành HCV ở Olympic Rio 2016)... Nhiều người vẫn thường nói đùa rằng nếu đem các ngôi sao ở NCAA ra đọ với các CLB chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, chưa biết tập thể nào sẽ trội hơn.

Nhiều bạn trẻ hứng thú với trượt ván. Ảnh: Duyên Phan
Nhiều bạn trẻ hứng thú với trượt ván. Ảnh: Duyên Phan

 

“Sinh viên VN học thể dục kiểu đối phó”

Đó là những sân chơi thể thao sôi động ở nước ngoài, còn VN thì sao? Hầu hết các trường ĐH ở VN hiện đều có học phần giáo dục thể chất trong ít nhất 2 học kỳ đầu.

Ông Vũ Đình Hoàng Tùng, giáo viên Trường ĐH Sư phạm TDTT cùng một số ĐH khác ở TP.HCM, cho biết nhiều trường ĐH ở TP.HCM có số tiết giáo dục thể chất vào khoảng 150, gồm 60 ở học kỳ đầu và 90 học kỳ sau. Nếu học kỳ sau, sinh viên có thể chọn môn thể thao để chơi thì 60 tiết học kỳ đầu thường bao gồm điền kinh hoặc các bài thể dục buổi sáng.

“Mới đây ở một trường ĐH, chúng tôi đã thống nhất sẽ thay các bài thể dục buổi sáng bằng thể dục nhịp điệu và yoga để sinh viên bớt chán. Thực sự, các bài thể dục này các em đã được học suốt từ mẫu giáo nên gần như không thấy bổ ích, hứng thú gì nữa” - ông Tùng nói.

Ông Tùng cũng cho biết phần đông sinh viên kém ý thức tập luyện thể dục thể thao, chất lượng thể lực ngày càng sa sút. “Trước khi vô năm học, tôi thường cho các sinh viên chạy 800m để kiểm tra thể lực.

Phần đông sinh viên nữ thậm chí không chạy nổi, chủ yếu là vừa chạy vừa đi bộ. Ý thức tập luyện TDTT của sinh viên ngày nay khá kém, họ không có được suy nghĩ phải tập luyện thể thao mới có sức khỏe mà chỉ học giờ thể chất kiểu đối phó. Một phần điều này cũng bởi cơ sở vật chất của các trường ĐH quá kém. Chưa nói đến việc không có sân chơi các môn thể thao khác, ra một sân tập chạy bộ hoàn toàn không có bóng mát cây xanh, trời nắng nóng quá mức thì các sinh viên nữ sợ giờ thể chất cũng dễ hiểu”.

Phần đông các ĐH ở VN không có sân bãi. Một số ít trường có nhà thi đấu thể thao thì sinh viên cũng phải bỏ tiền thuê mới được sử dụng. Đây là điều không tồn tại ở Singapore - quốc gia có mật độ dân số lớn gần gấp đôi TP.HCM. Phần lớn các trường ĐH Singapore đều có cơ sở vật chất dành cho thể thao cực tốt, với ít nhất một sân bóng đá, một sân thể thao trong nhà và các phòng tập thể hình.

Ông Guru - quản lý nhà thi đấu thể thao của Trường CĐ Nanyang Polytechnic - cho biết: “Theo tính toán, cơ sở thể thao của chúng tôi đủ cho toàn bộ sinh viên tập luyện 3 giờ/tuần ở một môn nào đó, tất nhiên họ đều phải đăng ký trước. Sân của trường là dành cho các sinh viên, vì nó được xây nhờ học phí của họ. Người ngoài muốn vào chơi phải được một CLB của sinh viên ký giấy bảo lãnh”.■

Sinh viên cần những sân chơi sáng tạo

Ở Hà Nội và TP.HCM hiện cũng có một số giải đấu thể thao sinh viên mang màu sắc năng động, quy mô do những công ty tư nhân hoặc chính các sinh viên tự đứng ra tổ chức. Tiêu biểu là VUG - giải đấu thường niên ra đời từ năm 2013 được xây dựng theo mô hình của NCAA, quy tụ hàng chục trường ĐH tham dự, với khán đài chật kín sân mỗi trận đấu. Hoặc một giải đấu bóng chuyền thường niên khác cũng quy tụ đến 22 trường ĐH tham dự. Tuy nhiên, những sân chơi này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn và cũng chưa có nhiều môn thi đấu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận