​Grexit - cuộc khủng hoảng tạm lắng?

THANH TUẤN 27/06/2015 17:06 GMT+7

Đề xuất vào phút chót hôm 22-6 của Hi Lạp có thể được coi là lối thoát tạm thời cho cuộc khủng hoảng đã lơ lửng suốt mấy tháng nay quanh việc Athens có rút khỏi khối euro hay không.

Sự chọn lựa quá khó khăn của Hi Lạp trên trang web của chuyên gia kinh tế Đức Markus Bussmann

Trong đề xuất mới, Athens cam kết một loạt cải cách, trong đó có việc tăng nguồn thu bằng các thuế mới và cải thiện hệ thống lương hưu - vốn là vấn đề gai góc trong đàm phán suốt mấy tháng nay của chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras. Các bộ trưởng tài chính khu vực euro dù tuyên bố cần họp lại lần nữa trong tuần để đánh giá toàn diện đề xuất nhưng những thông điệp phát ra đã tích cực hơn rất nhiều so với suốt một tháng vừa rồi - khi viễn cảnh về Grexit (Greece + exit, Hi Lạp rút khỏi khối euro) có vẻ gần hơn bao giờ hết.

Tín hiệu lạc quan có thể thấy khi các chỉ số chứng khoán của châu Âu đã tăng hơn 3% trong ngày 22-6. Ở Hi Lạp, cổ phiếu cũng tăng hơn 9%, trong đó riêng các cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 20%. Cùng lúc ông Jeroen Dijsselbloem, chủ tịch của khối sử dụng đồng euro, đánh giá đề xuất của Hi Lạp là “toàn diện” và có thể là “cơ sở để thật sự bắt đầu đàm phán”. Nhưng ông vẫn cảnh báo sẽ cần tính toán các con số để xem đề xuất mới có bền vững về tài chính cho Hi Lạp hay không. Lãnh đạo các nước khối euro cũng đã gặp gỡ tối 22-6 để bàn chi tiết về đề xuất mới nhất của Athens.

Khi được hỏi đánh giá, Cao ủy kinh tế của EU Pierre Moscovici nói: “Đó là đề xuất có cơ sở, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Mốc 22-6 là rất quan trọng bởi Hi Lạp thực tế không còn nhiều thời gian. Trong tuần trước, do lo ngại biến động, trung bình mỗi ngày người gửi tiền đã rút khoảng 1 tỉ euro ra khỏi hệ thống ngân hàng của Hi Lạp. Trong vòng chưa đầy một tuần, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phải ba lần tăng tiền hỗ trợ khẩn cấp để duy trì sự sống thoi thóp cho hệ thống ngân hàng Athens.

ĐÁY SÂU CỦA 5 NĂM KHỦNG HOẢNG

Athens đang ở đáy sâu của khủng hoảng mà họ đã vật lộn suốt năm năm nay. Đầu tháng này họ đã xin lùi thời gian trả nợ đến cuối tháng và nếu không đạt được thỏa thuận về cứu trợ lần này, Hi Lạp sẽ không nhận được 7,2 tỉ euro từ gói cứu trợ vào ngày 30-6.

30-6 cũng là ngày mà Hi Lạp sẽ phải trả khoản tiền 1,6 tỉ euro tới hạn phải trả cho IMF. Không có khoản tiền này, Hi Lạp tự động sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, điều có thể khiến khối euro buộc nước này phải rời khối và tiếp sau đó có thể là phải rời EU. Ngoài khoản tiền đó, mục tiêu lớn hơn của Hi Lạp là hi vọng sẽ được xóa một khoản trong hơn 300 tỉ euro nợ nước ngoài của nước này.

Cuộc khủng hoảng hiện tại có thể coi có nguồn gốc từ năm năm trước và lỗi lầm có thể coi từ cả hai phía. Cuối năm 2009, khi các dấu hiệu cho thấy Hi Lạp chuẩn bị vỡ nợ do khủng hoảng, IMF, ECB và châu Âu đồng ý một khoản cứu trợ trị giá 146 tỉ euro. Nhưng đổi lại, các chủ nợ bắt Hi Lạp phải thực hiện một loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng vô cùng hà khắc mà ngay thời điểm đó nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo là “thuốc chữa có thể giết chết con bệnh”.

Với phía chủ nợ, ngay từ lúc đầu đã đặt áp lực phải điều chỉnh chính sách tài khóa quá nhanh - vì muốn hạn chế quy mô nợ của Hi Lạp. Việc này vừa nhanh chóng đẩy kinh tế Hi Lạp suy sụp (GDP nước này đã giảm tới 1/4 kể từ năm 2010), đồng thời cũng khiến quá trình đổi mới bị đẩy lệch hướng.

Vòng xoáy khủng hoảng cứ liên tục tái diễn trong suốt năm năm vừa rồi mỗi khi đến một vòng cung cấp tiền cứu trợ mới - Athens thì muốn đàm phán cho điều khoản cứu trợ bớt ngặt nghèo, các chủ nợ thì muốn cứng rắn. Cứ vài tháng, thông tin Hi Lạp có thể rời khu vực đồng euro lại xuất hiện. Athens đặc biệt cứng rắn trở lại sau khi chính quyền thiên tả của Thủ tướng Alexis Tsipras lên nắm quyền đầu năm nay với cam kết sẽ chấm dứt thắt lưng buộc bụng và đòi đàm phán lại với châu Âu và IMF.

LY HÔN HAY Ở LẠI?

Cuộc khủng hoảng ở Hi Lạp cũng đặt dấu hỏi về sự bền vững của đồng tiền chung trong một khối mà kỷ cương tài khóa của 19 nền kinh tế hoàn toàn khác nhau. Các nước có kỷ cương rất tốt như Đức hoàn toàn không muốn gánh trách nhiệm cho các nước tiêu tiền vô trách nhiệm như Hi Lạp hay các nước có nguy cơ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cyprus.

Theo tờ Economist thì “thỏa thuận vẫn có thể đạt được nhưng các bên đã ghét nhau quá rồi. Nếu đây là cuộc hôn nhân thì giờ là lúc các luật sư đang chạy nhặng lên (chuẩn bị cho ly hôn)”. Căng thẳng giữa Hi Lạp với các chủ nợ đã ở đỉnh điểm. Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras đã chỉ trích các chủ nợ là làm nhục nước này, ông tuyên bố IMF chịu “trách nhiệm hình sự” vì những gì mà Hi Lạp phải trải qua. Tổng giám đốc IMF - bà Christine Lagarde thì nói cần phải có “người lớn” ở trong phòng đàm phán từ phía Athens thì mới có thể cải thiện được tình hình.

Giải pháp “ly hôn”, theo Economist, sẽ là thảm họa cho tất cả các bên. Vấn đề là nếu Hi Lạp và khu vực đồng euro không thay đổi điều kiện cho quan hệ của mình thì có ở lại cũng không phải là giải pháp tốt.

Với Hi Lạp, những gì đạt được từ việc vỡ nợ không nhiều trong khi tổn thất có thể rất lớn. Nước này có thể tạm trốn được khoản nợ 300 tỉ euro (tương đương 180% GDP nước này) và về lý thuyết có thể tự phát hành đồng drachma mới và lập lại ngân hàng trung ương riêng của mình - họ có thể phá giá đồng tiền và có thể cạnh tranh hơn trong thị trường xuất khẩu. Nhưng vấn đề là thương mại của Hi Lạp hiện chiếm rất nhỏ và vì xuất khẩu không tăng, lương cơ bản ở nước này đã giảm tới 16%. Trong khi đó, tổn thất từ Grexit sẽ vô cùng lớn: các ngân hàng phá sản, các khoản tiết kiệm bị cắt giảm, các hợp đồng bị phá vỡ và niềm tin suy giảm.

Nền chính trị Hi Lạp có thể lại rơi vào khủng hoảng một lần nữa. Đảng cực tả Syriza của Thủ tướng Tsipras có quan điểm chống thị trường và chống doanh nghiệp trong trường hợp này có thể lại thất bại trong bầu cử và mất vị trí về phe phát xít mới. Và ở đất nước từng có tiền lệ đảo chính này, tình hình có thể xấu đi nhanh chóng.

Đó là một lý do mà khu vực đồng euro phải cân nhắc trước khi rũ bỏ Hi Lạp. Một đất nước bất ổn ngay trên bờ biển Aegea sẽ là vấn đề của chính EU - nhất là trong bối cảnh một loạt vấn đề chính trị của khối xuất phát từ Nam Âu vào lúc này. Ngoài ra, nếu loại bỏ Hi Lạp khỏi khối, số phận các thành viên nguy cơ khác như Bồ Đào Nha hay Cyprus sẽ được khối euro xử lý thế nào trong thời gian tới?

Nhưng trong lúc này, có vẻ trong khối đã sẵn sàng cho khả năng xấu nhất. Theo CNN, cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 85% người dân Hi Lạp muốn ở lại trong khu vực euro trong khi cùng cuộc thăm dò ở Đức, nước đóng vai trò quyết định trong việc cho Hi Lạp vay, thì có tới 51% người được hỏi muốn Athens phải rời khối. Nghị sĩ Hans Michelbach trong liên minh cầm quyền CSU của bà Merkel nói thẳng: “Nếu EU bỏ qua cho chính quyền Athens thì chúng ta có thể bỏ luôn cái đồng euro đi”.

“Hoặc là Hi Lạp tuyên bố một giải pháp khả thi hoặc là nước này nên rời khu vực đồng euro. Khu vực euro có thể chịu được hậu quả của việc Hi Lạp thoái lui” - ông tuyên bố.

ĐỂ XUẤT MỚI

Trong đề xuất mới nhất, Chính phủ Hi Lạp đã đồng ý nhượng bộ về cắt giảm lương hưu - vấn đề nhức nhối từ lâu giữa các bên. Các nhà kinh tế cho rằng hệ thống lương hưu hiện tại là không bền vững và quá lớn ở quốc gia suy thoái liên tiếp năm năm qua và có tỉ lệ thất nghiệp hiện cao kỷ lục 25%.

Theo đề xuất mới, Athens cố gắng để có quỹ tiết kiệm của lương hưu đạt 1,4% GDP vào cuối năm 2016 - vượt hơn mức yêu cầu của chủ nợ. Để làm vậy, chính phủ sẽ tăng phần đóng góp của chủ doanh nghiệp và người lao động thay vì cắt lương hưu. Bất cứ động thái cắt lương hưu nào cũng sẽ là thách thức chính trị cho đảng cánh tả Syriza của ông Tsipras. Đảng của ông lên nắm quyền hồi tháng 1-2015 với lời hứa sẽ từ bỏ chương trình thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ áp đặt lên Hi Lạp trong suốt mấy năm qua.

Bộ trưởng Kinh tế Hi Lạp Giriorgios Stathakis trong cuộc phỏng vấn với BBC nói các khoản tiền mới sẽ được lấy từ một số nguồn thuế mới đối với doanh nghiệp, đối với người giàu và tăng thuế VAT.

Theo New York Times, thử thách thật sự hiện nay là liệu đề xuất mới có được thông qua trong nội bộ Hi Lạp hay không. “Nhìn về phía trước, rủi ro thật sự lúc này là chính trị nội bộ của Hi Lạp, việc chính phủ có các biện pháp với lương hưu và thuế VAT vậy sẽ khó mà được lòng, và sẽ không thể được thông qua nếu không có nhượng bộ trong xóa nợ” - Wolfangco Piccoli, giám đốc điều hành của Teneo Intelligence, viết.

“Cuộc chiến tranh Iraq về tài chính” là khái quát của tác giả Ambrose Evans-Pritchard trên Daily Telegraph khi mô tả cách hành xử của các chủ nợ đối với Hi Lạp. Theo tác giả này thì EU, ECB, IMF đã “cố tình để xảy ra những đợt rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng Hi Lạp, gây tổn hại cho hệ thống ngân hàng Hi Lạp để buộc nước này phải quỳ gối”, và người canh giữ sự ổn định “đã cố ý và chủ tâm đẩy nhanh cuộc khủng hoảng tài chính trong thành viên của Liên minh tiền tệ châu Âu (EMU) với những nguy cơ có thể cho một cuộc lây lan khủng hoảng xuyên EMU và trên toàn cầu - như một chiến thuật thương lượng để buộc Hi Lạp ngồi vào bàn đàm phán”! Nếu có một hệ quả nữa của cuộc khủng hoảng này thì đó sẽ là tâm trạng chống các định chế tài chính và sự chia rẽ trong khối EU.

Nikos Pappas, một trong những cố vấn thân cận của ông Tsipras, hôm 21-6 từng nói: “Tôi là một trong những người cho rằng IMF không nên có mặt ở châu Âu. Tôi hi vọng sẽ tìm ra những giải pháp mà không có IMF. Châu Âu không cần IMF, tổ chức vốn có một chương trình nghị sự hoàn toàn không phải vì châu Âu”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận