Hát rong

TRẦN ANH (HÀ NỘI) 07/04/2010 06:04 GMT+7

TTCT - Con phố ấy có nhiều bóng cây xanh im mát, có nhiều hàng rong ngang qua, có nhiều quán cóc vỉa hè... Một nhóm hát rong rẽ vào với trật tự không đổi: người đi trước cầm loa, ngửa chiếc mũ trên tay; kẻ đi sau cầm micro và hát. Họ nối với nhau bằng một sợi dây điện và một số phụ kiện khác.

Phóng to
Ảnh: Bùi Thanh Phương

Ánh mắt buồn và điệu hát cũng buồn. Những ca từ chảy trôi theo bước chân của họ nghe như thoát thai từ niềm tha hương khốn khó, có khi là sự thổn thức gọi “mẹ ơi”, là tiếng chim đa đa gợi nhớ miền quê tịch vắng heo hút, là chiếc áo mùa đông trong ái tình lính chiến... dễ xúc động lòng người và dễ xui khiến người ta bỏ tiền vào mũ.

Chị bán hàng rong dúi vào nhóm hát rong mấy quả quýt vàng tươi. Bà già hàng nước cho thêm thanh kẹo lạc. Đứa trẻ đi ra từ hiệu sách kế bên dúi vào mấy đồng xu. Bác xe ôm tỉnh giấc cũng mở ví với 5.000 đồng... Họ bước tiếp và hát.

“Dừng lại, gánh hát ơi!”, từ trên tầng 3, nơi cửa sổ vọng ra một tiếng gọi. Đó là một thanh niên với khuôn mặt có một phiến băng trắng bịt kín mắt phải. Cậu nhìn xuống phố bằng con mắt còn lại và móc từ trong túi áo những đồng tiền lẻ. Vò lại để ném xuống, gió cũng chẳng kịp làm mệnh giá nhỏ ấy rơi lung tung. Nhóm hát nhận lấy. Đứng dưới gốc cây bằng lăng đang tím ngát hoa, họ tự bạch: Cũng đành xin làm người hát rong... chỉ mong đời không chê trách...

Con phố lúc này có điều gì đó đang ngưng lại. Nhật ký ơi, cảnh ấy buồn mà đẹp!

Chuyện ở bưu điện

Tại quầy gửi hàng phát chuyển nhanh của Bưu điện Phú Nhuận trên đường Phan Đình Phùng (TP.HCM), một cô gái ăn mặc loàng xoàng nhưng sạch sẽ đang gửi một bưu kiện nhỏ về miền Trung. Sau khi lập thủ tục, anh nhân viên thông báo lệ phí phải đóng là 21.000 đồng. Tần ngần một lát cô gái rụt rè nói không đủ tiền vì chỉ còn 17.000 đồng mà nhà trọ xa bên Gò Vấp.

Anh nhân viên linh hoạt đề nghị chuyển phiếu thu của cô về bưu cục gần nhà cho cô tiện đóng tiền mà không phải quay lại, nhưng như vậy bưu kiện sẽ bị ách lại cho đến khi đóng xong lệ phí. Số tiền thiếu nhỏ xíu nhưng giải quyết cách nào đây? Cô gái im lặng suy nghĩ. Bỗng một người đàn ông trung niên đứng chờ đến lượt chậm rãi móc túi rút ra tờ 5.000 đồng trao cho cô gái. Sửng sốt vài giây, cô gái lắp bắp:

- Dạ... cháu chỉ còn thiếu 3.000 đồng nữa thôi ạ.

- Cháu có đi xe không? Giữ mà trả tiền gửi xe.

- Nhưng cháu trả tiền cho chú bằng cách nào?

- Khi có điều kiện, cháu hãy giúp người nghèo hay đem cúng ở chùa.

- ... Cháu, cháu cảm ơn chú - giọng cô gái nghèn nghẹn.

Cả quầy như lắng lại...

Dấu yên bình

Nhật ký ơi,

Sài Gòn chật chội. Chen chúc trong dòng người đông nghẹt này là điều mà tôi chán ghét nhất. Tôi thường vừa nhích từng chút vừa... muốn khóc. Tôi không phải là kiểu người ủy mị, yếu đuối nhưng hình như cũng có vài lần rơi lệ. Nhất là những lúc người rã rời, đầu óc thì chỉ có một ý nghĩ duy nhất là về nhà tắm rửa rồi ngủ vùi.

Hôm nay cũng như mọi ngày, tôi lại phải ra đường vào giờ cao điểm. Mặt tôi nhăn nhó vì khói bụi và nóng bức. Tôi nhìn ngó xung quanh xem có chỗ nào len lỏi vào được không thì bất chợt bắt gặp một hình ảnh thật thú vị. Một cô bé tròn trĩnh, mặc đồng phục đi học, tóc cột đuôi gà thật đáng yêu, ngồi phía sau lưng bố, đầu tựa vào lưng, mắt nhìn lên trời. Một khuôn mặt hồn nhiên, trong sáng đến lạ kỳ. Không biết cô bé đang nghĩ gì mà miệng cười tủm tỉm, trông có vẻ chẳng bận tâm mấy đến thế giới xung quanh.

Trong khi đó mọi người ai cũng đang căng thẳng, mắt chăm chú nhìn đèn giao thông để tay kịp nhấn ga ngay khi đèn chuyển sang màu xanh. Tôi nhìn cô bé không rời mắt. Một khoảnh khắc thật đẹp. Tôi thấy mình may mắn biết bao vì đâu đó trong ký ức của mình về cái thành phố ồn ào này vẫn còn có những góc thật yên bình. Bất chợt cô bé đưa mắt về phía tôi. Tôi cười. Cô bé cũng cười. Tôi nhép miệng “Học lớp mấy rồi?”. Cô bé nhe răng, giơ hai ngón tay ra trả lời tôi rồi lại ngước lên trời. Tôi cũng hơi tò mò muốn nhìn thử nhưng đèn đã chuyển màu. Tôi lạc dấu cô bé.

Cảm ơn

Tan sở, chị tạt qua chợ. Ra khỏi chợ, tới cột đèn đỏ chị dừng xe lại khi chuông điện thoại trong túi reo. Lúi húi mở túi lấy điện thoại, chị không biết túi đồ ăn treo phía trước xe bị móc vào tay lái của chiếc xe bên cạnh. Hai cô cậu đang ngồi trên chiếc xe đó mải cười đùa nên cũng không biết. Đèn xanh hiện lên, bỗng “phựt”, chiếc túi bị đứt, đồ ăn trong túi rơi xuống, những quả cà chua lăn lóc trên đường. Chị vội dựng xe xuống nhặt. Một cậu thanh niên lao xe qua cái vụt xéo nát quả cà chua chị chưa kịp nhặt. Dòng xe vẫn vụt qua trên đường, một số người nhìn chị ngán ngẩm: “Làm sao mà để đồ ăn rơi hết xuống đường thế kia?”. Bỗng một thằng bé bán vé số trên vỉa hè chạy lại nhặt đồ ăn giúp chị, nó còn mua giúp chị một túi nilông khác. Chị đưa tiền trả thằng bé, nó lắc đầu và quay đi. Khi nó đã đi được một đoạn xa, chị chợt nhớ ra: “Mình còn nợ thằng bé một lời cảm ơn”.

TTCT cảm ơn các bạn: Gia Long, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Tấn Lực, Nguyễn Kim Nguyệt, Trần Lê Khánh Ngọc, Thân Thị Quỳnh Hương... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục mới này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận