Giọng nói trong tàu điện ngầm

DINA RUBINA 06/12/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Nhưng cái chính là giọng nói, giọng con trai ấm áp... Một sự tương đồng kỳ lạ, hiếm hoi!

 
 

 Giáo viên âm nhạc là một phụ nữ đứng tuổi, truyền cảm hứng và nghiêm nghị, sống trong một căn hộ tập thể lớn trên Chistye Prudy. Nếu nhắm mắt, đến giờ cô vẫn nhớ hết mọi thứ trong căn phòng chật chội, nhỏ như hộp bút ấy, nhớ đến những chi tiết nhỏ nhất, và lại lần nữa ngạc nhiên - bằng cách kỳ diệu nào mà cây Blüthner cũ kỹ có thể chui lọt vào để đứng tựa hông bên cửa sổ. Trên tường treo bốn cái đĩa sứ Saxon: trên một chiếc là người bạn nhảy trong chiếc quần ngắn màu tím đang làm quen với một quý cô, khuỵu một chân trong cú cúi chào khá sâu, ở chiếc thứ hai - họ khoác tay dạo chơi giữa những bụi cây xanh, trên chiếc thứ ba - họ đã công khai tán tỉnh nhau và ở chiếc thứ tư - họ kết hôn.

Chiếc Blüthner cũ kỹ trong căn hộ trống vắng ban trưa ngân lên quyền uy và rền vang...

- Menuet phải chơi như thế! - cô giáo nói và chỉ vào chiếc đĩa thứ ba, nơi người phụ nữ lấy quạt che chiếc cổ dài và một nửa má, dứ ngón tay dọa bạn tình phong nhã...

Những giờ học nhạc kéo dài suốt thời thơ ấu, đến tận lớp chín, khi mẹ quyết định đã đến lúc chú tâm vào môn toán, để âm nhạc lại “cho tâm hồn”.

Vào lớp chín, trường của họ sáp nhập với một trường khác, chuyên toán, và trong lớp xuất hiện vài cậu trai mới mà cô yêu đến rồ dại một trong số họ. Đó là một cậu trai tài hoa rực rỡ: học giỏi, làm thơ, vẽ tranh... Và bề ngoài tương xứng đáng kinh ngạc với những năng khiếu đó: cao, thanh mảnh, tóc vàng gợn sóng, khuôn mặt gầy cương nghị - những nét mà cô tưởng tượng về các thiên thần. Kể cả cặp kính cũng ăn ý với cậu, thậm chí cái tên - Kirill - với cô dường như cao nhã, can đảm, bay bổng. Nhưng quan trọng nhất là giọng nói - âm sắc tươi sáng hạnh phúc - khiến cô ngất ngây, như một lời kinh cầu. Giọng nói là niềm vui thuần khiết...

Chỉ cần cậu tới gần, cô như lên cơn sốt: cổ họng co thắt, búa bổ thái dương, đầu gối khuỵu xuống, da gà chạy dọc sống lưng...

Cậu không nhận ra cô... Cậu chơi với hai cậu trai khác ở trường cũ và với Fira bạn gái cô, một cô bé năng động, vốn thường như thế những người trở thành lớp trưởng, ủy viên đoàn thanh niên, chủ tịch các ủy ban sinh viên.

- Bồ biết không, thậm chí vậy còn tốt, khi cậu ấy chẳng hồ nghi gì! - Fira trấn an cô - Bồ không phải quá hạ mình...

Cả năm cô chờ xảy ra điều gì đó, chẳng hạn, vào một ngày đẹp trời cô bình thản đến gần cậu và hỏi gì đó, nhẹ nhõm và sắc sảo, như cô có thể, hoặc ngược lại - cậu bất ngờ thấy cô, nhận ra, ngưỡng mộ cô... Nhưng thời gian trôi, và không có gì thay đổi - mỗi lần cậu đi ngang hay tình cờ trò chuyện với cô, cô tê dại, mất bình tĩnh, búa bổ thái dương, đầu gối khuỵu xuống...

Vào lớp mười, cuối cấp, cậu chuyển sang trường khác. Cô ốm suốt ba tuần vì đau khổ, vài tháng sau đó cô như sống trong hầm chứa, ngột ngạt vì thiếu giọng nói của cậu; cuối cùng cô cũng bình phục khỏi mối tình say và kết cục thì sống sót, vượt qua.

Thi thoảng Fira, vẫn còn chơi với Kirill và gặp cậu ở các nhóm bạn nào đó, đưa tin: cậu đã thi đỗ xuất sắc vào khoa y, cậu đã in ba bài thơ trên tờ Smena, cậu là đội trưởng đội KVN của Trường Y Số Một... Cậu đã hoàn tất cao học... Cậu đã cưới vợ...

Vài năm sau, khi tất cả họ đều đã kết hôn, Fira mời cô cùng chồng đến dự sinh nhật, bỏ nhỏ: “Đến nhé, hơn nữa, Kirill cũng đến”.

Cô đã đến. Và gặp lại cậu. Đó là một người đàn ông thông minh, sáng sủa với giọng nam trung chỉ huy, gặt hái không ít thành công trong sự nghiệp của mình. Cô tuyệt nhiên thờ ơ với anh, vì anh đã không còn gì chung với cậu trai kỳ lạ mà trước âm vang giọng nói của cậu, cô hoàn toàn tê điếc.

Khi tất cả uống say và vào chuyện, cô bắt đầu kể gì đó, một trong những câu chuyện hài hước nhất của mình, cô luôn là người kể chuyện cuốn hút, dí dỏm, biết nhặt ra, đánh bóng những thứ lấp lánh rải rác trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ở đầu bàn bên kia anh bỗng im bặt, quay về phía cô, mỉm cười, rồi phá lên cười, ngạc nhiên và suốt cả buổi tối theo cô từ phòng này sang phòng khác, còn cô với sự thỏa mãn của một phụ nữ trẻ trưởng thành, cảm nhận được sợi dây gượng gạo đó giữa họ. Và bình thản, điềm đạm, tự tin vào sự duyên dáng của mình.

Hôm sau Fira gọi cho cô, nói: “Nghe này, hôm qua bồ đã gây ấn tượng thế nào với một nửa mạnh mẽ kia! Kirill nói với mình: “Nona đã thay đổi làm sao! Thông minh, thú vị... Và hay!”, còn mình nói với cậu ấy: “Cô ấy luôn là thế, chỉ có cậu không nhận ra thôi!”.

Vài năm nữa trôi qua. Vào giữa những năm 1970, anh cùng gia đình di cư sang Mỹ và ở đó, anh bắt đầu bén rễ, làm việc chăm chỉ, vượt qua các kỳ thi, làm phụ mổ cho giáo sư nào đó, anh - người đã thực hiện xuất sắc những ca phẫu thuật phức tạp, người mà ở Moskva phải tìm cách để được hẹn! - phải đưa dụng cụ và trả lời: “Vâng, sir... Không, sir...”. Nhưng con người tài năng mạnh mẽ ấy cũng đã vượt qua cả chuyện đó, đứng vững trên đôi chân, thành công, thậm chí giàu có... Và Fira kể lại những chuyện khó tin nào đó: Kirill mua được một ngôi nhà to ở New York cho các nhà văn Nga, một kiểu nhà sáng tác, để họ có nơi làm việc... Kirill có vài phòng khám... Anh lập một học bổng cho các nhà thơ trẻ...

Rồi cuộc sống hoàn toàn bận rộn, xoay vần, đế chế sụp đổ, con gái cô lấy chồng, khó khăn lắm họ mới xây được nhà nghỉ, cuối cùng mua được xe hơi...

Một ngày nọ, một bạn đồng học cũ gọi, nói:

- Nghe này, Kirill về nước, nhớ cậu ấy không?... Cậu ấy in tập thơ của mình, và bọn bạn tổ chức cho cậu ấy một buổi tối ở Bảo tàng Mayakovsky. Bồ muốn đi không?

Cô đã đến. Trước lối vào bảo tàng cô thấy một taxi trờ tới, từ đó bước ra một người đàn ông cao, mập, rám nắng không theo kiểu ở đây, mặc áo khoác nhẹ sáng màu.

Cô tới gần, gọi anh:

- Kirill!

Anh dừng lại, nhìn dò hỏi.

- Tôi - Nona đây...

Anh ngạc nhiên, dang hai tay, lao tới ôm cô:

- Nona, tôi mừng quá, tôi vui làm sao!...

Cô nói:

- Thôi được, tôi sẽ không làm phiền anh, anh cần tập trung phát biểu... Ta sẽ nói chuyện sau...

- Đợi đã, đợi đã!... Cái gì mà sau! Cô kể tôi nghe mọi người ở đây thế nào? Sao tôi không gọi được cho Fira, cô ấy sao rồi, chuyển đi đâu rồi à?

- Kirill - cô nói - Fira đã qua đời nửa năm trước...

Anh nheo mắt, nhăn mặt... hỏi khẽ:

- Còn Volodka Shkurnikov?

- Anh ấy mất vì đột quỵ hai tháng trước... Anh thấy đó, tôi không muốn nói liền, nhưng anh hỏi, và tôi không thể...

- Không sao - anh nói, có vẻ phờ phạc sao đó - Không sao... Cô có thể làm gì khác chứ!

...Anh bắt đầu bài phát biểu của mình về việc vừa hay tin về cái chết của những người bạn thời trung học, và anh muốn dành buổi tối hôm nay để tưởng nhớ họ. Sau đó anh đọc thơ một hồi lâu, những bài thơ hay - lúc đầu Nona sợ sẽ khó xử nếu cô không thích, nhưng cô lại thích nhiều bài, mà cô vốn là một trong những người am hiểu và cả đời dõi theo những tên tuổi mới... Thậm chí cô thích cả cách anh đọc - đều đều, như người ta hay nói, mộc mạc.

Hai ngày sau, trước khi anh rời đi, họ gặp nhau. Anh mời cô ăn trưa ở một nhà hàng thời thượng, nhưng cô nói:

- Ồ thôi đi, nhà hàng làm gì! Đến nhà mình, chúng ta sẽ ngồi, trò chuyện...

Và anh đến, mang theo rượu và hoa đắt tiền, họ ngồi trong phòng khách thật lâu, hồi tưởng... Như thể họ không học chung với nhau chỉ một năm lớp chín, mà từ lớp một đến lớp cuối... Hiển nhiên, lớp chín đó, những giọng mong manh mười lăm tuổi đó, vang lên trong ký ức rõ hơn những âm thanh còn lại...

Rồi đột nhiên, cắt ngang câu chuyện hài hước nào đó của chính mình, cô bắt đầu kể cho anh nghe cô đã yêu anh khủng khiếp và đau khổ đến nhường nào, đã lả đi ra sao khi nhìn thấy anh, cổ họng thắt lại, búa bổ thái dương và chân ríu vào nhau...

Anh ôm đầu, rên rỉ:

- Chúa ơi! Tại sao, tại sao em không nói! Tại sao em im lặng?! Bởi mọi việc đã có thể khác hẳn rồi!

Cô mỉm cười, nói:

- Chúng ta vào bếp, tôi sẽ pha cà phê... Anh biết không, có một công thức cực kỳ của một người pha chế ở Thesaloniki, ở đó chỉ hết mánh lới để bọt nổi lên gấp đôi...

Hai tuần sau, một tối muộn cô về nhà bằng tàu điện ngầm. Ở một ga, một nhóm thiếu niên khoảng 15 tuổi kéo vào toa. Cô đứng quay lưng về phía họ và chỉ thấy những phản chiếu mờ ảo trên khung cửa sổ tối.

Có vẻ như họ vừa trở về từ một bữa tiệc và ồn ào thảo luận về buổi tối thành công... Giọng của một trong số họ như cắt vào tim cô, đột ngột chuyển hướng cô sang nhóm thiếu niên. Cô nhìn quanh.

Một trong các cậu bé giống Kirill đến kinh ngạc - cũng gương mặt gầy mang kính đó, vẻ thanh mảnh... Nhưng cái chính là giọng nói, giọng con trai ấm áp... Một sự tương đồng kỳ lạ, hiếm hoi!

Và, cổ họng cô thắt lại, búa bổ thái dương, đầu gối lả đi...

Cô xuống trước một trạm và tản bộ hồi lâu với trái tim đập thình thịch dọc Chistye Prudy - dọc những con ngõ quen thuộc tối tăm, nơi đã lâu cô không dạo qua...

Cô đứng một lúc ở chỗ cổng vào quen trong tòa nhà cũ, nơi cô giáo nhạc thuở nào từng vươn tay tới tình yêu hào hiệp trên chiếc đĩa sứ và nghiêm khắc nói với cô:

- Menuet phải chơi như thế!

Phan Xuân Loan dịch (từ tập truyện ngắn “Về tình yêu” - Dina Rubina)

Dina Rubina (sinh năm 1953), di cư sang Israel từ năm 1990. Giải thưởng Sách lớn năm 2007 cho tiểu thuyết Bên phố nắng. Giải thưởng Portal (2009) cho tiểu thuyết giả tưởng hay nhất Chữ viết tay của Leonardo.

Những truyện ngắn đầu tay của Dina Rubina được in trên tạp chí Thanh Niên từ khi bà còn là lớp trưởng trung học. 24 tuổi, bà trở thành hội viên Hội Nhà văn Liên Xô và tiếp tục sáng tác bằng tiếng Nga đến nay, dù đã định cư ở Israel. Dina Rubina là một trong những nhà văn được yêu thích và đọc nhiều nhất nước Nga hiện nay (tổng bản sách được in của bà chỉ ở Nhà xuất bản Eksmo đã lên tới 10 triệu bản).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận