Hai câu chuyện về tự cường ngành dược

HỒNG VÂN 15/07/2022 20:05 GMT+7

TTCT - Hai quốc gia láng giềng Pakistan và Ấn Độ có hai câu chuyện hoàn toàn ngược nhau về sự phụ thuộc của ngành dược nội địa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

 
 Ảnh: armanzofa.com

Gần như toàn bộ nguyên liệu thô để sản xuất thuốc của Pakistan đều dựa vào nhập khẩu, và 50% là từ Ấn Độ, theo báo The News International. Ấn Độ cũng từng dựa nhiều vào nguyên liệu nhập và đã nỗ lực để phá bỏ sự phụ thuộc này.

Sự phụ thuộc tai hại

Cuối tháng 6-2022, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, Hiệp hội các nhà sản xuất dược Pakistan (PPMA) viết tâm thư kêu gọi chính phủ bỏ thuế nhập khẩu với các nguyên liệu thô dùng trong sản xuất thuốc với lý do khẩn cấp: Pakistan đang thiếu 40 loại thuốc. Các nhà sản xuất cho biết danh mục các loại thuốc bị thiếu có thể tăng thêm 100 loại nếu đề nghị của họ không được chấp nhận. Chủ tịch PPMA Qazi Mansoor Dilawar giãi bày tình thế khó khăn của các doanh nghiệp do giá các nguyên liệu thô cho sản xuất thuốc đã tăng hơn 3 lần.

Pakistan là một ví dụ điển hình của việc ngành dược đã phụ thuộc quá sâu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, và hệ quả của nó không phải đến hôm nay mới xuất hiện. Tháng 8-2019, Pakistan đình chỉ mọi hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ do mâu thuẫn và tranh chấp liên quan đến khu vực Kashmir, vùng đất mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. 

Lệnh do thủ tướng lúc đó là Imran Khan đưa ra đã bỏ qua thực tế là nhiều ngành sản xuất trong nước, trong đó có ngành dược, không thể tự duy trì nếu chỉ dựa vào nguyên liệu nội địa, theo báo The Express Tribune (Pakistan). Hậu quả đến tức thì: ngành sản xuất thuốc của Pakistan chới với, khiến nhà chức trách sau đó chưa đầy một tháng phải “sửa sai” bằng cách đưa ra một ngoại lệ: cho phép các nguyên liệu thô mà các công ty dược Pakistan sử dụng từ Ấn Độ tiếp tục được nhập khẩu.

Câu chuyện này cho thấy nếu vì bất cứ lý do gì, chuỗi cung ứng nguyên liệu dược nhập khẩu bị gián đoạn, ngành công nghiệp dược của Pakistan có thể hoàn toàn bị tê liệt do phụ thuộc quá sâu nặng vào nguồn cung nước ngoài nói chung và Ấn Độ nói riêng mà không phát triển năng lực sản xuất thay thế.

Sau biến động chính trị năm 2019, đến năm 2020, COVID-19 là một đòn thức tỉnh mới với Pakistan về khả năng sẵn sàng ngăn chặn đại dịch và năng lực tự sản xuất trong trường hợp khẩn cấp quốc gia. 

Có hai loại nguyên liệu cần để sản xuất bất kỳ loại thuốc nào. Một là thành phần hoạt chất có dược tính để tạo ra hiệu quả điều trị. Các thành phần khác, gọi là tá dược, là nguyên liệu cần thiết để chuyển đổi các thành phần hoạt tính thành dạng bào chế thích hợp, như viên nén, để duy trì chất lượng trong sản xuất thuốc và sử dụng thuốc một cách an toàn. Pakistan không có khả năng sản xuất các thành phần hoạt tính của hầu hết các loại thuốc. Việc phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu giá rẻ đã hủy hoại năng lực sản xuất thuốc của quốc gia này.

Chẳng hạn, theo tờ báo trong nước Dawn, Pakistan thừa khả năng sản xuất thuốc viên paracetamol hoặc ibuprofen, các loại thuốc vô cùng thông dụng để trị cảm, cúm với giá rẻ nhưng lại không hề sản xuất các hoạt chất có trong hai loại thuốc này. Do đó, nếu các quốc gia khác ngừng cung cấp các hoạt chất để sản xuất paracetamol hoặc ibuprofen, Pakistan dù có cơ sở hạ tầng thì cũng sẽ không thể sản xuất một viên thuốc nào cho thị trường. 

Dĩ nhiên, paracetamol hoặc ibuprofen chỉ là ví dụ vì có rất nhiều loại thuốc thiết yếu khác mà nước này sản xuất cũng trong tình trạng phụ thuộc tương tự. Và không phải nói thì ai cũng hiểu hệ lụy của việc thiếu các loại thuốc thiết yếu là khôn lường.

Điều trớ trêu hơn nữa là Pakistan cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài một lượng lớn các tá dược. Dù là một trong 10 nhà sản xuất nông sản hàng đầu thế giới, nhiều loại phụ gia dược phẩm và thực phẩm có nguồn gốc thực vật như chiết xuất từ rau và trái cây cũng không sản xuất tại Pakistan. 

Các chuyên gia cho rằng chính sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu đã khiến Pakistan đánh mất cơ hội tham gia cuộc đua sản xuất thuốc và vắc xin điều trị COVID-19, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ thì vượt hẳn lên, dù nước này đã là một trung tâm sản xuất thuốc với khả năng sản xuất ra các sản phẩm hoàn thiện.

 
 Tại một quầy thuốc ở Peshawar, Pakistan. Ảnh tháng 5-2018. Reuters

Câu hỏi là có phải Pakistan luôn bị động như vậy? Vài chục năm trước, tình hình không đến nỗi tệ và Pakistan đã từng tự sản xuất các loại thuốc như aspirin, penicillin, nicotinamide và ephedrine. Ai cũng nghĩ Pakistan khi đó đang trên con đường tiến tới tự chủ trong sản xuất thuốc cứu người. 

Tuy nhiên, các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ đã tiêu diệt ngành sản xuất thuốc non trẻ của Pakistan. Hàng nhập khẩu rẻ hơn dần dần giết chết năng lực cạnh tranh của sản phẩm địa phương. Quốc gia này đã ngừng sản xuất dược chất từ nhiều thập niên trước. Pakistan hiện nay không thể sản xuất một loại thuốc nào mà không phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.

Các nhà sản xuất thuốc ở Pakistan cho rằng năng lực quốc gia về sản xuất thuốc của Pakistan có thể hồi sinh bằng nỗ lực, chiến lược tổng thể và ưu tiên các lợi ích quốc gia. Cụ thể, Pakistan cần một chiến lược tổng thể để hướng tới và nâng cao năng lực của ngành dược như đưa ra chính sách về giá, cải cách nhập khẩu, giảm thuế và giảm giá cho các nhà sản xuất trong nước; mời gọi các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và trường đại học tham gia để thúc đẩy trao đổi kiến thức, chuyển giao công nghệ từ các đơn vị nghiên cứu sang sản xuất.

Tự chủ về năng lực sản xuất thuốc có lợi lâu dài cho chính Pakistan. COVID-19 cho chúng ta thấy một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nào đó rất có thể sẽ xảy ra trong tương lai, khi đó, khả năng tự chủ về sản xuất thuốc trong nước sẽ là một lợi thế vì thuốc sẽ giúp cứu mạng nhiều người trong tình trạng khẩn cấp.

Pakistan cần phải giải quyết thế khó của mình bằng cách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu thô và mở thêm các cơ sở sản xuất nguyên liệu dược. Tuy vậy, điều rất hiển nhiên này lại không được đẩy mạnh trong nhiều năm qua, lý do là Cơ quan Quản lý dược phẩm Pakistan (DRAP), bộ não của ngành, đã không làm tốt vai trò nhạc trưởng.

Một cuộc kiểm toán đặc biệt do Tổng kiểm toán Pakistan thực hiện năm 2019 cho thấy các sai phạm của DRAP gây thiệt hại lên tới 750 triệu rupee (tương đương gần 9,5 triệu USD) với một danh sách dài các chính sách được tổ chức kém và thực hiện không hiệu quả.

Ban quản lý DRAP đã không sử dụng Quỹ nghiên cứu trung ương trị giá 606,6 triệu rupee được giao cho họ để tài trợ thực hiện các nghiên cứu và đánh giá thuốc chữa bệnh. Số tiền rất lớn này lẽ ra phải được nhanh chóng đưa vào sử dụng để giúp Pakistan phát triển một ngành dược phẩm bền vững, tự cường. Càng chậm trễ trong phân bổ tiền quỹ nghiên cứu, sự phụ thuộc vào nhập khẩu dược phẩm từ Ấn Độ của Pakistan có nguy cơ càng bị kéo dài. Không chỉ có thế, với các cơ hội bị bỏ lỡ từ việc không sử dụng nguồn lực từ quỹ này, tiềm năng xuất khẩu thuốc của Pakistan cũng bị tổn hại. Sự kém hiệu quả của DRAP phải được giải quyết, nếu không Pakistan sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu của Ấn Độ.

Ấn Độ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Ấn Độ từng ở hoàn cảnh không khác mấy so với Pakistan khi phải phụ thuộc vào Trung Quốc với nhiều loại nguyên liệu thô trong ngành sản xuất thuốc. Đây là mối quan ngại của nhà chức trách trong nhiều năm, và trở nên cấp thiết hơn vào năm 2017 khi quan hệ song phương của hai bên xuống một mức thấp mới.

Việc Trung Quốc phong tỏa do COVID-19 trong những tháng đầu năm 2020, tiếp tục gây lo ngại về tình trạng thiếu hụt ở Ấn Độ và vì thế, lời kêu gọi về tăng khả năng tự sản xuất các hoạt chất thuốc càng mạnh mẽ hơn.

Năm 2020, tờ Hindustan Times cho biết 63% nhập khẩu dược của Ấn Độ là hoạt chất và sản phẩm trung gian, gần 70% trong số đó đến từ Trung Quốc. Ấn Độ quyết tâm phá bỏ sự phụ thuộc này và đưa ra kế hoạch Tầm nhìn ngành dược (Pharma Vision 2020). Kế hoạch này được cụ thể hóa với quyết định triển khai 6 công viên dược (pharma park) ở bang Uttar Pradesh. 

Tháng 3-2022, Bộ trưởng Hóa chất và phân bón Ấn Độ, tiến sĩ Mansukh Mandaviya vui mừng cho biết trong số 53 loại nguyên liệu dược thô mà Ấn Độ dựa vào nhập khẩu trước đây, có 35 loại đã được sản xuất trong nước, thông qua 32 nhà máy thành lập mới theo kế hoạch Tầm nhìn ngành dược. Vai trò của Chính phủ Ấn Độ là cung cấp khoản ngân sách còn thiếu cho doanh nghiệp để họ mạnh dạn đầu tư, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Mục tiêu của Ấn Độ rất rõ ràng: làm cho sản xuất thuốc trong nước có thể cạnh tranh trên toàn cầu và tạo ra những công ty đi đầu trong lĩnh vực sản xuất thuốc. Chính phủ có ưu đãi để các công ty tăng doanh số bán hàng của các loại thuốc nội địa. 

Các ưu đãi này được thiết kế để vừa thúc đẩy sản xuất trong nước ở các khâu chiến lược vừa hạn chế sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn, giảm tiền mua hàng nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá của thuốc sản xuất trong nước, nâng cao năng lực sản xuất trong nước và xuất khẩu…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận