TTCT - Từ cây Noel muối chua đến "cá ướp Giáng sinh", không thiếu ý tưởng từ bình dị đến táo bạo để biến cái cây trang trí trong phòng khách mùa vọng của bạn thành món hảo hạng. Cây Giáng sinh có thể là cây thông hoặc các loài lá kim khác như linh sam, vân sam, tùng, bách... Từ lá đến vỏ, từ hạt đến quả của chúng đều có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác để tạo nên những món ăn độc đáo, miễn là người đứng bếp có đủ sáng tạo.Ăn cây Giáng sinh"Làm thế nào để ăn cây Giáng sinh của bạn" không phải lời nói đùa. Đầu bếp người Anh Julia Georgallis đã chia sẻ bí quyết ẩm thực này trong quyển sách nấu ăn How to Eat Your Christmas Tree xuất bản tháng 10-2020.Georgallis kể với The Washington Post ý tưởng "ăn cây Noel" lóe lên trong đầu khi cô đang chuẩn bị một bữa tiệc mừng Giáng sinh năm 2015. Nhìn thấy hàng xóm mang cây thông về nhà lục tục chuẩn bị, cô chợt nghĩ liệu có cách nào tận dụng cây thông ở nhà mình hậu lễ để khỏi vứt đi lãng phí. Thế là Georgallis thêm một vài lá cây vân sam vào món custard đông lạnh. Vài giờ sau, cô đã có thể thưởng thức một món kem đậm hương vani hơn thông thường, nhờ có lá vân sam đưa vị.Georgallis và quyển sách nấu ăn của côTrong quyển sách giới thiệu hơn 30 công thức chế biến món ăn từ cây Noel, có những món kỳ công, dù không cần nấu nướng, nhưng cần đến vài ngày chuẩn bị và thực hiện như món cá ướp Giáng sinh. Theo hướng dẫn của Georgallis, nên đông lạnh cá đã phi lê ít nhất 24 tiếng trước khi ướp để tiêu diệt vi khuẩn và rã đông vài tiếng trước khi nấu. Tiếp đến, chọn cắt những cành lớn từ cây Giáng sinh, rửa sạch, cắt lá kim, sau đó rửa lại lá một lần nữa. Kế tiếp, trộn hỗn hợp gồm đường, muối, củ cải đường bào sợi, vỏ chanh và lá kim. Trải hỗn hợp lên màng bọc thực phẩm và quấn đều quanh lát cá phi lê. Đặt cá lên khay, lấy vật nặng đè lên và để trong tủ lạnh từ 24 - 36 giờ; giữa khoảng thời gian đó, trở mặt cá. Trước khi ăn, chỉ cần rửa sạch hỗn hợp ướp và lá kim trên cá, rồi cắt lát mỏng là có thể thưởng thức.Một món cũng đơn giản không kém, lại khá gần gũi với Việt Nam là dưa chua cây Giáng sinh. Chỉ cần chuẩn bị lá kim tương tự món cá ướp. Đun nóng giấm, muối và đường trong chảo cho đến khi sôi. Xếp củ cải đường, cà rốt, dưa leo, lá kim và quả bách xù vào một cái lọ rồi đổ nước ngâm vào. Đậy chặt lọ. Nhanh tay lật ngược lọ để loại bỏ hết không khí. Sau khi nguội, để lọ dưa chua ở nơi tối, mát mẻ hoặc trong tủ lạnh tối thiểu 5 ngày trước khi dùng và ăn trong 2 tuần sau khi mở nắp. Món cá ướp Giáng sinh kết hợp giữa cá phi lê và lá thông và dưa chua Giáng sinh kết hợp củ cải đường, cà rốt, dưa leo, lá kim và quả bách xù. Ảnh: JULIA GEORGALLISRiêng với cây thông, trang Food Meets Science khẳng định việc sử dụng chúng trong nhà bếp đã có lịch sử lâu đời ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Các nền văn minh như Hy Lạp, La Mã và Ai Cập đã kết hợp hạt thông vào ẩm thực từ thời cổ đại. Thời trung đại, người ta thêm lá thông vào dung dịch lên men thực phẩm để tăng hương vị và khả năng bảo quản tự nhiên. Truyền thống sử dụng thông cũng như quả và lá của nó cũng được truyền qua nhiều thế hệ ở các nước Bắc Âu.Quả thông mang lại cho món ăn hương đất và gỗ, vì vậy chúng thường được thêm vào món hầm hoặc nước xốt để tăng hương thơm độc đáo. Cũng có thể linh hoạt dùng chúng trong salad hoặc những món với cơm, làm lớp phủ hoặc trang trí. Chồi thông cũng là lựa chọn tuyệt vời khi dùng với xốt pesto hoặc dầu ô liu. Khi ngâm trà hoặc cho vào nước dùng, chúng tỏa ra hương thơm nhẹ.Sáng tạo hơn, quán bar sân thượng Midnight Apothecary ở London trộn lá và thân cây linh sam Douglas với rượu vodka, sau đó thêm xi rô làm từ mật ong hoa dại sẫm màu, lá xô thơm, rượu vermouth khô, rượu đắng ngải cứu, cùng một nhánh linh sam trang trí để cho ra đời một thức uống đậm chất Giáng sinh.Tận dụng triệt để, Artur Cisar-Erlach, một nhà sinh thái rừng di chuyển thường xuyên giữa Áo và Canada, khuấy vỏ cây Giáng sinh với bột mì, đường, bơ, trứng, bột nở và muối, kết hợp với một loại kem ngọt làm từ lá kim để nướng bánh quy. Anh cũng chiên một lớp mô mỏng trên cây để làm bánh snack và dùng thân nướng bánh mì.Thịt nai nấu với quả thông, cần tây, quả mơ. Ảnh: SVENWASSMER/INSTATừ cứu đói thành mỹ vịTheo trang Atlas Obscura, các học giả tin rằng người Bắc Âu đã chế biến và ăn bánh mì vỏ thông trong nhiều thế kỷ. Nó được xem như món ăn truyền thống của người Sámi - chủ yếu sống ở miền bắc Na Uy, bán đảo Kola của Nga, Thụy Điển và Phần Lan.Ở Phần Lan, một loại bánh mì vỏ thông có tên pettuleipä được tiêu thụ hàng loạt trong nạn đói lớn năm 1695-1697. Song cũng từ đó, món ăn này được xem như thực phẩm khẩn cấp để cứu đói mà người Phần Lan chỉ ăn khi thật sự cần thiết, Ritva Kylli - giáo sư lịch sử Phần Lan và Bắc Âu tại Đại học Oulu - chia sẻ với Atlas Obscura.Nguyên nhân là do các nhà khoa học, trong đó có nhà thực vật học người Thụy Điển Carl Linnaeus, cho rằng bánh mì vỏ cây không tốt cho con người và việc tước vỏ cây sẽ đe dọa ngành công nghiệp gỗ. Lời tuyên truyền từ các học giả hàng đầu và chính quyền, kết hợp với tiến bộ nông nghiệp, đã khiến bánh mì vỏ thông trở thành ký ức xa vời đối với nhiều cư dân Bắc Âu. Mãi đến giữa những năm 2000 khi phong trào thực phẩm Bắc Âu Mới nổi lên, các nguyên liệu truyền thống địa phương bị lãng quên, trong đó có thông, mới có cơ hội trở mình thành những kiệt tác ẩm thực hiện đại. Cụ thể, theo Atlas Obscura, tất cả các bộ phận của cây thông được nhiều nhà hàng sang trọng nhưng không kém phần táo bạo, trên khắp Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch xem như nguyên liệu đáng khai thác.Món tráng miệng tại nhà hàng Geranium (Copenhagen), bao gồm trứng sô cô la vị thông. Ảnh: MECHIKA/ALAMYTrào lưu này còn lan rộng nhờ danh tiếng của Noma - một nhà hàng 3 sao Michelin ở Copenhagen. Những món làm từ thông tạo nên tên tuổi cho Noma gồm có quả thông còn nguyên lõi, kẹo mềm làm từ giấm thông và lá linh sam Douglas, cũng như tim tuần lộc nướng trên lớp thông tươi.Maaemo, một nhà hàng 3 sao Michelin ở Oslo, có món tôm hùm Na Uy nướng bơ thông, phủ xốt chồi thông. Nhà hàng Geranium ở Copenhagen phục vụ món chim cút nướng với hạt húng tây, mầm bắp cải và thông ngâm. Trước khi đóng cửa vào tháng 12-2022, nhà hàng Oaxen Krog & Slip đã thu hút khách đến một hòn đảo nông thôn thuộc quần đảo Stockholm với pho mát ấm làm từ vỏ thông, cùng món mỡ lợn hun khói dùng với mầm thông xay nhuyễn, dưa chuột và bánh mì lúa mạch đen khô.Tương tự, bất chấp vị trí địa lý xa xôi, nhà hàng bên trong khách sạn Kultahovi - tọa lạc tận Inari, một đô thị hẻo lánh ở vùng Sápmi cực bắc của Phần Lan - vẫn tạo nên danh tiếng từ các món ăn truyền thống Bắc Âu được chế biến bằng những nguyên liệu dân dã tại chỗ như quả mọng, tuần lộc, cá trắng, cá hồi Bắc Cực và cá hồi hồ, và tất nhiên không thể thiếu thông. Lá thông, chồi thông, quả thông và thậm chí cả vỏ thông xay được nhà hàng kết hợp vào các món khai vị, tráng miệng, đồ uống, gia vị, cho đến món chính.Món Woodland martini với cây Giáng sinh tại một quán bar ở London. Không phải loại cây lá kim nào cũng ăn được. Theo Food Meets Science, một số loài thông có thể chứa độc tố hoặc không thích hợp cho hệ tiêu hóa. Các lựa chọn an toàn và phổ biến nhất trong ẩm thực là thông Scots (Pinus sylvestris) và thông Hàn Quốc (Pinus koraiensis). Nguyên liệu giàu dinh dưỡngTheo trang Inverse, cây thông trắng (Pinus strobus) rất giàu vitamin C, mà cụ thể là lớp bên trong của vỏ cây và lá. Người Sámi còn thêm vỏ thông xay vào bột mì để bảo quản bột lâu hơn. Phòng thí nghiệm Thực phẩm Bắc Âu cũng cho biết thêm cây thông không chỉ kéo dài thời hạn sử dụng của bột mì mà còn bổ sung thêm mùi gỗ ấm áp đặc biệt cùng với một chút đặc tính kháng khuẩn. Thêm vào đó, mạch rây của thông có thể là một nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng có lợi như chất xơ, khoáng chất và carbohydrate. Vì những đặc tính bổ dưỡng này, các quan chức Phần Lan trong Thế chiến thứ hai đã khuyên nông dân nên sử dụng thông làm thức ăn cho vật nuôi, theo Atlas Obscura. Tags: Giáng sinhẨm thựcNấu ănCây noelCây thông
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Hàn Quốc muốn mở rộng hợp tác công nghệ cao, hạ tầng giao thông với Việt Nam DUY LINH 15/10/2024 Đây là bày tỏ của ông Chang Ho Jin, cố vấn đặc biệt về ngoại giao và an ninh của tổng thống Hàn Quốc, trong cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
La Nina sắp xuất hiện, thời tiết ở Việt Nam sẽ ra sao? CHÍ TUỆ 15/10/2024 Dự báo từ tháng 11 năm nay, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70% và mùa mưa ở Trung Bộ có thể kết thúc muộn, miền Bắc khả năng xuất hiện rét đậm rét hại kéo dài.
NÓNG: Hàn Quốc công bố 11 khu vực nguy hiểm trên biên giới liên Triều TUỔI TRẺ ONLINE 15/10/2024 Nhà chức trách Hàn Quốc công bố 11 khu vực nguy hiểm ở biên giới liên Triều, trong khi Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế.
Tập đoàn Sun Group đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn 8-10 làn xe ĐỨC PHÚ 15/10/2024 Sun Group đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ dài 78,2km từ 8-10 làn xe, thay vì chỉ 3-4 làn.