TTCT - Ngày càng nhiều VĐV thể thao đỉnh cao sử dụng thiết bị công nghệ cao để “kích thích não” nhằm đạt được thành tích tốt hơn, trong một thế giới mà lằn ranh giữa sự hỗ trợ đúng luật và “doping” đang ngày càng trở nên mong manh. Hình ảnh các VĐV đeo thiết bị kích thích não như thế này sẽ không còn xa lạ trong tương lai -aolcdn.com Như thường lệ, các đột phá công nghệ tiên phong bắt đầu từ Mỹ. Thiết bị Halo Sport của công ty khởi nghiệp Halo Neuroscience tại San Francisco trông giống như một chiếc tai nghe thông thường, nhưng theo Halo Neuroscience, nó có thể bắn một dòng điện vào vỏ não vận động của người sử dụng để kích thích nơron thần kinh có chức năng gửi lệnh vận động cho các cơ bắp. Điều đó đồng nghĩa Halo Sport sẽ giúp người dùng phản xạ nhanh hơn, một yếu tố quyết định trong hầu hết mọi môn thể thao, nhất là ở trình độ đỉnh cao. Halo Neuroscience khẳng định sản phẩm này, kết hợp với chế độ tập luyện hợp lý, sẽ giúp con người nhanh hơn, mạnh hơn, linh hoạt hơn và khéo léo hơn. Halo Sport chưa được bán ra thị trường đại chúng nhưng nhiều VĐV chuyên nghiệp đã bắt đầu sử dụng thiết bị này, bao gồm nhiều VĐV Olympic của đoàn Mỹ chuẩn bị cho Thế vận hội Rio 2016 vừa rồi. Các đội bóng rổ, bóng chày và bóng đá chuyên nghiệp ở Mỹ cũng đã bắt đầu thử nghiệm thiết bị. Halo Neuroscience không tiết lộ danh tính các VĐV và đội thể thao, nhưng mới đây một cầu thủ bóng rổ của CLB Golden State Warriors đã đăng trên Twitter bức ảnh anh đeo chiếc Halo Sport. Những chiếc Halo Sport thương mại đầu tiên dự kiến sẽ được bán ra thị trường vào tháng 10 tới với giá bán lẻ 749 USD. Đến nay tất cả đều được đặt mua hết sạch (với giá đặt mua trước 549 USD). Theo giới chuyên gia, nếu phát triển ở mức cao, công nghệ kích thích não có thể giúp các bệnh nhân Parkinson di chuyển dễ dàng hơn. Ở mức thấp, nhiều người bình thường cũng đủ khả năng chế tạo thiết bị kích thích não thô sơ để thử nghiệm. Nếu muốn tự lắp một thiết bị như Halo Sport, tất cả những gì bạn cần là pin 9 Volt, một số mạch điện đơn giản và hai cực điện. Trong vài năm qua, nhiều người đã thử nghiệm và trao đổi về cách kích thích não trên trang diễn đàn Reddit (vì lý do an toàn, chúng tôi xin không nhận trách nhiệm về mọi thử nghiệm tại gia nếu bạn đọc bài viết này). Với các bác sĩ, thiết bị kích thích não liên quan tới các chứng rối loạn như trầm cảm, lo âu hay đau đầu kinh niên, nhưng với giới thể thao và các công ty công nghệ, những sản phẩm mới được hứa hẹn sẽ giúp người khỏe mạnh trở nên đặc biệt hơn. Họ thậm chí quảng cáo những thiết bị này sẽ giúp cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung, sự sáng tạo và năng lực học tập (thậm chí cụ thể như học giỏi toán hơn và cai thuốc lá dễ hơn). Dễ hiểu là giới khoa học đã đưa ra cảnh báo. “Các công ty thổi thiết bị kích thích não lên như thể nó có thể biến người bình thường thành siêu anh hùng - chuyên gia Hannah Maslen ở ĐH Oxford nhận định - Một số quảng cáo là bất khả thi xét về phương diện khoa học”. Các thiết bị kích thích não được nghiên cứu và kiểm tra cẩn thận trong phòng thí nghiệm, nhưng rất khó để đưa công nghệ thần kinh nhạy cảm vào các thiết bị phổ cập. Với riêng thiết bị Halo Sport, trong khi giáo sư y sinh Marom Bikson thuộc Trường City College of New York (Mỹ) đánh giá cơ sở khoa học của sản phẩm này là khá vững chắc, ông cũng nói tuyên bố của công ty vẫn có tính chất thổi phồng hơn so với nhận xét thận trọng từ giới khoa học. Thử nghiệm cá nhân của các VĐV và HLV thể thao tới giờ cho thấy quả thật Halo Sport giúp tăng cường năng lực thể chất. Chuyên gia Troy Taylor thuộc tuyển Olympic mùa đông Mỹ đã nghiên cứu sử dụng Halo Sport làm thiết bị hỗ trợ VĐV và thấy bị thuyết phục. “Chúng tôi rất hào hứng. Tôi nghĩ thiết bị này có thể giúp chúng tôi giành lợi thế tại Olympic mùa đông 2018” - Taylor khẳng định. Nhưng liệu Halo Sport có thể bị xem là “doping não”? Ông Taylor không nghĩ vậy. Ông cho rằng một thiết bị không ảnh hưởng đến sức khỏe VĐV và chưa bị cấm là hoàn toàn hợp lệ. Mới đây, giám đốc khoa học của Cơ quan Chống doping thế giới (WADA) Olivier Rabin tuyên bố WADA đang “tích cực theo dõi công nghệ kích thích não” và đã thảo luận khả năng đưa công nghệ này vào danh sách cấm. “Nhưng giờ chưa phải là lúc ra quyết định” - ông Rabin thừa nhận. Theo ông, đầu tiên cần cơ sở khoa học rõ ràng cho thấy thiết bị kích thích não quả thật giúp cải thiện năng lực của vận động viên. ■ Tags: Halo sportDoping nãoThành tựu công nghệ thể thao
TAND giải quyết tranh chấp đất đai: Bỏ một quan niệm không hợp thời DƯƠNG NGỌC HÀ THỰC HIỆN 28/03/2023 2045 từ
Bộ Công an thông tin danh tính hai phó chủ tịch Hiệp hội Golf và 15 golfer đánh bạc THÂN HOÀNG 29/03/2023 Bộ Công an công bố 21 người bị khởi tố, bắt tạm giam vụ golfer đánh bạc, trong đó có hai phó chủ tịch và phó tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam cùng nhiều doanh nhân.
Người phụ nữ nấu rượu đi xe đạp bị cảnh sát giao thông thổi nồng độ cồn CHÍ TUỆ 29/03/2023 Gia đình làm nghề nấu rượu, trước khi bán cho khách hàng bà N. thường uống thử để kiểm tra nồng độ rượu. Bà N. nghĩ rằng đi xe đạp thì không bị cấm uống rượu nên cứ vô tư đạp xe ra đường.
Sau ngày 31-3: Thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa một chiều THANH HÀ 29/03/2023 Không lùi thời hạn khóa thuê bao đối với những thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin, sau ngày 31-3 sẽ bắt đầu khóa một chiều, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa khẳng định.
Cuộc sống người dân Long Thành đảo lộn ra sao vì 'bão bụi' từ công trường sân bay? H.MI 29/03/2023 Liên quan vụ “bão bụi” tấn công hàng ngàn hộ dân, sáng 29-3, lãnh đạo UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết người dân đang khổ sở với "bão bụi" từ sân bay Long Thành, nhưng chưa có giải pháp nào.