TTCT - Mũi Sa Vĩ của Trà Cổ chính là điểm đầu tiên để chấm nét bút vẽ nên hình chữ S của bản đồ Việt Nam. Đất biển chốn địa đầu này còn mặn vì máu, vì mồ hôi, nước mắt của đời dân, đời lính bao đời... Những con thuyền trên biển Trà Cổ - Ảnh: Ngọc Quang Mũi Sa Vĩ (Trà Cổ, huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) 9g sáng một ngày đầu đông, sau khi chụp mấy tấm hình ở cột mốc km 0, đầu con đường Tràng Vĩ, chúng tôi ghé thăm những người quen cũ ở trạm biên phòng đứng chân cạnh đó. May quá, sau hai năm trở lại vẫn được gặp những người lính biên phòng từng đưa chúng tôi ra cột mốc 1378, cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt - Trung, phân định biên giới ngay ở cửa sông Bắc Luân. Gió qua miền Sa Vĩ Gió mùa đông bắc ràn rạt tràn qua mặt sóng, quất tê buốt, dù người đi đã ủ kín mấy lần áo. Đã trải gần khắp tuyến biên giới Việt - Trung từ mốc số 0 trên đỉnh Khoang La San (ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung) về tới cột mốc cuối cùng ở bãi Dậu Gót này nhưng chưa ở đâu tôi thấy gió ác liệt như ở đây. Có lẽ gió của miền cửa biển khác với gió của vùng sơn cước. Chén trà anh em trong trạm biên phòng vừa rót ấm sực trên tay, chỉ một chốc đã nguội hẳn bởi giá rét. Tuyến biên giới Việt - Trung được đánh dấu bởi 1.971 cột mốc, với 1.378 cột mốc chính và 593 cột mốc phụ. Hành trình từ cột mốc số 0 trên đỉnh núi Khoang La San thuộc bản Tá Miếu, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) - cực Tây của Việt Nam - băng qua địa phận các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh... với những địa danh Ma Lù Thàng, Lũng Pô, Lũng Cú, Bản Giốc, Chi Ma... về đến cột mốc 1378 cuối cùng ở cửa sông Bắc Luân này với chiều dài gần 1.450 cây số cũng là hành trình có một không hai gợi về những trang sử bi tráng. Và những gian nan của người lính biên phòng trên tuyến đường biên này chưa bao giờ vơi nhẹ. Để leo lên mốc số 0 trên đỉnh Khoang La San hay cột mốc trên cồn Pò Thoong đầu thác Bản Giốc giờ đây không là chuyện quá khó khăn với những bạn trẻ ham khám phá chinh phục. Nhưng để đặt được chân lên thềm cột mốc 1378 nơi cửa sông Bắc Luân lại là chuyện không dễ dàng, dù từ cột cây số 0 Tràng Vĩ, qua tấm biển “Vành đai biên giới” có thể nhìn thấy mốc 1378 hiện ra sừng sững giữa muôn trùng ngọn sóng cửa sông đang ào ạt duềnh lên dưới gió mùa đông bắc. Cột mốc 1378 - cột mốc cuối cùng trên biên giới Việt - Trung nằm ở cửa sông Bắc Luân, trên hòn Dậu Gót - Ảnh: Ngọc Quang Hôm chúng tôi ra mốc 1378, ngồi lại cùng các chiến sĩ ở trạm biên phòng Tràng Vĩ mới nghe được câu chuyện về việc xây dựng cột mốc khá đặc biệt này. Hòn Dậu Gót có nền đất yếu, thủy triều lên là toàn bộ hòn chìm xuống dưới mặt nước. Bởi thế, khi xây mốc, những người lính phải đào sâu xuống tận tầng đá gốc rồi xây bệ mốc cao hơn chục mét, sau đó mới xây mốc trên bệ trụ, để khi thủy triều lên, mốc vẫn nổi cao trên mặt nước. Từ trên cột mốc 1378, nhìn qua phía bên kia là những thôn làng Trung Hoa với khá nhiều người Việt sinh sống. Gần 20 năm trước, nhà báo Ngọc Vinh của báo Tuổi Trẻ đã từng qua đó để “tìm những người anh em đồng tộc”. Sau gần 20 năm, biên giới bây giờ không còn nóng như hồi ấy, nhưng vùng biên ải đông bắc này vẫn còn “nóng” theo một nghĩa khác. Những ngày công tác tại Móng Cái, tìm hiểu biên mậu sau gần một năm bị “cấm biên” mới hiểu ra rằng biên ải có những cuộc chiến không tiếng súng mà khiến người ta thương tích đớn đau. “Cấm biên” chỉ là một cách nói chứ không phải là cấm, không cấm mà như cấm bởi hàng rào thuế quan giữa hai bên được kiểm soát gắt gao hơn, chủng loại mặt hàng được giới hạn, những container hàng hóa trước đây chỉ mất vài chục phút kiểm hóa, nay có khi đứng yên hàng giờ, hàng ngày. Những công ty chuyên đánh hàng qua lại khu vực biên mậu sôi động bậc nhất trên tuyến đường biên Việt - Trung này gần một năm qua đã có khối ông chủ chết đứng! Trở lại những bến sông náo động dọc biên giới Móng Cái, từ Ka Long đến bến Lục Lầm, chỉ thấy những đội thuyền im ắng, nhịp đập biên mậu dường như đang vắng lặng. Nhưng càng cấm biên thì dân buôn lại càng tìm cách vượt ải. Nhớ chuyến đi trước, khi trò chuyện với đại úy Bùi Văn Tảo, khi ấy là đội phó trinh sát của đồn biên phòng Trà Cổ, anh tâm sự rằng ở đây, vì nhiệm vụ có khi bắt những vụ buôn lậu trị giá hàng chục tỉ đồng, dân buôn lậu cay lắm, có khi bắn tiếng đe dọa cả tính mạng vợ con mình ở quê. Có lẽ cũng vì lo xa như thế mà chuyến trở lại này, mấy anh em chúng tôi được ghé thăm nhà của anh Tảo - một cái quán nhỏ bên biển Trà Cổ, nơi vợ anh - một y tá ở quê - đưa các con lên đây sinh sống. Nhìn cuộc sống những người lính biên phòng hôm nay, nơi vùng đất này, chúng tôi lại nhớ đến những người mở cõi của miền Trà Cổ từ trong huyền sử... Điểm đầu tiên chấm nét bút vẽ nên hình chữ S của bản đồ Tổ quốc - Ảnh: Ngọc Quang Từ thẳm sâu lịch sử Biên viễn nơi cuối trời Đông Bắc này mang những truyền kỳ bất tử. Hôm chúng tôi ghé vào nhà cụ Nguyễn Thư Thái, 75 tuổi, ở xóm Nam Thọ, phường Trà Cổ, mới hay lịch sử mảnh đất Trà Cổ này có những điều thật kỳ lạ. Nhiều người vẫn kể về lịch sử Trà Cổ rằng cách đây 5-6 thế kỷ, một nhóm 12 gia đình dân chài từ Đồ Sơn bị bão cuốn dạt ra tận đây. Sau bạo nạn, sáu gia đình không chịu nổi sự khó khăn của vùng đất mới đã cảm thán: “Ở đây ăn bổng lộc gì/Lộc sung thì chát lộc si thì già” rồi giong thuyền về quê cũ. Sáu gia đình còn lại thì lạc quan hơn, quyết bám trụ với miền đất mới đã có câu ca: “Ở đây vui thú non tiên/Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”. Ông cha xưa vốn tinh tế và sâu sắc, trong câu chuyện truyền kỳ kia đã ẩn tàng một ngụ ngôn riêng về miền đất phên giậu này. Đình làng Trà Cổ đóng trên đất thôn Nam Thọ, cụ Thái bảo đình được dựng từ thế kỷ 15 (năm 1462), cách nay gần 600 năm, như vậy không thể nói lịch sử của làng chỉ 600 năm được, phải xa hơn, phải về đây sinh sống, có tích lũy vật lực rất lâu mới nói đến chuyện xây đình xây chùa. Lại càng không thể nói đây chỉ là miền đất của những người bị bão đánh dạt vào, bởi những voi chiến ngựa chiến được chạm khắc, dựng phù điêu quanh đình chứng tỏ đây là miền đất chiến trận, tổ tiên của người Trà Cổ phải là những người trấn giữ vùng phên giậu biên ải nước nhà. Chỉ riêng ngôi đình Trà Cổ thôi đã đủ chứng minh không chỉ có cột mốc biên cương trên thực địa mà bản thân ngôi đình cũng là một cột mốc văn hóa mang ấn chỉ của người Việt, đầy bản sắc Việt và tinh thần Việt. Đến miền đất cuối trời Đông Bắc này, chỉ cần ngắm ngôi đình làng biển này sẽ thấy ngay những ý nguyện mà cha ông gửi gắm. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết khi viết ca khúc Mái đình làng biển, ông lấy cảm hứng từ chính “mái đình xưa làng Việt/thanh thanh một góc trời” này để những lời ca bật lên từ thẳm sâu tinh thần dân tộc, tự tình quê hương: “Gửi vào đây vào đây vui buồn người Việt/Gửi vào đây vào đây tâm hồn người Việt...”. Nằm cách biên giới Việt - Trung chỉ vài cây số theo đường chim bay, nhưng ngôi đình mang phong cách kiến trúc thuần Việt, từ những đầu đao trên mái đình cho đến hoa văn chạm khắc trang trí. Chính kiến trúc ngôi đình tự thân đã mang một tuyên ngôn về chủ quyền và văn hóa Việt. Lần trở lại này thấy ngôi đình sau bao nhiêu va đập của dâu bể thời gian đã có nhiều hạng mục xuống cấp. Nhưng người trong làng bảo đang có kế hoạch đại trùng tu đình, từ nâng cốt nền đến phục chế, thay thế, chống mối mọt cho các cấu kiện gỗ, phục chế mái, tu bổ nhà thủ từ, nghi môn, tứ trụ... với kinh phí hơn 22 tỉ đồng để kịp tháng 6 âm lịch năm 2013 sẽ hoàn thành đúng dịp lễ hội đình làng (diễn ra vào đầu tháng 6 âm lịch hằng năm). Đình Trà Cổ khi chưa sửa chữa - Ảnh: Ngọc Quang Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Thư Thái khi cụ đang cần mẫn viết những bài diễn ca về nghề làng, mỗi bài diễn ca gắn với một người làng vốn chuyên biệt với riêng một nghề. Cụ cũng đang phục dựng những công cụ của nghề biển cổ truyền riêng có của làng. Nhìn dáng vóc của ông cụ tuổi “cổ lai hi” bên ngôi nhà cạnh bãi biển Trà Cổ, vẻ say sưa khi cụ nói về lịch sử của miền đất này như thể chính cụ cũng là một “cột mốc” của biên ải này, như hàng vạn đời dân đi qua bao nhiêu sóng gió của vùng đất cuối trời đông bắc, gìn giữ chủ quyền và trao truyền cho những thế hệ sau. Bên ngoài sân nhà cụ Thái, mấy người con của cụ dù đã phương trưởng nhưng sáng nào cũng vậy, sau mẻ lưới kéo lên từ biển, mọi người đều mang lưới về đây ngồi gỡ. Những mẻ lưới đánh bắt nơi vùng biển Đông Bắc này không thật trĩu nặng cá tôm nhưng cũng đủ chi dùng cho cuộc sống. Ra khơi từ 4-5 giờ sáng, tầm 9-10 giờ thu lưới về, mỗi mẻ cũng được 7-10kg tôm biển. Mỗi cân tôm bán tại chỗ giá 250.000 đồng, trừ chi phí dầu máy vẫn dư chút đỉnh, chưa kể cá, ghẹ, cua... Nhưng Trà Cổ không chỉ như câu thơ xưa “vui thú non tiên/tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”, hồi tháng 6-2012, trong dịp trao chín kỷ lục về biển và hải đảo của “Tuần lễ biển đảo Việt Nam” tại Vũng Tàu, Trà Cổ được trao kỷ lục bãi biển dài nhất của Việt Nam với chiều dài 17 cây số. Không chỉ là bờ biển dài nhất, Trà Cổ còn là bãi biển đầu tiên của nước ta trên chiều dài hơn 3.200 cây số bờ biển tính từ mũi Sa Vĩ cho đến mũi Nai (Hà Tiên, Kiên Giang) giáp với Campuchia. Còn với bất cứ người Việt nào, mũi Sa Vĩ của Trà Cổ chính là điểm đầu tiên để chấm nét bút vẽ nên hình chữ S của bản đồ Việt Nam, bởi thế, cũng như khi đứng ở cột mốc số 0 cực Tây Việt Nam - ngã ba biên giới trên đỉnh Khoang La San - hay đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú, dấu mốc cực Bắc Tổ quốc, mũi Sa Vĩ địa đầu Đông Bắc vẫn mang đến cảm xúc thiêng liêng cho những ai đặt chân đến đó! Đến đây và nghe ngọn gió nơi địa đầu mang hơi muối ngấm vào trong ta vị mặn rất riêng của nó, mới hiểu vị mặn ấy không chỉ vì muối. Đất biển chốn địa đầu này còn mặn vì máu, vì mồ hôi, nước mắt của đời dân, đời lính bao đời... Lâu nay, để đánh dấu điểm đến của vùng đất cuối trời Đông Bắc đất nước, khách về với Sa Vĩ chỉ có thể đứng tựa vào một cột cây số đề Tràng Vĩ - km 0 hoặc đứng cạnh tấm phù điêu quá đỗi đơn sơ tượng hình ba cây phi lao - biểu tượng của Trà Cổ với những câu thơ Tố Hữu: “Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/Từ Trường Sơn vươn tới Trường Sa/Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa...”. Giờ đây, ngay cạnh đấy có thể nhìn thấy một cụm công trình bề thế hơn, đồ sộ hơn để đánh dấu vị trí thiêng liêng này, đó là “Cụm thông tin cổ động Sa Vĩ” được Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ninh đầu tư 51 tỉ đồng xây dựng. Trên khu đất rộng nay vẫn ngổn ngang vật liệu, sắt thép, nhưng khi hoàn thành đây sẽ là một tượng đài lớn với cụm cây dương vút lên trên vành nền trống đồng Ngọc Lũ. Quanh vành trống là bức tranh khảm gốm với những hình tượng văn hóa truyền thống... Tags: Việt NamLịch sửQuân đội nhân dânTemTrà CổMũi Sa VĩVùng Đông BắcĐịa đầu Đông Bắc
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Toàn cảnh thảm khốc Làng Nủ: Cha đi tìm con giữa tan hoang lũ quét 14/09/2024 Thảm khốc ấy ập đến khi người dân Làng Nủ còn đang ngủ. Lũ quét đi tất cả. Bao gia đình tan hoang, con mất mẹ, chồng mất vợ, tang thương bao trùm lấy ngồi làng nghèo giữa đại ngàn bao phủ.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.
Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà, người dân khu vực này cần chú ý LÊ PHAN 14/09/2024 Do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên hệ thống sông Đồng Nai - La Ngà đang lên, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần chú ý.
Ngoài bánh chưng, mì tôm, có thể cứu trợ thực phẩm gì cho bà con vùng bão lũ? DƯƠNG LIỄU 14/09/2024 Ngoài đóng góp tiền, đồ dùng thiết yếu, những loại thực phẩm nào nên được mang đến cho người dân lúc này?