"Hạnh phúc có thể tìm thấy ở những điều giản dị"

TRẦN VIỆT HOÀNG 06/09/2008 22:09 GMT+7

TTCT - Paul Auster là một trong những nhà văn đương đại được đánh giá cao nhất tại Mỹ hiện nay. Nổi bật với phong cách hậu hiện đại riêng biệt và tài kể chuyện bẩm sinh, các tác phẩm của ông vừa đầy rẫy những yếu tố hoang đường, phi lý, giả định nhưng đồng thời cũng rất gần gũi với tâm thế của con người trong xã hội hiện đại.

Phóng to
Sau hai tác phẩm Trần trụi với văn chương (gồm ba tiểu thuyết ngắn) và Nhạc đời may rủi, một cuốn tiểu thuyết nữa của Paul Auster lại đến với bạn đọc VN - đó là Người trong bóng tối, tác phẩm phát hành cùng ngày với Mỹ tại VN (19-8-2008). Người có công giới thiệu tác giả độc đáo này đến với độc giả VN là dịch giả Trịnh Lữ.

* Điều lôi cuốn nhất khi ông bắt tay dịch Paul Auster là gì? Và ấn tượng lớn nhất mà Người trong bóng tối đem lại cho ông?

- Paul Auster lôi cuốn tôi vì cách ông khai mở chốn mê cung tâm lý của con người. Người trong bóng tối khiến tôi có ấn tượng tốt với văn chương hậu hiện đại và nhớ đến câu tục ngữ “Thầy già, con hát trẻ”.

* Người trong bóng tối hình như mang nhiều tâm thế thời cuộc nhất của Paul Auster?

- Vâng. Đa số trí thức văn nghệ sĩ Mỹ đều chán ghét chính quyền Bush và chiến tranh Iraq. Họ lên tiếng rất mạnh mẽ tùy theo nghề nghiệp của mình. Người trong bóng tối là cách lên tiếng của một nhà văn. Tôi nghĩ thời cuộc chỉ thôi thúc sự lên tiếng ấy, còn tâm thế nhà văn, như của Paul Auster, thì sâu xa dài rộng hơn thời cuộc nhiều.

* So với hai tác phẩm trước của Paul Auster đã được ông dịch ra tiếng Việt (Trần trụi với văn chương và Nhạc đời may rủi), Người trong bóng tối dường như là một thay đổi lớn trong ngôn ngữ và tư tưởng văn chương của tác giả này. Vẫn sử dụng nhiều thủ pháp hậu hiện đại, những thủ pháp mà ông đã nhắc trong lời giới thiệu “những thực tại song hành, tính chất liên văn bản giữa văn chương và điện ảnh, cấu trúc phi trung tâm về đề tài và cốt truyện”, nhưng phải chăng đấy chỉ là sự dẫn dắt để Paul Auster đến gần với thế giới nội tâm đổ vỡ của con người và những phi lý của thế giới hiện nay?

- Thật ra Trần trụi với văn chương là ba tác phẩm đã từng xuất bản riêng biệt (Thành phố thủy tinh, Những bóng ma và Căn phòng khóa kín), cho nên kể cả Người trong bóng tối thì Paul Auster đã có 5 tác phẩm được dịch và giới thiệu ở VN.

Phóng to
Paul Auster sinh năm 1947 tại thành phố Newark, bang New Jersey (Hoa Kỳ) trong một gia đình Do Thái trung lưu gốc Ba Lan. Tốt nghiệp Đại học Columbia năm 1970, ông sang Paris và sống bằng việc dịch văn học Pháp. Năm 1974, ông trở lại Hoa Kỳ và bắt đầu sáng tác.

Tên tuổi Paul Auster bắt đầu nổi khi bộ ba tiểu thuyết The New York trilogy (đã được dịch sang tiếng Việt với tựa Trần trụi với văn chương), trong đó ông tạo nên hình thức hậu hiện đại riêng biệt của mình.

Paul Auster đã xuất bản 13 tập tiểu thuyết, năm hồi ký và tự truyện, năm kịch bản phim, năm tác phẩm dịch thuật, một tập thơ và nhiều tiểu luận văn học. Ông đã nhận được bảy giải thưởng văn học danh giá của Mỹ và quốc tế, trong đó có giải Prince Asturia 2006 - giải thưởng đã từng được trao cho các văn hào thế giới như Gunter Grass, Arthur Miller... Năm 2007 ông nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Liège (Pháp). Hiện ông sống cùng gia đình tại Brooklyn, New York (Mỹ).

So với các cuốn trước, ngôn ngữ của Người trong bóng tối vẫn là ngôn ngữ giản dị của lời kể chuyện bình thường, nhưng không phải là tác giả kể chuyện người khác nữa mà là một ông già kể chuyện xưng “tôi”, cho nên giọng điệu có khác nhiều. Paul Auster vẫn dùng những thủ pháp ấy để diễn ngôn tâm lý đổ vỡ của con người và những phi lý của thế giới, nhưng nếu những tác phẩm trước của ông làm công việc diễn ngôn ấy với thái độ hoang mang nghi ngờ, thì Người trong bóng tối làm việc ấy với thái độ chiêm nghiệm tích cực hơn nhiều.

Trong Trần trụi với văn chương, con người đi tìm sự thật và ý nghĩa của cuộc đời cuối cùng đã không còn biết mình là ai, không còn nơi nương tựa và biến hẳn khỏi hiện hữu. Còn Người trong bóng tối thì lại thấy ánh sáng của một niềm tin vào những “petits récits” - những “câu chuyện nhỏ” chứa đựng những mảnh lẻ của sự thật được Paul Auster cô đọng bằng mấy câu trích dẫn chứ không bằng lời riêng của mình.

Một là hai lời thoại trong bộ phim Câu chuyện Tokyo của Ozu có thể ghép thành một câu rằng: “Đời đáng chán, nhưng ta vẫn muốn con được hạnh phúc”. Và hai là câu thơ của Rose Hawthorne: “Trong lúc thế giới kỳ dị này vẫn trôi lăn tiếp tục”. Khi dịch xong cuốn này, tôi như nghe thấy Paul Auster thầm thì với mình: “Cái thế giới quái đản này sẽ vẫn trôi lăn tiếp tục. Đời đáng chán, đúng thế, nhưng cả tôi và bạn, mình vẫn cứ muốn được hạnh phúc”. Và tôi tin rằng hạnh phúc ấy vẫn có thể tìm thấy ở những điều giản dị nhỏ nhặt nhất của cuộc đời.

* Bản dịch Người trong bóng tối được phát hành cùng ngày với nguyên tác Man in the dark tại Mỹ có lẽ là một trường hợp khá hi hữu trong giới xuất bản tại VN. Điều này có được nhờ sự nhanh nhạy trong việc thương thảo bản quyền của nhà phát hành hay là mối quan hệ riêng của ông với Paul Auster?

- Tôi biết đại diện của Paul Auster qua một vài công việc khác ở New York. Họ rất thú vị khi thấy tôi chính là người dịch New York trilogy (Trần trụi với văn chương) và The Music of chance (Nhạc đời may rủi). Khi tôi đồng ý sẽ dịch Man in the dark ngay từ lúc Paul còn chưa đọc lại bản thảo lần cuối, họ đã chủ động đề xuất với NXB Phương Nam ý tưởng cho bản dịch của tôi ra đời cùng lúc với nguyên tác. Một tháng sau khi dịch xong, thư ký của Paul còn email bảo tôi rằng Paul có chữa lại mấy chữ ở chỗ ấy chỗ ấy, đề nghị tôi sửa lại bản dịch theo như thế. Họ cũng đề nghị tôi dịch giúp cả những ý kiến nhận định phê bình và tiểu sử tóm tắt của Paul.

* Dù đến với công việc dịch thuật văn chương khá muộn nhưng tốc độ làm việc của ông thật đáng nể. Trong những dịch phẩm đã xuất bản của mình, bản dịch nào khiến ông hài lòng nhất?

- Thường tôi thấy hài lòng khi dịch được những nguyên tác khó về ngôn ngữ văn phong và hay về nội dung ý nghĩa, ví dụ như cuốn Biển của John Banville và cuốn Hội họa Trung Hoa của Lâm Ngữ Đường viết trực tiếp bằng tiếng Anh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận