TTCT - Theo quy hoạch về giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, TP sẽ xây dựng 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài 70,7km, góp phần giải quyết giao thông cho TP có 10 triệu dân. Hệ thống giao thông ở TP.HCM đã được đầu tư mạnh mẽ nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội. Ảnh Quang Định. Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng về phương án lựa chọn nhà đầu tư tuyến đường trên cao số 1, UBND TP.HCM cho biết theo mục tiêu đến năm 2020, TP phải xây dựng 1-2 tuyến đường trên cao. Nhưng đến nay TP vẫn chưa có tuyến nào triển khai, nên cần sớm xây dựng đường trên cao số 1 để giải quyết ùn tắc giao thông tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Nguyễn Thế Thông Cấp bách làm đường trên cao Theo UBND TP, tuyến đường số 1 có lộ trình từ nút giao Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) nối dài đến đường Điện Biên Phủ. Từ đây tách một nhánh lên xuống đường Điện Biên Phủ, nhánh còn lại theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc trước cầu Phú An (Q.Bình Thạnh) dài 9,5km, rộng 17,5m với 4 làn xe. Tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng, chi phí bồi thường khoảng 3.000 tỉ đồng. Đây là trục xương sống, kết nối các tuyến đường bộ trên cao số 2, 3, 4 và 5 để hình thành mạng lưới đường bộ trên cao, đóng vai trò chuyển tiếp xe từ các tuyến giao thông nội ô, thoát nhanh ra tuyến đường vành đai, các trục chính, cửa ngõ... nhằm giải quyết nhu cầu giao thông ngày càng tăng nhanh. Ông Lê Quốc Bình, giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), cho biết hiện đơn vị đã đề xuất đầu tư dự án trên và đang khảo sát lập dự án. Trong cuộc họp mới đây với Sở GTVT TP và các sở ngành TP, liên danh các nhà đầu tư gồm: Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng 620, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON và Vgroup đã đề xuất làm dự án đường trên cao số 5. Theo liên danh trên, dự án đường trên cao số 5 đoạn từ nút giao quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội đến Tân Tạo - Chợ Đệm (Q.Bình Tân) dài 30,4km, dự kiến thi công vào năm 2017. Theo ông Trần Văn Thi - tổng giám đốc CIPM Cửu Long, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng, xây dựng tuyến đường dài 30,5km, rộng 17,5m cho 4 làn ôtô lưu thông với vận tốc 80 km/h. Dự án sẽ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao), thi công giai đoạn 1 năm 2017-2019 và giai đoạn 2 năm 2020-2022. Thời gian hoàn vốn thu phí khoảng 25 năm, bắt đầu từ năm 2020. Đồ họa: Nguyễn Thế Thông Lượn lên, lượn xuống Các chuyên gia giao thông cho rằng ngoài đường trên cao, TP cần xây dựng nút giao thông “lượn lên” (cầu vượt) hoặc “lượn xuống” (đường hầm) mới giải quyết ùn tắc giao thông ở các giao lộ. Tại cuộc họp vào giữa năm 2016 bàn về việc giải quyết ùn tắc giao thông ở TP, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng TP cần đẩy mạnh thực hiện quy hoạch giao thông, xây dựng các công trình giao thông trên cao vì dưới mặt đất đã quá tải. Nhưng theo Sở GTVT TP, để xây dựng nút giao thông khác mức cần vốn đầu tư rất lớn vì kinh phí bồi thường cao, nhất là khu vực nội ô. Vì vậy sở chọn nút giao thông bị ùn tắc nhiều nhưng ít giải tỏa như nút giao thông Mỹ Thủy (giao lộ Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định - đường vành đai phía đông TP) để làm trước. Công trình khởi công tháng 6-2016, vốn đầu tư 838 tỉ đồng, nhằm xóa “điểm đen” về tai nạn và ùn tắc giao thông được xem là nặng nhất TP. Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 2, đây là tuyến có số lượng xe tải, xe container lưu thông cao nhất TP với khoảng 18.000 lượt xe/ngày đêm ra vào cảng biển Tân Cảng Cát Lái. Nút giao thông Mỹ Thủy gồm một cầu vượt trên đường vành đai 2 cho 4 làn xe, hầm chui từ vành đai 2 đi Cát Lái cho 2 làn xe, xây cầu Kỳ Hà 3 cho 4 làn xe... Tháng 9-2016, TP triển khai xây dựng nút giao thông ngã sáu Gò Vấp, vốn đầu tư 405 tỉ đồng. Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 3, dự án chỉ giải tỏa một phần mặt tiền nhà đường Phạm Ngũ Lão, mỗi bên 3m. Cầu vượt làm bằng thép dạng chữ Y gồm: nhánh cầu 1 hướng đường Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm và nhánh cầu 2 hướng đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh. Cũng trong tháng 9-2016, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO khởi công xây dựng nút giao thông Gò Mây ở giao lộ quốc lộ 1 - đường Lê Trọng Tấn - đường Nguyễn Thị Tú (Q.Bình Tân), vốn đầu tư 511 tỉ đồng để giải quyết ùn tắc giao thông đoạn quốc lộ 1 thuộc TP.HCM (hướng từ miền Đông đi miền Tây và ngược lại). Ông Võ Khánh Hưng - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3 - cho biết sắp khởi công xây dựng nút giao thông An Sương (Q.12 - H.Hóc Môn). Theo đó, sẽ xây dựng hầm chui theo hướng đường Trường Chinh - quốc lộ 22 mỗi bên một hầm chui cho mỗi chiều xe đi, về trung tâm TP. Vốn đầu tư công trình là 514 tỉ đồng, trong đó vốn xây dựng 314 tỉ đồng, còn lại là chi phí bồi thường, dự kiến tháng 1-2017 khởi công. UBND TP cũng cho biết sẽ triển khai các cầu vượt tại nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh (Q.Tân Bình - Q.Tân Phú), nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (Q.7). UBND TP và Bộ GTVT cũng thống nhất đẩy nhanh dự án nút giao thông An Phú (Q.2) với hệ thống cầu vượt, hầm chui nhằm giảm ùn ứ xe từ đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của và đường nối vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.■ Hiện ùn tắc giao thông ngày càng tăng trên các tuyến đường lân cận đến sân bay Tân Sơn Nhất. Theo Sở GTVT TP, sân bay Tân Sơn Nhất được thiết kế tiếp nhận 25 triệu lượt khách/năm, nhưng dự báo đến cuối năm nay đạt 32 triệu lượt khách. Vì vậy các tuyến đường vào sân bay quá tải. Trước tình hình trên, cuối tháng 11-2016 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý theo đề xuất của UBND TP là thực hiện cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách tại khu vực trên. Cụ thể, TP thực hiện hai dự án gồm xây dựng hai cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - Hồng Hà (Q.Tân Bình) và nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) theo lệnh khẩn cấp. Cầu vượt Trường Sơn - Hồng Hà có dạng hình chữ Y, cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Sơn vào nhà ga quốc tế dài 303,8m, nhánh cầu vào nhà ga quốc nội dài 153,8m, vốn đầu tư 242 tỉ đồng. Cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) nhằm giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, có dạng hình chữ N gồm một cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, một cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám và một cầu vượt từ đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn, vốn đầu tư 504 tỉ đồng. Dự kiến đầu năm 2017 triển khai hai dự án trên. Tags: Giao thôngĐường trên caoChống kẹt xeĐường tránh kẹt xe
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Xe Phương Trang tông đuôi xe Hồng Sơn trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, 2 người chết tại chỗ ĐỨC TRONG 19/09/2024 Vụ tai nạn nghiệm trong giữa 2 xe giường nằm hãng Phương Trang và Hồng Sơn vừa xảy ra khoảng 0h ngày 19-9 tại Km191+500 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khiến 2 người chết, nhiều người bị thương.
Bà nuôi cháu mất cha mẹ từ mới lọt lòng: Nó đậu đại học tui mừng quá! LÊ TRUNG 19/09/2024 Mới 4 ngày tuổi cha tai nạn giao thông qua đời, một năm rưỡi sau mẹ bệnh mất. Nữ lớn lên không nhớ mặt cha mẹ. Mười mấy năm bà nội nuôi đứa cháu mồ côi Lê Trần Ngọc Nữ (thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Nay Nữ vào đại học.
Diễn biến áp thấp nhiệt đới rất phức tạp, có thể thay đổi cấp độ, hướng di chuyển NGỌC AN 18/09/2024 Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 98 ngày 18-9 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tin tức sáng 19-9: Giá nhà miền Bắc tăng gấp đôi; Kế toán trưởng FLC xin chấm dứt hợp đồng TUỔI TRẺ ONLINE 19/09/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Giá nhà miền Bắc tiếp tục tăng mạnh, miền Nam biến động không quá lớn; Một doanh nghiệp bất động sản 'khất' nợ trái phiếu đến lần thứ hai; Kế toán trưởng FLC xin chấm dứt hợp đồng lao động...