"Giới tính thứ ba": những bước đi mới

TTCT - Tại Việt Nam, cái nhìn về người đồng tính đã có những thay đổi đáng kể so với các năm trước đây. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, đã bắt đầu thực hiện những chính sách cởi mở để bảo vệ quyền lợi của “giới tính thứ ba”.

Phóng to
Học sinh Trường mẫu giáo Egalia ở Stockholm (Thụy Điển) tự do lựa chọn đồ chơi theo ý thích của bản thân chứ không bị ép vào khuôn mẫu giới tính - Ảnh: Polikiten

Tại hai trường mẫu giáo Nicolaigarden và Egalia ở Stockholm (Thụy Điển), các giáo viên tránh dùng từ “cô”, “cậu”, “con trai”, “con gái”... Họ khuyến khích các học sinh gọi nhau một cách đơn giản là “bạn”. Khi một học sinh nữ đập phá đồ chơi, giáo viên sẽ không trách mắng cô bé hay dạy cô rằng con gái không được hành động như vậy.

Thư viện của trường có rất ít những truyện cổ tích như Cô bé lọ lem hay Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn với những nhân vật nam nữ khuôn mẫu rõ ràng, nhưng lại đầy những truyện về cha mẹ đơn thân hay những cặp vợ chồng đồng tính.

Các giáo viên không khuyến khích học sinh nữ chơi đồ hàng và học sinh nam chơi đồ chơi Lego. Một trong những đồ chơi phổ biến nhất trong trường là những búp bê thể hiện trạng thái cảm xúc như vui sướng hay giận dữ. Điều đặc biệt là tất cả các búp bê này đều không mặc quần áo và không thể hiện rõ giới tính nam hay nữ.

“Xã hội mong muốn các bé gái thể hiện nữ tính, dịu dàng và xinh xắn, còn các bé trai phải mạnh mẽ, hướng ngoại. Trường Nicolaigarden tạo điều kiện cho chúng được là chính mình” - Hãng tin AP dẫn lời giáo viên Jenny Johnson, 31 tuổi, của Trường Egalia khẳng định.

Xóa nhòa khoảng cách giới tính

Bà Lotta Rajalin, 52 tuổi, giám đốc của Trường Nicolaigarden và Egalia, cho biết nhà trường đặc biệt chú trọng tới việc nuôi dưỡng một môi trường giúp trẻ em thông cảm với người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới. Ngoài Nicolaigarden và Egalia, ở Stockholm còn có bốn trường tiểu học công lập khác áp dụng mô hình giáo dục tương tự.

Thụy Điển là quốc gia đặc biệt tôn trọng nữ quyền và trong những năm gần đây trở thành nước tiên phong tại châu Âu trong việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và cho phép các cặp đôi đồng tính được nhận con nuôi.

“Chúng tôi đang hướng tới việc xây dựng một xã hội trung lập về giới tính” - tạp chí Time dẫn lời nhà báo P.M. Nilsson khẳng định. Dù những mô hình mới như Trường mẫu giáo Nicolaigarden và Egalia vẫn vấp phải một số phản ứng, nhưng trên thực tế xã hội Thụy Điển đang ngày càng xóa nhòa khoảng cách giới tính.

Chỉ cần ở vài ngày tại Thụy Điển, bạn sẽ phát hiện rất nhiều nỗ lực của xã hội nhằm xóa nhòa khoảng cách giới tính. Dễ nhận thấy nhất là việc sử dụng từ “hen” dành cho những người không muốn được xác định một cách cụ thể là nam hay nữ, thay cho từ “han” (anh ấy) và “hon” (cô ấy).

Từ “hen” đã được đưa ra từ thập niên 1960 nhưng chỉ trở nên phổ biến vào năm 2012, khi tác giả truyện thiếu nhi Jesper Lundqvist sử dụng nó trong cuốn Kivi and the monster dog (Kivi và con chó quái vật). Cũng trong năm 2012, từ “hen” đã được chính thức đưa vào cuốn bách khoa toàn thư của Thụy Điển.

Sau đó tạp chí Nojesuiden xuất bản một ấn phẩm thay toàn bộ các từ “han” và “hon” bằng từ “hen”. Việc sử dụng từ này dẫn tới nhiều cuộc tranh cãi dữ dội ở Thụy Điển, nhưng chỉ một năm sau các tờ báo lớn như Aftonblade bắt đầu thường xuyên sử dụng từ này để thay cho “han” và “hon”. Ở Quốc hội Thụy Điển, các nghị sĩ cũng đã quen thuộc với từ “hen”.

Tất nhiên tại Trường Nicolaigarden và Egalia, các giáo viên cũng chỉ dùng từ “hen” để nói về người khác với các học sinh nhỏ tuổi của mình. Nhà báo Linda West của trang web Jezebel.com khẳng định: “Đó là một bước tiến đáng kể nhằm mở rộng khái niệm giới tính và là sự công nhận đối với những người có giới tính phức tạp hơn so với sự phân định nam - nữ cứng nhắc và cổ hủ”.

Công nhận “giới tính thứ ba”

Nhưng ở châu Âu không chỉ có Thụy Điển cởi mở về giới tính. Từ ngày 1-11 Đức trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu công nhận “giới tính thứ ba” trên giấy khai sinh.

Theo luật mới, các bậc cha mẹ tại Đức có quyền bỏ trống ô giới tính trong giấy khai sinh của con mình. Trong tình huống này, đứa trẻ được hiểu là mang giới tính “không xác định”. Bộ Nội vụ Đức cũng cho biết hộ chiếu của các công dân Đức, hiện chỉ có ô nam và nữ để xác định giới tính, sẽ có thêm ô thứ ba mang dấu hiệu X cho người mang “giới tính thứ ba”.

Theo Der Spiegel, thống kê cho thấy cứ 1.500-2.000 trẻ em ra đời thì có một mang đặc điểm sinh dục của cả nam và nữ. Trong tình huống này, các bậc cha mẹ rối trí thường làm theo lời khuyên của bác sĩ là phẫu thuật bộ phận sinh dục của con em họ theo chuẩn nam hoặc nữ tùy theo quan điểm của bác sĩ.

Các cuộc phẫu thuật này chỉ mang tính chất chỉnh sửa hình thức chứ không hề có lợi cho sự phát triển thể chất và tâm lý của những đứa trẻ “lưỡng tính” này. Và bản thân các đứa trẻ “lưỡng tính” bị mất quyền lựa chọn của riêng mình ngay từ khi còn quá nhỏ.

Báo chí Đức đã dẫn rất nhiều trường hợp người “lưỡng tính” phải qua phẫu thuật hồi nhỏ đã phải sống một cuộc đời bất hạnh và bị kỳ thị. Một người từng bị phẫu thuật trong quá khứ cay đắng tổng kết bi kịch cuộc đời mình: “Tôi không phải nam cũng chẳng phải là nữ. Tôi mãi mãi chỉ là sự chắp vá của các bác sĩ, suốt đời phải mang những vết sẹo không thể mờ”.

Một số trường hợp bị quy định là nam hoặc nữ và khi trưởng thành không hề cảm thấy phù hợp với giới tính mà người khác gán cho họ.

Trước Đức, Chính phủ Úc đã đưa ô giới tính X, nghĩa là chưa xác định, không rõ hoặc lưỡng tính, vào hộ chiếu từ năm 2011. “Đây là sự công nhận nhân quyền quan trọng đối với những người muốn chọn xác định giới tính của mình không phải là nam hay nữ” - báo Guardian dẫn lời thượng nghị sĩ Úc Louise Pratt khẳng định khi đó. Sau Úc, New Zealand cũng áp dụng mô hình hộ chiếu tương tự vào năm 2012.

Ở Nam Á, Bangladesh đưa mục “giới tính khác” vào đơn xin cấp hộ chiếu từ năm 2011. Trong khi đó, Nepal công nhận “giới tính thứ ba” trong bảng kê khai dân số từ năm 2007. Năm 2013, chính quyền Nepal tuyên bố sẽ cấp chứng minh nhân dân với mục “giới tính thứ ba” cho những người không muốn xác định mình là nam hay nữ. Pakistan từ năm 2011 cũng đã cho phép người dân được đăng ký “giới tính thứ ba” khi xin cấp chứng minh. Ấn Độ cũng đưa mục “giới tính thứ ba” vào danh sách cử tri từ năm 2009.

-----------------------

Khác với các quốc gia Tây Âu, Nga là một trong những quốc gia châu Âu cấm tuyên truyền hôn nhân đồng tính trong giới trẻ. Hồi cuối tháng 6, Tổng thống Nga V. Putin đã ký một đạo luật tạm gọi “chống tuyên truyền đồng tính” sau khi hai viện của Quốc hội Nga lần lượt thông qua.

Theo dự luật được sửa đổi này, từ nay các cuộc biểu tình của giới đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT) ở Nga bị cấm, cũng như việc tuyên truyền những quan niệm hôn nhân phi truyền thống trong trẻ em, kể cả việc truyền bá thông tin có thể làm tăng quan tâm tới vấn đề này. Mỗi vi phạm đều nhận một mức phạt cụ thể, trong đó có cả việc phạt tù và trục xuất đối với người nước ngoài.

Phóng to
Cảnh sát giải tán những người biểu tình ủng hộ quyền của người đồng tính ở Matxcơva - Ảnh: Ria novosti

Ngay sau khi dự luật được ban hành, chỉ trích đã nổ ra trong cũng như ngoài nước Nga. Tuy nhiên, trong một phát biểu ở Phần Lan hồi tháng 6, tổng thống Nga đã kêu gọi các nước “đừng can thiệp vào chuyện nội bộ của Nga”. Ông lập luận: “Một số nước cho rằng không cần thiết bảo vệ trẻ em khỏi chuyện này. Nhưng chúng tôi thì có. Chúng tôi sẽ thực hiện việc bảo vệ này theo cách mà các đại biểu chúng tôi đã quyết định”.

Trong một phát biểu hồi tháng 4-2013, ông Putin cũng cho rằng hôn nhân đồng tính sẽ không sinh sản trẻ em và rằng Nga cũng như nhiều nước châu Âu đang bị đe dọa bởi nạn sụt giảm dân số.

Trước cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng liên bang (Thượng viện Nga), bà Valentina Matvienko, chủ tịch HĐLB, nhấn mạnh các sửa đổi này không nhằm kỳ thị người đồng tính mà chỉ nhằm bảo vệ giới trẻ, bởi hiện nay không giống như thời Liên Xô, khi những người giới tính phi truyền thống ở Nga không bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Bà nói: “Họ (LGBT) cũng là những thành viên bình đẳng của xã hội. Như người trưởng thành, họ có quyền quyết định họ muốn sống thế nào. Nhưng với trẻ em (việc cấm tuyên truyền) không phải là ý thích bất chợt của ai đó, mà là một yêu cầu từ xã hội”.

Những người soạn thảo các sửa đổi dự luật cho rằng dự luật sửa đổi nhằm “bảo vệ trẻ em khỏi phải đối mặt với vấn đề bản năng giới tính quá sớm, bảo vệ đa số khỏi một thiểu số đang truyền bá hung hăng những giá trị của họ”.

Một cuộc thăm dò đầu tháng 6 của Trung tâm Thăm dò dư luận toàn Nga (VTSIOM) cho thấy 88% người Nga ủng hộ các bổ sung luật mới. Chỉ 7% chống. Một cuộc thăm dò khác của Trung tâm Levada cũng cho thấy 85% người trưởng thành Nga được hỏi cho biết họ phản đối mạnh mẽ luật cho phép hôn nhân đồng tính, 87% phản đối tổ chức các sự kiện liên quan đến những người đồng tính ở thành phố của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận