Hai đế quốc cũ và xung đột ở Trung Á

P.X.LOAN 25/09/2022 15:19 GMT+7

TTCT - Trong những cuộc đụng độ hiện nay ở Kavkaz và Trung Á, không thể không nhắc tên hai thế lực lớn của khu vực: Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.


Hai đế quốc cũ và xung đột ở Trung Á - Ảnh 1.

Ảnh: Wikipedia

Ngoài sự ganh đua về tầm ảnh hưởng, địa chính trị và tài nguyên hiện tại, Ankara và Tehran còn có một điểm chung: hào quang quá khứ.

Tác nhân Thổ Nhĩ Kỳ

Việc Hoa Kỳ tuyên bố công nhận tội ác diệt chủng của Đế chế Ottoman năm 1915 với người Armenia rõ ràng đi ngược lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, nước từ những năm 1990 đã đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với Yerevan và đứng hẳn về phía Azerbaijan trong cuộc xung đột Karabakh. Động thái được coi là phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ với quá trình quốc tế công nhận cuộc diệt chủng Armenia.

Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, từ năm 1995, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép nối lại các chuyến bay, nhưng để lập lại quan hệ ngoại giao và mở cửa biên giới trên bộ, họ đưa ra những điều kiện khó chấp nhận với Armenia: từ chối sự công nhận quốc tế về tội ác diệt chủng người Armenia và trả lại cho Azerbaijan 7 khu vực đang do Armenia kiểm soát.

Tuy nhiên, sau khi Armenia thất bại trong cuộc chiến Karabakh mùa thu năm 2020, một số khu vực này thực tế đã rơi vào tay Baku. Từ năm 2009, Ankara và Yerevan lại cố gắng bình thường hóa quan hệ. 

Tháng 8-2021, Thổ Nhĩ Kỳ công bố các điều kiện mới dựa trên tình hình mới là chiến thắng quân sự: Armenia phải công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ, ngừng cáo buộc Ankara về tội ác diệt chủng người Armenia và mở "hành lang Thổ Nhĩ Kỳ" trên lãnh thổ Syunik. 

Nhà khoa học chính trị người Armenia Armine Manukyan nhận định tiến trình bình thường hóa quan hệ Armenia - Thổ Nhĩ Kỳ "đang theo đúng kịch bản của Thổ Nhĩ Kỳ".

Iran và mô hình 3+3

Khác Thổ Nhĩ Kỳ, thái độ của Tehran có phần chừng mực hơn. Từ năm 2020, Ali Akbar Velayati, cố vấn các vấn đề quốc tế của nhà lãnh đạo tinh thần Iran, đã nói: "Cuộc đối đầu vũ trang này không có lợi cho chúng tôi: Yerevan là láng giềng của chúng tôi, và chúng tôi được kết nối với Baku bằng tôn giáo, lịch sử và văn hóa. Chúng tôi lo ngại về số phận của Azerbaijan và chúng tôi ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của họ. Các khu vực bị chiếm đóng phải được giải phóng".

Cuộc chiến ở Karabakh ảnh hưởng đến Iran theo đúng nghĩa đen: Đạn từ các cuộc giao tranh lạc qua biên giới và gây hoảng sợ cho người dân địa phương. Từ đầu những năm 1990, Iran ủng hộ một dàn xếp chính trị, phản đối việc vẽ lại các đường biên giới chính thức của Azerbaijan và kêu gọi tính đến lợi ích của người Armenia. Ngoại giao Iran có truyền thống tương tác với cả Baku và Yerevan.

Theo RIA Novosti, có tới gần 30 triệu người gốc Azerbaijan sống ở miền bắc Iran, và họ không thờ ơ với các sự kiện ở Nagorno-Karabakh. (Để so sánh, chỉ có khoảng 150.000 - 200.000 người gốc Armenia sống ở Iran). 

Người Iran gốc Azerbaijan dễ hiểu là vận động cho quê hương họ. Sau khi bùng nổ xung đột, họ đã yêu cầu chính quyền đóng cửa biên giới Iran - Armenia, nhưng Tehran không đáp ứng.

Những năm gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy Tehran ngày càng xa Baku và xích lại gần Yerevan. Tháng 7-2022, lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Seyyid Ali Khamenei, trong cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đã trực tiếp tuyên bố bác bỏ mọi khả năng phong tỏa biên giới Armenia - Iran. 

Tehran cũng đưa ra thông điệp rõ ràng cho Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan rằng họ sẽ bảo vệ, bằng vũ lực nếu cần thiết, hành lang Syunik của Armenia, nơi mà đường ống dẫn khí đốt Iran - Armenia đi qua. Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran cũng cảnh báo họ sẽ không chấp nhận mọi thay đổi ở biên giới các quốc gia láng giềng, điều Azerbaijan đang đòi hỏi.

Iran gần gũi hơn với Armenia chính là bởi Azerbaijan xích gần với Thổ Nhĩ Kỳ, tạo ra nguy cơ Tehran bị Ankara đẩy ra khỏi quỹ đạo Kavkaz. Trong khi ông Erdogan không giấu giếm phục hưng Đế chế Ottoman thì Đế chế Ba Tư cũ cũng chẳng thể ngồi yên. Tình hình thêm phức tạp khi Armenia thực ra là một quốc gia Cơ đốc giáo, còn Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Azerbaijan đều là Hồi giáo.

Giải pháp của Iran cho vấn đề là đề xuất "3+3": 3 nước Kavkaz là Armenia, Azerbaijan và Gruzia cộng 3 láng giềng lớn Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ cùng ngồi lại với nhau.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận