TTCT - Tỉ lệ dân số đô thị toàn cầu hiện đã là 54% (số liệu của Liên Hiệp Quốc, 2018), và sẽ còn tiếp tục tăng, đi kèm là sự biến mất dần của đất đai dành cho tự nhiên hoang dã. Một giải pháp đang được nhiều chính quyền và người dân đô thị nghĩ ra và khuyến khích: mang tự nhiên vào trong thành phố, bắt đầu với một trong những loài từng rất đông đúc nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất: những con ong. Nguồn thực phẩm của ong trong thành phố đa dạng hơn ở vùng nông thôn. Ảnh: JSTOR DailyĐó là một giải pháp bất ngờ, nhưng được đánh giá đầy hứa hẹn. Các nhà nghiên cứu cho rằng môi trường bêtông hóa ở các đô thị hoàn toàn có thể là nơi chung sống cho con người và các loài sinh vật.Thành phố: Môi trường xanh cho ongOng và các sinh vật thụ phấn giúp nhiều loài cây có hoa sinh sôi và thụ phấn cho hơn 3/4 cây trồng của thế giới. Tính trên toàn cầu, công sức của các loài sinh vật nhỏ bé này “quy ra thóc” với con người ước tính vào khoảng 235 đến 577 tỉ USD.Tuy nhiên, chúng đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố như thay đổi trong nông nghiệp, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm, việc chuyển đổi sử dụng đất, bao gồm quá trình đô thị hóa rầm rộ.Trong vòng hai thập kỷ tính đến năm 2019, lượng bướm vua tại Mỹ mất đến 90% và lượng ong nói chung và ong nghệ nói riêng cũng giảm tương đương. Số lượng chim chỉ riêng Mỹ và Canada cũng đã giảm 2,9 tỉ con so với cách đây 50 năm. Việc sụt giảm các loài thụ phấn đang đe dọa hệ sinh thái và chính nguồn cung thực phẩm của con người, buộc nhiều nơi phải tìm kiếm giải pháp, bao gồm việc chung sống với chúng trong thành phố.Trên sân thượng tòa nhà Greenpoint tại Brooklyn, New York, là một thảm cỏ xanh lung lay trong nắng chiều và những con ong, bướm dập dìu trên các đóa hoa. Không gian xanh ngát này, nằm kẹp giữa một nhà máy xử lý chất thải và một bãi đậu xe đông đúc, cũng thu hút loài bướm vua quý hiếm và nhiều loài chim dừng chân.Hiện có 730 sân thượng xanh như Greenpoint, dù mới chiếm 0,25 trong 162km2 diện tích sân thượng tại New York, theo The New York Times. Sắp tới, những thảm xanh như Greenpoint có thể được nhân rộng khi luật mới của New York áp dụng từ cuối năm nay sẽ buộc các tòa nhà mới xây phải có không gian xanh trên mái hoặc lắp đặt tấm năng lượng mặt trời.Gộp chung lại, những mảng xanh nhỏ này có thể tạo thành hành lang xanh cho các loài côn trùng và chim chóc, chưa kể chúng còn có thể giúp hấp thu đáng kể lượng nước mưa gây ngập lụt hay giải nhiệt cho thành phố. Dù tác động của những hành lang xanh này chưa được đo lường cụ thể, một số nghiên cứu cho thấy những mảng xanh như vậy giúp gia tăng đáng kể các loài sinh vật trong đô thị.Nhiều người có thể nghĩ thành phố không phải là nơi sinh sống cho các loài vật, đặc biệt là các loài hoang dã. “Người ta cho rằng chỉ có loài chuột cống cứng đầu và chim bồ câu mới có thể sống được trong thành phố. Chúng tôi muốn thách thức những gì mà người ta vẫn nghĩ là thuộc về hệ sinh thái đô thị” - Guillermo Fernandez, lãnh đạo Honeybee Conservancy, tổ chức giúp thúc đẩy việc nuôi ong lấy mật trong các thành phố, nói.Thật ra, ong đang thích nghi và thậm chí sống tốt trong môi trường đô thị hơn là tự nhiên, theo một nghiên cứu của Đại học Holloway (Anh) đăng trên tạp chí Royal Society Journal năm 2018. Nghiên cứu so sánh các đàn ong sống trong thành phố và ở nông thôn cho thấy những chú ong “phố thị” khỏe hơn, có nhiều thức ăn hơn, và ít bệnh tật hơn so với ong “nhà quê”.Nguyên nhân được cho là quá trình công nghiệp hóa trong nông nghiệp, như chuyên canh một loại cây trồng, sử dụng nhiều hóa chất... gây ảnh hưởng lớn đến loài ong trong tự nhiên. Ngược lại, ong nuôi trong đô thị có khả năng tạo ra nhiều mật hơn và có tỉ lệ sống sót qua thời tiết khắc nghiệt cao hơn, nhờ môi trường đa dạng các loại cây trồng và không bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu.“Nuôi ong trong đô thị rất quan trọng với hệ sinh thái của chúng ta. Khác với nuôi ong ở nông thôn, môi trường đô thị thường có sự đa dạng sinh học cao hơn do những loài hoa và cây mà con người trồng” - Matt Davis, người đang chăm sóc tám tổ ong trên nóc tòa Bảo tàng Mỹ thuật St. Petersburg, Mỹ, chia sẻ.Nhiều bảo tàng và tòa nhà lớn tại các thành phố, như Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles, Bảo tàng Nghệ thuật Whitney tại New York, cũng bắt đầu nuôi ong như một hình thức bảo vệ và làm tăng nhận thức về đa dạng sinh học ngay trong thành phố.Tại thủ đô Paris của Pháp, trên nóc các tòa nhà nổi tiếng như Nhà hát opéra Garnier, Bảo tàng Musée d’Orsay, Grand Palais, tòa nhà École Militaire, Institut de France, Nhà thờ Đức Bà, hàng trăm đàn ong cũng đang sinh sôi, tạo mật.Do hút mật từ nhiều loại hoa khác nhau, mật của những đàn ong đô thị này có hương vị rất đặc biệt và có giá đến 134 USD/kg, đắt gấp nhiều lần mật ong thông thường. Hay tại Bảo tàng Angewandte Kunst ở thành phố Frankfurt của Đức, khoảng một chục tổ ong được nuôi trong vườn bảo tàng. Nhiều khách sạn trong thành phố như Jumeirah Frankfurt cũng tham gia nuôi ong trên nóc để lấy mật phục vụ ngay trong khách sạn.Chung sốngTuy nhiên, cần nhiều hành động và chính sách hơn nữa để con người thật sự có thể chung sống được với các loài côn trùng trong đô thị. “Sự vắng mặt của ong và các loài thụ phấn khác sẽ xóa sổ cà phê, táo, hạnh nhân, cà chua và ca cao, vốn chỉ là một vài trong số các loại cây trồng dựa vào sự thụ phấn.Các quốc gia cần chuyển sang các chính sách và hệ thống thực phẩm bền vững và thân thiện với các loài thụ phấn hơn” - tổng giám đốc của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), ông Jose Graziano da Silva, nói trong Ngày ong thế giới năm nay, 20-5-2019.Theo ông, mỗi người cũng có thể góp phần nhỏ. “Ngay cả việc trồng hoa tại nhà cũng là nỗ lực giúp đỡ loài ong” - ông nói. Trong khi đó, nghiên cứu tại nhiều thành phố ở Anh của The Conversation cho thấy dù công viên, vạt cây ven đường và không gian xanh khác chiếm khoảng một phần ba diện tích thành phố, chúng vẫn chưa thân thiện với các loài thụ phấn do có ít hoa và cỏ được cắt quá ngắn. Nhưng thành phố Frankfurt đã bắt đầu thay đổi: tăng cường trồng hoa, cỏ trong đô thị và tuyên truyền bảo vệ môi trường sống cho côn trùng.Ngoài ra còn nhiều giải pháp khác, như thiết kế cửa sổ để ngăn va chạm cho chim, côn trùng, điều mà thành phố New York đang đề xuất trong một đạo luật mới, hay trồng các loài cây bản địa ven đường, công viên, để trống đất cho các loài côn trùng sinh trưởng trong đất. New York cùng một số thành phố Mỹ khác như Chicago, Denver và San Francisco, từ cuối năm 2019 cũng sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc hoặc giảm thuế cho việc phát triển các sân thượng xanh trong thành phố và các khu vực lân cận.Thật ra, không phải sân thượng xanh nào cũng có chi phí xây dựng cao như khu vườn trên nóc Nhà hát Broadway, tốn đến 700.000 USD để xây dựng và 300.000 USD cho việc phát triển các chương trình giáo dục cộng đồng về mảng xanh.Để đối phó với những than thở của giới bất động sản cho rằng việc tạo ra một khu vườn trên nóc nhà rất tốn kém, thành phố sẽ “tính tiền” các chủ tòa nhà dựa trên lượng nước mưa chảy xuống từ tòa nhà của họ, trong khi hỗ trợ xây dựng các mảng xanh.Marni Majorelle, nhân viên công ty thiết kế các sân thượng xanh như ở Greenpoint, cho biết hiện công ty của cô vẫn chủ yếu thực hiện các dự án nhỏ trên sân thượng riêng của giới nhà giàu. “Tôi hi vọng sẽ có nhiều chủ bất động sản tham gia” - cô nói.■Hỗ trợ cộng đồngDù giá trị kinh tế không lớn, việc nuôi ong lấy mật trong các đô thị cũng góp phần hỗ trợ các cộng đồng địa phương. Chẳng hạn tại Nhật Bản, việc nuôi ong là thú vui cho người già, nhân viên văn phòng, hay trẻ em ở các thành phố. Ông Masaharu Sasahara, lãnh đạo Hiệp hội ong Settan Nhật Bản tại tỉnh Hyogo, cho biết loài ong mật địa phương rất dễ nuôi.“Tất cả những gì cần làm trước khi thu hoạch mật là thỉnh thoảng kiểm tra ong và tổ ong. Chỉ đơn giản là theo dõi mà không cần di chuyển hay mở tổ ong ra” - ông nói. Trong khi số thành viên của hội Settan ngày càng tăng, một nhóm nuôi ong nghiệp dư tại tỉnh Kyoto cho biết họ bán ra đến 700 tổ để nuôi ong trong năm ngoái.Ở một số nước xuất khẩu mật ong lớn trên thế giới như Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico, ngành nông nghiệp đô thị như nuôi ong đang tăng trưởng đáng kinh ngạc và đóng góp vào sự phát triển.Vì hầu hết việc tạo mật là do đàn ong, nuôi ong là một nghề công nghệ thấp và không đòi hỏi nhiều thời gian và sức lao động, người dân có thể dễ dàng nuôi vài tổ ong như một nguồn thu nhập thứ cấp. Ngoài ra, mật ong có lợi thế hơn các loại cây trồng ở chỗ nó không dễ hư hỏng, cho phép người nuôi dự trữ mật ong trong thời gian lâu. Tags: Ong kêu cứuOng sống chung với ngườiMôi trường xanh cho ongChung sống với ong
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Việt Nam - Myanmar (hiệp 2) 1-0: Vĩ Hào mở tỷ số QUỐC THẮNG 21/12/2024 Trong 45 phút đầu tiên, Việt Nam chơi áp đảo hoàn toàn với 70% thời gian kiểm soát bóng và 14 cú sút, nhưng không thể đưa bóng vào lưới Myanmar. Trong đó cột dọc 2 lần cứu thua cho đội khách.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cung cấp cho mỗi công chức một trợ lý ảo, người kém cũng thành khá giỏi THÀNH CHUNG 21/12/2024 Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với cách làm mới hiện nay, hãy cung cấp trợ lý ảo cho công chức và mỗi khi làm việc gì, cần thông tin gì hãy “hỏi trợ lý ảo”.
Giang hồ cộm cán đem hung khí ra tận mỏ cát bắt chủ 'chia mỏ' VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG 21/12/2024 Giang hồ cộm cán ở Quảng Ngãi cho người ra bãi cát gây chuyện, đe dọa, tạo sức ép rồi ngang nhiên cho xe ra bãi cát doanh nghiệp trúng đấu giá xúc cát mang đi bán. Đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Người dân Làng Nủ cúng tổ tiên trước ngày khánh thành khu tái định cư: 'Ấm cúng và bớt hoang mang' CHÍ TUỆ 21/12/2024 Chiều 21-12, người dân thôn Làng Nủ tất bật chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai (vào sáng 22-12), một số gia đình bắt đầu làm lễ vào nhà mới trong niềm vui lớn.