TTCT - Tuần trước, chính quyền tỉnh Quảng Trị thông báo cho đại diện Công ty Điện lực Thái Lan (EGATI) rằng Chính phủ Việt Nam đã “gật đầu” đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 1.200MW của họ tại xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Khu kinh tế Đông Nam) với kinh phí 2,26 tỉ USD. Tin tức ấy khiến chúng tôi tìm về vùng biển xã Hải An, Hải Khê bởi muốn mường tượng trước những gì sẽ đến với vùng đất duyên hải nổi tiếng khó nghèo và khốc liệt nơi này. Phóng to Đền tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Thủy năm 1948 với 526 người dân vô tội bị giặc Pháp giết chết tại xã Hải An Đau thương và anh hùng Một dự án 2,26 tỉ USD quả là “khổng lồ” khi nghĩ đến viễn cảnh công ăn việc làm sẽ tạo ra cho hàng vạn người dân vùng bãi ngang nơi đây - những người đã hi sinh vô vàn suốt chiều dài cuộc kháng chiến vệ quốc. Đúng 65 năm trước, năm 1948 nơi đây từng xảy ra một cuộc thảm sát giết hơn 500 người dân lành vô tội. Bây giờ chạy xe theo tỉnh lộ 582 từ quốc lộ 1 về cảng Mỹ Thủy, đến điểm cuối con đường sẽ thấy ngôi đền tưởng niệm “Vụ thảm sát Mỹ Thủy năm 1948”. Tấm bia bằng đá đen giữa ngôi đền chỉ ghi sự kiện này với mấy chục chữ khắc tóm tắt trên đá “Với âm mưu dập tắt lòng yêu nước và phong trào cách mạng của nhân dân Quảng Trị, trong hai ngày 19-3 và 8-4, quân đội Pháp tổ chức cuộc hành quân quy mô lớn đã càn quét và thảm sát một cách man rợ thôn Mỹ Thủy làm chết 526 thường dân vô tội, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em. Vụ thảm sát năm 1948 là một trong những tội ác diệt chủng dã man nhất mà quân đội Pháp gây ra trên đất nước Việt Nam”. 65 năm đã trôi qua, thân xác của những người dân Mỹ Thủy bị thảm sát đã tan vào cát bụi, nhưng quanh nhà bia của đền tưởng niệm vẫn rõ ràng dòng tên tuổi của 526 người được khắc lên từng mảnh đá nhỏ. Những mảnh đá ấy ghép lại thành một vòng cung vây quanh đền, dưới mỗi tấm đá khắc tên là một bát nhang tưởng vọng. Câu chuyện về vụ thảm sát ấy sau này được nhà thơ Dương Tường (đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp) nhắc lại trong bài thơ nổi tiếng Tiếng cây dương Mỹ Thủy: “Trên sóng biển ì ầm/ Ba trăm ngôi mộ mới/ Trong mưa chiều lâm thâm/ Nhà nào vắng đèn nhang/ Đầu nào không khăn trắng...”. Trong bài thơ ấy, nhà thơ ghi “300 ngôi mộ” bởi đó là số nạn nhân của cuộc thảm sát ngày 19-3-1948, chưa đầy ba tuần sau, ngày 8-4 thêm hơn 200 người dân lành Mỹ Thủy ngã xuống. Và không chỉ ở Mỹ Thủy, đi dọc vùng duyên hải đông nam Quảng Trị dễ gặp hai bên đường những nhà bia tưởng niệm như thế, như ở làng Kim Giao (xã Hải Dương, Hải Lăng) cùng thời điểm tháng 3-1948 ấy là cuộc thảm sát với 136 người dân bị giết. Không xa đền tưởng niệm, sát bên tỉnh lộ 582, cạnh đồn biên phòng Mỹ Thủy là một nhà bia tưởng niệm khác khắc tên những liệt sĩ thuộc phân đội 180 An ninh vũ trang Quảng Trị đã hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Mỹ Thủy ngày 24-5-1972, nhiều liệt sĩ ngã xuống khi mới 19 tuổi! Và nhắc đến vùng đất duyên hải đông nam Quảng Trị này không thể không nhắc đến nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm. Bộ tiểu thuyết hai tập Dưới đám mây màu cánh vạc của Thu Bồn đã dựng lại trọn vẹn không chỉ cuộc đời của người con gái can trường làng biển, mà tái hiện cả cuộc chiến khốc liệt trên vùng cát Hải Lăng những năm kháng chiến chống Mỹ. Giữa một vùng đất chang chang cát bỏng như sa mạc, dưới những gốc xương rồng ẩn giấu hầm bí mật, đêm đêm những du kích đội hầm đi vào từng làng, từng ngõ đánh địch, diệt tề. Trần Thị Tâm - khi ấy là huyện đội phó Hải Lăng, mới 24 tuổi - hi sinh trong khi chỉ huy một trận chiến đấu ác liệt với địch. Tên chị giờ đây được đặt cho một ngôi trường trung học phổ thông, bức tượng chị được đặt trong một trường tiểu học ở trung tâm xã. Giữa trưa chang chang nắng, chúng tôi bước vào nghĩa trang xã Hải Khê, đọc tên 132 liệt sĩ hi sinh ngay trên chính quê hương mình, có người như y tá Trần Thị Chữ thành liệt sĩ khi mới 16 tuổi. Phóng to Hoàn chỉnh hạ tầng đường sá ven biển đón những dự án của Khu kinh tế Đông Nam Phóng to Trong lúc chờ đợi những khu công nghiệp hiện đại mọc lên, người dân vẫn có thể đi lấy cây rèng trên vùng đất sẽ xây dựng nhà máy để làm chổi bán Chờ đáp đền món nợ ân tình Dọc dài qua vùng đất Hải An, Hải Khê những ngày này, cùng với giấc mơ về một tương lai tươi sáng hơn khi Khu kinh tế Đông Nam khởi động là cảm giác ấm áp của một món nợ ân tình được đáp đền. Nhưng đường đến ước mơ với người dân đây có lẽ sẽ không một sớm một chiều... Phó chủ tịch UBND xã Hải An Nguyễn Quốc Danh nói với chúng tôi: 40 năm rồi nhưng người dân vùng này vẫn quanh quẩn với những con thuyền bé tẹo công suất 6-20CV, chỉ đánh bắt ven bờ. Là vùng biển bãi ngang, không thể sắm được thuyền to máy lớn, tổng công suất tàu thuyền của cả xã cộng lại chỉ được 2.430 CV, bằng công suất một chiếc tàu đánh cá cỡ trung của người ta! Mỹ Thủy từng là một quân cảng quan trọng trong thời chiến nhưng chỉ là một cảng dã chiến. Bây giờ, khi khó có thể đóng tàu công suất lớn hơn 20CV vì không có cảng neo đậu, dân Hải An đang ít nhiều háo hức đón nhận viễn cảnh dự án khởi động cho Khu kinh tế Đông Nam này, với việc sẽ xây ở đây một cảng đào với độ sâu 17-18m, có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT. Phác thảo mặt bằng tổng thể phát triển cảng đào Mỹ Thủy đã hoàn tất, nhiều nhà khoa học khi bàn về dự án này cho rằng “giải pháp cảng đào Mỹ Thủy hoàn toàn khả thi về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế, tác động bất lợi đến môi trường không lớn và có thể dễ dàng giảm thiểu”. Nhưng vẫn còn những băn khoăn về “lượng cát phát sinh trong quá trình đào luồng và khu cảng Mỹ Thủy khá lớn”, có thể lên tới hàng triệu tấn, trong trường hợp cảng đào này không mang lại hiệu quả như mong muốn thì xử lý ra sao, hậu quả thế nào rất cần được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Dự án nhiệt điện 2,26 tỉ USD này sẽ cần một khối lượng than lên đến hàng triệu tấn. Và không chỉ khối lượng hàng hóa, nguyên nhiên liệu tiềm năng dự kiến phục vụ nhà máy 2,26 tỉ USD này sẽ đổ về đây, mà từ quốc lộ 1 của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) nếu kết nối thẳng về cảng nước sâu Mỹ Thủy này trong tương lai, chặng đường từ Myanmar qua Thái Lan, Lào vào điểm cuối của EWEC tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) của Việt Nam sẽ được rút ngắn gần 150km. Và cảng đào Mỹ Thủy này khi được hình thành, với vị trí ngã ba quốc tế và điểm ra biển Đông đầy ưu thế khi so sánh với các luồng hàng dịch chuyển từ các nước châu Á - Thái Bình Dương, các nhà hoạch định dự án cũng cho rằng Mỹ Thủy sẽ thành một trung tâm hậu cần (logistics) của khu vực.. Và còn nhiều điều đang hứa hẹn mở ra một viễn cảnh sáng sủa hơn cho vùng đất cơ cực này, sau khi được “kích hoạt” các dự án còn là triển vọng về việc hình thành một khu công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu mới - công nghệ cao tại đây với nguồn nguyên liệu dồi dào từ các mỏ titan và cát trắng để sản xuất sợi thủy tinh, sản xuất vật liệu composite, vật liệu bông thủy tinh cách âm, cách nhiệt và chống cháy... Chỉ riêng dự án về sản xuất vật liệu mới - công nghệ cao tại đây đã có chừng 21 nhà máy với nguồn vốn đầu tư lên đến 760 triệu USD. Và điều quan trọng là nguồn nguyên liệu sử dụng cho hệ thống nhà máy này hầu hết đều là nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sau bao nhiêu đau thương, mất mát của người dân vùng duyên hải này, sự đổi đời dẫu vẫn còn nằm trên giấy ấy vẫn giúp người ta hi vọng như bao nhiêu năm nay từng hi vọng. Chí ít là trong những công trình cụ thể đã hoàn thành, đưa vào sử dụng để phục vụ Khu kinh tế Đông Nam trong tương lai có một con đường dài hơn 13km nối quốc lộ 1 về cảng Mỹ Thủy. Con đường phẳng lì, tươm tất, thẳng tắp xuyên qua những làng quê Nam Hải Lăng có lẽ là con đường đẹp nhất hiện nay ở Quảng Trị. Dân Hải Lăng, trong lúc chờ đợi những nhà máy hiện đại mọc lên, những đội tàu hàng chục vạn DWT cập bến, những đoàn xe con thoi nối quốc lộ 1 về cảng Mỹ Thủy đang tận dụng mặt đường để làm nên một sân phơi dài trọn 13km của tuyến đường... Nhưng người ta nói ra bằng lời niềm hi vọng rằng chẳng ai muốn con đường chiến lược dài 13km nói về Khu kinh tế Đông Nam này cứ mãi làm cái “sân phơi tận dụng”. Hải Lăng đã chờ đợi quá lâu rồi! Năm 2008, đề xuất của tỉnh Quảng Trị về việc đầu tư xây dựng cảng biển Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh đã được Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đồng ý (tại thông báo số 272/TB-VPCP ngày 24-9-2008) cho bổ sung vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo dự án, vị trí quy hoạch cảng biển Mỹ Thủy thuộc địa bàn hai xã Hải An, Hải Khê, huyện Hải Lăng, nằm trong nhóm cảng biển Trung Trung bộ (nhóm 3), phục vụ trong tỉnh, các tỉnh Trung Trung bộ, cả nước và các nước nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây (gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar). Phương án được chọn là cảng đào sâu vào trong đất liền với diện tích khoảng 1.000ha, tổng kinh phí đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng. Theo quy hoạch, giao thông đến cảng Mỹ Thủy trước mắt chủ yếu bằng đường bộ, đầu tư tuyến đường xây dựng mới từ quốc lộ 1 về cảng dài 14km. Tương lai sẽ xây dựng mới đường sắt từ đường sắt Bắc - Nam về cảng Mỹ Thủy và từ ga Diên Sanh - Lao Bảo nối với đường sắt qua Lào. Tags: Tỉnh Quảng TrịLê Đức DụcHải LăngNhà máy nhiệt điệnKhu kinh tế Đông NamCảng biển Mỹ Thủy
2.700 tỉ đồng bán dự án Sài Gòn Đại Ninh cho Novaland bị đề nghị sung công quỹ DANH TRỌNG 03/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra cáo buộc trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh, số tiền 2.700 tỉ đồng đại gia Nguyễn Cao Trí nhận của Tập đoàn Novaland là thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm pháp luật, nên đề nghị sung công quỹ nhà nước.
Nhóm quái xế tông tử vong cô gái: Triệu tập 9 người, xác định 2 nghi can trực tiếp liên quan HỒNG QUANG 03/11/2024 Bước đầu, cảnh sát đã làm rõ 9 trường hợp liên quan vụ quái xế tông tử vong cô gái đang dừng đèn đỏ ở Hà Nội. Hai người trong số này khai nhận đã trực tiếp tông vào nạn nhân.
Bế mạc Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024: Giải đấu trong mơ NGUYÊN KHÔI 03/11/2024 Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 đã kết thúc với trận chung kết trong mơ và đăng quang xứng đáng của Công đoàn Quảng Ninh khi thắng Sacombank Bình Dương.
Con trai thứ hai tỉ phú Phạm Nhật Vượng làm CEO công ty vốn 200 tỉ BÌNH KHÁNH 03/11/2024 Ông Phạm Nhật Minh Hoàng, con trai của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, làm tổng giám đốc của công ty chuyên dịch vụ cho thuê xe điện. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 200 tỉ đồng với 5 lao động.