Giờ, sức đâu!

NGUYỄN TÂN HẢI 07/05/2014 22:05 GMT+7

TTCT - Dân quê tôi có tật nói nuốt tiếng, chẳng hạn làng Phước Thiện Xuân, họ nói Phước Xuân. Gần đây, đi đâu tôi cũng nghe “Giờ, sức đâu!”, tôi hiểu nghĩa là “Thời bây giờ, hơi sức đâu”.

Tranh: Lê Thiết Cương

Người hàng xóm của tôi lớn giọng tự hào: “Giờ, sức đâu! Mình cho con gái nghỉ học rồi, cháu đang học trung cấp kế toán. Nghĩ coi, học cho cố, cho mệt xác ra làm hai ba triệu tháng, ở nhà nấu cơm, nhẹ nhàng, trắng da dài tóc. Trời thương thanh long cứ giữ giá một ký hai ba chục ngàn kiểu này, tạ thanh long đã hơn tháng lương. Đầu trên xóm dưới người ta cho con nghỉ học rần rần, trung học cũng bỏ, đại học cũng bỏ. Mình mở mắt ra ông ạ, chẳng dại gì để con khổ”.

Bà má già ở đối diện nhà, đêm nào cũng lụ khụ lụi hụi toát mồ hôi mở cái máy vi tính, căng đôi mắt kèm nhèm, tay dò dò lần theo từng con chữ trên cái “meo” của thằng con cả gửi về, lời lời hỏi, chữ chữ thăm, chung chung mọi bề, chỉ kết thư là đậm tình má con: “Má ơi! Con bận lắm không về được”.

Cả buổi mới đọc tới dòng kết, bà bỏ kính, khum tay đập đập vào lưng, miệng móm mém lầm bầm đúng giọng ngày xưa: “Lưng còng vú xếch vì mày con ơi”. Bà kể: “Cả năm không tăm hơi, chỉ “meo”, hồi trước nhìn chữ viết trên giấy còn thấy có gì của nó, bây giờ meo miếc na ná nhau hết, hổng biết có phải nó viết hông nữa. Hồi trước còn dài cổ ngóng con. Giờ, sức đâu!”.

“Từ ngày có con đường láng nhựa, thanh niên trai tráng thi nhau “vuốt”, “vuốt”, tay ga mới cáu vuốt, mấy đống sắt cổ lỗ sĩ cũng vuốt, chết quá luôn”. Một bà buôn chuyện vừa nói vừa ra điệu bộ như người diễn kịch, cuối cùng bà vừa thở ra vừa nói: “Ở mặt đường đêm ngủ không được vì ba cái vụ đua xe chết chóc. Giờ, sức đâu!”.

Tôi có người bạn là thầy giáo, anh có chiếc bàn đá ở ngoài vườn. Mặt bàn nhẵn thín, là nơi uống trà hằng ngày của chúng tôi. Nguyên thủy của nó là khối đá granite tự nhiên, mặt trên gần giống mặt bàn nhưng lồi lõm, xù xì. Mỗi lần vợ anh to tiếng gắt gỏng đòi anh phải nghỉ dạy để đi trồng thanh long thu nhập cao hơn cho bằng chị bằng em, anh lẳng lặng ra vườn dồn hết nỗi thất vọng, cơn bực tức và cả năng lượng trong người chực bùng vỡ phản kháng vào mặt đá.

Hai tay ghì chặt khối đá xây nhà, anh chà mài cật lực, điên cuồng vào mặt bàn đá, thường thì khi mồ hôi đẫm áo, hai tay rã rời, cả cơ thể đổ gục xuống cũng là lúc cơn bực dọc, giận vợ tan biến. Anh lại mỉm cười tự tại giữa cơn sóng gió tiền bạc gào réo, kêu đòi, so bì và thậm chí sỉ nhục anh hằng ngày. Anh hay tâm đắc đọc câu ca dao: “Thà rằng ăn bát cơm rau/Còn hơn thịt cá nói nhau nặng lời”.

Vậy mà thời gian gần đây anh cũng đã bỏ dạy, sáng sáng, chiều chiều, mặt mày bơ phờ, tóc râu lởm chởm, chở vợ với hai cái giỏ to đùng hai bên đi mua thanh long về bỏ cho đại lý. Gặp tôi, anh ngỏn ngoẻn: “Giờ, sức đâu!”.

Một anh cán bộ xã 10 giờ sáng đã lăng xăng, hối hả về nhà, tôi hỏi: “Hôm nay xã ít việc hả anh?” . Anh thật tình trả lời: “Về chăm vườn thanh long cho chắc ăn. Giờ, sức đâu!”.

Tôi cứ như lạc lõng ngay giữa quê mình, thật khó mà tường tận cái lý “Giờ, sức đâu!” của người quê tôi, nó giống như một sự lao theo, thả trôi không cưỡng lại được. Xênh xang đấy. Đổi đời đấy. Nhà cao cửa rộng, xe lên đời, ăn sung mặc sướng đấy. Nhưng có gì đó đúng như dự báo từ hàng bông bụt: “có đỏ mà chẳng có thơm”, như chiếc áo lòe loẹt, rộng rinh được khoác trên cơ thể còi cọc.

Con người đang rơi dần vào lỗ đen vô cảm, dễ dãi, đầu trên xóm dưới đều nhất loạt xem tiền là giá trị duy nhất trên đời này. Đôi lúc cám cảnh thương vợ con mình, tôi cũng muốn bỏ quách việc đang làm mà buông xuôi: “Giờ, sức đâu!”. Nghĩ vậy mà rồi lần nào cũng cưỡng lại được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận