TTCT - Trò chuyện với TTCT, giám tuyển Ace Lê của triển lãm "Hồn xưa bến lạ" kỳ vọng người thưởng lãm sẽ tới đây ngắm nhìn các kiệt tác với sự rung động trong tâm hồn, dẫu đây là triển lãm có chi phí tốn kém nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Bức Hai mỹ nữ (The Two Beauties) của Mai Trung Thứ (vẽ khoảng 1942), 58 x 34cm, bột màu trên lụa.50 tác phẩm của bộ tứ Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Vũ Cao Đàm - Lê Thị Lựu, các họa sĩ thời kỳ đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) được nhà đấu giá tranh nổi tiếng thế giới Sotheby’s lần đầu mang về Việt Nam với 4 ngày triển lãm tại khách sạn Park Hyatt Saigon (TP.HCM) hồi giữa tháng 7.Một số bức trong đó có giá trị khủng qua những phiên đấu giá quốc tế, một số chưa bao giờ lộ diện. Điều đặc biệt còn ở chỗ tất cả các bức tranh này đều được các nhà đấu giá người Việt đấu giá thành công. Trò chuyện với TTCT, giám tuyển Ace Lê của triển lãm "Hồn xưa bến lạ" kỳ vọng người thưởng lãm sẽ tới đây ngắm nhìn các kiệt tác với sự rung động trong tâm hồn, dẫu đây là triển lãm có chi phí tốn kém nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.“Chúng tôi ghi nhận vai trò của Việt Nam như một cái nôi văn hóa - nghệ thuật quan trọng. Tại đây, một cộng đồng nhà sưu tập đang phát triển mạnh mẽ với niềm say mê nghệ thuật và động lực học hỏi không ngừng”. (giám đốc điều hành Sotheby’s Đông Nam Á Jasmine Prasetio)Cái tên triển lãm "Hồn xưa bến lạ" có ý nghĩa gì?- Bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm đã lần lượt di cư sang Pháp trong các thập niên 1930-1940, và thường xuyên lồng ghép tâm tư hoài cố hương của mình trong các tác phẩm được sáng tác ở phương trời ngoại. Họ mượn những gì còn đau đáu trong ký ức để thể hiện các lát cắt khác nhau về đời sống và văn hóa Việt trong tranh, thông qua các chủ đề quen thuộc. Dù vẽ hoa cỏ hay cảnh quan, gia đình hay phong tục, văn hóa hay kiến trúc, bộ tứ này đã tạo dựng được những biểu quan thị giác bắt nguồn từ cội rễ Việt, thu hút đông đảo khán giả quốc tế.Bức tranh Cô gái thắt bím tóc và giỏ hoa, bột màu và mực in trên lụa, khoảng những năm 1960 - 1970, 33 x 20cm.Chữ "Hồn" trong tiếng Việt vừa để chỉ phần sâu thẳm nhất của mỗi người, một tiếng nói chung của một dân tộc và nền văn hiến của họ, và cả cốt cách của một tác phẩm nghệ thuật. Tựa đề cho triển lãm hy vọng biểu trưng được những giá trị vĩnh cửu gửi gắm bản sắc Việt trong suốt quãng đời viễn xứ của bốn danh họa. Kết tinh trong thực hành của họ là một hòa âm giữa truyền thống và văn hiến phương Đông với những kỹ thuật mỹ học mới mẻ trong phong trào hậu ấn tượng phương Tây.Vì sao chọn 4 danh họa thời Đông Dương đó mà không thêm hay bớt ai?- Vì xét cả về mặt lịch sử và lịch sử mỹ thuật, hành trình các tác phẩm của bộ tứ này mang tính đại diện lớn cho quá trình trở về nguồn cội của tranh Đông Dương nói chung. Phong cách sáng tác của họ cũng thể hiện sự kết hợp Đông - Tây nhuần nhuyễn: mặc dù sử dụng nhiều kỹ thuật sáng tác du nhập từ Tây phương, nhưng chất cá nhân và bản sắc Việt vẫn được biểu đạt mạnh mẽ.Về mặt thị trường, các tác phẩm của bộ tứ này đã liên tục phá kỷ lục gõ búa, đứng đầu thị trường Việt Nam, vượt qua sức với của đại đa số công chúng và cả các bảo tàng công. Tại Việt Nam, hầu hết khán giả chưa có cơ hội ngắm một bức tranh nào của họ ở ngoài đời. Các tác phẩm hồi hương đều nằm trong tư gia của các nhà sưu tập và bảo trợ nghệ thuật tư nhân, nên việc lựa chọn các tác phẩm này giới thiệu tới công chúng đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc lan tỏa sự tiếp cận với mỹ thuật Đông Dương.Triển lãm này quy tụ 50/200 tác phẩm nghệ thuật Đông Dương lớn nhất tại Việt Nam cả về giá trị lẫn số lượng, anh có thể chia sẻ về giá trị của những bức tranh này?- Do hợp đồng bảo mật với nhà sưu tập và Sotheby’s, tôi không được phép công bố giá trị của từng tranh, nhưng tổng số tiền bảo hiểm cho triển lãm là rất lớn. Là giám tuyển triển lãm, và người bắc cầu giữa nhà sưu tập và Sotheby’s, một trong những vai trò của tôi là đứng giữa làm người thương thuyết, đưa ra một con số bảo hiểm hài lòng với cả hai bên. Với nhà sưu tập, đó có thể là giá họ mua vào (nhiều khi rất cao) hoặc giá họ tự định. Với phía dịch vụ bảo hiểm và Sotheby’s, con số lớn hơn rất nhiều, tính theo công thức tham khảo giá gõ búa của các tác phẩm tương tự (cùng tác giả, giai đoạn, chất liệu, kích cỡ...) trong khoảng chục phiên đổ lại. Hai mức định giá của hai bên có chênh lệch lớn và quá trình điều đình không dễ chút nào. Nhưng rất nhiều tranh trong triển lãm được bảo hiểm ở mức triệu đô.Triển lãm này là bước tiến đầu tiên của Sotheby’s vào thị trường hội họa Việt Nam. Chỉ vài tháng trước, một số cổ vật Việt Nam cũng xuất hiện trong phiên đấu giá cổ vật châu Á tại Sotheby’s Paris với giá trị gõ búa cao. Điều này cho thấy họ đã thấy và nhận định thị trường Đông Nam Á, tiêu biểu là Việt Nam, là mục tiêu hướng tới trong tương lai. Việc phi thương mại cũng là lựa chọn đúng đắn khi tiếp cận cộng đồng yêu nghệ thuật tại Việt Nam.Bức tranh Hai thiếu nữ (Deux Jeunes Femmes) của Vũ Cao Đàm, mực và bột màu trên lụa, vẽ khoảng năm 1939, 47 x 58,5 cmBao nhiêu tác phẩm thuộc sở hữu của người ở nước ngoài? Bao nhiêu tác phẩm thuộc sở hữu người Việt tại đây?- Tất cả các tác phẩm đều được sở hữu bởi nhà sưu tập Việt, đó là một trong những mục tiêu lựa chọn của tôi. Nhiều nhà sưu tập vẫn muốn giấu tên, nhưng chủ nhân các bộ sưu tập được mời tham gia đều có uy tín nhất định trong thị trường, ví dụ bộ sưu tập Quang San hay bộ sưu tập Hàn Ngọc Vũ. Hầu hết các tranh đã được đấu giá trước đó từ nhiều sàn quốc tế khác nhau rồi mang về nước. Do vậy, chúng đều có lý lịch công khai, minh bạch, dễ dàng để công chúng và giới chuyên môn tra cứu, thẩm định thêm, thậm chí gửi ý kiến thảo luận.Việc quy tập những tác phẩm như vậy có những thuận lợi, khó khăn gì?- Thuận lợi lớn nhất là các tác phẩm đều đã có mặt ở Việt Nam. Khó khăn lớn nhất là đảm bảo an toàn cho tranh trong suốt quá trình đóng gói, vận chuyển, kho vận, lắp đặt, triển lãm, tháo dỡ và hoàn trả lại cho nhà sưu tập. Do chưa từng có tiền lệ, tôi và đội ngũ tổ chức đã phải mất rất nhiều thời gian để tuyển lựa các nhà cung cấp dịch vụ đạt chuẩn quốc tế và chuẩn của Sotheby’s. Ví dụ, trong không gian triển lãm lúc nào cũng phải có ít nhất 5 vệ sĩ, và 16 chiếc CCTV kết nối trực tiếp với cơ sở ở Hong Kong 24/7 để đảm bảo an toàn cho các tác phẩm. Việc vận chuyển tất cả các tranh đến triển lãm chỉ trong 1 ngày để lắp đặt cũng là một thách thức lớn, vì liên quan chi phí thuê địa điểm. Tôi thực sự muốn triển lãm kéo dài càng lâu càng tốt để phục vụ được công chúng tốt nhất, nhưng lần này kinh phí chỉ cho phép mở được trong 4 ngày.Trong tất cả các triển lãm thương mại của Sotheby’s, các tác phẩm trưng bày đều được đưa lên sàn đấu giá sau vài ngày ra mắt công chúng, và đến từ những chủ sở hữu gửi bán. Tuy nhiên, đây là triển lãm phi thương mại đầu tiên của Sotheby’s mà không có sự mua bán nào diễn ra. Dự án mở rộng sự tiếp cận của cộng đồng tới các tác phẩm có giá trị cao, vốn nằm tại các tư gia kín cổng cao tường. Việc làm một triển lãm phi thương mại có thể coi là một động thái thăm dò thị trường của Sotheby’s.Thật may mắn cho TP.HCM khi được chọn là nơi đầu tiên của Việt Nam để Sotheby’s giới thiệu 4 bộ sưu tập các tác phẩm tiêu biểu cho 4 phong cách hội họa riêng biệt của từng danh họa. Triển lãm hiếm hoi này, kéo dài có 4 ngày, nên những ai không đến được là điều đáng tiếc, nhất là giới họa sĩ trẻ và sinh viên mỹ thuật, mất đi cơ hội quý giá để tiếp cận các tác phẩm nguyên bản, để rút ra những bài học chuyên môn từ những kiệt tác của các danh họa Việt Nam đang được quốc tế nể phục. Sotheby’s hẳn muốn coi đây là dạo đầu cho một cuộc làm ăn lớn của họ trên một đất nước đang có nhiều triển vọng trở nên thịnh vượng. (họa sĩ Trịnh Cung)Bức tranh Maternité (Tình mẫu tử) của Lê Phổ.Sotheby’s từng va phải những cáo buộc rằng đã đấu giá các tác phẩm giả của các danh họa Đông Dương (2019 với 4 bức), anh đánh giá sao về điều này?- Tất cả các nhà đấu giá quốc tế đều từng dính lùm xùm thật - giả, nhưng tôi đánh giá cao cách Sotheby’s phản hồi một cách cầu thị với những cáo buộc gần đây. Trường hợp bức Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ là điển hình - họ rút lô đấu ngay sau khi gia đình họa sĩ và tôi đưa thông tin khiếu nại. Quan trọng nhất là phải giải quyết được vấn đề gốc rễ - muốn bán tranh Việt thì họ cần có chuyên gia Việt, bởi chuyên gia Trung Quốc đâu có đọc được chữ Nôm. Vậy nên triển lãm lần này là một bước đi quan trọng, khi họ đã viện tới sự hỗ trợ của cộng đồng nghiên cứu trong nước, bằng sự tôn trọng văn hóa lịch sử bản địa, tinh thần làm việc nghiêm túc với tác phẩm, và không chỉ coi chúng là món hàng hóa làm ra lợi nhuận.Còn với tư cách người xem, anh có thể chia sẻ cảm xúc riêng về triển lãm này?- Khi bạn ngắm tranh đẹp, những cảm xúc gợn lên cũng sẽ đẹp. Bỏ ngoài tai những thông tin về giá cả, về danh tiếng tác giả, về hiệu ứng truyền thông, đến triển lãm và ngắm tranh với đôi mắt, rung động của chính bạn. Nếu một bức tranh có khả năng "nói" với bạn theo cách nào đó thì đó sẽ là một tác phẩm đẹp. ■Một góc triển lãm "Hồn xưa bến lạ". Ảnh: Bảo NguyễnTôi thực sự coi đây là một triển lãm phi thường, bởi lần đầu tiên trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam quy tụ được số lượng tranh thời kỳ Đông Dương nhiều như vậy. Trong số 200 tác phẩm, 50 bức đã được chắt lọc, có những tác phẩm mà chỉ nghe tên đã thấy như một huyền thoại. Có rất nhiều người yêu các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ này nhưng chỉ nghe tên, chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy và thưởng ngoạn.Có hai bức làm tôi thật sự xúc động, bức Tình mẫu tử của họa sĩ Lê Phổ. Bức tranh lụa có màu xanh ngọc rất đẹp, diễn tả gương mặt người mẹ cúi nhìn con đang bú. Đôi mắt mẹ lim dim, như hòa niềm hạnh phúc, một bàn tay cô chống lên cằm, ngón tay cong vút - đặc trưng riêng của họa sĩ Lê Phổ. Một bức nữa của họa sĩ Lê Thị Lựu có những gam màu dịu dàng, vừa đẹp vừa sang trọng. Cuộc đời có nhiều trắc trở, mỗi khi về nhà, qua những cơn ưu phiền, ngắm được những bức tranh mà ta thấy bình yên, thì đó là hạnh phúc!(Ngô Kim Khôi, nhà nghiên cứu mỹ thuật Đông Dương) Tags: Mai Trung ThứVũ Cao ĐàmLê Thị LựuHọa sĩLê PhổTriển lãm Sotheby'sHồn xưa bến lạGiá tranh
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.