Hãy đi cùng con suốt chặng đường dài

TTCT - Sau bài viết “Thư gửi cô giáo lớp 1 của con tôi” (TTCT ngày 26-8-2012), chúng tôi đã nhận được bài viết của cô Đỗ Thị Hồng Hải - giáo viên ở Nha Trang, như một phản hồi cho bài viết trên cũng là những gửi gắm của thầy cô giáo cho các bậc phụ huynh.

TTCT xin trích đăng.

Phóng to
Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới - Ảnh: Như Hùng

Một năm học mới bắt đầu. Cô lại đón một chuyến đò mới trong sự nghiệp chèo đò suốt mấy mươi năm của mình. Nhìn những khuôn mặt sáng sủa, xinh xắn của các cô bé, cậu bé lần đầu tiên đi học, lòng cô dâng tràn niềm vui và niềm hi vọng. 12 năm, chặng đường vô cùng quan trọng ấy của cuộc đời một con người, bên cạnh trọng trách của mình, cô có biết bao nhiêu điều muốn gửi gắm đến cha mẹ của các em.

Thưa các bậc phụ huynh,

Khai giảng năm học mới đối với học sinh lớp 1 là một dịp thật đặc biệt. Những giáo viên lớp 1 chúng tôi đón nhận từ phụ huynh đứa con thân yêu với trách nhiệm nặng nề. Suốt 12 năm, chúng tôi phải dạy dỗ để các em trở thành những công dân có ích, một con người phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ, nhân cách và tâm hồn - vốn là mục đích cao cả của ngành giáo dục. Nhưng xin thưa phụ huynh, một mình chúng tôi không đủ khả năng thực hiện những điều lớn lao ấy nếu không có sự kết hợp chặt chẽ từ phía phụ huynh. 12 năm, trước mắt với biết bao đổi thay, vậy nên chúng tôi mong các vị phụ huynh:

- Đừng phó mặc hoàn toàn việc dạy dỗ, chăm sóc con mình cho cô giáo mà hãy xác định rằng khi đưa con vào lớp 1 là sẽ bắt đầu cùng con đi một chặng đường dài với biết bao khó khăn, sự kiên nhẫn, lòng bao dung và cả kiến thức của các bậc cha mẹ.

- Hãy là người bạn lớn của con mình. Cha mẹ thương con, quý con, chăm sóc con thôi chưa đủ mà phải hiểu con. Mỗi lớp học qua đi theo thời gian, cha mẹ phải biết con mình chơi với bạn nào, đang học với thầy cô nào. Hằng ngày các cháu có biết bao chuyện vui buồn trên lớp, cha mẹ hãy là bạn bè để con cái sẻ chia, hãy biết lắng nghe để uốn nắn con đúng cách.

- Đừng quá tham công tiếc việc. Cuộc sống hối hả tất bật, bao điều phải lo toan, việc kiếm ra tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Đừng để con mình phải ngồi sau lưng bác xe ôm xa lạ trên con đường đến trường mà chẳng biết nói chuyện gì. Đừng để những bữa cơm chỉ mình con ăn mau, ăn mải để đến lớp học thêm rồi dần dần cháu càng lầm lì ít nói.

- Hãy cố gắng gìn giữ hạnh phúc gia đình, để con được hưởng không khí yêu thương. Thực tế cho thấy những đứa trẻ hạnh phúc (hồn nhiên, nhiều kỹ năng tốt, học tốt) thường được sống trong một gia đình hạnh phúc.

- Đừng nôn nóng khi thấy cháu học hành không xuất sắc; thấy con người khác học hành nổi bật, đừng vội bắt con mình lao vào các “lò” học thêm triền miên; hãy cho các cháu những phút giây được vui chơi, giải trí, thoải mái nói cười.

- Nếu thấy con mình còn thua kém các bạn, hãy giải thích, động viên, khích lệ cháu cố gắng, đừng mạt sát, đánh mắng vì làm như thế cháu chẳng thể giỏi hơn.

- Và một điều nữa mà cha mẹ cũng nên biết: nếu con mình chưa ngoan, học hành sa sút, hay đánh bạn, vi phạm nề nếp..., hãy đừng bênh con vô lối, hãy bình tĩnh liên hệ với cô giáo, với nhà trường để tìm ra cách dạy con tốt nhất.

Rất mong các quý vị phụ huynh hợp tác để sau 12 năm nữa, cô và mẹ cùng dâng cho cuộc đời, xã hội những thành quả ngọt ngào là những công dân chuẩn mực nhất.

Để trẻ vững tin vào lớp 1, cha mẹ hãy giúp trẻ hình thành những kỹ năng cần thiết. Cha mẹ cần giải thích cho con hiểu vì sao cần đến trường, có lợi gì khi trẻ đi học. Nên kể những điều thú vị ở trường để trẻ cảm thấy hứng thú. Dạy trẻ các kỹ năng giao tiếp với bạn, thực hiện theo yêu cầu của giáo viên.

Ngày khai giảng cha mẹ nên sắp xếp thời gian đưa con đến trường, cần gặp gỡ trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về đặc điểm cá tính của trẻ, điều này đặc biệt cần thiết đối với những trẻ hiếu động hay quá nhút nhát. Sự thích ứng học tập ở trẻ diễn ra khác nhau, cha mẹ không nên đặt ra yêu cầu quá cao mà nên khuyến khích, động viên để trẻ đạt được kết quả tốt hơn, tránh việc so sánh với các trẻ hàng xóm khiến trẻ sẽ nảy sinh tâm lý tự ti, mặc cảm dẫn đến chán nản, mất hứng thú học tập.

Tiếp thu kiến thức mới là một trong những thử thách rất lớn đối với trẻ lớp 1. Trong khi đó hạn chế lớn nhất của trẻ ở lứa tuổi này là rất khó để tập trung vào một việc nhất định. Hướng dẫn trẻ cụ thể cách lắng nghe bài giảng, cách viết bài theo yêu cầu của giáo viên trên lớp… Không được tạo áp lực cho trẻ, đừng áp đặt trẻ một cách gò ép, giúp trẻ làm quen với thời khóa biểu, linh hoạt tạo cho trẻ khoảng thời gian, không gian nghỉ ngơi phù hợp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận