Hàng hóa hay nhân cách: Chuyện "Ăn coi nồi, ngồi coi hướng"

ĐOÀN KHẮC XUYÊN 23/05/2012 22:05 GMT+7

TTCT - Không phủ nhận quyền tự do tiêu dùng, nhưng mẫu số chung của các ý kiến trong suốt chiều dài cuộc tranh luận về "Hàng hóa và nhân cách" là tiêu dùng có văn hóa.

 
 

 Tôi vẫn còn nhớ mãi một bức biếm họa đăng đầu những năm 1970 trên một tờ báo Pháp, nếu tôi nhớ không lầm là tờ Le Monde, vẽ triết gia Jean Paul Sartre. Một tay cầm cái tẩu hút thuốc đặc trưng của ông, tay kia cầm cuốn La nausée (Buồn nôn) ném ra phía sau lưng, miệng tuyên bố (đại ý): Trước những đứa trẻ chết đói ở châu Phi, cuốn La nausée chẳng có nghĩa lý gì! 

Hẳn chẳng phải vì bốc đồng mà ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh nói như vậy về một trong những tác phẩm then chốt của mình.

Minh họa: Vũ Đình Giang

Sống trong một xã hội gọi là xã hội tiêu thụ, chủ xướng một triết học đề cao tự do và từ đó trách nhiệm của con người với chính mình, ông cũng là người kêu gọi dấn thân cho xã hội vì tất cả chúng ta đều đã “xuống thuyền” (embarqué) ở trên cùng một con thuyền. 

Nói theo ngôn ngữ bây giờ, ông không phản đối “quyền được lấp lánh”, chẳng những thế còn đề cao tự do cá nhân, nhưng ông cũng kêu gọi ý thức xã hội, và cao hơn nữa là sự dấn thân cho xã hội.

Đó không phải là sự phủ định quyền tự do cá nhân, không phải là đề cao thứ chủ nghĩa tập thể máy móc triệt tiêu mọi sắc thái và sáng tạo cá nhân, mà chính vì con người sống là sống trong xã hội, do đó hoàn toàn không thể không có trách nhiệm với xã hội. Trước những đứa trẻ chết đói ở châu Phi, Sartre vứt cuốn La nausée là vì vậy, để dấn thân cho một xã hội, một thế giới tốt đẹp hơn.

2. Với những đứa trẻ đói ăn ở châu Phi xa lắc, người có ý thức xã hội còn thấy bứt rứt không yên, huống hồ với những đồng bào còn nghèo khó trong cùng một đất nước. Tự do tiêu dùng, tự do “lấp lánh”, điều đó là bình thường trong một xã hội bình thường vốn bao giờ cũng đa dạng, đa sắc màu chứ không phải như trong một xã hội khép kín, “đồng phục hóa”.

Tuy nhiên, bởi chúng ta sống là sống trong xã hội, chúng ta không thể không biết, và trong chừng mực nào đó không thể không có trách nhiệm với xã hội xung quanh. Cho nên “lấp lánh” đến mức bất chấp xã hội xung quanh đang nghèo khó, thậm chí nghèo đói thì sự “lấp lánh” ấy chẳng khác nào một sự xúc phạm đối với những người chưa hoặc không có cơ hội (chứ chưa hẳn là không có khả năng) sống một cuộc sống xứng đáng hơn về vật chất và cả tinh thần.

Hiện tượng một số người giàu tiêu xài xa hoa, khoe của, hợm hĩnh ở một đất nước mà tính theo thu nhập bình quân đầu người chỉ vừa mới bước qua khỏi ngưỡng nước nghèo đã làm dấy lên sự bức xúc, chỉ trích trong cộng đồng cũng bởi lý do đó. 

Bởi, đối lập với hiện tượng trên là thực trạng nhiều người vẫn đang phải vất vả kiếm ăn từng bữa, nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đang phơi bày sự khốn khó; xã hội đang đứng trước nhiều vấn nạn lớn chưa thấy lối ra như khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông ách tắc, tình trạng quá tải như nêm cối ở các bệnh viện lớn, môi trường sống suy thoái, đạo đức xã hội xuống cấp…

 Người xưa khuyên phải “coi nồi, coi hướng”, tức phải biết nghĩ đến người khác, đến người chung bàn ăn, đến cộng đồng khi ta ăn, ta ngồi để có cách hành xử phù hợp với những giá trị được cả cộng đồng thừa nhận.

3. Tôi không đồng ý đối lập nhân cách với hàng hóa như tiêu đề của cuộc thảo luận này (Hàng hóa hay nhân cách?), bởi nhân cách nào mà không cần tiêu dùng, tức cần hàng hóa? Và khi đã tiêu dùng, tất nhiên ai chẳng muốn hàng hóa mình xài ngày càng tốt hơn, đẹp hơn nếu có khả năng mua?

Vả chăng, hàng hóa không có tội, tội là ở cách sử dụng hàng hóa, sự hợm hĩnh trong cách sử dụng, làm như hàng hóa là tất cả. Và trách nhiệm với xã hội xung quanh đôi khi chỉ cần là đừng lăng mạ, đừng xúc phạm những người chưa có cơ hội như mình qua cách tiêu dùng lãng phí, phô trương, hợm hĩnh, khoe mẽ.

Có người bảo nền kinh tế thị trường nước ta đang ở giai đoạn của chủ nghĩa tư bản hoang dã. Có thể, văn hóa tiêu dùng ở nước ta - với sự xuất hiện của những nhà giàu mới mà tài sản nhiều khi không đến từ phát triển công nghiệp hoặc công nghệ mà chủ yếu đến từ kinh doanh đất đai và những nguồn thu nhập bất minh khiến nhiều người chỉ qua một đêm đã trở thành tỉ phú - cũng đang ở giai đoạn tương tự như vậy.

Điều đó giải thích vì sao không ít nhà giàu mới ở nước ta có cách xài tiền khiến ngay cả nhiều người sống ở các nước phát triển cũng phải kinh ngạc, và rất khác với cách tiêu tiền của những tỉ phú đôla như Bill Gates.

Ở các nước phát triển, thứ văn hóa tiêu dùng kiểu “shop until you drop”, tiêu dùng bất chấp tất cả, từ lâu đã bị phê phán trong khi với không ít nhà giàu mới ở nước ta lại đang là mốt nhằm khoe của và cũng nhằm tạo cái “mác” để lòe đối tác trong làm ăn.

Thật ra, không cần nói đâu xa xôi, trong kho tàng văn hóa dân gian nước ta đã có sẵn những bài học về “văn hóa tiêu dùng” và cách hành xử phù hợp với những giá trị xã hội, giá trị cộng đồng. Nếu coi tục ngữ là túi khôn của cha ông để lại thì câu tục ngữ “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” là một thí dụ về túi khôn đó.

Trong câu tục ngữ ấy, không ai cấm ăn, cấm ngồi, không ai tước đoạt quyền được ăn, được ngồi của bất cứ ai. Người xưa khuyên phải “coi nồi, coi hướng”, tức phải biết nghĩ đến người khác, đến người chung bàn ăn, đến cộng đồng khi ta ăn, ta ngồi để có cách hành xử phù hợp với những giá trị được cả cộng đồng thừa nhận.

4. Cần tiêu dùng, nhưng tiêu dùng một cách có văn hóa. Cần hàng hóa, nhưng hàng hóa không phải là tất cả. “Lấp lánh” cứ việc, nhưng làm sao để nó đừng như một sự xúc phạm đối với không ít thân phận nghèo khó, cực nhọc còn đầy rẫy quanh ta, chưa nói đến việc chung tay giúp họ thoát khỏi thân phận ấy.

Sự tăm tối của tâm hồn

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng ở mọi nơi, do sự hợp lý của các tài năng kinh doanh và sự bất hợp lý của những cơ cấu kinh tế xã hội, hay của chính con người. Lão Tử nói: Đạo của trời là đem chỗ nhiều bù chỗ ít. Đạo của người là đem chỗ ít bù chỗ nhiều.

Từ hồi có nền kinh tế thị trường, cái khoảng cách giàu nghèo ở nước ta ngày một gia tăng, nhất là tình trạng tham nhũng và sự tan vỡ của các khối tài sản công hữu, làm cho người ta giàu lên nhanh chóng, không phải vì tài năng kinh doanh hay sáng tạo gì cả. Kết quả là đất nước thì nghèo đi mà nhiều tư nhân ngày càng giàu lên, thậm chí bất chấp những cuộc khủng hoảng kinh tế có một số người vẫn tiếp tục giàu lên - điều phản ánh sự phi lý của kinh tế hiện đại và những nền kinh tế đang phát triển.

Giàu có bằng sức lao động, người ta vẫn có thể khoe khoang. Giàu có bằng chiếm đoạt, người ta càng dễ khoe khoang. Đó là một tâm lý rất bình thường. Cuộc thi giàu của hai đại gia cổ Trung Hoa là Vương Khải và Thạch Sùng đã trở thành truyền thuyết trong lịch sử.

Thạch Sùng thì rửa nồi bằng mật, Vương Khải rửa nồi bằng kẹo mạch nha. Thạch Sùng đun bếp bằng bạch lạp, Vương Khải đun bếp bằng ngân phiếu. Thạch Sùng khoe cây san hô cao ba trượng, Vương Khải cầm gậy sắt đập tan rồi đưa ra cây san hô cao chín trượng. Đại loại cuộc thi cứ diễn ra như vậy và được dân gian thêm thắt vào rất nhiều tình huống ly kỳ.

Cái tâm lý khoe của không có gì mới, mà nó thường trực trong người nông dân Việt Nam. Không có tiền thì đành chịu kham khổ, có rồi thì tô vẽ nhà cửa cố gắng cho khác người, điện thờ không thiếu thứ gì. Một thời kỳ bao cấp và chiến tranh gian khổ kéo dài, khi có điều kiện thì bao nhiêu ức chế cũ được xả ra gấp bội giống như một phản ứng ngược chiều. Tình dục, ăn uống, cờ bạc, tốc độ, hàng hóa xa xỉ... những thứ trước kia bị kìm hãm nay lật ngược cả lại.

Có hẳn một ngành công nghiệp phục vụ sự xa xỉ của các tỉ phú, các ngôi sao, các danh nhân, doanh nhân. Ôtô đắt tiền, du thuyền sang trọng, đồ trang sức quý, thời trang cao cấp... Ngành công nghiệp đó cũng tạo việc làm cho nhiều người, đặc biệt là những người có tay nghề cao và cũng là một cách phân phối bớt sự giàu có đang béo phì hơn. Cho nên, người ta thấy cũng không cần chỉ trích quá nhiều sự phô trương giàu có, mà trong lòng thấy nó thật thảm hại nhiều hơn.

Một đám cưới triệu đô đem lại việc làm cho hàng trăm người khó khăn, còn chờ mong người giàu làm từ thiện thì lâu lắm. Và thường là người làm ra sự giàu có ít khoe khoang hơn con cháu của họ - những người sinh ra đã ngồi trên đống vàng.

Nếu nhìn rộng hơn sẽ thấy sự tương đồng giữa một đám cưới phô trương với một đám ma xa xỉ hoành tráng của một thiền sư (thậm chí còn phổ biến hơn những đám cưới). Nó phản ánh sự tối tăm trong tâm hồn, sự dị đoan trong tín ngưỡng, sự giàu có đi ngược chiều với sự suy thoái của văn hóa.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận